Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/10/2022-14:31:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2022 thành phố Hải Phòng

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Hoạt động tài chính, ngân hàng

1.1 Tài chính

Ước tính 7 tháng đầu năm 2022, thành phố tiếp tục chỉ đạo, quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên khoáng sản,...

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố tháng 7 năm 2022 ước đạt 7.810,4 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa ước đạt 2.403,2 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 5.406,9 tỷ đồng. Ước 7 tháng/2022 thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 62.616,2 tỷ đồng, đạt 59,3% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 116,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: thu nội địa đạt 22.819,9 tỷ đồng, đạt 55,7% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 122,4% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 38.404,4 tỷ đồng, đạt 64% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 112,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính 7 tháng/2022, trong số thu nội địa: thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 1.616,8 tỷ đồng, đạt 54,4% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 103,2% so với cùng kỳ năm trước; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3.235,5 tỷ đồng, đạt 71,1% và bằng 119,4%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 5.158,1 tỷ đồng, đạt 47,2% và bằng 91,8%; thuế thu nhập cá nhân đạt 2.478,6 tỷ đồng, đạt 74,7% và bằng 121,8%; phí, lệ phí đạt 1.133,4 tỷ đồng, đạt 56,7% và bằng 99,9%...

Tổng chi ngân sách địa phương tháng 7 năm 2022 ước đạt 2.702,7 tỷ đồng; ước 7 tháng/2022 đạt 13.373,1 tỷ đồng, đạt 36,8% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 103,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: tổng chi đầu tư phát triển đạt 6.300 tỷ đồng, đạt 34,7% và bằng 105,3%; chi thường xuyên đạt 6.616,5 tỷ đồng đạt 48% và bằng 102,9% .

1.2. Ngân hàng

Hoạt động ngân hàng 7 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn thành phố tiếp tục đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2% trên tổng dư nợ.

* Công tác huy động vốn

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 31/7/2022 đạt 279.771 tỷ đồng, bằng 110,88% so với cùng kỳ năm trước.

Theo loại tiền: Huy động bằng VND ước đạt 266.139 tỷ đồng, bằng 111,53% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 95,13%; ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 13.632 tỷ đồng, bằng 99,57% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 4,87%.

Theo hình thức huy động: Huy động tiền gửi tiết kiệm ước đạt 164.814 tỷ đồng, bằng 106,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 58,91%; tiền gửi thanh toán ước đạt 109.096 tỷ đồng, bằng 119,17% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 38,99%; phát hành giấy tờ có giá ước đạt 5.861 tỷ đồng, bằng 102,28%, chiếm tỷ trọng 2,1%.

* Công tác tín dụng

Tổng dư nợ cho vay đến 31/7/2022 ước đạt 174.555 tỷ đồng, bằng 126,91% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu dư nợ theo loại tiền: Cho vay bằng VND ước đạt 166.199 tỷ đồng, bằng 128,71% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 95,21%. Cho vay ngoại tệ (quy đổi VND) ước đạt 8.356 tỷ đồng, bằng 99,25% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 4,79%.

Cơ cấu dư nợ phân theo thời hạn vay: Cho vay ngắn hạn ước đạt 89.163 tỷ đồng, bằng 132,03% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 51,08%; cho vay trung, dài hạn ước đạt 85.392 tỷ đồng, bằng 121,96% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 48,92%.

2. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Trong 7 tháng đầu năm 2022, kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong điều kiện bình thường mới, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá một số hàng hóa tăng lên nhưng nhìn chung mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng trên thế giới đã khiến giá hàng hóa, nguyên vật liệu tăng cao khiến những mặt hàng thiết yếu trên cả nước nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng có xu hướng tăng giá.

Giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào; nhu cầu sử dụng điện nước tăng cao do thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tăng 0,71% so với tháng trước; tăng 3,54% so với tháng 12/2021 và tăng 3,79% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 7 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,88% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,9% của 7 tháng đầu năm 2021.

So với tháng trước, CPI thành phố Hải Phòng tháng 7/2022 tăng 0,71% (khu vực thành thị tăng 0,50%; khu vực nông thôn tăng 0,98%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 09 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng tăng, 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước.

Trong 09 nhóm hàng có chỉ số giá tăng

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá tăng cao nhất 1,81% so với tháng trước (tác động làm CPI chung tăng 0,66 điểm phần trăm) do giá thịt lợn, thịt gia cầm tăng.

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 1,14% (tác động làm CPI tăng 0,18 điểm phần trăm) chủ yếu do nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao vào mùa hè.

Nhóm hàng đồ uống và thuốc lá tăng 1,02% (tác động làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm) chủ yếu do giá bia các loại tăng khi nguyên liệu đầu vào để sản xuất bia tăng.

Trong 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm:

Giá xăng dầu trong nước điều chỉnh giảm theo giá dầu thế giới cộng với việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu làm cho chỉ số giá nhóm giao thông giảm 2,69% (tác động làm CPI chung giảm 0,24 điểm phần trăm).

Ngoài ra, giá gas trong nước tháng 7/2022 tiếp tục điều chỉnh giảm 7.000 đồng/bình 12 kg cũng góp phần làm CPI chung giảm 0,02 điểm phần trăm.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 7/2022 tăng 3,79%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá.

Các nhóm hàng tăng giá:

- Nhóm giao thông tháng 7/2022 tăng cao nhất với 17,11% (làm CPI chung tăng 1,5 điểm phần trăm) trong đó từ tháng 7/2021 đến nay giá xăng A95 tăng 27,32%, xăng E5 tăng 26,87%, dầu diezel tăng 54,25%.

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,12% (làm CPI chung tăng 1,51 điểm phần trăm).

- Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 5,73% chủ yếu là do chi phí vận chuyển tăng cao cùng với việc đứt gãy chuỗi cung ứng đã làm cho giá nguyện vật liệu đầu vào tăng cao.

- Nhóm may mặc, giày dép, mũ nón tăng 4,69%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,43%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,49%.

Các nhóm hàng giảm giá:

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 1,04% (làm CPI chung giảm 0,16 điểm phần trăm), là do so với cùng kỳ, thời tiết năm nay nắng nóng xảy ra muộn hơn và số ngày nắng nóng cũng ít hơn làm nhu cầu sử dụng điện, nước giảm. Trong đó, giá điện sinh hoạt giảm 3,22%, giá nước sinh hoạt giảm 0,84%.

Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,15% chủ yếu do giá mặt hàng thiết bị di động thông minh và máy tính bảng giảm khi các cửa hàng giảm giá để kích cầu tiêu dùng.

* Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ:

- Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 7/2022 giảm 2,44% so với tháng trước, tăng 1,75% so với tháng 12/2021 và tăng 2,63% so với cùng tháng năm trước. Giá vàng bình quân tháng 6/2022 dao động ở mức 5,35 triệu đồng/chỉ.

- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2022 tăng 0,72% so với tháng trước, tăng 2,35% so với tháng 12/2021 và tăng 1,79% so với cùng tháng năm trước. Tỷ giá USD/VND bình quân tháng 6/2022 dao động ở mức 23.527 đồng/USD, tăng 167,69 đồng/USD.

3. Đầu tư

Vốn đầu tư thực hiện ước tính tháng 7/2022 đạt 1.376,9 tỷ đồng, bằng 124,06% so cùng kỳ năm 2021. Chia ra: Vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước đạt 936,8 tỷ đồng, bằng 122,2%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 335 tỷ đồng, bằng 128,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 105,1 tỷ đồng, bằng 127,64% so với tháng 7 năm 2021.

Tổng số vốn đầu tư thực hiện 7 tháng năm 2022 đạt 6.328,9 tỷ đồng, bằng 125,7% (tăng 1.294 tỷ đồng) so với 7 tháng đầu năm 2021. Chia ra: Vốn ngân sách nhà nước cấp thành phố ước đạt 4.383 tỷ đồng, bằng 125,11%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 1.507 tỷ đồng, bằng 126,71%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 438,9 tỷ đồng, bằng 128,1% so với 7 tháng cùng kỳ năm trước.

Kết quả thực hiện nguồn vốn đầu tư công trong 7 tháng năm 2022 còn ở mức thấp so với kế hoạch năm. Lý do chủ yếu là tiến độ thi công của các dự án chuyển tiếp và tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư của các dự án khởi công mới còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ vốn và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Trong số 18 dự án chuyển tiếp, còn 4 dự án đã được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư. Bên cạnh đó, còn có một số dự án khởi công mới năm 2022 đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án đầu tư cũng góp phần làm chậm tiến độ giải ngân. Hầu hết đều là các dự án lớn, cần được quan tâm thúc đẩy nhanh như dự án Trung tâm chính trị - hành chính; Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn; đường vành đai 2 đoạn Tân Vũ - Hưng Đạo - đường Bùi Viện; cầu Nguyễn Trãi; cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352; cầu sông Hóa; đường Đỗ Mười kéo dài; khu tái định cư Cát Hải… Các dự án này cũng cần nhanh chóng hoàn tất các thủ tục liên quan để giải ngân theo kế hoạch. Việc triển khai các dự án thuộc chương trình công viên cây xanh và xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Đáng chú ý, tiến độ giải phóng mặt bằng của nhiều dự án còn chậm và khó khăn, vướng mắc rất nhiều, làm ảnh hưởng tới tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Thời gian tới để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, thành phố chủ trương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt chủ trương và phương án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiếp tục nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của từng dự án, từng gói thầu để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án triển khai đảm bảo tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm dự kiến khởi công trong năm cũng đẩy nhanh các công tác chuẩn bị các thủ tục và mặt bằng để triển khai thực hiện.

* Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Tính đến 15/7/2022 Hải Phòng có 825 dự án còn hiệu lực:

Tổng vốn đầu tư : 23.756,46 triệu USD

Vốn điều lệ : 7.473,19 triệu USD

Vốn Việt Nam góp : 233,85 triệu USD

Nước ngoài góp : 7.229,34 triệu USD

Tính từ đầu năm đến 15/7/2022 toàn thành phố có 45 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 678,99 triệu USD và 24 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng là 409,43 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Từ nửa cuối tháng 6 đến 15/7/2022 có 11 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư là 172,63 triệu USD. Đáng kể nhất là 2 dự án sản xuất chế tạo túi khí an toàn (bao gồm túi khí không đường may OPW); sản xuất chế tạo vải may túi khí với tổng số vốn đầu tư 75 triệu USD của nhà đầu tư Trung Quốc và dự án NHÀ MÁY INOAC TẠI VSIP HẢI PHÒNG của nhà đầu tư Nhật Bản với tổng số vốn đầu tư 40 triệu USD.

Có 12 dự án thu hồi/chấm dứt hoạt động (04 dự án trong khu công nghiệp và 08 dự án ngoài khu công nghiệp); 02 dự án chuyển thành dự án 100% trong nước; 01 dự án xin tạm ngừng hoạt động đến hết năm 2022.

4. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung vào công tác gieo trồng và chăm sóc cây hàng năm vụ Mùa, đảm bảo thực hiện trong khung thời vụ tốt nhất. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được đẩy mạnh triển khai thực hiện nhằm chủ động phòng ngừa và đảm bảo kế hoạch sản xuất đã đề ra.

4.1. Nông nghiệp

* Trồng trọt

Thành phố triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất vụ Mùa theo hướng chủ động, linh hoạt nhằm đảm bảo công tác điều tiết nguồn nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và bảo vệ thực vật phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương.

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Mùa đã thực hiện trên toàn thành phố ước đạt 10.827,8 ha, bằng 31,21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích cây lúa ước đạt 7.867,0 ha, bằng 26,88%, diện tích cây ngô ước đạt 145,0 ha, bằng 43,40%, nhóm rau các loại ước đạt 1.785,6 ha, bằng 44,50% so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích gieo trồng cây lúa và cây hàng năm khác trong vụ Mùa năm 2022 có tỷ lệ thấp hơn năm trước là do thời gian thu hoạch lúa vụ Xuân bị kéo dài từ 10 đến 15 ngày so với kế hoạch đề ra. Điều này đã ảnh hưởng đến công tác làm đất chuẩn bị cấy lúa vụ Mùa, công tác điều tiết nước và tiến độ gieo cấy.

Trên cây trồng vụ Mùa, các đối tượng sinh vật gây hại mức độ thấp (169 ha lúa nhiễm ốc bươu vàng, 38 ha cây trồng khác có phát hiện các sinh vật gây hại trên cây), nhìn chung cây trồng sinh phưởng và phát triển thuận lợi.

Trong thời gian tới các địa phương cần tiếp tục tập trung cho công tác chăm sóc cây trồng, chủ động phòng tránh những diễn biến bất thường của thời tiết nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả gieo trồng theo kế hoạch.

* Chăn nuôi

Ước tính tháng 7 năm 2022, số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố hiện có như sau: Tổng đàn trâu ước đạt 4,04 nghìn con, giảm 2,34% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò ước đạt 7,92 nghìn con, giảm 13,61%.

Tổng đàn lợn hiện có ước đạt 141,17 nghìn con, tăng 1,03% so với cùng kỳ năm trước. Giá lợn giống tăng nhẹ so với tháng trước, duy trì ở mức 173,4 nghìn đồng/kg, do nguồn lợn giống ở địa phương giảm.

Chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tiếp tục có xu hướng giảm, tổng đàn gia cầm ước đạt 8.156,68 nghìn con, giảm 5,05% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà ước đạt 6.503,27 nghìn con, giảm 4,43%.

4.2. Lâm nghiệp

Tháng 7 năm 2022, sản lượng gỗ khai thác trên địa bàn thành phố ước đạt 74,3 m3, bằng 91,16% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác ước đạt 3.112,6 ste, bằng 91,99%.

Diện tích rừng trên toàn thành phố chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, các sản phẩm gỗ, củi chủ yếu là thu từ cây trồng phân tán nên ngày càng có xu hướng giảm. Ước tính 7 tháng năm 2022, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 809,1 m3, bằng 92,86% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác ước đạt 21.196,4 ste, bằng 93,28%.

4.3. Thủy sản

Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản tháng 7 năm 2022 ước đạt 15.379,1 tấn, tăng 2,31% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản ước đạt 113.213,2 tấn, tăng 2,30% so với cùng kỳ năm trước.

* Nuôi trồng

Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 7 năm 2022 ước đạt 6.581,2 ha, tăng 0,45% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 7 tháng năm 2022, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 10.486,3 ha, tăng 1,34%.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản thu hoạch tháng 7 năm 2022 ước đạt 5.402,6 tấn, tăng 2,51% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 7 tháng năm 2022 sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 43.728,9 tấn, tăng 2,50%, chia ra: cá các loại đạt 27.372,9 tấn, tăng 2,58%; tôm các loại đạt 3.845,9 tấn, tăng 1,47%; thủy sản khác đạt 12.510,1 tấn, tăng 2,65%.

Khu vực sản xuất - dịch vụ giống chủ động cung ứng con giống phục vụ nhu cầu thả nuôi của người dân; sản lượng giống sản xuất trong 7 tháng năm 2022 ước đạt 2.278,8 triệu con giống các loại, tăng 0,69% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực nuôi nước ngọt thu hoạch cá rô phi, trắm cỏ… đạt kích cỡ xuất bán phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; khu vực nuôi nhuyễn thể, lồng bè tích cực thu hoạch các đối tượng cá song, cá vược, cá giò, ngao, hàu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và khách du lịch; chú trọng chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị để chủ động thích ứng với các hiện tượng thời tiết.

* Khai thác

Sản lượng khai thác thủy sản tháng 7 năm 2022 ước đạt 9.976,5 tấn, tăng 2,20% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 7 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản khai thác của toàn thành phố ước đạt 69.484,3 tấn, tăng 2,17% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng khai thác biển tiếp tục chiếm đa số (tỷ trọng 96% tổng sản lượng khai thác) với 66.681,9 tấn, tăng 2,22% so với cùng kỳ năm trước.

5. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2022 tiếp tục được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã có xu hướng tăng sản lượng trở lại, các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Tuy nhiên, ở một số ngành sản xuất do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng của sản lượng sản xuất.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2022 ước tính tăng 7,76% so với tháng trước và tăng 13,36% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,33% so cùng kỳ; ngành khai khoáng tăng 21,08% còn lại 2 ngành sản xuất và phân phối điện và cung cấp nước, xử lý rác thải giảm lần lượt là 2,37% và 1,65% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 12,09% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chế biến, chế tạo tăng 12,88%, đóng góp 12,14 điểm phần trăm mức tăng chung và ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 5,73%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào mức tăng chung; hai ngành có chỉ số giảm là ngành khai khoáng giảm 20,35% và ngành sản xuất, phân phối điện giảm 0,98% tác động làm giảm tương ứng 0,04 và 0,07 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong 57 nhóm ngành kinh tế cấp 4, một số ngành có IIP 7 tháng/2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất hàng may sẵn tăng 3,7 lần; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính tăng 96,55% so với cùng kỳ; sản xuất linh kiện điện tử tăng 66%; sản xuất máy chuyên dụng tăng 46,81%;... Một số ngành có mức tăng khá như: sản xuất hóa chất cơ bản tăng 36,39%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 36,13%; sản xuất plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh tăng 38,19%; sản xuất săm lốp, đắp, tái chế lốp cao su tăng 32,22%; chế biến và bảo quản thủy sản tăng 31,54%; sản xuất máy nông lâm nghiệp tăng 29,49%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 24,33%;... Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất có chỉ số ước giảm như: sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép giảm 54,95%; sản xuất pin và ắc quy giảm 37,45%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 36,02%; đóng tàu và cấu kiện nổi giảm 27,77%; khai thác đá, cát, sỏi đất sét giảm 20,35%;...

* Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7/2022 ước tăng 0,37% so với tháng trước và tăng 18,06% so với cùng kỳ năm trước; cộng dồn 7 tháng/2022 chỉ số tiêu thụ ước tăng 15,67% so với cùng kỳ, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng rất cao (trên 200%) so cùng kỳ như: sản xuất hàng may sẵn tăng 3,9 lần; sản xuất plastic, cao su tổng hợp dạng nguyên sinh tăng 3,4 lần; chế biến bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 2,4 lần. Một số ngành có mức tăng cao: sản xuất săm, lốp cao su; đắp và tái chế lốp cao su tăng 51,9%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 32,3%;...

Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ ước giảm mạnh như: sản xuất phân bón và hợp chất nito giảm 38,45%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 23,69%; chế biến gỗ giảm 51,66%; sản xuất vải dệt thoi giảm 24,57%;....

* Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/7/2022 dự kiến tăng 2,47% so với tháng trước và tăng 19,69% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho ước tăng cao so cùng kỳ: sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 3 lần; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 3,2 lần; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng tăng 2,5 lần; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 1,7 lần;...

Một số ngành có chỉ số tồn kho so với cùng kỳ ước giảm như: sản xuất bia giảm 69,81%; sản xuất giày dép giảm 81,04%; sản xuất bi, bánh răng hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động giảm 91,52%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 55,08%;...

* Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 7 tháng năm 2022 dự kiến tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: kính nổi hoặc kính đã mài bề mặt ở dạng tấm đạt 534 nghìn tấn, gấp 8,9 lần; mạch điện tử tích hợp sản xuất đạt 22 triệu chiếc, tăng 66%; modun camera trên 77 triệu cái, tăng 84,68%; tivi trên 701 nghìn chiếc, tăng 112,97%;... Một số sản phẩm tăng khá: quần áo các loại sản xuất trên 114 triệu cái, tăng 15,79%; lốp ô tô 1,5 triệu cái, tăng 32,22%; xe mô tô trên 35 nghìn chiếc, tăng 36,13%; máy in offset trên 1 triệu chiếc, tăng 22,58%;... Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ: phân bón chỉ đạt 107,3 nghìn tấn, giảm 36,02% (-36,02%); ắc quy điện các loại đạt 218 nghìn Kwh, giảm 37,45%; bia đóng chai đạt 2,3 triệu lít, giảm 35,32%; máy hút bụi các loại đạt 538,7 nghìn cái, giảm 26,41%; túi khí an toàn sản xuất đạt 7,5 triệu cái, giảm 22,55%; máy giặt loại không quá 10 kg đạt 662,8 nghìn cái, giảm 19,02%;

* Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2022 dự kiến tăng 1,43% so với tháng trước và tăng 12,90% so với cùng kỳ, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 5,78%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 7,94%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,43%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong ngành khai khoáng giữ ổn định so với cùng thời điểm năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,27%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,64%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,85%.

Những ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ gồm: sản xuất thiết bị điện tăng 94,92%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại tăng 62,89%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và các sản phẩm quang học tăng 34,7%. Những ngành có chỉ số sử dụng lao động giảm: dệt giảm 61,65%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 19,44%; sản xuất đồ uống giảm 7,89%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 5,55%;...

6. Thương mại, dịch vụ

Tháng 7/2022 là tháng cao điểm du lịch của thành phố với nhiều sự kiện quảng bá du lịch, đặc biệt là sự kiện xếp xe hình bản đồ Việt Nam tại Đồ Sơn với sự tham gia của 1.680 xe ô tô của những người yêu xe trên mọi miền Tổ quốc đã giúp hoạt động thương mại, dịch vụ lưu trú, ăn uống của thành phố rất sôi động. Tại địa điểm diễn ra sự kiện xếp xe kỷ lục, các hoạt động được tổ chức như: foodtour với gần 20 gian hàng, đầy đủ những món đặc sản hấp dẫn nhất đến từ Hải Phòng, Gala Dinner, bữa tiệc âm nhạc bên bờ biển, các gian hàng trưng bày sản phẩm, trải nghiệm xe ô tô điện, xe máy điện thế hệ mới của Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast …

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7/2022 ước đạt 14.964,2 tỷ đồng, tăng 2,61% so với tháng trước, tăng 18,69% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 7 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 99.290 tỷ đồng, tăng 13,49% so với cùng kỳ năm trước.

- Hoạt động bán lẻ:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 7 năm 2022 ước đạt 12.038,9 tỷ đồng, tăng 2,26% so với tháng trước, tăng 15,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các nhóm ngành hàng đều có ước tính tăng so với tháng trước, cụ thể: doanh thu ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 0,10%; hàng may mặc tăng 3,02%, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 1,43%, vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 6,28%, gỗ và vật liệu xây dựng tăng 1,70%, ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 1,94%, phương tiện đi lại khác tăng 0,87%, xăng dầu các loại tăng 5,35%, nhiên liệu khác tăng 3,10%, đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 3,30%, hàng hóa khác tăng 2,39%, doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 1,39%.

Ước tính 7 tháng năm 2022, tổng doanh thu bán lẻ đạt 81.308,7 tỷ đồng, tăng 13,19% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu ngành bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 12,38%; hàng may mặc tăng 12,87%, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,92%, vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 12,28%, gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,44%, ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 12,31%, phương tiện đi lại khác tăng 12,13%, xăng dầu các loại tăng 16,82%, nhiên liệu khác tăng 16,33%, đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 12,24%, hàng hóa khác tăng 12,75%, doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 11,60%.

Tháng 7 là cao điểm trong mùa nắng nóng nên hoạt động thương mại bán lẻ hàng hóa trên thị trường diễn ra sôi động và gần như không còn bị hạn chế của dịch bệnh Covid-19. Doanh thu một số nhóm ngành hàng có xu hướng tăng bởi yếu tố mùa vụ như: doanh thu ngành hàng lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình, hàng điện tử, điện lạnh, may mặc, vật phẩm văn hóa giáo dục…; một số nhóm khác tăng do chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu và chi phí đầu vào tăng như nhóm nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi...), tuy nhiên nguồn cung hàng hóa các nhóm hàng luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp.

- Hoạt động dịch vụ:

Sau thời gian dài bị ngừng trệ do ảnh hưởng của dịch Covid 19 tính đến thời điểm này hoạt động du lịch và dịch vụ tháng 7 đang phục hồi mạnh mẽ với những con số khá ấn tượng:

- Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 7 năm 2022 ước đạt 257,6 tỷ đồng, tăng 20,87% so với tháng trước và tăng 184,11% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, doanh thu lưu trú đạt 1.191,8 tỷ đồng, tăng 38,77% so với cùng kỳ năm trước.

- Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 7 năm 2022 ước đạt 1.725,5 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng trước và tăng 24,52% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, doanh thu ăn uống đạt 10.873,4 tỷ đồng, tăng 12,67% so với cùng kỳ năm trước.

- Doanh thu du lịch lữ hành tháng 7 năm 2022 ước đạt 23,3 tỷ đồng, tăng 13,6% so với tháng trước (cùng tháng năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động du lịch không có doanh thu). Tính chung 7 tháng/2022, dịch vụ du lịch lữ hành đạt 81,8 tỷ đồng, tăng 75,91% so với cùng kỳ năm trước.

- Doanh thu dịch vụ khác tháng 7 năm 2022 ước đạt 918,9 tỷ đồng, giảm 1,69% so với tháng trước, tăng 26,37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 28,17%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 280,13%; hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân khác tăng 92,00% so với cùng kỳ.

Doanh thu các ngành dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ chủ yếu do cùng tháng năm 2021 dịch Covid-19 bùng phát, các ngành dịch vụ đều ngưng trệ và tạm dừng hoạt động.

Tính chung 7 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 5.834,3 tỷ đồng, tăng 14,39% so với cùng kỳ năm trước.

7. Hoạt động lưu trú và lữ hành

Tổng lượt khách tháng 7/2022 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 1.010,5 nghìn lượt, tăng 8,44% so với tháng trước và tăng 3,67 lần so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 129,3 nghìn lượt, tăng 12,1% so với tháng trước và tăng 41,2 lần so với cùng tháng năm trước.

Cộng dồn 7 tháng/2022, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 4.287,1 nghìn lượt, tăng 62,66% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt gần 329,3 nghìn lượt, tăng 8,45 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đối với hoạt động lữ hành, lượt khách lữ hành của các cơ sở trên địa bàn thành phố tháng 7/2022 ước đạt 10,4 nghìn lượt, tăng 8,45% so với tháng trước (cùng kỳ năm trước hoạt động lữ hành không có doanh thu do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Cộng dồn 7 tháng đầu năm 2022, lượt khách du lịch do các cơ sở lữ hành trên địa bàn thành phố phục vụ ước đạt 40,1 nghìn lượt, tăng 56,02% so với cùng kỳ.

8. Giao thông vận tải

Hoạt động vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và dịch vụ bưu chính, chuyển phát 7 tháng năm 2022 đã có mức tăng trưởng nhất định, nhờ những thuận lợi về thị trường, nhu cầu vận chuyển tăng, giá cước vận chuyển tăng, cơ sở hạ tầng thuận lợi,… nhiều doanh nghiệp vận tải biển đã có mức doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ.

Dự kiến tháng 7 năm 2022, tổng doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát đạt 8.310,7 tỷ đồng, tăng 1,35% so với tháng trước và tăng 24,5% so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm ước đạt 58.123,3 tỷ đồng, tăng 18,74% so với cùng kỳ năm trước.

8.1. Vận tải hàng hoá

Khối lượng hàng hoá vận chuyển tháng 7 năm 2022 ước đạt 22,1 triệu tấn, tăng 1,09% so với tháng trước và tăng 24,48% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 7 tháng đầu năm năm 2022 đạt 155,1 triệu tấn, tăng 16,42% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hàng hóa luân chuyển tháng 7 năm 2022 ước đạt 9.497,8 triệu tấn.km, tăng 0,59% so với tháng trước và tăng 16,82% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 7 tháng năm 2022 đạt 65.943,2 triệu tấn, tăng 13,42% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển tháng 7 tăng so với tháng trước do các doanh nghiệp vận tải nhận được nhiều đơn hàng hơn tháng trước, nhu cầu vận chuyển hàng hoá trong tháng tăng.

8.2. Vận tải hành khách

Khối lượng hành khách vận chuyển tháng 7 năm 2022 ước đạt 4,3 triệu lượt, tăng 5,45% so với tháng trước, tăng 143,71% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 7 tháng năm 2022 đạt 20,7 triệu lượt, giảm 10,28% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hành khách luân chuyển tháng 7 năm 2022 đạt 170,4 triệu Hk.km, tăng 5,06% so với tháng trước, tăng 130,8% so với cùng tháng năm trước. Ước 7 tháng năm 2022 đạt 843,5 triệu Hk.km, giảm 11,01% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng hành khách vận chuyển và luân chuyển tháng 7 tăng so với tháng trước tăng chủ yếu ở khối đường bộ và đường biển do tháng 7 là tháng cao điểm mùa du lịch biển ở Hải Phòng nên nhu cầu khách đi lại bằng taxi, xe khách, tàu biển… tăng cao.

8.3. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải

Doanh thu dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 7 năm 2022 ước đạt 3.894 tỷ đồng, tăng 0,76% so với tháng trước và tăng 22,48% so với cùng tháng năm trước. Ước 7 tháng năm 2022 doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 27.603,4 tỷ đồng, tăng 17,28% so với cùng kỳ năm trước.

8.4. Sân bay Cát Bi

Tháng 7 năm 2022 tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt 33,2 tỷ đồng, giảm 4,91% so với tháng trước, tăng 193,6 lần so với cùng kỳ. Cộng dồn 7 tháng/2022, tổng doanh thu của Sân bay Cát Bi ước đạt gần 166,6 tỷ đồng, tăng 100,12% so với cùng kỳ năm trước.

Số lần máy bay hạ, cất cánh tháng 7 năm 2022 ước đạt 2.028 chuyến, giảm 3,2% so với tháng trước, tăng 507 lần so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 7 tháng đầu năm 2022, số lần máy bay hạ, cất cánh ước đạt 10.548 chuyến, tăng 77,43% so với cùng kỳ.

Tổng số hành khách tháng 7 năm 2022 ước đạt 354,2 nghìn lượt người, giảm 3,61% so với tháng trước, tăng 785,4 lần so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 7tháng/2022, tổng số hành khách vận chuyển ước đạt hơn 1.679,5 nghìn lượt người, tăng 128,73% so với cùng kỳ.

Tổng số hàng hóa tháng 7 năm 2022 ước đạt 11.050 tấn, giảm 11,33% so với tháng trước. Cộng dồn 7 tháng đầu năm 2022, tổng số hàng hóa ước đạt 32.217 tấn, tăng 4,81 lần so với cùng kỳ.

9. Hàng hoá thông qua cảng

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tháng 7 năm 2022 ước đạt 12.989,8 nghìn TTQ, giảm 3,15% so với tháng trước và tăng 9,65% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:

- Khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước ước đạt 5.009,2 nghìn TTQ, giảm 7,45% so với tháng trước, tăng 5,2% so với cùng tháng năm trước, trong đó:

+ Cảng thuộc khối doanh nghiệp nhà nước Trung ương ước đạt 5.007,4 nghìn TTQ, giảm 7,41% so với tháng trước, tăng 5,28% so với cùng kỳ.

+ Cảng thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước địa phương ước đạt 1,8 nghìn TTQ, giảm 60,06% so với tháng trước, giảm 66,65% so với cùng kỳ.

- Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 7.980,6 nghìn TTQ, giảm 0,24% so với tháng trước, tăng 12,65% so với cùng kỳ.

Hàng hóa thông qua cảng biển trên địa bàn thành phố 7 tháng/năm 2022 ước đạt 84.550,4 nghìn tấn, tăng 7,94% so với cùng kỳ.

* Doanh thu cảng biển tháng 7 năm 2022 của khối cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 505,5 tỷ đồng, giảm 10,08% so với tháng trước, tăng 7,71% so với cùng kỳ. Doanh thu cảng biển 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt 3.797,5 tỷ đồng, tăng 12,24% so với cùng kỳ.

II. VĂN HÓA - XÃ HỘI

Đại dịch Covid-19 hiện nay cơ bản đã được kiểm soát so với thời điểm đầu năm 2022, đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

1. Giải quyết việc làm, an sinh xã hội

* Công tác Lao động, việc làm

Trong tháng 7/2022, Sàn giao dịch việc làm tổ chức 03 phiên giao dịch việc làm, có trên 100 lượt doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng trên 25.000 lượt lao động; cung lao động tại Sàn được 10.500 lượt người; tiêp nhận hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ước cho 1.830 người, số người có quyết định hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 2.330 người. Ước cấp mới 350 giấy phép lao động, cấp lại 20 giấy phép lao động, gia hạn 15 giấy phép lao động, xác nhận 03 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Hướng dẫn tiếp nhận Thỏa ước lao động tập thể của 26 doanh nghiệp và ra thông báo thực hiện Nội quy lao động cho 23 doanh nghiệp; không xảy ra đình công, xảy ra 01 vụ tai nạn lao động làm chết 01 người.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, Sàn giao dịch việc làm ước tổ chức được 19 phiên giao dịch việc làm định kỳ và 03 phiên giao dịch lưu động tại một số đơn vị trên địa bàn thành phố với sự tham gia tuyển dụng của 570 lượt doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng là 127.300 lao động, cung lao động tại Sàn được 60.500 lượt người. Số người đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 10.900 người, giảm 4,58% so với cùng kỳ năm 2021; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 9.840, giảm 8,72% so với cùng kỳ năm 2021 với số tiền 217,6 tỷ đồng, tăng 2,01% so với cùng kỳ năm 2021; qua giải quyết chế độ thất nghiệp đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 10.900 người, giảm 4,58% so với cùng kỳ năm 2021. Ước cấp mới 2.240 giấy phép lao động, cấp lại 140 giấy phép lao động, gia hạn 100 giấy phép lao động, xác nhận 18 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy lao động. Thực hiện thẩm định 149 hồ sơ nội quy lao động và ra thông báo thực hiện nội quy lao động được 53; đã tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của 104 doanh nghiệp. Tiếp nhận và giải quyết 131 bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng sản phẩm. Tiếp nhận khai báo sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt của 111 bộ hồ sơ của 108 đơn vị, doanh nghiệp khai báo. Triển khai kiểm tra công tác việc làm, an toàn, vệ sinh lao động và lao động nước ngoài: đã thực hiện việc kiểm tra 14 đơn vị, doanh nghiệp. Đến thời điểm báo cáo trên địa bàn thành phố xảy ra 04 cuộc đình công, ngừng việc tập thể, khoảng 2.940 lao động tham gia; xảy ra 07 vụ tai nạn lao động chết người làm 08 người chết.

* Công tác giáo dục nghề nghiệp

Trong tháng 7/2022, hoàn thiện Báo cáo sơ kết đánh giá thi hành chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trình Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố. Triển khai các Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, UBND các quận, huyện tổ chức tiếp xúc, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trở về địa phương năm 2022; báo cáo Tổng cục GDNN về việc thực hiện quy định hệ thống đảm bảo chất lượng của cơ sở GDNN năm 2021; báo cáo rà soát cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN trên địa bàn thành phố, thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN cho 01 Trung tâm GDNN và cho 01 doanh nghiệp, tổ chức thẩm định trình UBND thành phố xếp hạng cho 05 cơ sở GDNN công lập thuộc thành phố.

Đế thời điểm báo cáo, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố gồm: 19 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp, 12 trung tâm GDN, 14 trung tâm GDNN và GDTX quận, huyện và 10 cơ sở hoạt động GDNN. Tuyển sinh GDNN ước đạt 25.1 học sinh-sinh viên, đạt 47,9% kế hoạch năm và bằng 103 so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 85,7% tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo chứng chỉ, bằng cấp từ 3 tháng trở lên đạt 36,5% tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021.

* Công tác người có công

Trong tháng 7/2022, quyết định, đề nghị thực hiện chính sách đối với 554 trường hợp, gồm: trợ cấp mai táng phí đối với 439 người; trợ cấp hàng tháng đối với 50 người; chế độ thờ cúng liệt sĩ: 65 liệt sĩ. Tiếp nhận, thẩm định để thực hiện chính sách và phục vụ công tác quản lý đối với 765 trường hợp. Xác nhận, công nhận người có công và quyết định cho hưởng chế độ đối với 48 trường hợp. Thăm hỏi, tặng quà Người có công và thân nhân nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7 với tổng số tiền trên 240,72 tỷ đồng, tăng 108,96% so với năm ngoái, trong đó: quà thành phố 226,74 tỷ đồng (tăng 9,5% so với năm 2021); tặng quà tập thể cho 03 cơ sở sản xuất kinh doanh của thương, bệnh binh, 35 gia đình chính sách tiêu biểu, 03 Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh nặng, trị giá 155,5 triệu đồng; quà Chủ tịch nước với tổng kinh phí 13,83 tỷ đồng (tăng 0,87% so với năm 2021).

Trong 7 tháng đầu năm 2022, quyết định, đề nghị thực hiện chính sách đối với 1.804 trường hợp, gồm: trợ cấp một lần đối với 1.457 người; trợ cấp hàng tháng đối với 109 người; chế độ thờ cúng liệt sĩ đối với 238 liệt sĩ. Tiếp nhận, thẩm định để thực hiện chính sách và phục vụ công tác quản lý đối với 3.672 trường hợp. Kết quả xác nhận, công nhận người có công, quyết định cho hưởng chế độ đối với 142 trường hợp. Cung cấp kết quả thẩm định danh sách hộ người có công hỗ trợ nhà ở theo đề nghị của Sở Xây dựng với tổng số 665 hộ.

* Công tác Giảm nghèo - Bảo trợ xã hội

Trong tháng 7/2022, hoàn thiện hồ sơ, trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố. Tổng hợp tiếp thu giải trình, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế các nhóm đối tượng xã hội giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, đã tiếp nhận 95 người vào Trung tâm nuôi dưỡng Bảo trợ xã hội. Tổng số lượng các đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội là 734 người (bằng 98,39% so với cùng kỳ năm ngoái). Tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố đạt 208 lượt người. Tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 633/QĐ-UBND ngày 25/02/2022 phê duyệt phương thức chi trả chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn thành phố. Xin chủ trương xây dựng Nghị quyết quy định mức quà tặng chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố.

* Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội

Trong tháng 7/2022, tổ chức tiếp nhận, cai nghiện ma túy tập trung cho 92 lượt người; cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 43 người. Điều trị Methadone toàn thành phố (18 cơ sở) cho 3.950 người, trong đó ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang quản lý 06 cơ sở điều trị cho 1.232 người. Đoàn kiểm tra 178 thành phố đã tiến hành kiểm tra 06 buổi tại 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, tổ chức tiếp nhận, cai nghiện ma túy tập trung cho 1.235 lượt người (bằng 68% so với cùng kỳ năm trước); cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 150 người (bằng 129,3% so với cùng kỳ năm trước). Điều trị Methadone toàn thành phố (18 cơ sở) cho 3.950 người, trong đó ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang quản lý 06 cơ sở điều trị cho 1.351 người (bằng 98,25% so với cùng kỳ năm trước). Tổ chức xét nghiệm ma túy 02 đợt cho 84 đối tượng, kết quả có 23 trường hợp dương tính với chất ma túy.

2. Giáo dục - Đào tạo

Trong hai ngày 7/7 và 8/7/2022, thành phố Hải Phòng đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; công tác thi được tổ chức nghiêm túc, các điểm thi tổ chức kỳ thi chu đáo, trách nhiệm theo đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thành phố; bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, thực hiện nghiêm quy chế thi. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, Hội đồng thi số 3 - Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng có 49 điểm thi, trong đó có 40 điểm thi đặt tại trường trung học phổ thông công lập; 8 điểm đặt tại trường trung học phổ thông ngoài công lập; 1 điểm đặt tại trường trung học cơ sở. Toàn thành phố có 22.573 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, trong đó có 21 học sinh được miễn tất cả các môn thi (18 học sinh khuyết tật nặng và 3 học sinh tham gia đội tuyển Olympic quốc gia); 2.096 học sinh được miễn thi môn ngoại ngữ. Ngành giáo dục thành phố điều động 3.024 cán bộ, công chức, viên chức tham gia kỳ thi; huy động 343 cán bộ, công chức, viên chức chấm thi.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện quản lý các các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố theo đúng chức năng và thẩm quyền quy định. Tích cực tham mưu có hiệu quả các văn bản quản lý hành chính nhà nước tạo hành lang pháp lý phát triển giáo dục thành phố. Thường xuyên tổ chức kiểm tra đánh giá, tư vấn, giám sát các đơn vị thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước về công tác tổ chức quản lý, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên và học sinh trong các cơ sở giáo dục

3. Y tế và An toàn vệ sinh thực phẩm

* Công tác y tế dự phòng

Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19

Trong tháng 7/2022, thành phố chủ động nhận định tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới để tham mưu xây dựng kế hoạch phòng chống dịch phù hợp với bối cảnh thực tế. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi bổ sung, mũi nhắc lại và vắc xin cho các đối tượng có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Chủ động, tăng cường giám sát tích cực phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Tính đến ngày 23/7/2022, số ca mắc là 326.040 ca, số ca hồi phục xuất viện là 325.502 ca; đang điều trị là 382 ca; số ca tử vong là 156 ca.

Số cơ sở cách ly y tế: cách ly tại nhà, nơi cư trú là 87 người. Xét nghiệm: tổng tích lũy từ ngày 23/3/2020 đến ngày 23/7/2022 đã lấy 2.987.183 mẫu xét nghiệm; tính trong thời gian từ ngày 27/4/2021 đến ngày 23/7/2022 đã lấy 2.876.906 mẫu xét nghiệm. Tiêm vắc xin: tổng tích lũy mũi tiêm đến nay: 5.030.649 mũi (người lớn: 4.383.369 mũi; trẻ em từ 12-17 tuổi: 419.216 mũi; trẻ em từ 5-11 tuổi: 228.064 mũi).

*Công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm khác

Tình hình các bệnh truyền nhiễm gây dịch trong toàn thành phố tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022: bệnh sốt xuất huyết trong tháng ghi nhận 7 ca, tích lũy 7 tháng là 45 ca; bệnh chân tay miệng trong tháng ghi nhận 257 ca, tích lỹ 7 tháng là 739 ca; bệnh thủy đậu trong tháng ghi nhận 3 ca, tích lũy 7 tháng là 50 ca; bệnh quai bị trong tháng không ghi nhận ca mắc, tích lũy 7 tháng là 12 ca; bệnh tiêu chảy trong tháng ghi nhận 52 ca mắc, tích lũy 7 tháng là 394 ca; bệnh lỵ trong tháng ghi nhận 6 ca mắc, tích lũy 7 tháng là 30 ca; bệnh cúm trong tháng 7 ghi nhận 95 ca, tích lũy 7 tháng đầu năm là 745 ca mắc.

Công tác tiêm chủng mở rộng: tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt: 15.611 trẻ, tiêm chủng vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh đạt: 10.027 trẻ, tiêm nhắc lại vắc xin sởi mũi 2 đạt 143.081 trẻ, tiêm chủng vắc xin uốn ván đủ liều cho phụ nữ mang thai là: 14.226 phụ nữ, tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ 1-2 tuổi toàn thành phố đạt: 15.091 trẻ.

* Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

Thành lập các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu du lịch và Đồ Sơn, Cát Bà năm 2022, kiểm tra 50 cơ sở và đã xử phạt 01 cơ sở với số tiền 8 triệu đồng với lỗi thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn. Xử phạt một công ty trên địa bàn thành phố về vi phạm quy định an toàn thực phẩm với số tiền là 135 triệu đồng.

Kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể năm 2022 trên địa bàn thành phố tại 08 cơ sở và không phát hiện các vi phạm; kiểm tra các cơ sở sản xuất nước đóng chai, nước đá dùng liền 03 cơ sở và đạt yêu cầu.

* Công tác phòng chống HIV/AIDS

Ước tính 7 tháng đầu năm 2022, lũy tích người nhiễm HIV là 11.599 người; lũy tích số người chuyển sang AIDS là 6.348 người; lũy tích số người chết do AIDS là 5.381 người; số người nhiễm HIV hiện còn sống là 6.218 người. Số liệu dịch phát hiện trong kỳ báo cáo giảm về số nhiễm HIV. Tính đến thời điểm báo cáo, Ngành y tế đang điều trị Methadone cho 2.750 bệnh nhân; đề án Thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày đã cấp cho 522 bệnh nhân tại 08 cơ sở điều trị.

4. Văn hóa - Thể thao

Thành phố đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2022); thực hiện tốt công tác quản lý các hoạt động văn hóa, văn nghệ, kinh doanh dịch vụ văn hóa, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên địa bàn. Tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch điểm cầu Hải Phòng. Tiếp tục thực hiện các dự án: cải tạo, sửa chữa Nhà thi đấu Khu liên hợp thể thao Hải Phòng; số hóa, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn thành phố; triển khai công tác chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa, thể thao và gia đình năm 2022 và xây dựng dự án chuyển đổi số tại Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố.

Dự thảo Kế hoạch Tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2022) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022). Triển khai Kế hoạch phối hợp tổ chức Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc - Giải Sao mai 2022 (Từ ngày 11/9/2022 - 16/10/2022, kế hoạch dàn dựng chương trình (vở kịch nói “Đến bờ bên kia” và vở múa rối) chuẩn bị tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm, dự kiến tổ chức vào tháng 11/2022 tại Hà Nội, kế hoạch tổ chức “Cuộc thi Tài năng Múa rối toàn quốc - 2022” vào tháng 8/2022 tại thành phố Hải Phòng.

Triển khai tổ chức giải Bóng đá Hoa Phượng - Cup Báo Hải Phòng lần thứ XII năm 2022; Giải bơi cứu đuối Thanh thiếu nhi toàn quốc “Đường đua xanh” năm 2022; Thành lập đội tuyển Võ cổ truyền Hải Phòng tham dự giải Vô địch Cúp các Câu lạc bộ Võ cổ truyền toàn quốc lần thứ XI năm 2022 (từ ngày 07-18/7/2022 tại Đà Nẵng). Kiểm tra, thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn thành phố. Triển khai tổ chức giải Bóng đá Hoa Phượng - Cup Báo Hải Phòng lần thứ XII năm 2022; Giải bơi cứu đuối Thanh thiếu nhi toàn quốc “Đường đua xanh” năm 2022; Thành lập đội tuyển Võ cổ truyền Hải Phòng tham dự giải Vô địch Cúp các Câu lạc bộ Võ cổ truyền toàn quốc lần thứ XI năm 2022 (từ ngày 07-18/7/2022 tại Đà Nẵng). Kiểm tra, thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn thành phố.

5. Tình hình trật tự an toàn giao thông

Từ ngày 15/6/2022 đến ngày 14/7/2022, toàn thành phố xảy ra 03 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 02 người chết và 01 người bị thương. Số vụ tai nạn giao thông và số người chết không tăng, không giảm so với cùng kỳ năm trước, số người bị thương giảm 02 người so với cùng kỳ năm trước. Các vụ tai nạn chủ yếu từ va chạm cá nhân, do người dân chưa chấp hành đúng luật, không tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông đường bộ, 01 vụ tai nạn giao thông đường sắt. Các vụ tai nạn giao thông làm chết 33 người và bị thương 05 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 06 vụ với cùng kỳ năm ngoái (tương ứng giảm 14,63%), số người chết không tăng không giảm so với cùng kỳ năm ngoái và số người bị thương giảm 18 người năm ngoái (tương ứng giảm 78,26%).

6. Công tác phòng chống cháy, nổ

Từ ngày 15/6/2022 đến ngày 14/7/2022, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã xảy ra 11 vụ cháy, không gây thiệt hại về người, giá trị thiệt hại về tài sản đang trong quá trình xác minh.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 43 vụ cháy, giảm 08 vụ so với cùng kỳ năm trước (tương ứng giảm 15,69%), làm 01 người chết, không có người bị thương, nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do tình trạng bất cẩn trong cách sử dụng các thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao; một số vụ cháy thảm thực bì rừng gây thiệt hại ước tính là 8,1 ha, các vụ cháy khác đang trong quá trình điều tra, xác định giá trị thiệt hại về tài sản. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục chú trọng tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm dễ xảy ra cháy nổ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy./.


Cục Thống kê thành phố Hải Phòng

  • Tổng số lượt xem: 398
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)