Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/01/2023-14:31:00 PM
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
(MPI) – Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV, ngày 07/01/2023, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình làm rõ vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm.

Qua ý kiến thảo luận tại hội trường cho thấy, các đại biểu Quốc hội ghi nhận báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được chuẩn bị công phu, với khối lượng lớn, đủ hồ sơ, kết cấu bám sát quy định tại Điều 22 của Luật Quy hoạch, bao quát được hầu hết các không gian kinh tế, các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ. Đồng thời nhấn mạnh thêm một số vấn đề về thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách, mục tiêu lớn trong Nghị quyết của Đảng, vừa đáp ứng nguyện vọng của cử tri và tạo cơ sở cần thiết cho hoạt động giám sát của Quốc hội; phát huy tối ưu tiềm năng xây dựng, phát triển đất nước một cách hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu làm rõ vấn đề được quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảm ơn ý kiến của các đại biểu và cho biết, qua tổng hợp đã có 217 ý kiến thảo luận tại tổ và 26 ý kiến tại hội trường của các đại biểu Quốc hội cho thấy, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với Tờ trình, dự thảo Nghị quyết và cơ bản đồng tình với nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều rất tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc, có giá trị đã gợi mở nhiều vấn đề để các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện Quy hoạch. Đồng thời cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội.

Đây là công trình nghiên cứu đồ sộ, công phu, nghiêm túc, khoa học với 41 hợp phần, gần 30 cơ sở viện, trường nghiên cứu, hơn 100 chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về quy hoạch tham gia; với rất nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức, phương pháp tiếp cận mới, hiện đại, đảm bảo thông lệ quốc tế, phù hợp với các xu thế vận động và xu hướng mới hiện nay, cũng như các Nghị quyết của Trung ương Đảng về các vùng, địa phương, ngành và lĩnh vực đã được ban hành.

Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để triển khai các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch khác cũng như để thu hút đầu tư cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình lập Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự tham gia của các lực lượng tư vấn; nhiều Nghị quyết mới của Trung ương được ban hành cũng là cơ sở quan trọng để bám sát, xây dựng. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ mới và khó; kinh nghiệm quốc tế không nhiều; lần đầu tiên thực hiện theo phương pháp tích hợp; nội dung không được chung chung quá vì sẽ trùng lặpvới chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng không được chi tiết quá sẽ trùng với các quy hoạch ngành, vùng.

Về mức độ chi tiết, quy hoạch đã đảm bảo tuân thủ cụ thể hóa các Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch cũng tuân thủ theo quy định tại Điều 22 của Luật Quy hoạch, xác định là quy hoạch cấp quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ; xác định tổ chức không gian phát triển của đất nước; phạm vi cấp quốc gia, quốc tế và liên vùng.

Các nội dung chi tiết về phân chia tiểu vùng trong các vùng, liên kết nội vùng, định hướng phát triển cụ thể của từng ngành, từng tỉnh sẽ được cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp thấp hơn, tránh sự trùng lặp và chồng chéo về nội dung của các quy hoạch.

Quy hoạch hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra được động lực phát triển mới, đồng thời phải đảm bảo các vấn đề về an sinh, xã hội và môi trường. Theo đó, quy hoạch phân chia ra 2 giai đoạn. Giai đoạn trước năm 2030 phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo quan tâm đến các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường, các đối tượng chính sách, những người nghèo, dân tộc thiểu số, miền núi, nhất là về y tế, giáo dục và văn hóa. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ hướng đến phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững giữa các vùng miền và địa phương.

Về hình thành và phát triển các vùng động lực, trước đây có 4 vùng kinh tế trọng điểm nhưng chưa thực sự trở thành vùng động lực của cả nước. Nhiều địa phương của các vùng này có mức phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước. Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, việc lựa chọn một số địa bàn có vị trí, điều kiện thuận lợi nhất có cảng biển, cảng hàng không quốc tế, khu kinh tế ven biển, tiềm lực về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao được kết nối với các cửa khẩu quốc tế … để xác định là vùng động lực. Theo đó, có 4 cực tăng trưởng để ưu tiên nguồn lực, thể chế, phát triển nhanh hơn, đóng góp lớn hơn, tạo sự lan tỏa hơn cho cả vùng xung quanh và cho cả nước. Các vùng khác được đưa ra định hướng là dần hình thành các vùng động lực mới ở Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc. Trong quá trình phát triển, nếu thấy đủ điều kiện sẽ điều chỉnh và bổ sung các vùng động lực mới để phát huy được tối đa tất cả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các địa phương.

Ảnh: Quochoi.vn

Về các hành lang kinh tế, việc hình thành các hành lang nhằm tăng cường tính liên kết nội vùng, liên vùng và cả nước; đưa các hành lang giao thông đã có và sẽ trở thành hành lang trọng điểm kinh tế. Các hành lang kinh tế gắn với lựa chọn các tuyến giao thông cao tốc, đường sắt, kết nối với các đô thị, các trung tâm kinh tế lớn, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu kinh tế lớn; ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế với các vùng động lực quốc gia, kết nối với khu vực và quốc tế.

Về kịch bản của mục tiêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu đã được nghiên cứu kỹ lưỡng để lựa chọn kịch bản phát triển, trên cơ sở đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động, cân đối nguồn lực phù hợp với thực tiễn cũng như đáp ứng được yêu cầu phát triển, bám sát để cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đưa ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để đảm bảo tính khả thi của kịch bản, phấn đấu trên tinh thần quyết tâm cao nhất, tận dụng, khai thác hiệu quả các lợi thế so sánh của các vùng và của cả nước cũng như các cơ hội mới, xu thế mới để phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu Đại hội Đảng đã đề ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, qua thảo luận các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã tích cực chuẩn bị hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia và báo cáo thẩm tra. Đây là nhiệm vụ mới, phức tạp, chưa có tiền lệ; cơ quan lập, cơ quan thẩm tra chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc xây dựng và thẩm tra Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ rất khó khăn, gặp nhiều thách thức nhưng Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã rất cố gắng, nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tiếp thu những nội dung góp ý để hoàn thiện Dự thảo nghị quyết gửi các đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia như sự cần thiết và cần ban hành nghị quyết trong Kỳ họp bất thường căn cứ trên cả 3 cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, sự chuẩn bị nghiêm túc và tích cực của Chính phủ; kết cấu, nội dung các mục tiêu, chỉ tiêu của dự thảo Nghị quyết và Quy hoạch; phạm vi, mức độ chi tiết và tính khái quát, phương pháp tiếp cận, căn cứ lập quy hoạch, quan điểm, mục tiêu và kịch bản phát triển; nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, các vùng động lực và hành lang kinh tế; định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng; giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch; danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến đại biểu phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3107
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)