Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/11/2022-13:55:00 PM
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)
(MPI) - Theo Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, ngày 15/11/2022, dưới sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật, có 180 lượt ý kiến phát biểu, cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đấu thầu để thể chế hóa các chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập của luật hiện hành, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, góp phần công khai, minh bạch, tiết kiệm, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong mua sắm, đầu tư công, quản lý, sử dụng ngân sách, tiền, tài sản của Nhà nước, giải quyết những tồn đọng, vướng mắc hiện nay trong lựa chọn nhà thầu, thực hiện đầu tư, mua sắm công.

Tham gia thảo luận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đấu thầu để khắc phục bất cập của luật hiện hành, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, góp phần công khai, minh bạch, tiết kiệm trong chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong mua sắm đầu tư công, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản nhà nước, giải quyết tồn đọng, vướng mắc hiện nay trong lựa chọn nhà thầu thực hiện đầu tư mua sắm công.

Dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua trong đề nghị xây dựng luật, trong đó có bổ sung hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và dự án đầu tư phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Trong này cũng đã bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, góp phần hoàn thiện khung pháp lý về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư và khắc phục khoảng trống pháp luật hiện nay trong việc lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật chuyên ngành, trong đó có lĩnh vực năng lượng.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu năm 2013 để phù hợp với các quy định hiện hành, đặc biệt nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tránh mâu thuẫn, xung đột trong quá trình thực hiện với các luật được ban hành, sửa đổi sau Luật Đấu thầu năm 2013 như: Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Luật Kiến trúc năm 2019, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020.

Theo đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, bảo đảm sự phù hợp với thông lệ quốc tế mà Việt Nam tham gia là thành viên.

Về tính công khai, minh bạch của dự thảo luật, Đại biểu cho rằng, Dự thảo luật quy định tương đối cụ thể các điều khoản, số điều khoản chưa được quy định cụ thể đã giảm so với Luật Đấu thầu năm 2013, nhưng vẫn còn điều khoản chưa quy định cụ thể và đề nghị những nội dung nào đã cụ thể hoặc đã rõ thì quy định ngay trong dự thảo luật nhằm tăng tính minh bạch và hạn chế ban hành văn bản dưới luật.

Về giải thích từ ngữ, Điều 4, Đại biểu đề nghị giải thích rõ hơn về nhà thầu, hoạt động đấu thầu, hoạt động lựa chọn nhà thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư… Bên cạnh đó, Đại biểu cũng nhấn mạnh đến các nội dung về tham gia thực hiện hợp đồng; lựa chọn tư vấn cá nhân (Điều 28); thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu (Điều 42), nhà đầu tư (Điều 47); xét trúng thầu (Điều 56, Điều 59).

Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông thống nhất các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật, đặc biệt là việc nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội, Luật Đấu thầu sửa đổi đã bổ sung và làm rõ nhiều điểm vướng mắc cũng như lược bỏ các khâu không cần thiết để đơn giản hóa các thủ tục đấu thầu. Đồng thời bày tỏ rất đồng tình với sửa đổi ở Điều 41, đã quy định trong trường hợp cần thiết thì có thể đưa xuất xứ hàng hóa từ một số quốc gia hoặc một số vùng lãnh thổ để đảm bảo việc mua được hàng hóa có chất lượng cao, tránh tình trạng cứ đưa tiêu chí kỹ thuật chung chung, dẫn đến có thể hàng của các nước trong khu vực cùng tiêu chí kỹ thuật, giá rẻ nhưng chất lượng không tốt.

Bày tỏ đồng tình với sự cần thiết cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu, đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, đây là một dự án luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, được xã hội quan tâm, nhất là với 5 chính sách mới quan trọng được bổ sung nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành.

Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề cập đến phạm vi điều chỉnh; cụ thể hóa việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt để quy định trong dự thảo luật cụ thể về trường hợp đặc biệt, đặc thù. Đồng thời, quy định nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện để yêu cầu đối với các gói thầu được áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, đặc thù và trường hợp khẩn cấp, cấp bách. Đối với các hành vi cấm trong đấu thầu thì cần quy định rõ, chi tiết hơn để khi thực hiện không bị vi phạm.

“Tôi đánh giá rất cao nỗ lực cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã chuẩn bị công phu đầy đủ về hồ sơ dự án luật, báo cáo thẩm tra chi tiết được nêu trên nội dung giúp cho các đại biểu dễ dàng nắm bắt với các nội dung chủ yếu, quan trọng của dự án luật, từ đó có thể đóng góp tích cực để có dự thảo Luật Đấu thầu từ khi được thông qua đảm bảo tính khả thi, ổn định, thống nhất, đồng bộ với các luật khác, bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, góp phần công khai, minh bạch, tiết kiệm, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong mua sắm đầu tư công, quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng, sau khi dự thảo luật được thông qua, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân đúng theo Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, góp phần xây dựng ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của cán bộ và Nhân dân.

Trong quá trình thực hiện đấu thầu cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công khai, minh bạch các thông tin về đấu thầu, kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu đối với việc đấu thầu rộng rãi danh sách các nhà thầu, được mời tham gia đấu thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu thông tin xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu, làm cho môi trường đấu thầu ngày càng minh bạch hơn, lựa chọn ra được những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thực hiện công trình đạt chất lượng, tiết kiệm cho chi phí nhà nước.

Chính phủ cần quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính theo hướng một cửa, mẫu hóa các văn bản hành chính, giấy tờ, công khai các thủ tục hành chính về đấu thầu từ khâu lập kế hoạch đấu thầu đến lựa chọn nhà thầu, góp phần hạn chế về sách nhiễu, phiền hà, tham nhũng của công chức hành chính khi giải quyết công việc hành chính. Quan tâm áp dụng tiêu chuẩn, đánh giá, kiểm soát thường xuyên hoạt động của cơ quan hành chính trong việc giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức, tiêu chí đánh giá cần gắn với tính hợp pháp của nội dung các quyết định, tính đúng đắn về thủ tục giải quyết công việc.

Theo Đại biểu, muốn hoạt động đấu thầu hiệu quả cao, trước tiên bộ máy thực hiện công tác đấu thầu phải hoạt động tốt, từng cá nhân thực hiện phải chuyên sâu trong công tác đấu thầu, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy chế về đấu thầu cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện năng lực chủ đầu tư ở cấp huyện, xã, trường học, bệnh viện của một số đơn vị tư vấn, bên mời thầu vẫn còn nhiều hạn chế. Chính phủ cần có quy định cụ thể về việc quản lý chất lượng đào tạo, chương trình khung đào tạo để phát triển mạng lưới đào tạo có chất lượng, đảm bảo xây dựng đội ngũ công chức chuyên môn đáp ứng yêu cầu chung trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về vấn đề đấu thầu.

Phát biểu góp ý, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đánh giá cao nhiều nội dung của dự thảo Luật và cho rằng, dự thảo Luật lần này đã căn bản có rất nhiều tiến bộ, nhiều mặt tích cực so với trước đây. Đặc biệt là trong thời gian ngắn, rất nhiều ý kiến đóng góp tại tổ đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu và sửa đổi trong phiên bản trình Quốc hội lần này.

Đại biểu cũng cho ý kiến về phương thức chọn thầu theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ và đề nghị dự thảo Luật cần phải giải thích kỹ, rõ nội dung này; Điều 44 quy định về công bố dự án đầu tư có sử dụng đất và Điều 45 quy định về việc lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực, đặc biệt về các dự án trong ngành, trong quản lý, trong lĩnh vực yêu cầu đấu thầu...

Ý kiến của các đại biểu cũng nhấn mạnh đến việc đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu; ưu đãi trong việc chọn thầu; đấu thầu quốc tế; đảm bảo dự thầu; chỉ định thầu; đấu thầu trước; trách nhiệm của tổ chuyên gia, tổ thẩm định;…

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao ý kiến của các đại biểu. Đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đấu thầu, đồng thời đề nghị đánh giá kỹ tác động của chính sách, sửa đổi, bổ sung tính hiệu quả cụ thể của các quy định trong luật và tham gia nhiều ý kiến về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, khái niệm hành vi bị cấm, quy định nhà thầu, nhà đầu tư, đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, thông tin đấu thầu, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, đảm bảo dự thầu có hồ sơ dự thầu. Đình chỉ cuộc thầu, hủy thầu và cơ chế đền bù; quy trình, thủ tục trong hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà nhà thầu, nhà đầu tư, các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đặc biệt là phạm vi, nguyên tắc, điều kiện trong việc áp dụng chỉ định thầu, điều kiện áp dụng thẩm quyền quyết định và quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; quy định về đấu thầu trước, đấu thầu qua mạng, đấu thầu dự án sử dụng đất và đấu thầu quốc tế; lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực y tế, vấn đề này được rất nhiều đại biểu đề cập đến, cho doanh nghiệp có vốn nhà nước, sử dụng dự án vốn tín dụng, vốn ODA trong cung cấp dịch vụ phi tư vấn, các hình thức hợp đồng, đảm bảo thực hiện hợp đồng, điều chỉnh hợp đồng, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đấu thầu, quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu. Tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác, quy định để dẫn chiếu, kết nối với các luật có liên quan, quy định về áp dụng luật, điều khoản thi hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội tiếp tục xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 804
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)