Nikkei Asia cho hay gió mạnh ngoài khơi bờ biển phía Nam Việt Nam khiến nơi đây trở thành một trong những địa điểm tốt nhất trong khu vực để phát triển điện gió ngoài khơi.
|
Nhiều trụ điện gió tại vùng ven biển Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN) |
Nikkei Asia vừa có bài viết phân tích tiềm năng điện gió của Việt Nam, trong đó nhận định các công ty Nhật Bản và các tập đoàn châu Âu đang có những động thái lớn trong lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam, nhằm tận dụng lợi thế thúc đẩy năng lượng tái tạo của quốc gia đang phát triển này.
Trong bài viết “Điện gió ngoài khơi Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài,” Nikkei Asia cho hay gió mạnh ngoài khơi bờ biển phía Nam Việt Nam khiến nơi đây trở thành một trong những địa điểm tốt nhất trong khu vực để phát triển điện gió ngoài khơi.
Bên cạnh đó, cam kết không phát thải carbon ròng vào giữa thế kỷ này cùng với tình trạng thiếu điện khẩn cấp đang khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo.
Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản đã công bố phát triển một dự án phát điện gió ngoài khơi vào tháng 9/2022. Tiếp theo đó là một cuộc khảo sát vào tháng 12 để nghiên cứu các tuyến đường đặt cáp.
Công ty có kế hoạch bắt đầu vận hành một trang trại gió với công suất từ 500 Megawatt đến 1 Gigawatt vào năm 2030.
Nếu các kế hoạch ban đầu đi đúng hướng, công ty sẽ đặt mục tiêu phát triển các dự án tiếp theo, bao gồm cả ở khu vực phía Bắc của Việt Nam.
Sumitomo có kinh nghiệm phát triển các trang trại gió ngoài khơi ở châu Âu, bao gồm cả ở Bỉ và Vương quốc Anh. Sản lượng của các nhà máy ở châu Âu, dựa trên tỷ lệ đầu tư, là khoảng 310MW. Con số đó dự kiến sẽ tăng lên khoảng 600MW khi tính cả các dự án sắp tới.
Công ty cũng đang xem xét hợp tác với các công ty địa phương để thúc đẩy các dự án ở Việt Nam.
Sumitomo không phải là công ty Nhật Bản duy nhất đang tìm kiếm một phần thị trường năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam.
Renova, công ty chuyên về năng lượng tái tạo, đã thành lập một cơ sở phát triển tại Việt Nam.
Vào tháng Tư, Việt Nam đã ký một bản ghi nhớ về phát triển năng lượng gió ngoài khơi với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với kế hoạch phát triển một nhà máy điện 2GW trong tương lai.
Việt Nam cũng đang xem xét phát triển một nhà máy điện nổi ngoài khơi, trong đó các turbin nổi trên mặt biển.
Công ty tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo ở các quốc gia khác như Nam Hàn Quốc và Philippines, nhưng Renova đã dành số lượng nhân sự lớn nhất cho dự án tại Việt Nam.
Theo Kei Saiki, đồng Trưởng bộ phận kinh doanh toàn cầu của Renova, công ty đã coi quốc gia này là "một trong những quốc gia quan trọng nhất" để phát triển năng lượng tái tạo.
Trong số các công ty châu Âu, Orsted của Đan Mạch, công ty năng lượng gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, đang dẫn đầu tại thị trường Việt Nam.
Công ty bắt đầu xem xét một dự án vào năm 2020, ký một biên bản ghi nhớ vào năm 2021 với Tập đoàn T&T về việc phát triển nhà máy điện gió.
T&T Group đã và đang mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, với các nhà máy điện mặt trời và điện gió trên bờ có công suất 1 GW.
Orsted sẽ kết hợp thế mạnh về năng lượng tái tạo của Tập đoàn T&T để phát triển hơn nữa các dự án của mình.
Renova đã có kế hoạch cùng bắt đầu hoạt động với T&T tại một nhà máy điện có tổng công suất 2 GW vào năm 2030.
Việt Nam được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài về điện gió, bởi quốc gia này được đánh giá là có tiềm năng điện gió lớn.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất trong 4 nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/giây ở độ cao 65m, tương đương công suất 512GW.
Đặc biệt, gần 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt, với tốc độ gió ở độ cao 65m là 7-8m/giây, có những khu vực ngoài khơi bờ biển phía Nam Việt Nam sức gió có thể vượt quá 10 mét/giây.
Với lợi thế trên, chuyên gia Sebastian Hald Buhl của công ty Orsted nhận định Việt Nam là "'một trong những nơi tốt nhất ở châu Á về năng lượng gió ngoài khơi."
Về chính sách phát triển của đất nước, với dân số xấp xỉ 100 triệu người, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và mức độ tập trung ngày càng tăng của các nhà sản xuất nước ngoài.
Đồng thời, cơ sở hạ tầng phát điện không theo kịp sự phát triển, có thể dẫn đến tình trạng thiếu trong tương lai gần.
Trong đợt nắng nóng tháng Bảy năm ngoái, tình trạng mất điện trên diện rộng đã xảy ra ở các khu vực xung quanh thủ đô Hà Nội.
|
Các trụ điện gió của nhà máy Điện gió Đông Hải I. (Ảnh: TTXVN phát) |
Bên cạnh đó, tại hội nghị cấp cao về khí hậu của Liên hợp quốc COP26 tại Glasgow năm 2021, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã công bố kế hoạch đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ở giai đoạn trung và dài hạn, Việt Nam cần phải đảm bảo các nguồn năng lượng để thay thế than đá, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng điện trong cả nước.
Trong bối cảnh đó, điện gió ngoài khơi dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các kế hoạch phát điện của chính phủ.
Sau khi có cơ chế khuyến khích của Quyết định số 39 của Thủ tướng Chính phủ, quy mô điện gió của Việt Nam đã tăng mạnh từ lúc chỉ có 90MW vào năm 2017 lên tới trên 4.100MW tính đến tháng 11/2021 (gấp hơn 45 lần).
Đề án Quy hoạch Điện VIII của Việt Nam đã xác định ưu tiên phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi.
Theo dự kiến, năm 2030, công suất điện gió trên bờ lên tới 21.480MW và điện gió ngoài khơi là 7.000MW (trong đó, miền Bắc là 4.000MW)./.