(MPI) – Nhằm kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế, góp phần đề xuất các định hướng, chính sách, giải pháp cho Chính phủ, các cơ quan ban ngành, đồng thời thúc đẩy hợp tác xây dựng và triển khai các chương trình, dự án thiết thực, góp phần phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 30/10/2022 đã diễn ra Diễn đàn Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề Khoa học và Công nghệ - Động lực cho đổi mới và phát triển. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.
Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức quốc tế.
|
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VOV |
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển bền vững Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đã có nhiều quyết sách và giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.
Diễn đàn nhằm mục tiêu tạo ra không gian cho các bên liên quan, từ các Trường, các viện, các tổ chức phát triển và doanh nghiệp trong và ngoài nước, cùng với cơ quan quản lý Nhà nước các cấp tham gia, trao đổi, chia sẻ và hợp tác nhằm đề xuất những phát kiến mới mang tính đột phá, những giải pháp căn bản và toàn diện hướng đến thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là một trong những hành động cụ thể để thực hiện thành công Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có địa chính trị quan trọng, nối kết đường hàng hải với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và hành lang kinh tế với Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; là vùng trọng điểm sản xuất lương thực và kinh tế nông nghiệp, đóng góp rất lớn vào đảm bảo an ninh lương thực và kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của quốc gia. Tuy nhiên, Vùng đang và sẽ đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sự suy giảm dòng chảy và lưu lượng trầm tích của sông Mê Kông.
Quy hoạch vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một bản quy hoạch mới với tầm nhìn dài hạn, tư duy mới, dựa trên một nguyên tắc rất cơ bản là “phát triển thuận thiên”; định hướng phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Biến thách thức thành cơ hội; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị, trong đó chú trọng phát huy có hiệu quả các nguồn lực về con người, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp và chuyển đổi số. Với định hướng đó, Thứ trưởng tin tưởng rằng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ vượt qua các thách thức; phát huy thế mạnh nội tại, chuyển hóa thách thức thành cơ hội phát triển và là tiền đề cần thiết để chuyển mình, phát triển đúng với tầm vóc trong giai đoạn mới.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, để khai thác hiệu quả các tiền đề cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, giáo dục và đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng; các lãnh đạo các tỉnh, thành phố, viện trường, cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, nhận thức đầy đủ mục tiêu phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long. Các mục tiêu này phải được lồng ghép, tích hợp hài hòa trong chiến lược phát triển của từng địa phương, từng đơn vị trong giai đoạn mới. Đồng thời, các hành động chiến lược của từng mục tiêu phải được cụ thể hóa bằng những chương trình, những hoạt động hàng ngày; thành phố Cần Thơ hợp tác với các bộ, ngành, Trường Đại học Cần Thơ và các đơn vị liên quan, cần phối hợp sớm thành lập và vận hành hiệu quả Trung tâm khởi nghiệp, Đổi mới, Sáng tạo vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn vùng, cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thứ trưởng Trần Duy Đông bày tỏ mong muốn các quốc gia trên thế giới, lãnh đạo địa phương trong Vùng, doanh nghiệp, nhà khoa học, các viện, trường chung tay, đóng góp trí tuệ và nguồn lực nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển hiện đại, nhanh và bền vững, toàn diện, sinh thái, văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long như định hướng của Đảng và mục tiêu của Chính phủ đã đề ra.
|
Ảnh: MPI |
Cùng ngày, trong các hoạt động nhân chuyến công tác tại thành phố Cần Thơ, Thứ trưởng Trần Duy Đông đã khảo sát và làm việc tại Vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tại KCN Trà Nóc, thành phố Cần Thơ. Vườn ươm có tổng diện tích trên 13 nghìn m2 do được đầu tư từ nguồn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và nguồn đối ứng của Việt Nam, chuyên hỗ trợ ươm tạo, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm thuộc các lĩnh vực: chế biến nông sản, chế biến thủy sản và cơ khí chế tạo phục vụ chế biến nông, thủy sản.
Tại Trường Đại học Cần Thơ, Thứ trưởng Trần Duy Đông đã làm việc với GS. Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường và GS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ về các nội dung hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và nông nghiệp sáng tạo giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Trường Đại học Cần Thơ nhằm kết nối các cơ sở đổi mới sáng tạo của Trường (Trung tâm đổi mới sáng tạo do USAID tài trợ và Tòa nhà Công nghệ cao do JICA tài trợ) với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trung tâm Phát triển Nông nghiệp sáng tạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư