Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/12/2013-15:11:00 PM
Năm 2014, doanh nghiệp phải tự làm mới mình
Dự báo tình hình kinh tế thế giới tuy có khởi sắc trong năm 2014, tăng trưởng toàn cầu về cơ bản đang trên đà phục hồi, dù còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và chưa vững chắc. Vì thế, các chuyên gia cho rằng vào thời điểm này, doanh nghiệp phải tự làm mới mình.

Các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia và đại diện DN tại Hội thảo “Kinh tế 2014 - CEO & Bài họctrong tiến trình phát triển doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) diễn ra ngày 6/12, tại Hà Nội.
Tăng trưởng phục hồi nhưng chưa vững chắc
Theo TS. Võ Trí Thành, năm 2013, tình hình kinh tế đất nước tuy đã có những dấu hiệu cải thiện (kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát về cơ bản được kiềm chế…) nhưng vẫn đang phải đối diện với những thách thức ngắn hạn như: nợ xấu của hệ thống ngân hàng, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, hàng tồn kho, sự trì trệ của thị trường…
Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết số DN ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động trong tháng 11/2013 là 960 DN, tăng 113,3% so với tháng 10/2013 (450 DN). Tính chung 11 tháng năm 2013, con số này là 12.709 DN, nhưng nhìn chung tình hình vẫn còn khó khăn.
Dẫn lại dự báo của Ngân hàng Thế giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết tình hình kinh tế thế giới tuy có những khởi sắc trong năm 2014, tăng trưởng toàn cầu về cơ bản đang trên đà phục hồi, dù còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và chưa vững chắc.
Ở góc độ kinh tế quốc tế, các cam kết FTA mới mà chúng ta tham gia với mức độ tự do hóa và chuẩn mực cao hơn, tốc độ nhanh hơn... đang đặt ra cho Việt Nam thêm thách thức mới. Không những thế, cường độ cạnh tranh cả trong nước và khu vực tăng mạnh (từ các DN FDI, các DN Trung Quốc và nhất là các nước ASEAN từ sau 2015). Đây thực sự sẽ tiếp tục là vấn đề mà DN Việt Nam phải đối mặt đề tìm phương cách thích ứng hiệu quả nhất trong quá trình phát triển.
Nắm chắc cơ hội phân bổ lại nguồn lực
Bên cạnh những thách thức này, bà Phạm Chi Lan cũng chia sẻ về những cơ hội trong năm 2014 mà các DN Việt Nam phải nắm lấy.
Đó là việc Chính phủ quyết liệt thực hiện 3 khâu đột phá, đặc biệt về thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, điều này có thể giúp nền kinh tế dần ổn định và tăng trưởng theo hướng bền vững. Đồng thời, việc tái cơ cấu nền kinh tế tạo nên những cải thiện trong môi trường kinh doanh, phân bổ nguồn lực và chính sách khuyến khích công bằng, hiệu quả hơn. Cải thiện môi trường kinh doanh có thể đến từ các FTA mới như EPA, TPP và EU. Đây sẽ là cơ hội thương mại và thu hút đầu tư về mọi mặt cho DN Việt Nam.
Đặc biệt, sau những khó khăn của nền kinh tế vừa qua, các DN cũng đã thấy rõ được tầm quan trọng phải thay đổi phương thức quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển trong dài hạn. DN Nhà nước và khu vực tư nhân trong nước cũng đang dần lấy lại vai trò động lực của nền kinh tế, cải thiện vị thế trong xuất khẩu và công nghiệp, tăng tham gia vào nông nghiệp, tăng sự liên kiết giữa các doanh nghiệp với nhau. Điều quan trọng là các DN Việt Nam đã đổi mới tư duy và cách thức phát triển dựa vào công nghệ, sáng tạo để tăng năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Để đạt được điều này, bên cạnh định hướng chính sách của Chính phủ, mỗi DN phải nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tri thức doanh nghiệp quốc tế cho rằng hơn lúc nào hết, chính vào thời điểm này, DN phải tự làm mới mình. Trong kế hoạch sử dụng vốn, phải xem phần vốn nào là vốn của mình, phần vốn nào là phải huy động thêm với đối tác. Cùng với động thái đó, DN phải hợp tác và tái cấu trúc nguồn nhân lực. Chỉ có như vậy, thách thức mới trở thành cơ hội.
Còn TS Võ Trí Thành thì cho rằng Việt Nam đang ở thời điểm quyết định cho quá trình chuyển đổi hệ mô hình phát triển bằng việc thiết lập cơ sở nhằm vượt qua "bẫy thu nhập trung bình thấp". Để làm được điều này cần có động lực mới cho đổi mới cũng như các nguồn lực chất lượng cho phát triển. Chìa khóa chính là củng cố lòng tin của thị trường và nhà đầu tư vào sự ổn định kinh tế vĩ mô và công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế./.
Huy Thắng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 887
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)