Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/12/2022-17:50:00 PM
Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
(MPI) - Đây là chuyên đề được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trình bày tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trình bày chuyên đề. Ảnh: quochoi.vn

Quá trình phát triển và tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ đất nước đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể như phát triển vùng, liên kết vùng chuyển biến tích cực, hình thành nhiều vùng kinh tế lớn, quan trọng cho phát triển đất nước; Bước đầu hình thành các hành lang kinh tế trên địa bàn các vùng, liên vùng, nhất là các hành lang gắn với các đô thị lớn; Không gian đô thị được mở rộng, dần hình thành mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn thuộc các ngành, lĩnh vực quan trọng. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm xây dựng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, năng lượng, đô thị, thông tin và truyền thông, cùng nhiều công trình hạ tầng quan trọng trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao..., tạo diện mạo mới cho đất nước. Các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên... được quan tâm bảo vệ, mở rộng, góp phần tăng đa dạng sinh học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức không gian phát triển vẫn còn một số hạn chế, bất cập như không gian phát triển bị chia cắt nhiều theo địa giới hành chính, liên kết vùng còn nhiều bất cập. Đầu tư phát triển còn dàn trải, chưa tập trung nguồn lực để hình thành rõ các vùng động lực có vai trò đi đầu, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế đất nước.

Quy hoạch phát triển các ngành còn thiếu đồng bộ, liên kết. Hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia chưa đồng bộ, hiện đại; kết cấu hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện; hạ tầng năng lượng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; một số công trình hạ tầng văn hóa, xã hội quan trọng chậm được đầu tư.

Hệ thống đô thị phân bố chưa hợp lý, tính liên kết còn yếu, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tác động lan tỏa còn hạn chế. Chưa hình thành được các trung tâm tài chính lớn; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch còn dàn trải, hiệu quả thấp; chưa hình thành được các cụm liên kết ngành quốc gia quy mô lớn.

Ô nhiễm môi trường ở các đô thị lớn, làng nghề và một số lưu vực sông chậm được khắc phục, các nguồn ô nhiễm môi trường biển, hải đảo gia tăng; hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập trong tổ chức không gian phát triển đất nước trong thời gian qua là do tư duy phát triển theo hướng dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; thiếu quy hoạch mang tính tổng thể quốc gia, dài hạn. Việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển vùng còn chậm. Thiếu cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế liên ngành, liên vùng.

Chưa dành nguồn lực thích đáng để đầu tư hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, các vùng; các khu vực ưu tiên phát triển như vùng kinh tế động lực, vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế. Phát triển bền vững, hài hòa kinh tế - văn hóa - xã hội - môi trường chưa thực sự được quan tâm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu một số bài học kinh nghiệm như phải coi trọng công tác hoàn thiện thể chế và tổ chức lập, quản lý và thực hiện quy hoạch; việc huy động và sử dụng nguồn lực phải xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển cân bằng và phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phát huy lợi thế cạnh tranh từng vùng, tạo được các động lực, đột phá phát triển; Quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phải đi trước, được xây dựng theo cách tiếp cận tích hợp, tổng thể, phối hợp đa ngành, hài hòa lợi ích giữa các ngành, vùng, địa phương, lấy lợi ích quốc gia là cao nhất; Phát triển phải dựa trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mỗi vùng, địa phương trong thể cả nước; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quan điểm phát triển của quy hoạch tổng thể quốc gia là quán triệt và cụ thể hóa rõ hơn các quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030. Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển; mọi chính sách đều phải hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của người dân; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia để tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu. Phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định; ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng, đột phá.

Hình ảnh tại Hội nghị. Ảnh: quochoi.vn

Quy hoạch đưa ra mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; giữ vững các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.

Tầm nhìn đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các vùng phát triển hài hoà, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh. Hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, xanh. Giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hòa với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp. Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%. Chỉ số phát triển con người ở mức cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Về các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thứ nhất, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, năng lượng, đô thị, hạ tầng số, bảo vệ môi trường, thủy lợi, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và hạ tầng văn hóa, xã hội.

Hai là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và không gian phát triển, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

Ba là, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu lôi kéo sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Bốn là, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây kết nối các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Phát triển các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh đến định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội; định hướng phát triển không gian biển; định hướng theo các vùng biển và ven biển; định hướng đối với các đảo và quần đảo; định hướng sử dụng đất quốc gia; định hướng khai thác và sử dụng vùng trời; định hướng khai thác và sử dụng vùng trời; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; định hướng phát triển các ngành hạ tầng xã hội; định hướng phát triển các ngành hạ tầng kỹ thuật; định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1424
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)