Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11 năm 2022 dự ước đạt 1.906,5 tỷ đồng, tăng 3,58% so với tháng trước và tăng 17,56% so với cùng kỳ.
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Trong tháng 11, thời tiết thuận lợi, người dân tập trung thu hoạch lúa và cây màu vụ Mùa, tiếp tục gieo trồng cây màu vụ Đông năm 2022 - 2023 và phòng chống dịch bệnh, đói rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Công tác dự báo, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng được thực hiện thường xuyên, liên tục, các sinh vật gây hại không ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển cây trồng; đàn vật nuôi cơ bản phát triển ổn định, người dân đang tích cực tổ chức tái đàn để phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
1.1. Nông nghiệp
1.1.1 Trồng trọt
- Cây lúa: Diện tích gieo trồng lúa vụ Mùa sơ bộ đạt 32.530,82 ha, tăng 0,91% so với vụ Mùa năm 2021. Diện tích thu hoạch trong tháng ước đạt 22.450,24 ha, tăng 4,72% so với cùng kỳ. Năng suất lúa ước đạt 39,23 tạ/ha, tăng 0,72%, sản lượng thu hoạch trong tháng đạt 88.072,29 tấn, tăng 5,47% so với cùng kỳ. Người dân thực hiện vệ sinh đồng ruộng, làm đất, phun phòng trừ các loại sâu bệnh như: Sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, rầy …. kịp thời nên không ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cây lúa.
- Cây ngô: Diện tích thu hoạch trong tháng ước đạt 3.039,37 ha, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch trong tháng đạt 15.215,09 tấn, tăng 4,85% so với cùng kỳ năm trước.
- Cây khoai lang: Diện tích thu hoạch trong tháng ước đạt 778,25 ha, tăng 1,18% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất ước đạt 67,59 tạ/ha, tăng 1,82%, sản lượng đạt 5.260,19 tấn, tăng 3,02% so với cùng kỳ.
- Cây lạc: Diện tích thu hoạch trong tháng ước 862,45 ha, tăng 1,55% so với cùng kỳ, năng suất đạt 18,81 tạ/ha, tăng 2,4%, sản lượng đạt 1.622,27 tấn tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước.
- Rau các loại: Diện tích thu hoạch trong tháng ước 1.098,45 ha, tăng 0,92% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng trong tháng ước 13.723,6 tấn, tăng 0,18% so với cùng kỳ.
1.1.2 Chăn nuôi
Ước tính đàn trâu trong tháng 11 vẫn giảm dần do hiệu quả kinh tế không cao và môi trường chăn thả bị thu hẹp. Ước tính số đầu con trâu hiện có 63.030 con, giảm 1,24%; số con xuất chuồng ước đạt 1.425 con, giảm 3,52% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng xuất chuồng ước đạt 418,22 tấn.
Đàn bò của tỉnh trong tháng ước 28.358 con, tăng 0,06% so với cùng kỳ năm trước; số con xuất chuồng ước 478 con tương đương với sản lượng thịt hơi xuất chuồng 120,69 tấn, tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, các hộ chăn nuôi có xu hướng nuôi nhốt chuồng vỗ béo để bán giết thịt. Trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi bò cái sinh sản, đáp ứng nhu cầu về con giống tại địa phương.
Tổng đàn lợn, số đầu con lợn trong tháng ước 179.450 con, tăng 6,25% so với cùng kỳ năm trước. Số lợn xuất chuồng trong tháng ước 24.780 con, tăng 20,97% so với cùng kỳ năm trước, tương đương sản lượng thịt hơi xuất chuồng 1.935,68 tấn. Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn 27 hộ của 9 thôn, 06 xã và 03 huyện, tổng số lợn chết, buộc phải tiêu hủy là 135 con với tổng trọng lượng 5,2 tấn.Tình hình dịch cơ bản đã được kiểm soát nên các hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi chủ động tái đàn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Tổng đàn gia cầm ước tính 4.410,78 nghìn con, giảm 1,84% so với cùng năm trước. Các cơ sở có quy mô chăn nuôi lớn tập trung chủ yếu ở các huyện: Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc, Đình Lập. Trong đó, tổng đàn gà là 4.120,52 nghìn con, giảm 1,51% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi gia cầm xuất chuồng ước đạt 1.342,51 tấn, tăng 1,06% so với cùng kỳ. Sản lượng xuất chuồng tăng là do nhu cầu tiêu dùng thịt gà tăng khi hạn chế sử dụng thịt lợn. Sản lượng trứng gia cầm ước đạt 5.521,25 nghìn quả, tăng 14,15%. Sản lượng trứng gà 5.382,36 nghìn quả tăng 14,84% do người chăn nuôi sử dụng giống gà siêu trứng mang lại hiệu quả kinh tế cao và do số gà mái đẻ tăng so với cùng kỳ năm trước.
1.2. Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tập trung ước trong tháng trồng được 280 ha, tăng 0,72%, lũy kế từ đầu năm ước đạt 9.550 ha, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm trước.
Số cây lâm nghiệp trồng phân tán: Lũy kế từ đầu năm ước đạt 3.129,9 nghìn cây, tương đương 1.564,95 ha, tăng 9,04% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích trồng cây phân tán tăng cao do có dự án cấp giống cây trồng, gỗ mang lại hiệu quả kinh tế cao nên bà con tận dụng những diện tích cây phân tán đã khai thác từ năm trước và những diện tích đất trống, rải rác để trồng các loại cây lâm nghiệp.
Tổng sản lượng gỗ khai thác trong tháng 11 ước 26.329,28 m3, tăng 22,09% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân sản lượng gỗ khai thác tăng do rừng trồng đã đến tuổi khai thác, các cá nhân và đơn vị chủ động khai thác để tái sản xuất rừng trồng mới. Sản lượng củi khai thác và tiêu thụ trong tháng 11 ước đạt 111,53 nghìn ste, tăng 1,06% so với cùng kỳ năm trước.
1.3. Thủy sản
Trong tháng diện tích nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định, đối tượng nuôi trồng thủy sản phong phú, môi trường nuôi không bị ô nhiễm và không có dịch bệnh xảy ra.
2. Sản xuất công nghiệp
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2022
2.1.1. So với tháng trước
IIP tháng 11 dự ước tăng 0,93% so với tháng trước. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,28%, trong đó: Sản phẩm than ổn định; khai khoáng khác tăng 0,59%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự ước giảm 1,61%, giảm chủ yếu ở một số ngành: Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (giảm 19,03%) do trong tháng đơn hàng gia công từ các doanh nghiệp trong nước giảm; ngành sản xuất hoá chất và các sản phẩm từ hoá chất (giảm 78,01%), trực tiếp giảm sâu ở sản phẩm Colophan và axit nhựa cây do sự cố cháy xưởng sản xuất, dự ước thời gian tạm nghỉ dài ngày để khôi phục lại; sản xuất phương tiện vận tải khác (giảm 11,48%) trong những tháng cuối năm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giảm sản phẩm tồn kho, thu hồi vốn sản xuất.
Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoạt động hiệu quả, nhất là khu vực cá thể và tập trung ở lĩnh vực chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ với sản phẩm chính là ván bóc; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (cửa hoa, cửa sắt), sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, do nhu cầu mua sắm, sửa chữa, hoàn thiện nhà cửa trong dịp cuối năm; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic có dấu hiệu phục hồi trở lại. Sản phẩm chủ lực của tỉnh: Clanhke và xi măng Portland đen dự ước tăng 13,8%, cơ sở sản xuất tập trung nguồn lực cạnh tranh thị phần trong nước thông qua giá bán nhằm chiếm lĩnh thị trường; những tháng cuối năm cũng là giai đoạn các dự án đầu tư xây dựng được đẩy mạnh, nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu xây dựng tăng giúp nhiều doanh nghiệp xử lý được hàng tồn kho và cân đối cung cầu trên thị trường nội địa.
Ngành sản xuất và phân phối điện: Cung ứng điện sản xuất và điện thương phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng điện của các cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó điện sản xuất dự ước tăng 6,11%, điện thương phẩm tăng 1% so với tháng trước.
Trong ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải hoạt động ổn định với hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước giảm 1,71%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải giảm 0,61%.
2.1.2. So với cùng kỳ
So với cùng kỳ năm trước, IIP tháng 11 năm 2022 giảm 0,28%. Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 1,60%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,91%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 2,91%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 2,17%.
Trong ngành công nghiệp khai khoáng, hoạt động khai thác than tăng 3,10%; hoạt động khai thác đá giảm 6,2%, một số doanh nghiệp do lượng tồn kho sản phẩm lớn đã giảm sản lượng sản xuất trong tháng để tập trung đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, một số sản phẩm sản xuất tăng so với tháng cùng kỳ, như: Dịch vụ sản xuất thuộc, sơ chế da do nhu cầu đặt hàng gia công của các doanh nghiệp trong nước tăng cao, cùng kỳ năm trước trên địa bàn toàn tỉnh có 02 doanh nghiệp hoạt động sản xuất sản phẩm này, tuy nhiên sang năm 2022 có 01 doanh nghiệp chỉ nhận gia công sản phẩm, mặc dù chỉ số sản xuất tăng, tuy nhiên về mặt giá trị sản phẩm không tăng cao. Sản phẩm rượu trắng tăng cao, do dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các nhà hàng, quán ăn đã mở cửa trở lại, nhiều lễ hội và hoạt động du lịch phát triển dẫn đến nhu cầu tiêu thụ tăng. Sản phẩm in, sao chép các loại bản ghi tăng 34,2% với nguyên vật liệu đầu vào vật tư chính như giấy ổn định, đáp ứng đủ và kịp thời cho quá trình sản xuất. Sản phẩm ván ép tăng cao do lợi thế quỹ đất rừng sản xuất lớn để trồng rừng, nguyên liệu gỗ cung cấp ổn định cho công nghiệp chế biến.
Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động phụ thuộc theo đơn đặt hàng và theo mùa vụ, như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, sản phẩm kim loại, sản phẩm chè,…Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 36,89% do trên địa bàn tỉnh có 01 doanh nghiệp hoạt động sản xuất sản phẩm này, từ đầu năm đến nay chỉ quý I hoạt động có lãi, các quý còn lại do gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp cắt giảm luân phiên lao động, sản xuất giảm. Ngành sản xuất hoá chất và các sản phẩm từ hoá chất giảm 80,71%, do sự cố cháy xưởng sản xuất, dự kiến trong tháng 11 chưa khôi phục được sản xuất.
Ngành công nghiệp điện: Sự tăng, giảm sản lượng phụ thuộc vào lệnh điều độ sản xuất của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Sản lượng điện sản xuất tháng 11/2022 tăng 4,31%; điện thương phẩm giảm 4,85% so với cùng kỳ.
Ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 1,78%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải giảm 6,82%. Những ngành này hoạt động tương đối ổn định.
2.2. Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2022 so với cùng kỳ
Sản xuất công nghiệp dự ước 11 tháng năm 2022 nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động hiệu quả với IIP cộng dồn 11 tháng năm 2022 tăng 7,18% so với cùng kỳ năm trước. Ngành khai khoáng tăng 5,32%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,27%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,65%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,13%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp lớn vào mức tăng chung của toàn ngành như: Dịch vụ sản xuất thuộc, sơ chế da do nhu cầu đặt hàng gia công tăng cao. Các sản phẩm từ gỗ như: Gỗ dán, gỗ lạng, ván ép công nghiệp với lợi thế có sẵn nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng tại địa phương ngày càng lớn, số cơ sở chế biến gỗ tăng cao so với cùng kỳ. Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng ở hoạt động gia công cơ khí trong các cơ sở cá thể như cơ sở sản xuất khung nhôm, cửa kính, hàn xì lợp mái tôn, hoạt động xây dựng tăng dẫn đến nhu cầu sử dụng sản phẩm tăng; các hoạt động du lịch dần mở cửa, nhà hàng, quán ăn mở rộng hoạt động, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống tăng theo. Ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng cao người dân có nguyên liệu gỗ tăng, đặt làm những sản phẩm như bàn, ghế, vật dụng từ gỗ khác tăng. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng ở sản phẩm bật lửa ga, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này trong năm 2021 gặp khó khăn về vốn, sang năm 2022 có nguồn tài chính ổn định đảm bảo cho quá trình sản xuất thường xuyên, đáp ứng được các đơn hàng.
Một số ngành có chỉ số giảm sâu so với cùng kỳ do sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, khó tiêu thụ như sản phẩm bơm chân không, ăng ten các loại, dụng cụ đo khác, ống tuyp, ống dẫn ….
Sản phẩm chủ lực của tỉnh: Xi măng Portland đen, clanhke dự ước giảm do chi phí nguyên vật liệu đầu vào (than) tăng, đẩy giá thành sản phẩm tăng trong khi giá xuất khẩu không tăng dẫn đến lợi nhuận thấp, đơn vị cắt giảm khối lượng sản xuất, chuyển hướng tăng tiệu thụ nội địa. Sản lượng điện sản xuất chiếm tỷ trọng lớn là của Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương phụ thuộc vào lệnh điều độ sản xuất của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, dự ước trong 11 tháng đầu năm 2022 sản lượng điện đạt 760,14 triệu Kwh, tăng 7,25% so với cùng kỳ; sản phẩm than của Công ty Than Na Dương tăng theo nhu cầu sản xuất điện của Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương, sản lượng ước đạt trên 514,37 nghìn tấn, tăng 6,31% so với cùng kỳ.
2.3. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 11 tăng 0,11% so với tháng trước (khu vực doanh nghiệp Nhà nước ổn định; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,22%; khu vực doanh nghiệp FDI giảm 0,44%) và giảm 6,02% so với cùng kỳ năm trước (khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 24,64%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 7,74%; khu vực doanh nghiệp FDI tăng 4,61%), mức giảm tập trung ở ngành ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 11,5%, cùng với quá trình cổ phần hóa, Công ty cấp thoát nước Lạng Sơn cắt giảm lao động. Bình quân 11 tháng năm 2022, chỉ số sử dụng lao động giảm 4,74% so với cùng kỳ năm trước.
3. Đầu tư, xây dựng
Trong những tháng cuối năm, hoạt động đầu tư, xây dựng tiếp tục thực hiện quyết liệt. Trong đó, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư xây dựng. Chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án đang có nhu cầu vốn để bảo đảm tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh đạt mức cao nhất. Đôn đốc triển khai thi công, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án, nhất là dự án trọng điểm của tỉnh, dự án có tính chất kết nối liên vùng. Khởi công mới 19 dự án trong năm 2022; các dự án chuyển tiếp triển khai thực hiện theo tiến độ; hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình, dự án, như: Chương trình “mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”; Dự án Trụ sở thanh tra giao thông vận tải; Dự án Nhà Giảng đường Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ; hạng mục nhà chính dự án Trụ sở làm việc công an tỉnh ...
Dự ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 11/2022 thực hiện được 350,4 tỷ đồng, tăng 38,29% so với cùng kỳ, gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 188,7 tỷ đồng, tăng 2,25%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 161,6 tỷ đồng, tăng 134,98%, vốn ngân sách cấp huyện tăng cao so với cùng kỳ do năm 2022 được phân bổ thêm vốn chương trình mục tiêu quốc gia.
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh 11 tháng năm 2022 ước thực hiện 2.470,2 tỷ đồng, giảm 3,21% so với cùng kỳ, gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 1.442,3 tỷ đồng, giảm 13,99%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 1.027,9 tỷ đồng, tăng 17,44%.
* Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh:
- Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn km3+700 - km18): Công trình có tổng mức đầu tư 988,2 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 11/2022 ước thực hiện được 598,7 tỷ đồng, đạt 60,58% kế hoạch.
- Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn (4 hợp phần), công trình có tổng mức đầu tư 1.377,6 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 11/2022 ước thực hiện được 512,4 tỷ đồng, đạt 37,19% kế hoạch.
4. Tài chính, ngân hàng
4.1. Tài chính[1]
- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện tháng 11 năm 2022 là 640,9 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa là 250,5 triệu đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 389,2 tỷ đồng, các khoản huy động, đóng góp 1,2 tỷ đồng. Lũy kế ước thực hiện 11 tháng năm 2022 là 6.643 tỷ đồng, đạt 84,6% so với dự toán, bằng 65,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Thu nội địa là 2.601,9 tỷ đồng, đạt 110,7% dự toán, bằng 90,2% so với cùng kỳ năm 2021; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 4.038 tỷ đồng, đạt 73,4% so với dự toán giao, bằng 55,2% so với cùng kỳ năm 2021; Các khoản huy động, đóng góp là 3,1 tỷ đồng.
Nguyên nhân thu nội địa giảm so với cùng kỳ do tiếp tục triển khai các văn bản quy định của Trung ương nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ; giảm thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022, Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022 theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ.
Số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 11 tháng giảm 44,8% với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù các chính sách phát triển cửa khẩu như: xây dựng cửa khẩu số; phát triển đại lý hải quan; triển khai phương thức giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu mới được tập trung triển khai mạnh mẽ để duy trì và tăng hiệu suất thông quan, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của hai bên; tuy nhiên, phía Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero Covid”, hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung chủ yếu tại 04 cửa khẩu (Hữu Nghị, Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, Chi Ma và Tân Thanh), riêng cửa khẩu Cốc Nam mới khôi phục thông quan hàng hóa trở lại từ ngày 26/9/2022, bắt đầu thí điểm thông quan hàng hóa theo phương thức phương tiện đầu kéo của Trung Quốc sang nhận hàng tại bãi của Việt Nam. Đồng thời việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với phần lớn các hàng hóa nhập khẩu theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ, lộ trình cắt giảm thuế theo Hiệp định thương mại ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2018 - 2022, áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời của Bộ Công Thương đã ảnh hưởng mạnh đến số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.
- Về chi ngân sách địa phương
Chi ngân sách địa phương được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn, định mức. Đối với chi đầu tư phát triển và các chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ khác: công tác giải ngân, thanh toán các nguồn vốn, tạm ứng theo hợp đồng được khẩn trương, kiểm soát chặt chẽ, đúng chế độ, chính sách, đơn giá, định mức theo quy định hiện hành. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện tháng 11 năm 2022 là 1.510,4 tỷ đồng, lũy kế tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 11 tháng đầu năm 2022 là 9.129,6 tỷ đồng, đạt 76% dự toán giao đầu năm, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Chi trong cân đối ngân sách địa phương là 7.764,6 tỷ đồng, đạt 80,3% dự toán giao đầu năm và tăng 7,1% so cùng kỳ năm 2021, trong đó Chi đầu tư phát triển là 1.019,2 tỷ đồng; Chi thường xuyên là 6.554 tỷ đồng, Chi các chương trình mục tiêu quốc gia và một số chương trình, dự án, nhiệm vụ khác là 1.365 tỷ đồng.
4.2. Ngân hàng[2]
Chính sách điều hành tín dụng trên địa bàn được thực hiện theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế. Khả năng thanh khoản của các ngân hàng được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế và chi trả cho khách hàng, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ước thực hiện đến 30/11/2022: Tổng huy động vốn ước đạt 35.100 tỷ đồng, tăng 4,9% so với 31/12/2021. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 39.340 tỷ đồng, tăng 4,8% so với 31/12/2021.
5. Thương mại và dịch vụ
Các hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển tốt, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hoá tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu dịch vụ cho nhân dân. Tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, các hệ thống phân phối hàng hoá đảm bảo nguồn hàng cung ứng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng khan hiếm hàng hoá hoặc tăng giá đột biến... Nhu cầu mua sắm hàng hoá thiết yếu phục vụ cho đời sống sinh hoạt hằng ngày của nhân dân tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, đại lý, siêu thị… trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra bình thường; nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá các sản phẩm để kích cầu tiêu dùng. Hoạt động du lịch diễn ra ổn định, thời tiết thuận lợi, các tour du lịch trong nước liên tục có những ưu đãi, khuyến mãi với các gói du lịch trong tuần để kích cầu khách du lịch.
5.1. Xuất nhập khẩu hàng hóa[3]
Tổng kim ngạch XNK tháng 11 ước đạt 290 triệu USD, lũy kế 11 tháng ước đạt 2.695 triệu USD, đạt 49% kế hoạch, giảm 31,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11 ước đạt 60 triệu USD, lũy kế 11 tháng đạt 745 triệu USD, đạt 34,8% kế hoạch, giảm 40,4%; kim ngạch nhập khẩu tháng 11 ước đạt 230 triệu USD, lũy kế 11 tháng ước đạt 1.950 triệu USD, đạt 58% kế hoạch, giảm 27,5%. Kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương tháng 11 ước đạt 15 triệu USD, lũy kế 11 tháng đạt 126 triệu USD, đạt 88,7% kế hoạch, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Hoạt động XNK trong tháng 11 sôi động hơn so với tháng trước, tập trung chủ yếu tại 04 cửa khẩu, gồm: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma, cửa khẩu phụ Tân Thanh; tình hình thông quan tại cửa khẩu phụ Cốc Nam đã được cải thiện, tuy nhiên lượng phương tiện XNK vẫn rất thấp khoảng 4-5 xe xuất/ngày). Nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của phía Trung Quốc về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
5.2. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11 năm 2022 dự ước đạt 1.906,5 tỷ đồng, tăng 3,58% so với tháng trước và tăng 17,56% so với cùng kỳ. Hầu hết các nhóm ngành hàng hoá đều tăng so với tháng trước:
- Nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 1.057,9 tỷ đồng, tăng 3,47% so với tháng trước, tăng 21,15% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm của người dân tăng.
- Nhóm hàng may mặc ước đạt 212,1 tỷ đồng, tăng 4% so với tháng trước, tăng 15,55% so với cùng kỳ năm trước, do nhu cầu mua sắm quần áo và các đồ dùng phục vụ cá nhân vào cuối năm của người dân ….
- Nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 181,5 tỷ đồng, tăng 2,44% so với tháng trước, tăng 6,66% so với cùng kỳ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nhiều cửa hàng kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng đang có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu để kích cầu người tiêu dùng mua sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ cho mùa đông như điều hoà, bình nóng lạnh, lò sưởi, lò vi sóng, bếp từ và các đồ dùng trang thiết bị gia đình…
- Gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 149,3 tỷ đồng, tăng 5,12% so với tháng trước, tăng 14,76% so với cùng kỳ, do vào những tháng cuối năm hầu hết các công trình xây dựng đang khẩn trương hoàn thiện để bàn giao do đó các mặt hàng thuộc nhóm vật liệu xây dựng tăng.
- Nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) ước đạt 1,4 tỷ, tăng 5,57% so với tháng trước do nhu cầu mua sắm phương tiện phục vụ đi lại tăng cao.
- Phương tiện đi lại trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) ước đạt 37,5 tỷ đồng, tăng 5,41% so với tháng trước, tăng 9,98% so với cùng kỳ, tăng ở mặt hàng xe đạp điện, xe máy điện là chủ yếu, các mặt hàng này hiện nay rất thông dụng phổ biến.
- Xăng, dầu, các loại ước đạt 71,3 tỷ đồng, giảm 1,85% so với tháng trước do một số cây xăng tư nhân do doanh nghiệp đầu mối khan hiếm hàng hóa, tại một số thời điểm phải tạm dừng bán hoặc bán cố định lượng xăng cho người dân trong mỗi lần đổ xăng.
- Đá quý, kim loại quý ước đạt 20,3 tỷ đồng, tăng 3,64% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng, trao đổi, mua bán của khách hàng và trong các dịp lễ để làm quà tặng...
- Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác ước đạt 53,1 tỷ đồng, tăng 11,38% so với tháng trước và tăng 18,38% so với cùng kỳ năm trước.
Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa lũy kế 11 tháng năm 2022 đạt 19.780 tỷ đồng, tăng 13,95% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các nhóm ngành trong 11 tháng năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ, lượng hàng hóa ổn định, không có hiện tượng khan hiếm hàng hoá, tăng đột biến về giá.
5.3. Dịch vụ
5.3.1. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành
Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 11/2022 dự ước doanh thu đạt 201,1 tỷ đồng, tăng 8,74% so với tháng trước: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 10,3 tỷ đồng, tăng 9,77% so với tháng trước; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 190,8 tỷ đồng, tăng 8,68% so với tháng trước. Doanh thu dịch vụ lữ hành tháng 11/2022 ước đạt 1,3 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 3,2%; so với cùng kỳ tăng 62,54%.
Dự ước 11 tháng năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ du lịch lữ hành đạt 1.970,8 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 26,89%. Hiện nay, tỉnh cũng đã và đang tập trung phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại một số huyện trên địa bàn tỉnh, như: Lộc Bình, Bắc Sơn, Bình Gia, Hữu Lũng…. mục tiêu phát triển du lịch là một trong những ngành mũi nhọn của tỉnh trong giai đoạn tới. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã và đang được đầu tư phát triển mạnh các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
5.3.2. Doanh thu dịch vụ khác
Các hoạt động dịch vụ như: kinh doanh bất động sản, dịch vụ hành chính và hỗ trợ trong tháng 11/2022 tăng hơn so với tháng trước là do đang vào mùa cao điểm thi công các dự án, công trình xây dựng trọng điểm do đó nhu cầu sử dụng các dịch vụ hỗ trợ hành chính, dịch vụ thuê máy móc công trình có xu hướng tăng, tác động đến doanh thu hoạt động dịch vụ tăng hơn so với tháng trước. Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 11/2022 dự ước đạt 43,9 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 7,17% và tăng 13,97% so với cùng kỳ năm trước.
Dự ước 11 tháng năm 2022, doanh thu dịch vụ khác đạt 464 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 12,35%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đang được chú trọng đầu tư và phát triển thu hút khách du lịch từ mọi miền đến thăm quan và du lịch, nghỉ dưỡng các cơ sở hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ đáp ứng được nhu cầu của người dân.
5.4. Vận tải
Hiện nay hoạt động của ngành vận tải đã có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại và kinh doanh buôn bán của người dân trên địa bàn tỉnh. Xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện khai báo trực tuyến và xử lý trên nền tảng cửa khẩu số nhằm giảm bớt thời gian, công sức và khối lượng công việc của cơ quan quản lý tại cửa khẩu; đồng thời giảm bớt thời gian đi lại và giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp.
Tổng doanh thu toàn ngành vận tải tháng 11/2022 ước đạt 247,6 tỷ đồng, tăng 40,38% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu vận tải hành khách đạt 23,1 tỷ đồng, tăng 7,06%. Doanh thu vận tải hàng hóa đạt 114 tỷ đồng, tăng 1,62%. Doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 110,10 tỷ đồng, tăng 160,35%; hoạt động bưu chính, chuyển phát đạt 0,42 tỷ đồng, tăng 16,67% so với cùng kỳ năm 2021.
Dự ước doanh thu vận tải 11 tháng năm 2022 ước đạt 1.830,1 tỷ đồng, tăng 20,82% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hành khách đạt 211,8 tỷ đồng tăng 24,37%. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 7,95%; hành khách luân chuyển tăng 17,13% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng hoá đạt 1013,6 tỷ đồng, tăng 10,81%. Khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 20,34%; hàng hoá luân chuyển tăng 20,17% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 601,2 tỷ đồng tăng 40,97%; dịch vụ chuyển phát đạt 3,5 tỷ đồng tăng 9,81% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân doanh thu ngành vận tải tăng so với cùng kỳ năm 2021, tăng cả ở vận tải hành khách và vận tải hàng hoá: Do tình hình dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt, nhu cầu đi lại của người dân tăng, lưu lượng khách vận chuyển tăng; khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt mức tăng khá so với cùng kỳ. Bên cạnh đó ngành vận tải kho bãi năm 2022 tăng cao hơn là do Công ty Cổ phần vận tải Thương mại Bảo Nguyên những năm trước chủ yếu là hoạt động công nghiệp, sang năm 2022 Công ty này đã mở rộng kinh doanh chuyển hẳn sang ngành vận tải kho bãi nên doanh thu của ngành vận tải tăng rất cao so với năm 2021.
6. Chỉ số giá
6.1 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung toàn tỉnh tháng 11/2022 giảm 0,02% so với tháng trước, tăng 4,22% so với cùng kỳ năm trước:
* So với tháng trước: Trong 11 nhóm mặt hàng chính, có 6 nhóm hàng tăng (Nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,26%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,45%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27%; nhóm thuốc và dụng cụ y tế tăng 0,09%; nhóm giao thông tăng 2,11%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng nhẹ 0,01%); 3 nhóm hàng giảm (Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,53%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,67%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch giảm 0,19%) và các nhóm hàng còn lại không thay đổi so với tháng trước. Chỉ số giá của một số nhóm hàng chủ yếu như sau:
- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống: Nhóm hàng hàng thực phẩm là nhóm thường có biến động nhất. Trong đó, giá thịt gia súc, gia cầm tháng này giảm hơn so với tháng trước, gia súc giảm 0,57%, gia cầm giảm 0,34%, riêng giá thịt lợn giảm 0,52%, gà giảm 0,30%; Thịt chế biến giảm 1,48%; là do nguồn cung ứng dồi dào hơn. Giá thịt gia cầm giảm nên các sản phẩm giá trứng các loại cũng giảm 0,16%; giá rau tươi, khô và chế biến tháng này giảm 1,76%, do nguồn hàng cung dồi dào hơn, một số mặt hàng rau củ bắt đầu vào mùa vụ nên giá các loại rau củ giảm mạnh. Nhóm lương thực tăng 0,59%: Chỉ số giá nhóm lương thực tăng chủ yếu ở mặt hàng gạo tẻ thường và gạo nếp. Ăn uống ngoài gia đình tăng nhẹ 0,03%.
- Nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,45% tăng nhẹ ở một số mặt hàng như giầy dép, khăn choàng, tất các loại, quần áo may sẵn...
- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tháng này có giảm nhẹ giảm 0,67%. Trong đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,77%, giá dịch vụ sửa chữa nhà cửa tăng 0,14% do giá một số VLXD tăng ở chi phí vận chuyển. Giá điện sinh hoạt giảm 2,03%; ga và các loại chất đốt khác ổn định.
- Nhóm giao thông tăng 2,11%. Trong đó, chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 5,72% so với tháng trước: Do trong tháng có 3 lần điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào các ngày 01/111, 11/11 và 21/11. Ngày 01/11, sau khi thực hiện việc trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng, dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng RON 95 tăng 410 đồng/lít lên mức 22.750 đồng/lít; Xăng E5-RON 92 tăng 380 đồng/lít lên mức 21.870 đồng/lít; Dầu diesel tăng 290 đồng/lít lên mức 25.070 đồng/lít; Dầu hoả tăng 120 đồng/lít lên mức 23.780 đồng/lít; Dầu mazut tăng 190 đồng/kg lên mức 14.080 đồng/kg. Ngày 11/11, Liên Bộ Công thương – Tài chính tiếp tục điều chỉnh tăng giảm các loại xăng dầu, cụ thể: Xăng RON 95 tăng 1.111 đồng/ lít lên mức 23.867 đồng/lít; Xăng E5 RON 92 tăng 838 đồng/lít lên mức 22.711 đồng/lít; Dầu diesel giảm 87 đồng/lít xuống mức 24.983 đồng/lít; Dầu hoả tăng 964 đồng/lít lên mức 24.747 đồng/lít; Dầu mazut tăng 678 đồng/kg lên mức 14.760 đồng/kg. Ngày 21/11, Liên Bộ Công thương – Tài chính điều chỉnh giảm các loại xăng dầu, cụ thể: Xăng RON 95 giảm 80 đồng đồng/lít xuống mức 23.780 đồng/lít; Xăng E5 RON 92 tăng 40 đồng/lít xuống mức 22.670 đồng/lít; Dầu diesel giảm 180 đồng/lít xuống mức 24.800 đồng/lít; Dầu hoả giảm 100 đồng/lít xuống mức 24.6407 đồng/lít; Dầu mazut tăng 20 đồng/kg lên mức 14.780 đồng/kg.
* So với cùng kỳ năm trước
CPI chung toàn tỉnh tháng 11/2022 tăng 4,22% so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng của một số nhóm hàng sau: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 7,92% (trong đó nhóm thịt gia súc tăng 22,61%; gia cầm tăng 6,29%); Đồ uống và thuốc lá tăng 1,11%; Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 3,61%; Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,36%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,18%; Nhóm giáo dục tăng 14,57%; Nhóm văn hóa giải trí và du lịch tăng 9,37%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,30%.
6.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
- Chỉ số giá vàng: Trong tháng 11/2022, giá vàng thế giới biến động mạnh hơn các tháng trước, thị trường vàng trong nước giao dịch điều chỉnh giá tăng theo giá thị trường thế giới. Giá vàng trong nước so với tháng trước tăng 1,34%, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,56%, so với năm gốc năm 2019 tăng 40,21%. Bình quân 11 tháng năm 2022 chỉ số giá vàng tăng 3,45% so với bình quân cùng kỳ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ: giá đô la thế giới biến động mạnh hơn các tháng trước, thị trường đô la trong nước cũng có biếm động mạnh. Đô la so với tháng trước tăng 2,13%, so với cùng kỳ năm trước tăng 6,67%, so với năm gốc năm 2019 tăng 6,53%. Bình quân 11 tháng năm 2022 giá chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,08% so với bình quân cùng kỳ.
7. Một số tình hình xã hội
7.1. Giải quyết việc làm và Bảo hiểm xã hội[4]
Tổng số lượt người được tư vấn về chính sách pháp luật lao động việc làm: 3.043 lượt người lũy kế từ đầu năm 29.983 lượt người. Số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp 582 người, lũy kế từ đầu năm là 5.356 người; Số người có quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng là 528 người, lũy kế từ đầu năm là 4.657 người với tổng số tiền chi trả trợ cấp là 7,1 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm là 62 tỷ đồng.
Thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 3.766 người có công và thân nhân với kinh phí 6,6 tỷ đồng, lũy kế chi trả trợ cấp cho 41.742 lượt người có công, kinh phí 77,1 tỷ đồng. Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân; người hoạt động kháng chiến là 160 hồ sơ; Lũy kế tiếp nhận và giải quyết là 1.471 hồ sơ.
7.2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng[5]
Trong tháng 11, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng theo tiến độ, đặc biệt là các đối tượng tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi, tiêm mũi 3 trẻ 12-18 tuổi, tiêm mũi 2 trẻ 5 đến dưới 12 tuổi. Đảm bảo y tế “vùng xanh” phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực các cửa khẩu. Tăng cường giám sát dịch bệnh, đặc biệt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dịch bệnh theo mùa như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ, bệnh dại,... Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động duy trì hiệu quả Chương trình mục tiêu y tế - dân số. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thái độ chăm sóc phục vụ bệnh nhân; thực hiện Đề án “Khám chữa bệnh từ xa” tại 14/14 bệnh viện.
7.2.1. Công tác y tế dự phòng
* Công tác phòng chống dịch Covid-19 tính đến 15h00 ngày 23/11/2022:
Trong tháng phát hiện 230 F0. Hiện còn điều trị 12 F0 tại tỉnh (11 F0 mắc lần 1, 01 F0 mắc lần 2), trong đó 07 người bệnh điều trị tại các cơ sở y tế, 05 người bệnh đang điều trị tại nhà. Lũy kế từ ngày 06/5/2021 đến nay 159.846 F0 (trong đó 592 ca mắc lần 2; 13 ca mắc lần 3 được báo cáo); đã khỏi bệnh 159.733 ca; tử vong 101 ca. Tính từ ngày 01/01/2022 đến nay đến nay ghi nhận 157.916 ca, tử vong 93 ca.
Đánh giá cấp độ dịch của tỉnh Lạng Sơn theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế (đánh giá ngày 03/10/2022):Quy mô xã: 200/200 xã, phường, thị trấn: Cấp 1 “Vùng xanh”.
* Tình hình tiêm chủng: Lũy kế tổng số liều vắc xin đã tiếp nhận 2.068.836 liều (liều lọ); đã tiêm 2.071.210 liều (mũi tiêm). Từ 18 tuổi trở lên: Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 102,27% (Bao gồm tiêm cho người ngoại tỉnh); tỷ lệ tiêm 2 mũi đạt 100,82% (Bao gồm tiêm cho người ngoại tỉnh); tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) đạt 91,64%; tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) đạt tỷ lệ 118,86% (bao gồm cả đối tượng mở rộng). Trẻ em từ 12-17 tuổi: Tỷ lệ mũi 1 đạt 99,01%; tỷ lệ mũi 2 đạt 98,28%; tỷ lệ tiêm liều nhắc lại (mũi 3) đạt 76,14%. Trẻ từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi: Tỷ lệ mũi 1 đạt 98,06%; tỷ lệ mũi 2 đạt 75,61%.
* Công tác phòng, chống dịch bệnh khác
Công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác tiếp tục được kiểm soát, không để dịch lớn xảy ra. Trong tháng có 07 bệnh có số mắc tăng[6] và 03 bệnh có số mắc giảm[7] hoặc tương đương so với cùng kỳ; các bệnh truyền nhiễm phân bố rải rác, không có yếu tố dịch tễ gây dịch hay ổ dịch lớn. Số liệu cộng dồn (tính từ ngày 01/01/2022 – 31/10/2022) so với cùng kỳ năm 2021 có 05 bệnh có số mắc tăng và 12 bệnh có số mắc giảm hoặc tương đương). Các ca bệnh phân bố rải rác, không có yếu tố dịch tễ gây dịch.
7.2.2. Công tác khám chữa bệnh
Các đơn vị khám, chữa bệnh đảm bảo trực 24/24 giờ. Kết quả trong tháng 11 khám được 139.167 lượt; điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã cho 13.686 lượt; điều trị ngoại trú cho 9.910 lượt. Cộng dồn 11 tháng, khám được 1.260.763 lượt; điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã cho 133.483 lượt; điều trị ngoại trú cho 150.266 lượt. Hoạt động khám chữa bệnh ngoài công lập: Trong tháng khám được 27.542 lượt, trong đó số khám bảo hiểm y tế 22.347 lượt; chuyển viện 946 lượt; Tổng số khám sức khỏe 1.941 lượt. Cộng dồn 11 tháng khám được 227.878 lượt, trong đó số khám bảo hiểm y tế 159781 lượt; Chuyển viện 8.633 lượt.
7.3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch[8]
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Pháp luật của Nhà nước; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, nghệ thuật chào mừng Kỷ niệm 191 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn và 113 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (04/11/1909 - 04/11/2022). Chiếu phim và tuyên truyền đạt 150 buổi đến 33 lượt xã, 150 lượt thôn, lượt phục vụ trên 13.030 lượt người nghe, xem, 1.050 lượt nội dung tuyên truyền. Thực hiện tốt công tác chiếu phim tại Rạp Đông Kinh với tổng số 10 phim, 63 xuất chiếu; chiếu phim dành cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa. Lũy kế, các đội chiếu bóng lưu động đã chiếu được 1.384/1.670 buổi chiếu.
Tiếp tục thực hiện tốt nghiệp vụ thư viện tại thư viện tỉnh. Mở cửa Nhà trưng bày Bảo tàng phục vụ khách tham quan đón tiếp 3.029 lượt khách. Trong tháng 11, hoàn thành Khai mạc triển lãm chuyên đề: “đường số 4 rực lửa” kỷ niệm 75 năm chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947; 72 năm giải phóng Lạng Sơn 1950 và 20 năm thành lập thành phố Lạng Sơn.
Tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao cơ sở nhằm thúc đẩy phòng trào tập luyện thể dục thể thao của người dân. Đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh cho các vận động viên (VĐV) trong các buổi tập luyện và sinh hoạt; thực hiện tốt công tác đào tạo, huấn luyện VĐV tham gia các giải thể thao khu vực và toàn quốc. Đoàn VĐV tham gia thi đấu Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 các môn: Cử tạ, Karate, Kickboxing, Muay, Điền kinh, Wushu, Jujitsu, Đẩy gậy, Kéo co.
Dự ước tổng lượng khách tháng 11/2022 đạt 150.540 lượt khách. Trong đó, khách quốc tế đạt 8.210 lượt khách; khách trong nước đạt 142.330 lượt khách. Lũy kế 11 tháng năm 2022 đạt 3.427.820 lượt khách, tăng 199,5% so với cùng kỳ, đạt 99,7% so với kế hoạch năm 2022. Trong đó: Khách quốc tế đạt 36.904 lượt khách, tăng 199,5% so với cùng kỳ, đạt 6,7% so với kế hoạch năm 2022. Khách trong nước đạt 3.390.916 lượt khách, tăng 183% so với cùng kỳ, đạt 116,5% so với kế hoạch năm 2022.
7.4. Giáo dục
Trong tháng, tổng số 12 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (05 trường mầm non; 03 trường tiểu học; 02 trường trung học cơ sở; 02 trường trung học phổ thông) theo Quyết định số 1788/QĐ-UBND ngày 09/11/2022 và Quyết định số 1806/QĐ-UBND ngày 11/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Ngành giáo dục đã tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy và sử dụng tài liệu các tài liệu giáo dục trong hoạt động giảng dạy. Hoạt động dạy và học đảm bảo theo kế hoạch năm học 2022 – 2023. Trong tháng, các đơn vị trường học và cơ sở giáo dục tổ chức Lễ Kỷ niệm và các hoạt động chào mừng 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) và 75 năm thành lập Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lạng Sơn (1947-2022).
7.5. Trật tự - An toàn giao thông[9]
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực hình sự, ma túy, kinh tế, môi trường. Tiếp tục triển khai hiệu quả Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Trong tháng xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 06 người, bị thương 02 người; lũy kế đến tháng 11 trên địa bàn tỉnh đã sảy ra 36 vụ tai nạn giao thông, làm chết 33 người, bị thương 14 người.
7.6. Môi trường
Trong tháng 11, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không có vụ vi phạm môi trường được phát hiện, vì vậy không có vụ vi phạm cần phải xử lý và tiến hành. xử phạt; so với tháng 11 năm 2021 cũng không có vụ vi phạm môi trường được phát hiện. Lũy kế từ đầu năm 2022 có 02 vụ vi phạm môi trường được phát hiện, tổng số tiền xử phạt 90 triệu đồng, giảm 02 vụ so với cùng kỳ.
7.7. Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng, trên khu vực tỉnh Lạng Sơn không xảy ra thiên tai; cùng kỳ năm 2021 do ảnh hưởng của cơn bão số 7 làm thiệt hại về nhà ở, lúa, hoa màu, giá trị thiệt hại 6,7 tỷ đồng.
[1] Nguồn: Sở Tài chính.
[2] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Lạng Sơn.
[3] Nguồn: Sở Công Thương.
[4] Nguồn: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
[5] Nguồn: Sở Y tế.
[6] Sốt xuất huyết 01 ca (tăng 01 ca); Tay chân miệng 07 ca (tăng 06 ca); Bệnh do vi rut Adeno 12 ca (tăng 03 ca); Cúm 685 ca (tăng 259 ca); Thủy đậu 17 ca (tăng 11 ca); Tiêu chảy 263 ca (tăng 81 ca); Viêm gan virut khác 07 ca (tăng 04 ca).
[7] Lỵ Amip 01 ca (giảm 01ca); Lỵ trực trùng 04 ca (tương đương với cùng kỳ 2021); Quai bị 02 ca (giảm 02 ca).
[8] Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
[9] Nguồn: Ban An toàn giao thông tỉnh.
File đính kèm: SolieuT11.2022.pdf
Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn