(MPI) - Ngày 31/3/2023 đã diễn ra Đối thoại Bộ trưởng ASEAN lần thứ 2 về thúc đẩy hành động để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững theo hình thức trực tuyến. Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng đại diện các đơn vị liên quan tham dự tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đối thoại được đồng chủ trì bởi Thái Lan và Phi-líp-pin phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, chung tay thúc đẩy cộng đồng ASEAN đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Tham dự Đối thoại có Tổng Thư ký ASEAN cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan của các nước trong khu vực gồm: Văn phòng Thủ tướng Bru-nây; Bộ trưởng Bộ Phát triển nông thôn Cam-pu-chia; Tổng Thư ký quốc gia về SDGs In-đô-nê-xi-a; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào; Bộ trưởng, Bộ Kinh tế Ma-lai-xi-a; Vụ trưởng, Bộ Lập kế hoạch và Tài chính Mi-an-ma; Bộ trưởng, Bộ Phát triển và Kinh tế quốc gia Phi-líp-pin; Bộ trưởng Bộ Phát triển xã hội và gia đình Xinh-ga-po; Bộ trưởng, Văn phòng Thủ tướng Thái Lan.
|
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, năm 2022, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và có tính bất ổn cao, làm gia tăng rủi ro đến an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu. Theo đó, đã kéo lùi thành quả phát triển con người với 90% số quốc gia chứng kiến sự suy giảm của Chỉ số Phát triển Con người (HDI), nhiều hơn 4 lần so với tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009. Khoảng 94 nước với 1,6 tỷ người đang gặp khó khăn khi giá năng lượng và thực phẩm tăng cao và thiếu nguồn lực tài chính.
Việt Nam cũng chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 và bối cảnh thế giới đầy biến động, song với nỗ lực và quyết tâm cao, Việt Nam tiếp tục duy trì và thúc đẩy tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs trong năm 2022. Cụ thể: tăng trưởng GDP đạt 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 10 năm trở lại đây; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm ước tăng 3,15%, thấp hơn dự báo của các tổ chức quốc tế; Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều giảm khoảng 1% so với năm 2021; Tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm năm 2022 lần lượt là 2,32% và 2,21%; Tỷ lệ che phủ rừng tiếp tục duy trì mục tiêu đề ra, đạt 42,02%; 91% khu công nghiệp đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, ở cấp độ vùng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới chỉ đạt 14,44% các mục tiêu SDGs dù chúng ta đã đi được một nửa chặng đường. Như vậy, có khoảng cách lớn giữa mục tiêu đặt ra và kết quả đạt được, khiến thế giới, khu vực và cộng đồng ASEAN sẽ khó hoàn thành được mục tiêu SDGs vào năm 2030. Tuy nhiên, việc kiên định theo đuổi các mục tiêu SDGs chính là con đường duy nhất để chúng ta có thể chống chịu và phục hồi trước các thách thức phi truyền thống; thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng và hướng tới một xã hội bền vững, thịnh vượng cho tất cả mọi người.
|
Hình ảnh tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI |
Để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu SDGs trong cộng đồng ASEAN, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu một số kiến nghị của Việt Nam. Một là, cần tiếp tục duy trì và thúc đẩy các hành động nhằm tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng, đặc biệt là những cộng đồng dễ bị tổn thương thông qua việc cải thiện và hiện đại hóa hệ thống trợ giúp xã hội hướng tới mọi người dân. Tập trung phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; coi khoa học, công nghệ và số hóa là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, song song với các hành động nhằm giảm suy thoái môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, tăng cường khả năng ứng phó và chống chịu với khí hậu.
Hai là, xây dựng mối quan hệ đối tác thực chất, hiệu quả. Thường xuyên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật thông tin và lồng ghép các hoạt động về SDGs vào công việc chung của ASEAN để tạo động lực, sức mạnh tổng đạt được các mục tiêu SDGs trong khu vực. Có lộ trình để đưa Đối thoại Bộ trưởng ASEAN về SDGs thành cơ chế hoặc hoạt động chính thức của ASEAN trong thời gian sớm nhất. Thực hiện các hành động để tăng cường hệ thống dữ liệu và tăng cường cam kết ở cấp quốc gia và ASEAN để theo dõi tiến độ và việc thực hiện các mục tiêu SDGs.
Ba là, thúc đẩy các hoạt động huy động nguồn lực chung cho phát triển vùng, giải quyết những vấn đề kinh tế, môi trường, xã hội mà ASEAN phải cùng đối mặt. Tiếp tục hoàn thiện môi trường môi trường thuận lợi nhằm huy động các nguồn tài chính, thu hút mạnh mẽ sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư bền vững về môi trường và toàn diện về mặt xã hội.
Tại Đối thoại, đại diện các quốc gia thành viên khu vực ASEAN đã có những chia sẻ, đưa ra các đề xuất, kiến nghị và khẳng định cam kết trong việc chung tay thúc đẩy cộng đồng ASEAN đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy các cơ chế hợp tác của các quốc gia, đưa ra những ưu tiên quan trọng cho tương lai để đạt các mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện nay, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong khi còn chưa đầy 10 năm nữa kết thúc Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Vậy, làm thế nào để giảm thiểu khoảng cách giữa các quốc gia thành viên với nhau, tăng cường sự hợp tác bền vững, giải quyết được những thách thức ở cấp khu vực và cấp quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu phát triển vền vững; bảo vệ tốt hơn cho người dân, giải quyết hậu quả của đại dịch Covid-19 để đạt mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau là những vấn đề được các đại biểu nhấn mạnh.
Theo chia sẻ từ quốc gia Thái Lan, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững cần tập trung vào các ưu tiên như xóa đói giảm nghèo để đạt nguyên tắc không ai bị bỏ lại phía sau; cần có sự tham gia của thế hệ trẻ trong việc thực hiện các chính sách phát triển mục tiêu bền vững; cần xây dựng nền tảng, không gian để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các quốc gia thành viên ASEAN; cần phát triển thị trường tài chính để thực hiện SDGs, tăng cường sự hợp tác giữa các bên trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Phát biểu tại Đối thoại, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho rằng, những thông tin được chia sẻ từ các quốc gia khẳng định rõ cam kết của mình trong thực hiện mục tiêu SDGs và cho thấy chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện các mục tiêu đề ra. Bên cạnh khắc phục tác động của đại dịch Covid-9 cần có hành động mạnh mẽ để giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu, bất bình đẳng, môi trường, năng lượng. Những điều này không chỉ liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu của SDGs mà ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người dân trong tương lai. Do vậy, cần phải có sự đồng thuận, nỗ lực hợp tác của các nước trong khu vực ASEAN; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, ưu tiên phát triển bền vững và bao trùm, hỗ trợ cho việc phục hồi xanh; nỗ lực trong việc giảm thiểu phác thải khí nhà kính; đổi mới sáng tạo là chìa khóa để đạt các mục tiêu phát triển bền vững và cần sự nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách, tăng cường nỗ lực của các quốc gia.
Đối thoại Bộ trưởng ASEAN về thúc đẩy hành động để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững là kênh đối thoại để các nước chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác nhằm đạt các mục tiêu ở cấp khu vực và mỗi quốc gia. Các nội dung của Đối thoại cho thấy tầm quan trọng của hợp tác đối tác để huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu trong tương lai một cách bền vững vì sự ổn định bình đẳng và bao trùm, mang lại kết quả cho người dân trong khu vực để không ai bị bỏ lại phía sau./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư