(MPI) - Tại buổi tiếp cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Chủ tịch điều hành Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) diễn ra ngày 10/3/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mong muốn Viện Tony Blair nghiên cứu, xem xét để hỗ trợ một số lĩnh vực Việt Nam ưu tiên như tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng sạch, khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
|
Toàn cảnh buổi tiếp. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hoan nghênh ông Tony Blair có chuyến thăm và làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đánh giá cao những hoạt động, đóng góp của TBI trong giải quyết những vấn đề thách thức của thế giới, của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Thông tin về bức tranh kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã có nhiều thay đổi, đạt được những thành công nhất định trong phát triển, tầm vóc, uy tín trên trường quốc tế được nâng cao và có tầm ảnh hưởng. Việt Nam đã xác định mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việt Nam đã cam kết tại COP26 đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Đây là các mục tiêu và thách thức lớn đối với Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn như cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng cạnh tranh còn chậm; ngành công nghiệp chủ đạo, nền tảng chưa xác lập được vị thế nhất định; trình độ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn thấp, cản trở cho việc nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế. Bên cạnh đó còn thách thức về khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, chênh lệch phát triển giữa các vùng miền, an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước, biến đổi khí hậu.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Việt Nam đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ để có sức cạnh tốt hơn, tạo động lực mới cho phát triển, trong đó tập trung vào 3 đột phá chiến lược, gồm thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao và bổ sung hai nội hàm mới là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giá trị văn hóa và con người Việt Nam. Đây là những đột phá mang tầm chiến lược, tạo động lực mới cho nền kinh tế để phát triển nhanh, bền vững hơn.
Cùng với đó, Việt Nam đã xây dựng tầm nhìn phát triển đến năm 2050 thông qua quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa mới được Quốc hội thông qua nhằm phân bổ lại không gian phát triển một cách hợp lý, phù hợp với tình hình, điều kiện mới, định hướng lại các ngành để phát triển nhanh hơn.
Ngoài các vấn đề như vậy, Việt Nam có nguồn lực rất lớn là con người, quy mô dân số đứng thứ 13 thế giới, là nguồn lực quan trọng cho phát triển. Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh xuất khẩu. Việt Nam cũng đang tăng cường năng lực nội tại, tự lực tự cường của nền kinh tế, chống chịu, thích ứng và tự chủ nhiều hơn; Vừa đẩy mạnh thu hút FDI vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Tony Blair cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã dành thời gian đón tiếp; cảm ơn những thông tin tổng quan được chia sẻ, giúp TBI nắm bắt được những ưu tiên, lĩnh vực trọng tâm của Việt Nam cũng như của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Tony Blair cho rằng, Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao trên trường quốc tế về nhiều khía cạnh và cho biết, Ông đã nghiên cứu kỹ quy hoạch tổng thể quốc gia cũng như các mục tiêu phát triển của Việt Nam và tin tưởng Việt Nam sẽ hiện thực hóa được mục tiêu đề ra.
Làm rõ vấn đề được quan tâm về những định hướng cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, thu hút đầu tư, kết nối với các quỹ đầu tư, tập đoàn lớn trên thế giới để đẩy nhanh mô hình tăng trưởng, chuyển đổi theo hướng kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chiến lược và có kế hoạch thực hiện cụ thể đối với những vấn đề này nhằm vừa tạo ra động lực vừa phù hợp với xu thế quốc tế. Để thực hiện mục tiêu đề ra bên cạnh sự nỗ lực từ nội tại, Việt Nam cần có sự hỗ trợ, chung tay từ cộng đồng quốc tế. Đặc biệt là vấn đề chuyển đổi năng lượng; tham gia vào các ngành công nghiệp năng lượng như năng lượng điện gió, điện mặt trời, các ngành năng lượng mới, năng lượng sạch; sản xuất chất bán dẫn; xây dựng trung tâm tài chính; phát triển Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia … tạo ra giá trị đột phá cho nền kinh tế. Đồng thời mong muốn, TBI nghiên cứu để xem xét đồng hành cùng Việt Nam trong các lĩnh vực này.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tặng quà lưu niệm cho ông Tony Blair. Ảnh: MPI |
Theo ông Tony Blair, các ưu tiên của Việt Nam và TBI có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là những lĩnh vực trọng tâm của TBI như thu hút đầu tư từ năng lượng sạch, trung tâm tài chính, trung tâm đổi mới sáng tạo và tin tưởng, trong thời gian tới hai bên sẽ có những hợp tác cụ thể. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để thúc đẩy phát triển các Trung tâm tài chính quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị TBI nghiên cứu để tham gia thực hiện thông qua các dự án cụ thể, như tham vấn trong việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế; hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Đồng thời mong muốn nhận được chia sẻ bằng nguồn lực, kinh nghiệm, tri thức từ Chính phủ Anh nói chung và TBI nói riêng với các cơ chế, chính sách, lộ trình cụ thể./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư