Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/11/2022-14:50:00 PM
Quyết tâm thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Nguyên
(MPI) - Hội nghị Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức ngày 20/11/2022 tại tỉnh Lâm Đồng đã nhận được nhiều ý kiến tham luận sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết; đề xuất và kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và khả thi. Qua đó, thể hiện quyết tâm trong thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Nguyên, góp phần đưa Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị vào thực tiễn đời sống, xã hội.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn phát biểu. Ảnh: VGP

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng

Trình bày báo cáo tham luận phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng Tây Nguyên gắn với cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, do đặc điểm về địa hình nên hệ thống giao thông kết nối vùng Tây Nguyên với các vùng lân cận (Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ...) không thể phát triển giao thông đường thủy, hạn chế trong việc phát triển đường sắt (đặc biệt là đường sắt vận tải hàng hóa), chỉ có hàng không và đường bộ là phương thức vận tải phù hợp.

Giai đoạn vừa qua, được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm đầu tư, hệ thống giao thông vùng Tây Nguyên đã được cải thiện đáng kể, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại. Đơn cử như việc nâng cấp, khai thác tốt các tuyến đường trục và đường ngang xuống các tỉnh ven biển miền Trung, các tuyến đường sang Lào và Cam-pu-chia.

Tuy nhiên, vùng chưa có tuyến cao tốc kết nối nhanh với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay. Duy nhất chỉ có tuyến cao tốc nội vùng Liên Khương-Prenn khai thác từ năm 2008 với chiều dài 19 km. Vì vậy, triển khai các tuyến đường bộ cao tốc theo quy hoạch và kế hoạch đề ra nhằm kết nối vùng Tây Nguyên gắn với các vùng lân cận và cảng biển sân bay, đáp ứng mục tiêu Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, đánh thức vùng đất đai trù phú này trở thành một vùng kinh tế phát triển.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nêu một số giải pháp trong thời gian tới như cần đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, tăng năng lực cạnh tranh. Huy động, phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối giữa các phương thức, đặc biệt là các tuyến cao tốc trong quy hoạch; khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng; phát huy tính chủ động của các địa phương, huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông…

Trình bày báo cáo tham luận về phát triển nông nghiệp vùng Tây Nguyên theo hướng hiệu quả cao, hàng hóa, hữu cơ, đặc sản gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng, là bệ đỡ giúp ổn định kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh của vùng Tây Nguyên. Do đó, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng suất, chất lượng. Cùng với đó, việc bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ thiết yếu để bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, an ninh nguồn nước của vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Từ đó, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của dân tộc đồng bào vùng Tây Nguyên.

Phát triển nông nghiệp sinh thái vùng bền vững, kết hợp với sản xuất nông sản chủ lực quy mô lớn với năng suất và chất lượng cao theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy suất nguồn gốc; quan tâm đến phát triển nông đặc sản trên cơ sở lợi thế so sánh về khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển sản xuất, chế biến nông sản gắn với thị trường, tăng cường chế biến sâu, chuyển đổi số... tạo động lực cho nông nghiệp vùng Tây Nguyên vươn lên tầm cao mới.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất một số giải pháp trọng tâm để Tây Nguyên có thể trở thành trung tâm sản xuất và chế biến sâu một số nông sản chủ lực.

Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Trần Đức Quận phát biểu. Ảnh: VGP

Thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu

Hội nghị cũng được nghe lãnh đạo một số địa phương trong Vùng trình bày các tham luận. Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận trình bày báo cáo tham luận về một số giải pháp nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW tại các địa phương vùng Tây Nguyên và cho rằng, bên cạnh chủ động khơi thông nguồn lực của các địa phương, các tỉnh Tây Nguyên rất cần được tháo gỡ những vướng mắc trong quy hoạch, cơ chế tài chính, công tác cán bộ và một số nội dung quản lý nhà nước còn bất cập giữa các bộ, ngành, giữa bộ, ngành với địa phương...

Ông Trần Đức Quận đề xuất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển các nguồn giống cây trồng, chuyển đổi canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, bền vững gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của vùng ở trong nước và ngoài nước. Có chính sách kinh tế lâm nghiệp nhằm khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp; tạo việc làm ổn định lâu dài để người dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số yêu rừng, sống và hưởng lợi từ rừng, gắn kết lâu bền qua các thế hệ.

Tỉnh Lâm Đồng mong muốn được các bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ địa phương trong thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu những mặt hàng nông sản có giá trị gia tăng cao; hình thành các trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa; phát triển công nghiệp hiệu quả; ưu tiên bố trí kịp thời các nguồn vốn trung hạn và hằng năm để đầu tư hoàn chỉnh các dự án phát triển giao thông kết nối nội vùng, liên vùng, các chương trình về y tế, giáo dục,...

Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum Dương Văn Trang phát biểu. Ảnh: VGP

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang kiến nghị một số giải pháp thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nói chung và dược liệu quý hiếm nói riêng trên địa bàn tỉnh, theo tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời cho biết, qua nhiều năm triển khai thực hiện công tác bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác đã đạt được thành quả nhất định. Tỉnh Kon Tum xác định mục tiêu trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia, trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, đóng góp khoảng 15% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum mong muốn các bộ, ngành quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp chế biến lớn, có uy tín đến Tây Nguyên tìm hiểu vùng nguyên liệu, đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, dược liệu. Đồng thời tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp cộng với sự quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tỉnh Kon Tum nhất định sẽ trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, tăng thu nhập, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Tỉnh Kon Tum nhất định sẽ trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB phát biểu. Ảnh: VGP

Hỗ trợ Tây Nguyên hướng tới phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với khí hậu

Cũng tại Hội nghị, các tổ chức quốc tế đã có bài trình bày tham luận, khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Tây Nguyên tăng trưởng bền vững. Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhấn mạnh việc đẩy mạnh kết nối hạ tầng vùng Tây Nguyên với hạ tầng quốc gia và khu vực nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và phát triển bền vững vùng Tây Nguyên cho rằng, đây là khu vực có gần diện tích đất đỏ ba-zan màu mỡ, rất phù hợp cho các loại cây trồng có lợi nhuận cao như cà phê, ca- cao, hồ tiêu, dâu tằm tơ và trà. Đây cũng là khu vực đóng góp 4/5 sản lượng cà phê của quốc gia. Với lợi thế địa lý vùng cao và có nhiều thác nước, nguồn lợi thủy điện trong khu vực cũng có rất nhiều tiềm năng.

Tuy nhiên, theo ông Andrew Jeffries khu vực này hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức phát triển như biến đổi khí hậu, thiếu hụt nghiêm trọng lao động có kỹ năng, hạ tầng chưa phát triển, nhất là hạ tầng kết nối với các trung tâm kinh tế khác của Việt Nam. Vì vậy, một trong những yếu tố hết sức quan trọng để hỗ trợ phát triển khu vực Tây Nguyên là hình thành hạ tầng kết nối khu vực với các vùng, miền khác của Việt Nam, nhất là với vùng duyên hải.

Ông Andrew Jeffries cho biết, ADB đã cam kết hỗ trợ các dự án tại Tây Nguyên trong giai đoạn 2023-2026 nhằm tăng cường năng lực kết nối liên vùng, hỗ trợ Tây Nguyên xử lý tác động của biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp và đô thị.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ dân số của Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã chia sẻ về việc huy động sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng đối tác phát triển đối với việc hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, gìn giữ văn hóa truyền thống và chuyển đổi theo xu thế của thời đại; một số khuyến nghị và đề xuất về chuyển đổi sang sản xuất thông minh gắn với bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Tây Nguyên.

Theo đó, các tỉnh Tây Nguyên cần có các phân tích sâu về động lực sử dụng đất giữa các ngành và thảo luận về cách có thể đạt được các mục tiêu, đồng thời giảm tối đa các tác động đến nguồn vốn thiên nhiên (đặc biệt là rừng và đa dạng sinh học). Xây dựng năng lực thích ứng và cải thiện sinh kế của người dân địa phương dựa trên cơ sở áp dụng các giải pháp nông nghiệp thông minh, thích ứng dựa vào thiên nhiên và chuỗi giá trị hàng hóa không làm mất rừng ở quy mô lớn. Từ đó, góp phần cải thiện tính bền vững về môi trường, hòa nhập xã hội và khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu của hệ thống sản xuất lương thực và chuỗi cung ứng bền vững.

Bà Naomi Kitahara khẳng định, cùng với các đối tác, Liên hợp quốc sẵn sàng tham gia thúc đẩy chương trình nghị sự của Chính phủ thông qua thực hiện các biện pháp đã, đang triển khai, nhằm hỗ trợ Tây Nguyên hướng tới phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: VGP

Đột phá - Bao trùm - Toàn diện - Bền vững

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Hội nghị hôm nay là "3 trong 1" (Triển lãm, quảng bá hình ảnh, vùng đất văn hóa, con người và giới thiệu nông sản của Vùng; công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23; xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên) nhưng tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên gói gọn trong 8 chữ "Đột phá - Bao trùm - Toàn diện - Bền vững".

Thủ tướng nhấn mạnh Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, phát triển của Vùng chưa tương xứng. Do vậy, theo Thủ tướng, cần phải có cách tiếp cận toàn cầu để đối phó với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân. Lấy con người là chủ thể, là trung tâm để đối phó với các thách thức. Các chính sách phải hướng về người dân và người dân phải tham gia xây dựng chính sách.

Phát triển đột phá nhưng phải bao trùm, toàn diện, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển, khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tích cực đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Về định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù. Chính phủ sẽ mạnh dạn cho địa phương thí điểm triển khai một số chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Thể chế chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, nên các địa phương Tây Nguyên phải chủ động đề xuất.

Cùng với đó, phải phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, để kết nối vùng, tạo không gian phát triển mới và phát triển hạ tầng y tế, giáo dục; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó, cần lưu ý phát triển hệ thống trường đại học, trường dạy nghề; cần tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế rừng; phát triển công nghiệp chế biến, phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, sạch; phát triển văn hóa gắn với du lịch; phát triển bao trùm, toàn diện, bền vững; huy động nhiều nguồn lực cho phát triển, gồm đầu tư công, nguồn vốn xã hội, hợp tác công tư; xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững, ổn định, phải có truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác phát triển và nhấn mạnh, xúc tiến đầu tư phải xuất phát từ quy hoạch, phải có trọng tâm, trọng điểm, phải dựa vào tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, đồng hành với Chính phủ, các địa phương; tích cực tham gia thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; khai thác, tận dụng cơ hội để phát triển, tham gia sâu vào những ngành kinh tế được xác định là trọng tâm, ưu tiên. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành quy hoạch; thúc đẩy đầu tư công. Đồng thời nêu rõ, việc ổn định kinh tế vĩ mô, vừa kiểm soát lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng, tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chứng lễ kiến trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đối tác phát triển, trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ của các địa phương trong vùng Tây Nguyên./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1347
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)