Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/03/2023-15:20:00 PM
Thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế hợp tác đa dạng và bền vững ở Việt Nam: Giao dịch nội bộ và Liên đoàn Hợp tác xã
(MPI) - Hội thảo Thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế hợp tác đa dạng và bền vững ở Việt Nam: Giao dịch nội bộ và Liên đoàn Hợp tác xã” diễn ra ngày 09/3/2023 dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông và Đại sứ Ca-na-đa tại Việt Nam Shawn Steil là cơ hội để trao đổi, thảo luận nhằm hiểu rõ hơn bản chất, vai trò của giao dịch nội bộ và Liên đoàn Hợp tác xã đối với sự phát triển mô hình hợp tác ở Việt Nam trong giai đoạn mới.
Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada, Đại sứ quán Ca-na-đa tại Việt Nam; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, các sở, ban, ngành địa phương, Liên minh Hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của các tỉnh, thành phố.

Hội thảo cũng là dịp để Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Ban soạn thảo Dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi) có cơ hội được trực tiếp lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế, ý kiến của đại diện các tổ chức kinh tế hợp tác, các cơ quan quản lý, các cơ quan có liên quan, của các chuyên gia, nhà khoa học tại các viện nghiên cứu, trường đại học về các vấn đề liên quan đến hai nội dung lớn được quan tâm trong quá trình xây dựng dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 16/6/2022 tiếp tục khẳng định kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV đã thông qua đề xuất xây dựng Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với Dự án Luật này tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 và dự kiến sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vào tháng 5/2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được giao chủ trì soạn thảo Dự án Luật này.

Về vấn đề giao dịch nội bộ, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, mặc dù đã có quy định về tỷ lệ giao dịch với các thành viên, giao dịch ngoài thành viên tại Luật Hợp tác xã năm 2012, song trên thực tế chúng ta chưa làm rõ được giao dịch nào được xem là giao dịch nội bộ, giao dịch nào không được xem là giao dịch nội bộ, cách thức hạch toán, kế toán nên thiết kế như thế nào cho phù hợp, trên cơ sở đó thiết kế các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho khả thi,… Chính vì vậy, hiện nay về cơ bản vẫn chưa có được các chính sách khuyến khích hiệu quả cho các tổ chức kinh tế hợp tác, nhất là các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ, phục vụ rất tốt cho thành viên của mình.

Đối với vấn đề về Liên đoàn hợp tác xã, mô hình này phổ biến và đóng vai trò rất quan trọng trong hỗ trợ và phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác trên thế giới. Tại Nghị quyết 20-NQ/TW, Ban chấp hành Trung ương đã chỉ đạo "nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hóa cao trong một số ngành, lĩnh vực". Tuy nhiên, hiện nay chưa có mô hình này do thiếu khung pháp lý nhưng trên thực tế đã có nhu cầu thành lập liên đoàn và xu hướng liên kết để thành lập các liên đoàn, đặc biệt là các liên đoàn theo các ngành, lĩnh vực có thể nói là tất yếu để tăng quy mô, tạo chuỗi sản xuất, kinh doanh chuyên môn hóa cao, từ đó tăng sức mạnh cạnh tranh và thậm chí vươn ra các thị trường xuất khẩu của các tổ chức kinh tế hợp tác. Do đó, Quốc hội, Chính phủ cần ban hành Nghị quyết, quy định đặc thù, thí điểm nhằm tạo hành lang pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của mô hình liên đoàn này là rất cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, đây là thời điểm tổt để tận dụng, xác định đúng hướng đi, tháo gỡ các rào cản, tạo động lực mạnh mẽ, có các chính sách phù hợp, khuyến khích, thu hút được sự tham gia và đóng góp của các thành viên cho khu vực kinh tế tập thể, các tổ chức kinh tế hợp tác; qua đó, mang lại các cơ hội thay đổi căn bản cho khu vực này, tạo được sự hỗ trợ đắc lực cho các hộ nông dân trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Ca-na-đa tại Việt Nam Shawn Steil cho biết, Ca-na-đa và Việt Nam sẽ Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023 và hai nước cũng đã có 30 năm hợp tác trong lĩnh vực hợp tác xã. Bộ Các vấn đề Toàn cầu Ca-na-đa đã viện trợ thông qua tổ chức Alinea thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nghiên cứu và xây dựng khuyến nghị về các mô hình hợp tác xã và liên đoàn hợp tác xã bền vững tại Việt Nam" được thực hiện bởi các bên liên quan của hai nước để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu trong việc xây dựng chính sách, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đại sứ cũng đánh giá cao mối quan hệ đối tác, hợp tác lâu dài trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn diện, xóa đói giảm nghèo của Việt Nam trong hơn 30 năm qua. Ca-na-đa đã xây dựng Chiến lược Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương để nêu bật ưu tiên bao trùm của Ca-na-đa, trở thành đối tác tích cực và đáng tin cậy với Việt Nam..

Mô hình phát triển hợp tác xã của nhiều nước trên thế giới đóng vai trò quan trọng và Ca-na-đa luôn coi hợp tác xã là đối tác quan trọng, chiến lược, là lực lượng mạnh mẽ để giúp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Hợp tác xã đã góp phần tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng của Ca-na-đa. Trên phạm vi toàn cầu hiện có 300 hợp tác xã lớn nhất, tạo ra doanh thu hơn 2 tỷ USD, cung cấp các cơ sở dịch vụ và hạ tầng mà xã hội cần để phát triển mạnh mẽ, tạo việc làm cho 280 triệu người lao động.

Theo Đại sứ Shawn Steil, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì sẽ là nền tảng vững chắc để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi. Đây cũng là thời điểm thích hợp để thảo luận về mô hình giao dịch nội bộ và Liên đoàn Hợp tác xã. Các chia sẻ kinh nghiệm chuyên sâu của các chuyên gia đến từ Ca-na-đa và Việt Nam đều liên quan đến tính minh bạch, toàn diện, bền vững của hợp tác xã. Đồng thời bày tỏ tin tưởng, Việt Nam sẽ đi đầu trong phong trào hợp tác xã trong 10 năm tới.

Hội thảo đã nhận được các ý kiến đóng góp rất tâm huyết, phản ánh nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn từ các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan Trung ương, các Sở, ban ngành, liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố và đặc biệt là từ chính các tổ chức kinh tế hợp tác về giao dịch nội bộ và Liên đoàn hợp tác xã. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về sự cần thiết bổ sung chế định Liên đoàn hợp tác xã trong Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đây là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về đa dạng hóa các hình thức tổ chức kinh tế tập thể. Thực tiễn hoạt động của các hợp tác xã nảy sinh nhu cầu cần có hình thức liên kết mới giữa các hợp tác xã, đặc biệt trong những lĩnh vực ngành nghề cần tập trung sức mạnh để đáp ứng nhu cầu trong nước và vươn ra thế giới.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về nội dung liên quan đến vấn đề “Giao dịch nội bộ”; vấn đề “Bình đẳng giới và biến đổi khí hậu”; về sự cần thiết và cấp bách trong việc kết hợp biến đổi khí hậu và hành động khí hậu như một chủ đề quan trọng trong Luật Hợp tác xã. Do vậy, việc đưa vấn đề hành động khí hậu vào Luật Hợp tác xã sẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi của hợp tác xã cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực này.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, quý báu của các đại biểu và tin tưởng với sự tham gia có trách nhiệm và đồng hành của các bên có liên quan, chúng ta sẽ có những khuyến nghị xác đáng, đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn, góp phần tạo sự chuyển biến lớn cho khu vực kinh tế tập thể, các tổ chức kinh tế hợp tác trong thời gian tới.

Qua kinh nghiệm quốc tế và các ý kiến trao đổi, thảo luận, vấn đề về Liên đoàn Hợp tác xã cho thấy, cơ bản đều thống nhất là đến thời điểm này Việt Nam cần có các quy định về khung pháp lý ở mức cao nhất là Luật để tạo hành lang pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của mô hình này. Đối với vấn đề về giao dịch nội bộ, các ý kiến đều cho rằng đây là hoạt động mang tính đặc trưng, phản ánh bản chất của mô hình tổ chức kinh tế hợp tác, cần phải thể hiện rõ trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), vừa bảo đảm được quyền lợi chính đáng của các thành viên và tổ chức kinh tế hợp tác, vừa không phát sinh các yêu cầu quá phức tạp để các tổ chức kinh tế hợp tác thuận lợi trong quá trình xác định, theo dõi, ghi chép và hạch toán các hoạt động giao dịch nội bộ này; khuyến khích việc tăng giá trị gia tăng sản phẩm của hợp tác xã thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, từ việc mua nông sản, đến việc ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiện sơ chế, chế biến và phân phối ra thị trường của các tổ chức kinh tế hợp tác; đồng thời giai đoạn tới, việc tập trung nguồn lực cho chính sách đào tạo, bồi dưỡng là rất quan trọng để nâng cao năng lực, trình độ các cán bộ quản lý, điều hành, cán bộ kỹ thuật của các tổ chức kinh tế hợp tác.

Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, trên tinh thần cầu thị và trách nhiệm đồng hành cùng với khu vực kinh tế tập thể, các tổ chức kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về các tổ chức kinh tế hợp tác, đồng thời cũng là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét, tiếp thu hoàn thiện các quy định với mong muốn xây dựng khung pháp lý đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường kinh doanh cởi mở, thuận lợi cho tất cả các tổ chức kinh tế hợp tác. Từ đó tạo cơ hội lớn để xây dựng và phát triển hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển mạnh trong thời gian tới./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 810
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)