(MPI) - Ngày 07/11/2022 đã diễn ra Hội thảo tham vấn ý kiến đối với báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm tham vấn ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang bộ là thành viên Hội đồng thẩm định; các Ủy viên phản biện, chuyên gia thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra những định hướng lớn về bảo vệ môi trường và thông qua Hội thảo nhằm giúp Tỉnh hoàn thiện Báo cáo đảm bảo chất lượng, đưa ra được khuyến nghị để thực hiện quy hoạch hiệu quả, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Đinh Thanh Tâm đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về các nội dung của quy hoạch có khả năng tác động đến môi trường; thành phần môi trường, di sản thiên nhiên, điều kiện về kinh tế - xã hội khu vực có khả năng tác động bởi quy hoạch; đánh giá sự phù hợp của quan điểm, mục tiêu quy hoạch với quan điểm, mục tiêu, chính sách về bảo vệ môi trường; đánh giá, dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính; phương hướng và giải pháp trong thực hiện quy hoạch.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Dương Văn Ngoảnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng cho biết, ngay sau khi nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tỉnh đã triển khai ngay công tác lập quy hoạch tỉnh với mong muốn khi hoàn thành sẽ hình thành khuôn khổ pháp lý, làm cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; là một trong những công cụ quản lý nhà nước của tỉnh giúp hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, đảm bảo tính kết nối đồng bộ; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; là cơ sở để quản lý và thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Trong quá trình thực hiện xây dựng quy hoạch, tỉnh Sóc Trăng tuân thủ đúng quy định thường xuyên giữ mối liên hệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nắm bắt tình hình. Cùng với lập quy hoạch, Tỉnh cũng đã tổ chức lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, tổ chức tham vấn các cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về môi trườngg, lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Tỉnh Sóc Trăng mong muốn nhận được ý kiến quý báu của các đại biểu, giúp Tỉnh hoàn thiện báo cáo đánh giá môi trường, hoàn thiện hồ sơ lập quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo đúng quy định, chất lượng.
Theo báo cáo đánh môi trường chiến lược quy hoạch được trình bày tại Hội thảo, tỉnh Sóc Trăng xác định 05 vấn đề môi trường chính gồm, suy giảm trữ lượng và chất lượng mặt nước, nước dưới đất; áp lực gia tăng chất thải rắn; suy thoái các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; ô nhiễm và suy thoái chất lượng đất; suy giảm chất lượng không khí.
|
Ông Dương Văn Ngoảnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Quan điểm chính của quy hoạch tỉnh là phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế, phát triển mạnh kinh tế biển; xây dựng hệ thống đô thị xanh, thông minh; các khu cụm công nghiệp và dịch vụ; khai thác và sử dụng tối ưu kết cấu hạ tầng; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Xây dựng quy hoạch với mục tiêu tổng quát là từng bước thu hẹp và tiến kịp quá trình phát triển chung của đất nước, đưa tỉnh Sóc Trăng trở thành tỉnh phát triển khá, trở thành vùng đất trung lưu về mức sống của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và thương mại, dịch vụ phát triển, hệ thống hạ tầng đồng bộ; phát triển bền vững về kinh tế, công bằng về xã hội, có trách nhiệm đối với môi trường và đảm bảo quốc phòng an ninh.
Tham gia ý kiến, đại biểu đánh giá, Báo cáo là công cụ rất quan trọng để lựa chọn phương án và cho rằng, báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược quy hoạch tỉnh Sóc Trăng được xây dựng công phu, bám sát quy định, tuy nhiên cần rà soát lại một số nội dung tránh trùng lặp và cập nhật, bổ sung văn bản mới hiện hành. Các ý kiến cũng đề nghị làm rõ thêm tính phù hợp quy hoạch không gian; bổ sung bản đồ phân vùng chức năng nước mặn; phạm vi đánh giá môi trường chiến lược, di sản thiên nhiên; bổ sung thêm nội dung, định hướng trong chương trình quản lý, giám sát về môi trường. Về hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược cần bổ sung các mục tiêu về xã hội, kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường; điều chỉnh thành phần dự án; giải pháp bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.
Về sự cần thiết, cơ sở pháp lý của nhiệm vụ lập quy hoạch, cần phải có góc nhìn chiến lược, bám sát bối cảnh thế giới, đất nước, bối cảnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt là bối cảnh của tỉnh Sóc Trăng; bám sát các chính sách, định hướng chung của cả nước như kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, cam kết tại Hội nghị COP26, chuyển đổi số, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Báo cáo cần làm rõ phương pháp đánh giá môi trường chiến lược; đánh giá, nhận diện nguyên nhân, tác động; đánh giá tác động quy hoạch; phải bám sát điều kiện thực tế của tỉnh, đặc biệt là tỉnh ven biển, cường độ và tần suất của triều cường, theo đó phải có giải pháp về công trình và phi công trình; lựa chọn phát triển các ngành để phát triển mạnh mẽ, thông minh; tập trung trọng số cao cho phát triển năng lượng tái tạo./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư