Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/03/2023-21:25:00 PM
Cuộc họp Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ hai (Xem tin ảnh)
(MPI) - Ngày 10/3/2023, tại Hà Nội đã diễn ra Cuộc họp Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ hai dưới sự đồng chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Đại Hàn Dân Quốc Kyungho Choo. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự và trình bày nội dung về hợp tác phát triển.

Tham dự cuộc họp có đại diện các cơ quan hữu quan của hai nước. Về phía Việt Nam, có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên... Về phía Hàn Quốc có đại diện của các Bộ: Kinh tế và Tài chính, An toàn thực phẩm và dược phẩm, Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, Đất đai - Hạ tầng và Giao thông, Nông nghiệp, thực phẩm và phát triển nông thôn; Cơ quan Hải quan quốc gia; Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc...

Sáng kiến lập cơ chế Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc được hai bên đưa ra nhằm tạo ra cơ chế trao đổi cấp cao tương xứng với quan hệ hợp tác kinh tế sâu rộng giữa Việt Nam và Hàn Quốc về những vấn đề quan trọng, giúp mở rộng, tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích của cả hai phía trong các lĩnh vực kinh tế và khắc phục vướng mắc, hỗ trợ các cơ chế, khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương khác. Đối với phía Hàn Quốc, sáng kiến này nằm trong tổng thể chính sách Hướng Nam mới, trong đó Việt Nam được đặt là trọng tâm.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại cuộc họp, thay mặt Chính phủ, Nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gửi lời cảm ơn tới Chính phủ, Nhân dân và cộng đồng các doanh nghiệp Hàn Quốc đã sớm hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng dịch Covid-19 và sớm đưa hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường.

Sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (từ 22/12/1992), quan hệ hợp tác giữa hai nước đã đạt được những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau.

Hiện nay, Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí số một về đầu tư trực tiếp(lũy kế vốn đăng ký đầu tư đạt 81,3 tỷ USD); đứng thứ hai về hợp tác phát triển(3,75 tỷ USD), du lịch và lao động; đứng thứ ba về hợp tác thương mại(đạt 86,4 tỷ USD năm 2022).

Hai bên cũng có nhiều hoạt động hợp tác sâu sắc trong các lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, hạ tầng, giao thông, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, nông lâm ngư nghiệp, giáo dục đào tạo, văn hóa... Hai nước còn là những đối tác quan trọng có đóng góp tích cực trong các diễn đàn, khuôn khổ hợp tác đa phương của khu vực và quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, hiện nay, tình hình quốc tế và khu vực đang diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố khó lường; cách mạng khoa học - công nghệ đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có và là xu thế tất yếu buộc các quốc gia phải nắm bắt và hành động nếu không muốn tụt hậu. Điều này đòi hỏi chúng ta phải sáng suốt, tỉnh táo để có những bước đi, quyết định đúng đắn, giúp hai nền kinh tế theo kịp diễn biến chung của tình hình thế giới và khu vực.

Phó Thủ tướng Hàn Quốc Choo Kyungho phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hàn Quốc Choo Kyungho cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Chính phủ Việt Nam và nhấn mạnh, việc hai nước đã nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã tạo cơ sở vững chắc thúc đẩy các quan hệ hợp tác giữa hai nước, trong có có hợp tác kinh tế.

Phó Thủ tướng Choo Kyungho khẳng định, môi trường đầu tư thuận lợi tại Việt Nam đã thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc. Các doanh nghiệp ưu tú của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam thời gian qua đều có sự đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Đồng thời, giúp Hàn Quốc giữ vững vị thế là quốc gia đầu tư số 1 vào Việt Nam.

Trong thời gian tới, Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam để giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường; phát triển năng lượng sạch; tài chính; nông nghiệp; y tế; kỹ thuật số và văn hóa…

Phó Thủ tướng Choo Kyungho cho rằng, Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu với môi trường đầu tư thuận lợi và lực lượng lao động trẻ dồi dào. Nhờ đó, các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đã xây dựng được chuỗi giá trị trong khu vực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới đang có nhiều biến động hiện nay, Chính phủ hai nước cần hợp tác để phát triển bền vững, mở rộng đầu tư, mở rộng hợp tác về chuỗi cung ứng; tìm ra cơ hội nhằm nâng cao hơn nữa kết quả hợp tác song phương. Phó Thủ tướng Choo Kyungho khẳng định, Hàn Quốc mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang có những chuyển đổi lớn. Sự kết hợp giữa tiềm năng của Việt Nam và khoa học - công nghệ của Hàn Quốc sẽ giúp hai nước phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã trình bày về chính sách ODA của Việt Nam và lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA của Hàn Quốc; Tăng cường hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam sử dụng vốn Quỹ Xúc tiến phát triển kinh tế (EDPF); Trao đổi về việc sử dụng hình thức hợp vốn Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) - Quỹ Xúc tiến phát triển kinh tế (Quỹ EDPF). Đồng thời cho biết, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Việt Nam đưa ra các định ưu tiên theo ngành, lĩnh, cụ thể như: Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; an sinh xã hội; chuẩn bị các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phức tạp, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; các chương trình, dự án hạ tầng có quy mô lớn;...

Tại cuộc họp lần này, hai bên đã đề xuất, trao đổi và đạt được thỏa thuận về nhiều nội dung hợp tác trong năm lĩnh vực, gồm thương mại; Năng lượng và xây dựng hạ tầng; Hợp tác phát triển; Công nghệ thông tin - truyền thông và đầu tư; Y tế và lao động.

Quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, liên tục, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong nhiều năm qua. Với quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2009 và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 12/2022, Việt Nam và Hàn Quốc là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của nhau trong nhiều lĩnh vực, từ thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, lao động tới khoa học - công nghệ, công nghiệp, hạ tầng - giao thông - xây dựng, năng lượng, nông nghiệp, tài chính - ngân hàng.

Giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều cơ chế, khuôn khổ hợp tác kinh tế tương đối đa dạng, bao gồm cả hợp tác đa ngành và hợp tác trong từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể, ở nhiều cấp khác nhau. Các cơ chế, khuôn khổ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc hiện nay đang hoạt động thuận lợi, hiệu quả, linh hoạt, giải quyết tốt những vấn đề phát sinh và nhu cầu thực tế trong từng lĩnh vực hợp tác cụ thể giữa hai nước.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao kết quả Đối thoại, hai bên đã trao đổi nhiều thông tin, thống nhất được nhiều nội dung, đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Các sáng kiến, thỏa thuận hợp tác rất thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế mỗi bên, không chỉ giúp giải quyết các khó khăn, vướng mắc mà còn mở ra các cơ hội hợp tác kinh tế mới giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc. Nổi bật trong số đó là việc hai bên đã thống nhất.

Thứ nhất, cùng phối hợp để tăng cường hợp tác thương mại giữa hai nước, trong đó có các giải pháp nhằm giảm nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc, đẩy mạnh xúc tiến hơn nữa việc xuất khẩu một số mặt hàng sang nhau trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 100 tỷ đôla Mỹ năm 2023 và 150 tỷ đôla Mỹ năm 2030.

Thứ hai, thống nhất nhiều giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Hai bên cũng đã nhất trí cùng nhau thúc đẩy đầu tư từ Hàn Quốc vào những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như ICT, năng lượng sạch, hạ tầng, đô thị thông minh... Đồng thời, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phân phối và logistic.

Thứ ba, thống nhất tăng cường hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển chính thức giữa Chính phủ Hàn Quốc và Chính phủ Việt Nam thông qua việc sử dụng hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại, tận dụng nguồn vốn vay ODA Hàn Quốc thông qua Quỹ EDCF và Quỹ EDPF.

Thứ tư, nhận thức được tầm quan trọng của khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông cũng như khởi nghiệp, Việt Nam và Hàn Quốc đã thảo luận và thống nhất tăng cường hợp tác.

Hai bên cũng trao đổi để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phân phối, logistic, ngân hàng, y tế. Bên cạnh đó, một số vấn đề trong hợp tác lao động đã được thống nhất phối hợp nhằm xác định các giải pháp để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của cả hai bên để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của hai nước.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các cơ quan hữu quan của Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Hàn Quốc để cùng nhau xây dựng kế hoạch hành động và triển khai hiệu quả các thành quả của cuộc đối thoại lần này. Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc đã thành công tốt đẹp, góp phần nâng tầm quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc, vì sự thịnh vượng chung của hai dân tộc. Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ ba sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc vào thời gian thích hợp để hai bên rà soát tiến độ, kết quả triển khai các thỏa thuận tại Đối thoại lần thứ hai, đồng thời đề xuất các sáng kiến, thỏa thuận hợp tác mới.

Phó Thủ tướng Choo Kyungho cũng cho rằng, cuộc đối thoại lần này rất có ý nghĩa, thúc đẩy các điều kiện để đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới. Hai nước Việt Nam, Hàn Quốc có nền văn hóa tương đồng. Điều này đã giúp hai nước gần gũi, như anh em, cùng chia sẻ ngọt bùi.

Phó Thủ tướng Choo Kyungho tin tưởng, sự hợp sức dựa trên cơ sở niềm tin vững chắc đã được tích lũy trong thời gian qua, sẽ mở ra cơ hội mới để hai nước cùng đi tới hòa bình thịnh vượng và người dân hai nước sẽ cùng được thụ hưởng "quả ngọt" từ sự hợp tác này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Choo Kyungho ký Biên bản cuộc họp Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ hai. Ảnh: MPI

Kết thúc cuộc họp đối thoại, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Hàn Quốc Choo Kyungho đã ký Biên bản cuộc họp Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ hai. Hai Phó Thủ tướng cũng đã chứng kiến ký Thỏa thuận vay dự án Cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện, tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh được ký bởi Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng và Phó Chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc Kim Tae Soo.

Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc nhằm định hướng và mở rộng, tăng cường hợp tác song phương, nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa hai nước. Đồng thời góp phần thiết thực vào việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước phát triển thực chất, hiệu quả và toàn diện trong bối cảnh tình hình mới. Đặc biệt là trong bối cảnh hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 12/2022./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2122
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)