I. LĨNH VỰC KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông nghiệp trong tháng 10 năm 2022 chủ yếu chăm sóc, thu hoạch rau màu vụ Mùa và sản xuất cây vụ Đông năm 2022; Hoạt động chăn nuôi đang có dấu hiệu phục hồi dần sau ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên mức độ phục hồi vẫn còn chậm; Hoạt động trồng và chăm sóc rừng trồng tương đối thuận lợi do thời tiết mát mẻ; Hoạt động khai thác thủy sản có dấu hiệu tăng trở lại khi giá nhiên liệu được điều chỉnh giảm trong khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho các chuyến vươn khơi đánh bắt, hoạt động nuôi trồng thủy sản vẫn được duy trì tuy nhiên do bước vào mùa mưa bão nên có phần hạn chế trong việc thả nuôi.
1.1 Sản xuất nông nghiệp
*Trồng trọt
- Cây hàng năm
+ Kết quả sản xuất vụ Mùa 2022:
Nhìn chung, sản lượng các loại cây trồng vụ Mùa 2022 giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Bên canh yếu tố thời tiết thì vụ Mùa không phải là vụ sản xuất chính trong năm nên người dân ít đầu tư cho sản xuất các loại cây trồng, nhất là trong điều kiện chi phí vật tư sản xuất nông nghiệp đang tăng cao như hiện nay. Mục đích chính vẫn là để làm sạch đất, tránh tình trạng mầm bệnh ủ trong đất gây ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông Xuân.
+ Sản xuất vụ Đông 2022: Hiện nay, bà con nông dân đang tiến hành gieo trồng các loại cây vụ Đông 2022 nhằm đảm bảo kế hoạch và lịch thời vụ. Tiến độ sản xuất tính đến ngày 15/10/2022, tổng diện tích gieo trồng ước đạt 3.375/11.524 ha, đạt 29,3% kế hoạch, trong đó: Diện tích ngô lấy hạt ước đạt 817/4.473 ha, đạt 18,3% kế hoạch; ngô sinh khối ước đạt 150/1.030 ha, đạt 14,6% kế hoạch; khoai lang ước đạt 323/1.502 ha, đạt 21,5% kế hoạch; rau các loại ước đạt 2.085/4.519 ha, đạt 46,1% kế hoạch. Tranh thủ thời tiết nắng ráo bà con nông dân đang tiến hành gieo trồng các loại cây vụ Đông đảm bảo theo lịch thời vụ.
- Cây lâu năm
Trong tháng 10/2022, người dân đang tiến hành trồng các loại cây ăn quả. Cùng với đó, thời điểm này nhiều loại cây ăn quả chủ lực như bưởi, cam…đang thu hoạch chính vụ. Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh mưa nhiều nên bưởi, cam…bị úng nước phải thu hoạch, trong khi thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, còn bị động trong khi nguồn cung lớn nên giá bán đang ở mức thấp. Cùng với cây ăn quả thì các loại cây công nghiệp như chè, cao su cũng được chăm sóc và thu hoạch thường xuyên, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
- Tình hình sâu bệnh và thiệt hại
Hiện nay sâu bệnh có xuất hiện gây hại trên diện tích một số loại cây trồng vụ Mùa nhưng với mức độ ảnh hưởng nhẹ.
*Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh trong tháng 10 năm 2022 nhìn chung ổn định. Đàn vật nuôi tuy đang có dấu hiệu dần phục hồi sau ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng vẫn còn chậm. Do tổng đàn không biến động nhiều nên số con và sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong kỳ cũng tăng không đáng kể. Bên cạnh nguyên nhân do hậu quả của dịch tả lợn Châu Phi đang để lại mầm bệnh và dễ tái phát nên người dân hạn chế tái đàn thì nguyên nhân chính là trong thời gian qua chi phí chăn nuôi, nhất là giá thức ăn tăng quá cao trong khi giá bán thịt hơi đối với trâu, bò giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, giá lợn hơi có tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng cũng chỉ tăng nhẹ với mức tăng 2,5% và thiếu ổn định. Cùng với đó, hiện nay thị trường tín dụng đang được thắt chặt cho vay nên việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất cũng gặp khó khăn là những rào cản trong việc phát triển hoạt động chăn nuôi.
Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có 2 ổ dịch lỡ mồm long móng chưa qua 21 ngày. Tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh có 9 con trâu, 1 con bò và tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà có 2 con trâu, 11 con bò mắc bệnh. Các ổ dịch này cơ bản đã được khống chế nhưng nguy cơ tái phát vẫn còn cao nên người chăn nuôi phải luôn chủ động, tăng cường công tác phòng bệnh cho đàn vật nuôi và có phương án chủ động đối phó khi dịch bệnh xẩy ra để hạn chế thiệt hại.
1.2 Lâm nghiệp
Trong tháng 10/2022, hoạt động trồng rừng và khai thác lâm sản vẫn được các cấp chính quyền cũng như người dân quan tâm thực hiện. So với cùng kỳ năm 2021 thì diện tích rừng trồng tập trung tháng 10/2022 tăng 78 ha và tính chung 10 tháng năm 2022 tăng 362 ha; sản lượng gỗ khai thác tháng 10/2022 tăng 2.099 m3 và 10 tháng năm 2022 tăng 28.640 m3 so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân do trong tháng 10/2022 trên địa bàn Hà Tĩnh thời tiết râm mát nên thuận lợi cho việc trồng rừng và khai thác lâm sản. Diện tích rừng trồng và lâm sản khai thác vẫn chủ yếu tập trung ở các địa phương: Hương sơn, Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh...Thời gian tới, khi bước vào mùa bão lũ thì cũng là thời điểm mà các chủ rừng sản xuất sẽ thu hoạch các sản phẩm để tránh thiệt hại nên sản lượng gỗ khai thác dự kiến cũng sẽ tăng lên.
Tính từ ngày 15/9/2022 đến 15/10/2022, không xẩy ra cháy rừng mà chỉ xẩy ra 3 vụ phá rừng, với diện tích rừng bị phá 1,2 ha. Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 15/10/2022, trên địa bàn Hà Tĩnh đã xẩy ra 1 vụ cháy rừng (giảm 2 vụ), với diện tích rừng bị cháy là 0,4 ha (giảm 0,83 ha) và 64 vụ phá rừng (tăng 25 vụ), với diện tích rừng bị phá là 32,993 ha (tăng 20,279 ha) so với cùng kỳ năm 2021.
1.3 Thủy sản
Kết quả sản xuất thủy sản tháng 10/2022 tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy hải sản ước tính tháng 10/2022 tăng 101 tấn, trong đó sản lượng khai thác tăng 90 tấn và sản lượng nuôi trồng tăng 11 tấn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do trong tháng 10/2022 giá nhiên liệu xăng, dầu được điều chỉnh giảm, trong khi các chuyến biển của ngư dân khai thác khá thuận lợi nên ngư dân tiếp tục ra khơi khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, sản phẩm nuôi trồng cơ bản đã được thu hoạch từ những tháng trước để tránh thiệt hại do mưa lũ gây ra nên sản lượng nuôi trồng chỉ tăng nhẹ.
Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng sản lượng thủy hải sản khai thác và nuôi trồng ước tính tăng 1.057 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng khai thác ước tính tăng 794 tấn và sản lượng nuôi trồng ước tính tăng 263 tấn. Những khó khăn trong phát triển sản xuất thủy sản hiện nay là chi phí sản xuất tăng mạnh; mức độ dầu tư tăng năng lực sản xuất còn hạn chế; chủ yếu khai thác ở ngư trường vùng lộng. Thời gian tới, khi điều kiện thời tiết xấu, mưa bão, lũ lụt có thể xẩy ra bất thường nên kết quả hoạt động sản xuất thủy sản dự kiến sẽ gặp khó khăn hơn, nhất là đối với hoạt động khai thác biển.
Về sản xuất giống tôm: Trong tháng 10/222, ước tính đã sản xuất được 28 triệu con giống tôm thẻ, tăng 4 triệu con so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, ước tính sản xuất được 565 triệu con tôm giống, tăng 24 triệu con so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 16 triệu con giống tôm sú và 549 triệu con giống tôm thẻ.
Tình hình dịch bệnh: Tính từ ngày 15/9/2022 đến ngày 15/10/2022, trên địa bàn Hà Tĩnh không xẩy ra các loại dịch bệnh đối với nuôi trồng thủy sản.
2. Sản xuất công nghiệp
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong tháng 10 tiếp tục gặp khó khăn, giảm sản lượng sản xuất một số ngành có tỷ trọng giá trị công nghiệp cao. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tính đến cuối tháng 10 năm 2022 ước giảm 15,62% so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian tới ngành công nghiệp Hà Tĩnh đang kỳ vọng sự tăng trưởng từ những dự án mới như: Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh vừa đi vào vận hành; Nhà máy sản xuất Pin VinES dự kiến hoạt động vào cuối quý IV/2022.
2.1. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP)
Ước tháng 10/2022 chỉ số sản xuất ngành công nghiệp so với tháng 9/2022 tăng 24,24% và giảm 11,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,17% so với tháng trước và giảm 2,35% so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 31,13% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước chỉ số sản xuất của ngành này giảm 14,97%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 6,3% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 25,31%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 2,5% so với tháng 9/2022 và giảm 26,76% so với tháng 10/2021.
Nhìn chung, tính từ đầu năm đến cuối tháng 10 năm 2022 tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh gặp khó khăn, giảm sản lượng sản xuất so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cộng dồn 10 tháng đầu năm 2022 ước giảm 15,62% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 3,84%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 12,34%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 32,18%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 16,07% so với cùng kỳ năm 2021.
2.2. Một số sản phẩm chủ yếu
Trong số 19 nhóm sản phẩm chủ yếu được tổng hợp, có 11 nhóm sản phẩm cộng dồn 10 tháng tăng so cùng kỳ (chiếm 57,89% trong tổng số sản phẩm) và có 8 nhóm sản phẩm có chỉ số giảm (chiếm 42,11%) trong tổng số sản phẩm công nghiệp chủ yếu. Một số sản phẩm công nghiệp 10 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước: Bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 164,57%; gạch xây dựng bằng đất sét nung tăng 38,25%; chè (trà) nguyên chất tăng 37,6%; bia đóng lon tăng 17,75%; dịch vụ sản xuất dược tăng 17,38%; điện thương phẩm tăng 17,22%; …
Một số sản phẩm công nghiệp 10 tháng năm 2022 giảm so với cùng kỳ năm trước: Điện sản xuất giảm 33,04%; mực đông lạnh giảm 30,54%; nước không uống được giảm 17,93%; quặng inemit và tinh quặng inemit giảm 15,32%; thép không gỉ ở dạng bán thành phẩm giảm 15,18%; …
2.3. Tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 10/2022 tăng 0,04% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm 6,16%. Chỉ số sử dụng lao động cộng dồn đến cuối tháng 10/2022 giảm 6,43% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp 10 tháng năm 2022 giảm so với cùng kỳ chủ yếu là do giảm số lượng lao động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể, chỉ số sử dụng lao động của ngành này giảm 8,56% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sử dụng lao động đối với ngành khai khoáng tăng 3,37%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,17%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,67% so với cùng kỳ năm 2021.
3. Vốn đầu tư
Vốn ngân sách nhà nước tháng 10/2022 giảm mạnh so với tháng trước (giảm 9,29%) và so với cùng kỳ năm trước (giảm 19,74%). Nguyên nhân do thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, một số huyện ngập sâu trong nhiều ngày, do đó các công trình trên địa bàn tạm dừng thi công, vốn đầu tư thực hiện giảm. Dự ước 10 tháng năm 2022, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 4.893,95 tỷ đồng, đạt 65,33% kế hoạch năm, tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước
Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý dự ước tháng 10/2022 đạt 657,83 tỷ đồng, bằng 90,71% so với tháng trước, bằng 80,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 541,04 tỷ đồng, bằng 94,24% so với tháng trước, bằng 82,88% so với cùng kỳ năm trước. Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 100 tỷ đồng, bằng 82,81% so với tháng trước và bằng 98,16% so với cùng kỳ năm trước. Vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 16,80 tỷ đồng, bằng 55,35% so với tháng trước và bằng 25,87% so với tháng 10/2021. Vốn ngân sách nhà nước tháng 10/2022 giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Một số dự án lớn tiến độ thi công chậm như Đường trục chính trung tâm nối quốc lộ 1 đoạn tránh Thị xã Kỳ Anh đến cụm Cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương; đường vành đai phía Đông thành phố Hà Tĩnh; sữa chữa nâng cao an toàn đập…. Bên cạnh đó, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA triển khai chậm, do đó tổng vốn đầu tư thực hiện ODA cộng dồn 10 tháng năm 2022 giảm 77,36% so với cùng kỳ.
Dự ước 10 tháng năm 2022, tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 4.893,95 tỷ đồng, đạt 65,33% kế hoạch năm, tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 3.790,62 tỷ đồng, chiếm 77,45% tổng vốn, tăng 3,30% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 895,37 tỷ đồng, chiếm 18,30% tổng vốn, tăng 27,10% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 207,98 tỷ đồng, chiếm 4,25% tổng vốn, giảm 54,76% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, một số công trình trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ giải ngân đạt khá so với kế hoạch vốn phân bổ năm 2022 như: Dự án nâng cấp đường tỉnh ĐT.553 đoạn từ Km49+900 - Km74+680); Dự án cải tạo mặt đường, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đường Quang Trung đoạn từ đường Nguyễn Huy Lung đến cầu Hộ Độ và bổ sung 1 đơn nguyên cầu Hộ Độ….
4. Thương mại, dịch vụ
4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tình hình hoạt động thương mại của tỉnh đạt được sự tăng trưởng khá. Việc kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 là yếu tố chính khiến nền kinh tế nói chung và thị trường bán buôn, bán lẻ hàng hóa nói riêng tăng trưởng mạnh. Hoạt động dịch vụ ăn uống, lưu trú, lữ hành và dịch vụ khác cơ bản vẫn giữ được sự ổn định. Tuy nhiên, mặt bằng giá cả một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu còn ở mức cao, việc sản xuất kinh doanh của cơ sở cá thể, doanh nghiệp của tỉnh ngày càng gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh của các hệ thống bán lẻ toàn quốc, đặc biệt là hình thức thương mại điện tử do các tính ưu việt về giá cả, chất lượng và sự tiện lợi.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa: Doanh thu tháng 10/2022 ước đạt 4.838,42 tỷ đồng, tăng 2,33% so với tháng trước và tăng 42,31% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng chiếm tỷ trọng doanh thu lớn có biến động tăng so với tháng trước và tăng mạnh so với cùng kỳ như: Lương thực, thực phẩm tăng 3,22% so với tháng trước và tăng 35,20% so với cùng kỳ; may mặc tăng 5,43% so với tháng trước, tăng 120,03% so với cùng kỳ; đồ dùng, dụng cụ gia đình tăng 4,48% so với tháng trước, tăng 72,08% so với cùng kỳ; xăng, dầu các loại tăng 3,8% so với tháng trước, tăng 57,58% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do thời tiết mưa lớn kéo dài ảnh hưởng đến nguồn cung rau, củ quả trong tỉnh, khiến mặt bằng giá ở mức cao, cùng với đó nhu cầu mua sắm quần áo, trang phục giữ ấm, chăn nệm tăng mạnh do thời tiết dần chuyển lạnh. Việc giá xăng, dầu đã tăng trở lại sau nhiều lần điều chỉnh giảm là yếu tố chính ảnh hưởng đến mức tăng doanh thu bán lẻ. Nhưng công tác cung ứng từ các đầu mối bán buôn cho các cửa hàng bán lẻ vẫn được đảm bảo, trong tháng không xảy ra hiện tượng thiếu xăng, dầu, không có điểm bán lẻ nào phải tạm đóng cửa ngừng hoạt động do thiếu hàng. Bên cạnh các nhóm hàng tăng doanh thu, có 5/12 nhóm hàng có doanh thu giảm so với tháng trước, giảm sâu nhất ở nhóm gỗ và vật liệu xây dựng (giảm 3,2%) nhưng so với cùng kỳ doanh thu nhóm này vẫn tăng 15,46%. Nguyên nhân do việc giảm giá các loại vật liệu xây dựng sau một thời gian ở mức cao, bên cạnh đó thời tiết mưa nhiều cũng tác động đến hoạt động xây dựng, qua đó ảnh hưởng đến doanh thu các mặt hàng trong nhóm. Vật phẩm văn hóa giáo dục giảm 1,32% so với tháng trước, tăng 2,85% so cùng kỳ năm trước do nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập giảm dần sau đợt cao điểm trong những tháng trước.
Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 42.863,74 tỷ đồng, tăng 24,21% so với cùng kỳ năm trước. Có 12/12 nhóm mặt hàng có chỉ số tăng so với cùng kỳ, cụ thể: Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 23,37%; hàng may mặc tăng 37,29%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 22,5%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 1,61%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 19,57%; ô tô tăng 5,44%; phương tiện đi tăng 11,31%; xăng, dầu các loại tăng 48,75%; nhiên liệu khác tăng 30,22%; đá quý, kim loại quý các loại tăng 51,08%; hàng hóa khác tăng 32,65%; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy tăng 14,84% so với cùng kỳ năm trước.
- Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành: Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 10/2022 ước đạt 542,51 triệu đồng, tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 136,21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động lưu trú ước đạt 15,95 tỷ đồng, giảm 29,79% so với tháng trước, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Do thời tiết mưa bão trong tháng ảnh hưởng một số địa bàn trong tỉnh, tác động trực tiếp đến doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, lữ hành giảm mạnh; Dịch vụ ăn uống ước đạt 525,90 tỷ đồng, tăng 1,60% so với tháng trước, tăng 133,0% so với cùng kỳ năm trước, do trong tháng trùng nhiều dịp lễ nên lượng khách tổ chức hội họp, ăn uống ngoài gia đình tăng mạnh; Dịch vụ du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 0,66 tỷ đồng giảm 29,19% so với tháng trước.
Tính chung 10 tháng năm 2022 doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 4.995,99 tỷ đồng, tăng 65,68% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lưu trú ước đạt 206,80 tỷ đồng, tăng 104,98%; lượt khách phục vụ 1.212.976 lượt tăng 93,76% so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ 925.977 ngày, tăng 62,91% so với cùng kỳ năm trước; Ăn uống ước đạt 4.775,48 tỷ đồng, tăng 64,26% so với cùng kỳ năm trước; Du lịch lữ hành và dịch vụ hỗ trợ du lịch ước đạt 13,71 tỷ đồng, tăng 86,39% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, tình hình hoạt động dịch vụ ăn uống, lưu trú, lữ hành tháng 10 cơ bản vẫn giữ được sự ổn định và có tăng trưởng cao. Mặc dù doanh thu lưu trú và lữ hành có giảm do ảnh hưởng của tính chất thời vụ và thời tiết nhưng doanh thu ăn uống vẫn giữ mức tăng trưởng khá. Sang tháng 11 cũng là thời điểm bước vào mùa cưới nên nhu cầu sử dụng các loại dịch vụ dự ước tăng.
- Dịch vụ khác: Doanh thu tháng 10 ước tính đạt 246,65 tỷ đồng, tăng 5,76% so với tháng trước và tăng 180,17% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả hoạt động dịch vụ khác trong tháng xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước, do các nhu cầu dịch vụ giáo dục, dịch vụ làm đẹp, cắt tóc gội đầu, uốn sấy..., đều tăng mạnh, cũng như các dịch vụ vui chơi giải trí có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, ảnh hưởng thời tiết giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, làm cho các dịch bệnh bùng phát nên nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế tăng. Tháng 10 các công trình xây dựng, san lấp mặt bằng tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ thi công nên nhu cầu sử dụng máy móc tăng lên
Tính chung 10 tháng năm 2022, doanh thu hoạt động dịch vụ khác ước đạt 2.047,84 tỷ đồng, tăng 62,14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm kinh doanh bất động sản tăng 73,62%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 49,32%; giáo dục đào tạo tăng 138,65%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 3,43%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 29,25%; dịch vụ khác tăng 93,44%.
4.2. Hoạt động vận tải:
Nhìn chung, hoạt động kinh doanh vận tải, kho bãi của tỉnh trong tháng doanh thu tăng nhẹ so với tháng trước, tăng chủ yếu hoạt động vận tải hàng hóa và kho bãi dịch vụ hỗ trợ vận tải. Còn vận tải hành khách giảm nhẹ so với tháng trước do ảnh hưởng thời tiết, ngập lụt một số nơi nên hạn chế lượt người đi lại. Hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng do số lượng tàu cập cảng ổn định, lượng hàng hóa thông qua cảng tăng hơn so với tháng trước.
Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 10/2022 ước đạt 472,68 tỷ đồng, tăng 1,59% so với tháng trước và tăng 46,39% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách ước đạt 106,91 tỷ đồng, giảm 4,14% so với tháng trước và tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa ước đạt 304,63 tỷ đồng, tăng 3,79% so với tháng trước và tăng 43,27% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 61,05 tỷ đồng, tăng 1,49% so với tháng trước và giảm 21,58% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, kết quả kinh doanh vận tải tháng 10 vẫn đảm bảo doanh thu ổn định. Donh thu vận tải hành khách có giảm nhẹ so với tháng trước do trong tháng tình trạng ngập lụt xảy ra một số nơi trên địa bàn tỉnh nên gây khó khăn cho các phương tiện vận tải. Mặt khác, tháng 10 cũng bước vào mùa mưa bão, người tham quan đi lại không còn nhiều như những tháng trước đây. Tuy nhiên, so với cùng kỳ thì doanh thu vận tải hành khách lại có mức độ tăng trưởng cao do cùng kỳ năm trước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Về vận tải hàng hóa các hoạt động xây dựng đang tiếp tục phát triển mạnh, các dự án lớn trên toàn tỉnh vẫn đang tiếp tục thi công. Các công trình đẩy nhanh tiến độ trước mùa mưa bão nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa vật liệu xây dựng cũng tăng hơn. Bên cạnh đó, đây là thời điểm các đơn vị nhập nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa phục vụ dịp Tết đã bắt đầu tăng.
Tính chung, kết quả kinh doanh vận tải, kho bãi 10 tháng năm 2022, ước tính đạt 4.529,32 tỷ đồng, tăng 23,81% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vận tải hành khách ước đạt 977,02 tỷ đồng, tăng 30,29%; số lượng hành khách vận chuyển ước đạt 12.453,71 nghìn HK, tăng 24,21% và luân chuyển đạt 2.126,66 triệu HK.km, tăng 26,38%. Vận tải hàng hóa ước đạt 2.852,95 tỷ đồng, tăng 30,49%; khối lượng vận chuyển ước đạt 31.959,53 nghìn tấn, tăng 31,31% và luân chuyển ước đạt 813,93 triệu tấn.km, tăng 29,16%. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 698,60 tỷ đồng, giảm 3,25% so với cùng kỳ năm trước.
4.3. Xuất nhập khẩu hàng hóa
Tình hình xuất khẩu vẫn đang tiếp tục gặp khó khăn và chưa có dấu hiệu khả quan do ảnh hưởng chung của thị trường thế giới, đặc biệt mặt hàng thép. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trong tháng 10 ước đạt 297,57 triệu USD tăng 4,77% so với tháng trước nhưng giảm 31,01% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2022 kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 4.443,72 triệu USD giảm 2,56% so với cùng kỳ.
- Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 125,07 triệu USD, giảm cả so với tháng trước (6,50%) và giảm mạnh với cùng cùng kỳ (giảm 24,56%). Chủ yếu do lượng xuất khẩu của mặt hàng thép, phôi thép vẫn đang đà giảm khá sâu (ước đạt 101,65 triệu USD giảm 12,81% so với tháng trước và giảm 33,81% so với cùng kỳ). Những đã có tín hiếu tích cực hơn ở các mặt hàng chủ lực khác như: Dăm gỗ (ước đạt 8,50 triệu USD, tăng 84,78% so với tháng trước và tăng 77,45% so với cùng kỳ); Xơ, sợi dệt các loại (ước đạt 0,6 triệu USD, tăng 20,0% so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ giảm mạnh 61,78%) nhưng không thể bù đắp khoảng hụt khá lớn của mặt hàng thép, nhưng ghi nhận tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh khác của tỉnh nhà giảm việc phụ thuộc vào xuất khẩu thép, phôi thép.
Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.424,2 triệu USD, giảm 18,09% so với cùng kỳ năm trước. Tính trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh thì các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ bao gồm: Mặt hàng thép, phôi thép giảm 21,29%%; Xơ, sợi dệt các loại giảm 15,14%; Thủy sản giảm 14,08%. Còn lại các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như: Chè (tăng 5,14%); dăm gỗ (tăng 45,51%); dệt và may mặc (tăng 137,61%). Hi vọng tình hình thế giớ sẽ ổn định hơn trong nhưng tháng cuối năm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là ngành công nghiệp thép.
- Kim ngạch nhập khẩu: Tháng 10/2022 ước đạt 172,50 triệu USD, tăng 14,81% so với tháng trước nhưng giảm 35,05% so với cùng kỳ. Trong đó, chủ yếu là nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất Formosa với 135,70 triệu USD. Cộng dồn 10 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3.019,5 triệu USD, tăng 7,01% so với cùng kỳ năm trước
5. Chỉ số giá tiêu dùng
Tháng 10 năm 2022, chỉ số CPI chung giảm 0,3% so với tháng trước, tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung CPI 10 tháng năm 2022 tăng 2,02% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, thị trường tiêu dùng, từ đầu năm đến nay các mặt hàng có mức biến động mạnh chủ yếu tập trung ở các nhóm lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện nước sinh hoạt. Mức tăng tập trung ở các tháng đầu năm, do chịu ảnh hưởng bởi nhóm nhiên liệu xăng, dầu các loại tăng mạnh.
Tháng 10 năm 2022, chỉ số CPI chung giảm 0,3% so với tháng trước, tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực thành thị giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 3,53% so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn giảm 0,31% so với tháng trước, tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có: 04 nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng so với tháng trước: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,13%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; giáo dục tăng 0,01%. Có 05 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước: Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,91%; giao thông giảm 1,83%; bưu chính viễn thông giảm 0,01%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,06%. Có 02 nhóm ổn định về chỉ số so với tháng trước: Thiết bị và đồ dùng gia đình; đồ uống và thuốc lá.
Một số yếu tố chính tác động đến giá cả thị trường tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ trong tháng 10/2022 gồm: (1) Giá nhiên liệu xăng dầu bình quân trong tháng giảm, tuy nhiên có xu hướng tăng dần về cuối tháng. (2) Nhóm thịt gia súc giảm giá do những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu và sức ép cạnh tranh từ nguồn thịt nhập khẩu đông lạnh giá rẻ. (3) Giá vật liệu xây dựng tăng nguyên nhân do trong hai tháng 9 và 10 trước đó, thời tiết mưa nhiều khiến việc khai thác cát xây dựng trên các sông nội địa gặp khó khăn. (4) Yếu tố mùa vụ khi thời tiết dần chuyển lạnh, tác động đến các mặt hàng thực phẩm, đồ dùng gia đình và hàng may mặc.
Chỉ số giá vàng tăng 1,22% so với tháng trước, tăng 2,19% so với cùng tháng năm trước; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,31% so với tháng trước, tăng 5,13% so với cùng tháng năm trước. Thị trường giá vàng 9999 trong tháng bình quân tăng so tháng trước do ảnh hưởng bởi các diễn biến từ thị trường thế giới. Giá vàng bình quân trong tháng ở mức 5.279 nghìn đồng/chỉ 9999, giá đô la Mỹ bình quân 2.437.489 đồng/100 USD.
Tính chung CPI 10 tháng năm 2022 tăng 2,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực thành thị tăng 1,94%; nông thôn tăng 2,05% so với cùng kỳ năm trước. Nếu phân theo nhóm ngành hàng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,16%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,29%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,1%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,17%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,73%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,18%; giao thông tăng 13,34%; bưu chính viễn thông giảm 0,3%; giáo dục tăng 0,59%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 2,8%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,73% so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến CPI tháng 11/2022 dự kiến tăng mạnh, khi những mặt hàng thiết yếu có thể tăng giá trong tháng. Giá dầu thô trên thị trường thế giới ở mức cao khiến giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng. Giá gạo cũng tăng giá khi nguồn dự trữ lúa sản xuất từ hai vụ trong năm đạt thấp. Sang tháng có thể xuất hiện tình trạng không khí lạnh, rét đậm khiến các loại hàng may mặc, đồ dùng gia đình tăng cao.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
Trong tháng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, khu vực Hà Tĩnh có mưa to và rất to. Để kịp thời khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra, ổn định sản xuất và đời sống dân sinh, thực hiện Công điện số 875/CĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra để người dân không đánh bắt cá, vớt củi và các hoạt động nguy hiểm khác ở khu vực đang ngập lụt. Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại nặng, nhất là gia đình có người bị thương, nhà bị tốc mái, hư hỏng và ngập lụt. Huy động nguồn lực tại chỗ hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường sau lũ, không để dịch bệnh bùng phát. Tính tới thời điểm này số tiền được hỗ trợ 199,6 triệu đồng.
2. Giáo dục
Giáo dục có vai trò hết sức quan trọng, vì vậy, các cấp, các ngành ở Hà Tĩnh cùng với các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ, đầu tư phát triển cho ngành giáo dục tỉnh nhà.
Để tạo động lực cho các em học sinh dân tộc thiểu số, miền núi Hà Tĩnh viết tiếp ước mơ tới trường, chiều 16/9, tại Hương Khê, Tỉnh đoàn, Sở GD&ĐT, UBND huyện Hương Khê phối hợp với Quỹ học bổng Vừ A Dính trao học bổng năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023 cho học sinh dân tộc tỉnh Hà Tĩnh (trị giá 1 triệu đồng/học sinh) và phần quà cho 80 học sinh dân tộc thiểu số, miền núi ở Hà Tĩnh vượt khó vươn lên trong học tập.
Chiều ngày 23/9, Quỹ Minh Đức (Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh) tổ chức lễ bàn giao phòng học máy tính và sân bóng đá cho các trường học trên địa bàn phường Kỳ Long (TX Kỳ Anh với tổng kinh phí trên 6,3 tỷ đồng).
Ngày 21/10, UBND thị xã Kỳ Anh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Hà Tĩnh và Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam Chi nhánh Hà Tĩnh tổ chức lễ trao tặng học phí cho 136 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với tổng kinh phí 273,5 triệu đồng.
3. Hoạt động y tế
- Tình hình dịch bệnh Covid-19: Ngành Y tế Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID người từ 12 tuổi trở lên và trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo an toàn, hiệu quả; chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn phối hợp với lực lượng công an địa phương cập nhật, “làm sạch” dữ liệu tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Tổng số ca mắc COVID-19 từ ngày 01/01/2022 đến ngày 20/10/2022 là 56.974 ca, lũy kế từ 04/6/2021 đến nay 57.933 ca mắc. Tình hình điều trị các ca bệnh: Chuyển các Bệnh viện tuyến trên 128 BN; điều trị khỏi 57.594 BN, trong đó có 124 BN tuyến trên, 57.470 BN tại Hà Tĩnh; 54 BN tử vong.
Mặc dù tình hình dịch bệnh hiện nay đang được kiểm soát, tuy nhiên vẫn cần cảnh giác với các yếu tố nguy cơ như sau: một bộ phận người dân chủ quan, coi nhẹ dịch bệnh; Phát sinh tình trạng một số ca F0 tại một số địa phương tự phát hiện, không khai báo nên cơ quan chuyên môn khó quản lý, kiểm soát.
- Tình hình dịch bệnh khác: Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác trong mùa mưa, lũ; CDC Hà Tĩnh đã chủ động cấp 530.000 viên Aquatab, 1.800kg CloraminB, 1.272 chai nước rửa tay, 50.000 khẩu trang y tế cho các trung tâm y tế huyện, thành phố, thị xã. Bên cạnh đó, Ngành Y tế Hà Tĩnh khuyến cáo các cơ sở y tế, các địa phương chủ động rà soát, xây dựng các phương án, kế hoạch để sẵn sàng ứng phó với bệnh Đậu mùa khỉ; tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo phòng, chống dịch của cơ quan chuyên môn.
Trong tháng, trên địa bàn Hà Tĩnh còn một số ca bệnh đơn lẻ như: 197 ca mắc sốt xuất huyết, 01 ca mắc sốt rét, 21ca mắc bệnh quai bị, 32 ca mắc lỵ trực trùng, 29 ca mắc lỵ a míp, 35 ca mắc bệnh thủy đậu, 1.259 ca mắc bệnh cúm, 12 ca chân tay miệng, 491 ca tiêu chảy, 9 ca viêm gan vi rút khác, tất cả các ca bệnh trên đều không tạo thành dịch và không có ca bệnh nào bị tử vong vì các bệnh nói trên.
Từ đầu năm đến nay (đến 17/10/2022) đã phát hiện 587 ca sốt xuất huyết (trong đó có 172 ca vãng lai) với 17 ổ dịch được phát hiện, hiện nay còn 5 ổ dịch đang hoạt động.
- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tiếp tục được duy trì hiệu quả. Trong tháng, có 5 người nhiễm mới HIV, 3 người chuyển thành AIDS và không có người chết vì AIDS; so với cùng kỳ năm trước giảm 3 người nhiễm mới HIV, giảm 6 người chuyển thành AIDS, số người chết vì AIDS không đổi. Tính chung 10 tháng năm 2022 có 19 người nhiễm mới HIV, 10 người chuyển thành AIDS và 3 người chết vì AIDS, so với cùng kỳ năm trước giảm 24 người (giảm 55,81%) nhiễm mới HIV, giảm 31 người (giảm 75,61%) chuyển thành AIDS, số người chết vì AIDS tăng 1 người (tăng 50%).
- Công tác an toàn thực phẩm: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc tập thể, chỉ có 100 ca ngộ độc đơn lẻ, không có người chết vì ngộ độc. So với cùng kỳ năm trước số vụ ngộ độc tập thể không đổi, số ca ngộ độc đơn lẻ tăng 17 ca (tăng 20,48%), số ca tử vong không thay đổi.
Tính chung 10 tháng năm 2022 có 01 vụ ngộ độc tập thể làm 4 người bị ngộ độc; ngoài ra có 759 ca bị ngộ độc đơn lẻ, không có người chết vì ngộ độc; so với cùng kỳ năm trước giảm 02 vụ ngộ độc tập thể (giảm 66,67%), giảm 49 ca ngộ độc tập thể (giảm 92,45%), số ca ngộ độc đơn lẻ giảm 247 ca (giảm 24,55%), số ca tử vong không đổi.
4. Hoạt động văn hoá, thể thao
- Hoạt động văn hóa: Trong tháng, diễn ra ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III, năm 2022, đoàn Hà Tĩnh đã xuất sắc giành được nhiều giải cao, trong đó có 1 giải A, 2 giải B, 1 giải C về tiết mục; 1 giải B cho phần tái hiện nghi thức tín ngưỡng của dân tộc Chứt; 1 HCĐ môn đẩy gậy.
- Hoạt động thể thao:
Thể thao thành tích cao: Trong tháng, Đoàn thể thao Hà Tĩnh tham gia 3 giải thi đấu, đạt 6 huy chương các loại (3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng). Tính chung 10 tháng năm 2022, Đoàn thể thao Hà Tĩnh tham gia 32 giải đấu, đạt 215 huy chương các loại (84 huy chương vàng, 61 huy chương bạc, 70 huy chương đồng), trong đó: 04 giải quốc tế đạt 19 huy chương (8HCV-7HCB-4HCĐ), SEA Games 31 đạt 16 huy chương (6 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 3 huy chương đồng).
Thể thao quần chúng: Trong tháng, nhiều hoạt động thể thao được tổ chức như: nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10, kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, sáng 24/9, UBND TX Hồng Lĩnh phối hợp với Hội Người cao tuổi thị xã khai mạc Giải Bóng chuyền hơi người cao tuổi nam - nữ phối hợp toàn thị xã; Chào mừng 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), sáng 30/9, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh, Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh, Hội LHTN Việt Nam tỉnh và Văn phòng Báo Giáo dục và Thời đại khu vực miền Trung - Tây Nguyên tổ chức khai mạc Giải Bóng đá Doanh nghiệp - doanh nhân Hà Tĩnh lần thứ I năm 2022, tranh Cúp Báo GD&TĐ. Giải Bóng đá Nam thanh niên Khối Các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh lần thứ III, năm 2022 chào mừng kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam (15/10/1956 – 15/10/2022) và kỷ niệm 18 năm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2004- 13/10/2022, Giải diễn ra từ ngày 23/9 - 2/10, có sự góp mặt của 25 đội bóng, với gần 350 cầu thủ đến từ chi đoàn các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chiều 3/10, Thành đoàn Hà Tĩnh, Hội LHTN Việt Nam thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp tổ chức Giải Bóng đá nữ TP Hà Tĩnh năm 2022, Giải bóng đá nữ thanh niên TP Hà Tĩnh năm 2022 với sự góp mặt của 12 đội bóng đến từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn. Nhìn chung, Hướng tới kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam, các địa phương trong toàn tỉnh đều tổ chức các giải thể dục thể thao quần chúng với các bộ môn như bóng chuyển hơi, cầu long, dân vũ thể thao…
5. Tình hình an toàn giao thông
Tính từ ngày 15/9-14/10/2022 xảy ra 11 vụ tai nạn đường bộ, 8 người chết, 5 người bị thương, thiệt hại 180 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước số vụ tai nạn và số người chết không thay đổi, số người bị thương giảm 4 người, thiệt hại tăng 110 triệu đồng.
Tính chung 10 tháng năm 2022 (tính từ ngày 15/12/2021-14/10/2022) đã xẩy ra 80 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 68 người chết, 33 người bị thương, tổng thiệt hại ước tính 1.320 triệu đồng, so với cùng năm 2021 số vụ tai nạn giảm 9 vụ (giảm 10,11%), giảm 8 người chết (giảm 10,53%) và giảm 2 người bị thương (giảm 5,71%), số tiền nộp phạt tăng 722 triệu đồng.
6. Môi trường
- Tình hình cháy, nổ: Từ ngày 15/9/2022 đến ngày 14/10/2022 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy, nổ không có thiệt hại về người, tổng thiệt hại ước tính là 96 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước giảm 7 vụ cháy, số người chết và bị thương không đổi. Tính chung 10 tháng năm 2022 (từ ngày 15/12/2021-14/10/2022) đã xảy ra 44 vụ cháy, nổ làm 1 người chết, 1 người bị thương, tổng thiệt hại ước tính 4.893,1 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước giảm 9 vụ (giảm 16,98%), giảm 2 người chết (giảm 66,67%), giảm 1 người bị thương (giảm 50%), thiệt hại ước tính tăng 2.240,1 triệu đồng. Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy chủ yếu là do chập điện và sơ suất khi sử dụng lửa.
- Vi phạm môi trường: Tính từ ngày 15/9 đến ngày 14/10/2022 đã phát hiện 94 vụ, đã xử lý 64 vụ, với tổng số tiền xử phạt là 728,7 triệu đồng; so với tháng trước tăng 9 vụ đã phát hiện (tăng 10,59%), tăng 20 vụ đã xử lý (tăng 45,45%), số tiền nộp phạt tăng 493,77 triệu đồng (tăng 210,18%); so với cùng kỳ năm 2021 tăng 80 vụ đã phát hiện (tăng 571,43%), tăng 55 vụ đã xử lý (tăng 611,11%), số tiền xử phạt tăng 650,7 triệu đồng (tăng 834,23%). Vi phạm môi trường đã phát hiện trong tháng chủ yếu là vận chuyển, khai thác cát trái phép, sử dụng xung kích điện đánh bắt thủy sản trái phép...vv là 82 vụ (chiếm 87,24%); thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường 6 vụ (chiếm 6,38%); xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường 5 vụ (5,32%); vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường 1 vụ (chiếm 1,06%).
Tính chung 10 tháng năm 2022 (ngày 15/12/2021-14/10/2022) đã phát hiện 787 vụ, đã xử lý 528 vụ với tổng số tiền xử phạt 2.520,62 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước tăng 658 vụ (tăng 510,08%), tăng 432 vụ đã xử lý (tăng 450%), tăng số tiền nộp phạt 1.220,77 triệu đồng (tăng 93,92%).
7. Tình hình thiên tai
Trong tháng, xảy ra 01 vụ thiên tai do hoàn lưu bão số 04 gây mưa lớn, ngập lụt làm 02 người bị thương, 565 nhà bị hư hỏng; thiệt hại 10ha lúa, 268 ha hoa màu và 2.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại là: 34.529 triệu đồng. So với tháng trước tăng 01 vụ, tăng 02 người bị thương, tăng thiệt hại 34.529 triệu đồng; so với cùng kỳ năm trước giảm 02 vụ thiên tai, giảm 01 người chết, tăng 01 người bị thương, tăng thiệt hại 34.134 triệu đồng.
Tính chung từ đầu năm đến nay, ở Hà Tĩnh đã xảy ra 7 vụ thiên tai, cụ thể là 01 vụ sóng to, gió lớn (ngày 3/4); 2 vụ mưa lớn (ngày 30/4-1/5, ngày 27/9-2/10); 3 vụ sét đánh (ngày 26/5, ngày 14/6 và 21/7 ); 01 vụ lốc xoáy (ngày 14/6) làm chết 4 người, 2 người bị thương, làm hư hỏng 1 chiếc tàu, 582 nhà hư hỏng, thiệt hại 522 ha diện tích lúa, 421 ha diện tích hoa màu, 2.000 con gia cầm bị chết. Ước tính tổng thiệt hại là 42.497 triệu đồng. So với cùng kỳ năm trước giảm 04 vụ thiên tai, tăng 01 người chết, số người bị thương không đổi, tổng thiệt hại về tài sản giảm 4.898 triệu đồng.
Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.
File đính kèm: BC_uoc_tinh_so_lieu_KTXH_T10-2022_Ha_Tinh.pdf