Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/03/2023-14:39:00 PM
Họp Ban chỉ đạo Dự án “Triển khai Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” (Xem tin ảnh)
(MPI) - Thực hiện nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Dự án “Triển khai Khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, ngày 09/3/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án để đánh giá tình hình triển khai năm 2022 và xây dựng kế hoạch triển khai Dự án từ năm 2023 đến hết tháng 5/2024.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, năm 2022 đánh dấu những nỗ lực đáng ghi nhận của Dự án trong việc đẩy nhanh tất cả các hoạt động trên hai khía cạnh: hỗ trợ xây dựng thể chế, chính sách cho phát triển KCN sinh thái và thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi các KCN thành KCN sinh thái.

Theo đó, các quy định về KCN sinh thái đã được hoàn thiện tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế; KCN sinh thái, cộng sinh công nghiệp đã được quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam,…

Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật ở cấp KCN, doanh nghiệp trong KCN, giữa KCN và khu vực đô thị đã được đẩy mạnh, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ của năm 2021 còn lại do ảnh hưởng của dịch bệnh và kế hoạch thực hiện năm 2022 đã được phê duyệt.

Trên cơ sở kế thừa các kết quả Dự án KCN sinh thái giai đoạn 2015-2019, với các kinh nghiệm quốc tế về phát triển KCN sinh thái của UNIDO, Dự án đã góp phần nhân rộng mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam, phù hợp với nhiều cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ, mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 và đạt phát thải ròng về 0 vào năm 2050 vừa là tham vọng lớn nhưng cũng là thách thức đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy hy vọng Dự án và các bước tiếp theo sẽ là đầu vào quan trọng giúp Việt Nam huy động nguồn lực, đẩy nhanh quá trình triển khai các KCN sinh thái để phát triển môi trường bền vững trong giai đoạn tới.

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) - nhà tài trợ của Dự án và UNIDO tiếp tục hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy nhanh thực hiện KCN sinh thái; các bên liên quan cùng phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện các quy định pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn thực hiện cộng sinh công nghiệp và xây dựng mới các KCN sinh thái.

Đồng thời, tiếp tục lan tỏa sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính đến nhiều KCN theo từng mức độ phát triển; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin hỗ trợ đánh giá, chứng nhận, theo dõi, giám sát KCN sinh thái; xây dựng cơ chế đối thoại, hợp tác công tư để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh quá trình thực hiện KCN sinh thái; tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông về KCN sinh thái theo đúng định hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn của Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trân trọng và cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Sỹ - thông qua SECO cũng như UNIDO trong thời gian qua để triển khai Dự án, mang lại nhiều lợi ích, giúp cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp đào tạo, nâng cao nhận thức, năng lực quản lý về KCN nói chung và KCN sinh thái nói riêng.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Werner Gruber, Trưởng Bộ phận Hợp tác quốc tế SECO đánh giá cao các hoạt động, thành tựu đạt được của Dự án như việc xây dựng nhóm công tác liên ngành để đảm bảo thực thi hiệu quả Nghị định số 35/2022/NĐ-CP và tổ chức nhiều cuộc họp, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển KCN sinh thái với các đối tác có liên quan. Chính phủ Thụy Sỹ và SECO luôn mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động của Dự án và sẽ tích cực trao đổi, thảo luận với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan để xây dựng giai đoạn tiếp theo phù hợp với nhu cầu và ưu tiên của Việt Nam trong phát triển hệ thống KCN sinh thái.

Ông Werner Gruber, Trưởng Bộ phận Hợp tác quốc tế, Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ. Ảnh: MPI

Đại diện UNIDO bày tỏ hy vọng được tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong việc nhân rộng và đưa KCN sinh thái phát triển rộng rãi hơn và cho biết, giai đoạn tiếp theo Dự án sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách để gỡ bỏ rào cản, thúc đẩy hơn nữa phát triển KCN sinh thái; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới để tạo tiền đề cho KCN sinh thái tại Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính xanh; đảm bảo tính bền vững về mặt thể chế, nguồn lực cho các cơ quan quản lý về KCN sinh thái.

Cuộc họp đã tập trung thảo luận về một số thách thức, vướng mắc còn gặp phải trong quá trình thực hiện Dự án; nêu rõ nhu cầu của khu vực tư nhân, doanh nghiệp và điều kiện cần để độc lập và phát triển KCN sinh thái; cơ chế để doanh nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp; các bài học kinh nghiệm và thông lệ quốc tế phù hợp nhất để thúc đẩy KCN sinh thái tại Việt Nam.

Theo Kế hoạch năm 2022, Dự án đã góp phần xây dựng chính sách liên quan đến KCN sinh thái; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho KCN sinh thái; tăng cường tập huấn, đào tạo về KCN sinh thái; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, phổ biến và nâng cao nhận thức về KCN sinh thái. Dự án cũng giúp xác định năng lực hiện tại của các cơ quan liên quan thông qua việc hỗ trợ trao đổi liên Bộ để xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện KCN sinh thái và xây dựng chỉ số về KCN sinh thái; tăng cường hiệu quả của các KCN và doanh nghiệp trong KCN nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia và các yêu cầu về KCN sinh thái với việc tăng cường năng lực và cung cấp dịch vụ tư vấn tại các KCN được lựa chọn.

Trong năm 2023, Dự án sẽ tập trung phát triển chính sách, xây dựng hướng dẫn phát triển KCN sinh thái mới, xây dựng cơ sở dữ liệu để thu thập số liệu về KCN sinh thái; đồng thời thực hiện trình diễn KCN sinh thái, hoàn thiện báo cáo cộng sinh công nghiệp và cơ hội cộng sinh đô thị - công nghiệp, triển khai, giám sát cơ hội KCN sinh thái đã xác định./

Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1746
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)