Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/03/2023-13:39:00 PM
Tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và quý I năm 2023 tỉnh Bình Thuận

I. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

Trong quý I/2023, thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng trên cây trồng, vật nuôi không xảy ra. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển khá về tổng đàn (các doanh nghiệp, trang trại lớn ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phòng, chống dịch bệnh). Hoạt động trồng rừng chưa được triển khai do điều kiện thời tiết đang là mùa khô. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản vẫn ở mức cao, nên chi phí sản xuất tăng, tạo áp lực đối với người sản xuất nông nghiệp.

1. Trồng trọt

* Cây hàng năm: Tính đến ngày 15/3/2023, diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 49.706,2 ha, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cây lúa đạt 39.108 ha, giảm 0,9%; cây bắp đạt 3.086,3 ha, tăng 2,6%; cây lang các loại đạt 158,3 ha, tăng 33,9%; cây đậu các loại 2.067,3 ha, giảm 21,8%; cây công nghiệp ngắn ngày đạt 1.639,9 ha, giảm 14,9% (giảm chủ yếu ở huyện Bắc Bình do Hồ Sông Lũy ngừng để tích nước); cây hàng năm khác đạt 507,3 ha, tăng 15,2%.

Để phát huy hiệu quả sử dụng đất, tăng cường tiết kiệm nguồn nước tưới và hạn chế sâu bệnh, vụ đông xuân 2022 - 2023 đã chuyển đổi 3.642 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác (gồm 1.132 ha bắp, 842 ha rau các loại, 705 ha đậu các loại, 638 ha đậu phộng,188 ha dưa hấu, cây hàng năm khác 137 ha…). Diện tích chuyển đổi tập trung chủ yếu tại các huyện Tánh Linh (1.825 ha), Đức Linh (1.510 ha), Hàm Thuận Bắc (246 ha), Bắc Bình (61 ha). Các địa phương tiếp tục chú trọng triển khai chương trình xã hội hoá giống lúa, diện tích xã hội hóa giống lúa vụ đông xuân 2022 - 2023 thực hiện được 552 ha.

* Cây lâu năm: Trong quý I/2023 chưa mưa, các địa phương chủ yếu tập trung chăm sóc và thu hoạch sản phẩm cây lâu năm hiện có. Giá đầu ra và thị trường tiêu thụ các loại cây lâu năm nhìn chung khá thuận lợi.

Tổng diện tích cây lâu năm quý I/2023 ước đạt 108.049,6 ha, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Diện tích cây công nghiệp đạt 6.616,7 ha, tăng 1%; cây ăn quả ước đạt 39.622,7 ha, giảm 9,4%; các loại cây lâu năm còn lại ước đạt 1.810,2 ha, tăng 5,1%. Cụ thể một số cây:

- Cây thanh long: Tổng diện tích ước đạt 27.649 ha, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Từ trước tết Nguyên đán đến thời điểm quý I/2023 Trung Quốc mở cửa trở lại thương lái đẩy mạnh thu mua, giá thanh long khá ổn định (từ 15 đến 22 ngàn đồng/kg tùy loại vài và tùy thời điểm), người trồng có lãi, tuy nhiên sản lượng bán ra không nhiều; bởi cùng thời điểm 2 năm trước do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, giá thanh long giảm sâu nên người trồng hạn chế đầu tư. Trước tình hình giá bán tăng cao, nhiều nhà vườn đã cải tạo, chăm sóc cây và chong đèn trở lại, dự báo sản lượng thanh long quý II/2023 tăng đáng kể. Tính đến thời điểm quý I/2023, toàn tỉnh có 9.037,1 ha thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap (Phan Thiết 97 ha; La Gi 79 ha; Tuy Phong 106,5 ha; Bắc Bình 303,2 ha; Hàm Thuận Bắc 1.102 ha; Hàm Thuận Nam 7.258,1 ha; Hàm Tân 91,3 ha).

- Cây cao su: Tổng diện tích ước đạt 45.004 ha, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Hiện đang trong giai đoạn thay lá, người trồng đang tập trung quét dọn vườn, phun thuốc ngừa bệnh chuẩn bị cho vụ thu hoạch tiếp theo, hiện nay tình hình tiêu thụ cao su trong nước và xuất khẩu cao su sang các nước tăng nhẹ, dự báo trong thời gian tới diện tích trồng mới trên địa bàn tỉnh sẽ còn phát triển nhưng không nhiều.

- Cây điều: Tổng diện tích ước đạt 18.329 ha, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Hiện đang là thời điểm ra hoa và kết trái, do ảnh hưởng thời tiết lạnh, khô hanh, nhiều sương muối khả năng đậu quả thấp, hiện nay một số địa phương phía nam như Tánh Linh, Đức Linh và Hàm Tân đã triển khai trồng mới, thay thế diện tích điều già cỗi bằng các giống điều cao sản, năng suất cao, tuy nhiên diện tích điều truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn chiếm tỷ trọng lớn nên năng suất vụ điều năm nay dự ước thấp. Để tạo điều kiện phát triển bền vững trong những năm tới tỉnh cần hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật,… nhằm cải tạo, thay thế diện tích cũ bằng các giống điều năng suất cao hơn.

- Cây tiêu: Tổng diện tích ước đạt 1.028,2 ha, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2023 là thời điểm người trồng đang tập trung thu hoạch, hiện giá tiêu vẫn chưa có lãi cho người trồng, trong khi chi phí sản xuất lớn, sâu bệnh nhiều rủi ro nên người dân hạn chế đầu tư. Diện tích tập trung chủ yếu ở huyện Đức Linh và Tánh Linh, dự tính diện tích trồng mới trong những tháng tiếp theo của năm 2023 tăng không đáng kể.

- Các cây lâu năm còn lại: Được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích biến động không đáng kể.

* Tình hình thủy lợi phục vụ sản xuất vụ đông xuân năm 2023

Trong quý I/2023, nguồn nước thủy lợi đảm bảo phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Tính đến ngày 09/3/2023, diện tích tưới lúa, hoa màu vụ đông xuân 2022 - 2023 thuộc hệ thống công trình thủy lợi toàn tỉnh đạt 32.824 ha; diện tích tưới cây thanh long và cây công nghiệp dài ngày đạt 20.803 ha; diện tích cấp nước phục vụ nuôi trồng thủy sản đạt 411 ha. Tình hình nguồn nước, đến ngày 09/3/2023, lượng nước hữu ích hiện tại các hồ chứa trong tỉnh được 175 triệu m3, đạt 48,4% thiết kế, cao hơn 40 triệu m3 so cùng kỳ; hồ thuỷ điện Đại Ninh được 156,4 triệu m3, đạt 62,1% thiết kế, bằng xấp xỉ so cùng kỳ; hồ thuỷ điện Hàm Thuận được 255,6 triệu m3, đạt 48,9% thiết kế, thấp hơn 79,4 triệu m3 so cùng kỳ.

* Tình hình dịch bệnh trên cây trồng: Dịch bệnh trên cây trồng cơ bản được kiểm soát; tiếp tục duy trì công tác phòng chống bệnh trên các loại cây trồng. Trong quý không có dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn. Tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất kích thích, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng. Trên cây lúa diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá 850 ha, giảm 157 ha so cùng kỳ năm trước; rầy nâu 181 ha, tăng 94 ha. Trên cây thanh long diện tích nhiễm bệnh đốm nâu 1.916 ha, giảm 634 ha so cùng kỳ năm trước. Các đối tượng khác gây hại với mật độ thấp.

2. Chăn nuôi (thời điểm 15/3/2023)

Tình hình chăn nuôi trong quý I/2023 phát triển thuận lợi; chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định; chăn nuôi lợn phát triển khá, giá thịt hơi tuy không cao nhưng cũng ở mức có lãi cho người chăn nuôi, nhiều doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi mở rộng tái đàn; chăn nuôi gia cầm phát triển thuận lợi,tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều trang trại nuôi gà công nghệ cao ở các tỉnh lân cận có khuynh hướng chuyển ra hoạt động trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều.

- Chăn nuôi trâu, bò: Dự ước đàn trâu toàn tỉnh có 8.480 con, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước; đàn trâu tập trung nuôi chủ yếu ở huyện Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc và Hàm Tân, các địa phương còn lại số lượng không nhiều. Đàn bò phát triển ổn định, nhiều hộ chăn nuôi đã thay đổi hình thức chăn thả tự nhiên sang trồng cỏ cao sản, nuôi nhốt tại chỗ như Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong… đây cũng là một trong những nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ chăn nuôi ở nông thôn, dự ước đàn bò toàn tỉnh có 179.100 con, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

- Chăn nuôi lợn: Dự ước đàn lợn toàn tỉnh có 365.100 con, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh nghiệp 139.581 con, chiếm 38,2% trong tổng đàn; còn lại 225.519 con của nông hộ, trang trại, chiếm 61,8% trong tổng đàn. Đàn lợn tăng chủ yếu do các doanh nghiệp tăng quy mô đàn và phát sinh thêm chi nhánh vào thời điểm tháng 10 năm 2022. Nhìn chung, những năm gần đây chăn nuôi lợn ở nông hộ nhỏ lẻ có khuynh hướng giảm dần, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi công nghệ cao, quy mô lớn có khuynh hướng tăng dần. Do chăn nuôi nông hộ dễ phát sinh bệnh dịch, không chủ động được đầu ra, dễ bị thua lỗ,… trong khi các trang trại, doanh nghiệp công nghệ cao có cơ sở vật chất, kỹ thuật tốt, kiểm soát được bệnh dịch, từ khâu thức ăn, con giống, chăn nuôi cho đến khi tiêu thụ, sản xuất sản phẩm từ thịt được thực hiện theo dây chuyền khép kín, chủ động được nguồn cung nên không bị ảnh hưởng nhiều về giá đầu ra.

- Chăn nuôi gia cầm:Dự ước đàn gia cầm toàn tỉnh có 6.089 ngàn con, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đàn gà 4.952 ngàn con, tăng 42%. Đàn gia cầm tăng chủ yếu ở đàn gà do ở thời điểm tháng 10 năm 2022 có thêm trang trại thành lập mới ở huyện Hàm Tân quy mô 250 ngàn con; Công ty tránh nhiệm hữu hạn TaFa Việt ở huyện Đức Linh mở rộng thêm quy mô nuôi gà đẻ trứng 300 ngàn con; phát sinh mới 01 Chi nhánh Công ty LinkFram ở huyện Hàm Thuận Bắc 850 ngàn con.

* Công tác tiêm phòng, kiểm dịch động vật

Trong quý I/2023, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các ổ dịch nguy hiểm như cúm gia cầm; bệnh viêm da nổi cục trâu, bò; lở mồm long móng; bệnh heo tai xanh. Một số bệnh truyền nhiễm khác có xảy ra nhưng ở mức độ lẻ tẻ không lây lan thành dịch.

- Công tác tiêm phòng vắc xin: Trong tháng đã tiêm phòng 1.369,5 ngàn liều, trong đó: Trâu, bò 27,8 ngàn liều; lợn 35,8 ngàn liều và gia cầm 1.305,9 ngàn liều. Quý I/2023 đã tiêm phòng 5.927,3 ngàn liều, trong đó: Trâu bò 179,9 ngàn liều; lợn 151,6 ngàn liều và gia cầm 5.595,8 ngàn liều.

- Kiểm dịch động vật: Trong tháng đã kiểm dịch 118,5 ngàn con lợn; 739 con trâu, bò; 465,2 ngàn con gia cầm; 317,5 tấn thịt các loại; 20,6 tấn thịt sơ chế và 2,5 triệu quả trứng gia cầm. Quý I/2023 đã kiểm dịch 378,9 ngàn con lợn; 2 ngàn con trâu bò; 1.151,5 ngàn con gia cầm; 8.624,9 tấn thịt các loại; 114 tấn thịt sơ chế và 7,7 triệu quả trứng gia cầm.

- Kiểm soát giết mổ: Trong tháng đã kiểm soát giết mổ 247 con trâu, bò; 3,6 ngàn con lợn; 1,2 ngàn con gia cầm và 109 con dê. Quý I/2023 đã kiểm soát giết mổ 660 con trâu, bò; 10,9 ngàn con lợn; 2,5 ngàn con gia cầm và 328 con dê.

3. Lâm nghiệp

- Công tác trồng rừng: Trong quý I/2023, hoạt động trồng rừng chưa diễn ra, chủ yếu gieo tạo giống cây rừng phục vụ công tác trồng rừng khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Tiếp tục vận động, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp trồng rừng, trồng cây phân tán, liên kết hỗ trợ nhân dân về cây giống, tài chính, công nghệ, kỹ thuật nhằm xã hội hóa công tác trồng rừng và trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh. Thực hiện giao khoán bảo vệ rừng chuyển tiếp đạt 132.594,6 ha.

- Công tác phòng cháy chữa cháy rừng: Các đơn vị chủ rừng tập trung, dồn sức thực hiện kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2022-2023; công tác tổ chức tuần tra, kiểm soát các khu vực có nguy cơ cháy cao được thực hiện thường xuyên, theo dõi và thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; đưa vào sử dụng các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2022-2023, đảm bảo an toàn cho công tác phòng chống cháy rừng. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra cháy rừng.

- Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Ngành chức năng tăng cường triển khai các hoạt động tuần tra, kiểm tra, truy quét chống phá rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, tập trung tại các điểm nóng và vùng giáp ranh các tỉnh. Quý I/2023 (đến ngày 15/3/2023) đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 53 vụ vi phạm, khởi tố hình sự 01 vụ, xử lý vi phạm hành chính 27 vụ, tịch thu 22,87 m3 gỗ các loại; xảy ra 03 vụ lấn, chiếm đất rừng với diện tích 0,29 ha tại Ban quản lý khu bảo tốn thiên nhiên Tà Kóu.

4. Thuỷ sản

- Diện tích nuôi trồng thủy sản: Trong tháng diện tích nuôi ước đạt 306 ha, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2023 ước đạt 721 ha, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Diện tích nuôi cá đạt 555 ha, tăng 1,1%; diện tích nuôi tôm đạt 158 ha, tăng 3,9%.

- Sản lượng nuôi trồng: Trong tháng sản lượng nuôi ước đạt 837 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2023 ước đạt 2.582 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá các loại ước đạt 1.530 tấn, tăng 2,3%; tôm nuôi nước lợ ước đạt 1.027 tấn, tăng 1,2%. Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ổn định, một số khu vực nuôi trồng thủy sản ở huyện Tuy Phong, Phú Quý bị ảnh hưởng cục bộ do thời tiết chuyển lạnh nhưng tác động không đáng kể đến quá trình thả nuôi của hộ nuôi.

- Sản lượng khai thác: Trong tháng sản lượng khai thác ước đạt 16.447,5 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/ 2023, sản lượng khai thác ước đạt 48.694,4 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển ước đạt 48.494,2 tấn, tăng 2,9%. Một số nhóm tàu hoạt động vùng khơi (các nghề vây rút chì, lưới rê, câu) vùng gần bờ (các nghề lưới rê nổi ven bờ, lặn hải đặc sản, lưới kéo, lồng bẫy) sản lượng khai thác ổn định. Ngành nông nghiệp đã nổ lực tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản, xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tăng cường công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Khai thác xa bờ gắn với quản lý chặt chẽ hoạt động tàu cá ven bờ; thực hiện nghiêm quy định cấm phát triển nghề lưới kéo dưới mọi hình thức, tuân thủ hạn ngạch số lượng giấy phép khai thác tại vùng khơi theo công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Sản xuất giống thuỷ sản: Hoạt động sản xuất tôm giống gắn với công tác kiểm dịch, phân tích xét nghiệm mẫu được duy trì thường xuyên; tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, giữ vững chất lượng và thương hiệu tôm giống Bình Thuận trên thị trường. Trong tháng sản xuất tôm giống ước đạt 1,9 tỷ con, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2023 ước đạt 5,6 tỷ con, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

- Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Công tác phòng chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh được triển khai giám sát thường xuyên. Phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 07 trường hợp vi phạm nguồn lợi thủy sản các hành vi: Tàng trữ công cụ kích điện, tàng trữ chất độc (Xyanua) trên tàu cá; không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình. Tiếp tục thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá; quý I/2023 (đến ngày 09/3/2023) toàn tỉnh có 1.930 tàu cá/1.941 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đang hoạt động đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Công tác đăng kiểm tàu cá được thực hiện thường xuyên. Chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa tiếp tục triển khai thực hiện. Phối hợp với các địa phương tăng cường công tác hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra, giám sát môi trường và chú ý phòng trừ dịch bệnh tại các vùng nuôi thuỷ sản.

5. Chương trình xây dựng nông thôn mới

Trong quý I/2023 đã triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; thực hiện kế hoạch chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; xây đựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Thực hiện mô hình thôn thông minh và xã nông thôn mới kiểu mẫu theo lĩnh vực nổi trội nhất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đã cụ thể hóa một số chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và bộ tiêu chí về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

6. Công tác ứng dụng KHCN và khuyến nông vào sản xuất

Nghiệm thu một số mô hình khuyến nông năm 2022 chuyển sang, với nhiều mô hình mới như: Mô hình trồng thâm canh cây đinh lăng theo liên kết chuỗi; mô hình thâm canh cây thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP theo liên kết chuỗi; mô hình nuôi cá bớp trên biển bằng lồng bè HDPE. Công nhận lưu hành 02 giống lúa ML214 và ML48; tập trung sản xuất và cung ứng lúa giống nguyên chủng, xác nhận, giống cây ăn quả và lợn giống chất lượng tốt phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân.

II. Công nghiệp; xây dựng, đầu tư; đăng ký kinh doanh; đăng ký đầu tư

1. Công nghiệp

Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp ước tháng 3 và quý I/2023 với mức tăng khá ổn định so với cùng kỳ. Mức tăng chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện góp phần lớn cho mức tăng chung toàn ngành công nghiệp.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3/2023 ước tăng cao 42,05% so với tháng trước[1][1] và tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 14,46%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 1,57%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,11%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,79%.

Dự ước quý I/2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,29% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,96%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 1,61%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,25%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,66%. Mức tăng chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện góp phần lớn cho mức tăng chung toàn ngành công nghiệp.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) tháng 3/2023 ước đạt 4.211,60 tỷ đồng, tăng 25,24% so với tháng trước và tăng 10,63% so cùng kỳ năm trước. Quý I/2023 ước đạt 10.409,82 tỷ đồng, tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: công nghiệp khai khoáng đạt 480,35 tỷ đồng, tăng 9,87%; công nghiệp chế biến chế tạo đạt 4.618,59 tỷ đồng, tăng 2,69%; sản xuất và phân phối điện đạt 5.238,54 tỷ đồng, tăng 10,96%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải đạt 72,34 tỷ đồng, tăng 2,13%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp quý I qua các năm so với cùng kỳ

(ĐVT:%)

https://cucthongke.vn/fckeditor/editor/filemanager/connectors/aspx/FCKeditor/img/image/2023/KTXH/CN_Q1.png

* Một số sản phẩm chủ yếu

Các sản phẩm sản xuất quý I/2023 tăng so với cùng kỳ gồm: Cát sỏi các loại tăng 0,51%; đá khai thác tăng 40,94%; gạch các loại tăng 28,90%; nước mắm tăng 1,77%; quần áo may sẵn tăng 33,58%; sơ chế mũ cao su tăng 5,15%; nước máy sản xuất tăng 3,51%; điện sản xuất tăng 11,63%. Sản phẩm giảm gồm: Muối hạt giảm 22,42%; thủy sản đông lạnh giảm 29,53%; thủy sản khô giảm 1,00%; hạt điều nhân giảm 20,23%; nước khoáng (không tính nước khoáng tinh khiết) giảm 2,21%; đồ gỗ và các sản phẩm gỗ giảm 10,75%; thức ăn gia súc giảm 8,76%; giày, dép các loại giảm 18,97%.

* Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành chế biến, chế tạo

Sản xuất kinh doanh quý I/2023 so với quý trước: Qua khảo sát các doanh nghiệp thuộc ngành chế biến chế tạo cho thấy có 35,38% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước; 33,85% đánh giá khó khăn và 30,77% số doanh nghiệp cho rằng ổn định.

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I/2023, có 35% doanh nghiệp đánh giá do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 18,33% doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên nhiên vật liệu; 13,33% doanh nghiệp cho rằng do gặp khó khăn về tài chính; 13,33% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh trong nước cao; 13,33% doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 3,33% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 1,67% doanh nghiệp cho rằng lãi xuất vay vốn cao và có 1,67% doanh nghiệp đánh giá lý do chính sách pháp luật của nhà nước.

Dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2023 so với quý I/2023: Có 81,54% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn (50,77% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn, 30,77% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định); 18,46% dự báo khó khăn hơn.

* Tình hình hoạt động của các khu công nghiệp (KCN)

Trong quý I/2023, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khu công nghiệp nhìn chung ổn định. Các chủ đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp thứ cấp đã có nhiều nỗ lực cố gắng đạt được kết quả tích cực. Doanh thu quý I/2023 của các doanh nghiệp khu công nghiệp ước đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 23,5% kế hoạch năm.

2. Xây dựng

Trong quý I/2023, hoạt động xây dựng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu, tỷ giá, lãi suất gia tăng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao. Ngoài ra còn nhiều khó khăn về vốn ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án trên địa bàn.

Giá trị sản xuất theo giá hiện hành ước quý I/2023 đạt 3.486,1 tỷ đồng, tăng 18,2% so cùng kỳ. Trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 26,8 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 0,8% so với tổng số); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 2.469,8 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 70,8%), tăng 17,7% so với cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 70,3 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 2%), tăng 4% so với cùng kỳ; loại hình kinh tế khác ước đạt 919,2 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 26,4%), tăng 17,3% so với cùng kỳ. Chia theo loại công trình, ước quý I/2023 công trình nhà ở đạt 1.117,5 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ chủ yếu hộ dân cư xây dựng nhà ở với quy mô và tổng vốn đầu tư lớn; công trình nhà không để ở đạt 562,8 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ; công trình kỹ thuật dân dụng 1.548,3 tỷ đồng, tăng 18,7% do nhiều doanh nghiệp xây nhà làm việc, trường học hoàn thành trong kỳ; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 257,5 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ.

Kết quả khảo sát hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng quý I/2023, có 30,6% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi, 41,7% ổn định và 27,8% cho rằng khó khăn hơn. Trong đó doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 100% ổn định; doanh nghiệp ngoài nhà nước dự báo với 32,4% thuận lợi, 38,2% ổn định, 29,4% khó khăn hơn. Nhận định trong quý II/2023 có 25% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi, 41,7% ổn định và 33,3% cho rằng khó khăn hơn, trong đó: doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 100% ổn định; doanh nghiệp ngoài nhà nước dự báo với 26,5% thuận lợi, 38,2% ổn định, 35,3% khó khăn hơn.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng chia theo loại công trình quý I

(theo giá hiện hành)

(ĐVT: tỷ đồng)

https://cucthongke.vn/fckeditor/editor/filemanager/connectors/aspx/FCKeditor/img/image/2023/KTXH/XD_Q1.png

3. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tháng 03/2023 đạt 242,3 tỷ đồng, tăng 31,1% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước; quý I/2023 ước đạt 591,6 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 12,2% kế hoạch, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 517,4 tỷ đồng, tăng 5,4% với cùng kỳ năm trước, đạt 12,2% kế hoạch; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 67,5 tỷ đồng, giảm 3,4%, đạt 12,4% kế hoạch; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 6,7 tỷ đồng, giảm 11,5%, đạt 9,6% kế hoạch. Trong đó vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 184,3 tỷ đồng; vốn nước ngoài (ODA) 10,5 tỷ đồng; vốn xổ số kiến thiết là 171,5 tỷ đồng.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn quý I

ĐVT: tỷ đồng

https://cucthongke.vn/fckeditor/editor/filemanager/connectors/aspx/FCKeditor/img/image/2023/KTXH/VDT_Q1(1).png

4. Đăng ký kinh doanh

Trong tháng (từ ngày 15/02 - 14/3/2023), có 64 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 14,67% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký mới 242,27 tỷ đồng, giảm 57,61%; số doanh nghiệp đã giải thể 9 doanh nghiệp, tăng 80%; tạm ngừng hoạt động 16 doanh nghiệp, tăng 77,78%; quay trở lại hoạt động 04 doanh nghiệp, giảm 55,56%; đăng ký thay đổi loại hình 86 doanh nghiệp, tăng 8,86%.

Quý I/2023 có 134 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 18,29% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký 1.571,61 tỷ đồng, tăng 22,07% so với cùng kỳ năm trước; quay trở lại hoạt động 74 doanh nghiệp, giảm 32,11%; tạm ngừng hoạt động 210 doanh nghiệp, tăng 24,26%; đăng ký thay đổi loại hình 172 doanh nghiệp, giảm 13,13%; số doanh nghiệp đã giải thể 21 doanh nghiệp, giảm 25%.

Thông báo cảnh báo 38 trường hợp doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Xử lý “mở khóa” hoạt động trở lại 07 trường hợp sau khi cơ quan thuế chấp thuận và doanh nghiệp có báo cáo giải trình. Xử lý giải thể 46 chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh.

5. Đăng ký đầu tư

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh có 04 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 201,7 tỷ đồng; có 03 dự án điều chỉnh. Quý I/2023 có 07 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 285,89 tỷ đồng. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng.

III. Thương mại; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải

1. Thương mại, giá cả

Tình hình thương mại của tỉnh trong tháng hoạt động ổn định; sức mua của người dân tăng nhẹ so với tháng trước. Hàng hoá không khan hiếm, không đột biến thị trường, giá bán tương đối ổn định không tăng giá quá mức, đáp ứng kịp thời cho nhu cầu của người dân. Trong tháng các doanh nghiệp đã triển khai tốt chương trình bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng, điểm kinh doanh trên địa bàn. Các siêu thị Coop mart, Lotte mart thường xuyên có các chương trình giảm giá nhiều mặt hàng nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng nhu cầu mua sắm của người dân. Các siêu thị điện máy cũng đưa ra nhiều chương trình giảm giá, mặt hàng điện tử, điện máy; bên cạnh đó còn áp dụng nhiều chương trình hậu mãi, kéo dài thêm thời gian chăm sóc khách hàng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I

(ĐVT: Tỷ đồng)

https://cucthongke.vn/fckeditor/editor/filemanager/connectors/aspx/FCKeditor/img/image/2023/KTXH/TMBL_Q1.pngTổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2023 ước đạt 7.243,7 tỷ đồng, tăng 1,71% so với tháng trước và tăng 33,97% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 4.690,1 tỷ đồng, tăng 1,58% so với tháng trước và tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước (nhóm lương thực, thực phẩm dự ước đạt 2.252 tỷ đồng, tăng 1,68% so với tháng trước và tăng 19,87% so với cùng kỳ năm trước; nhóm xăng dầu dự ước đạt 747,9 tỷ đồng, tăng 1,74% so với tháng trước và tăng 20,26% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng hoá khác dự ước đạt 235 tỷ đồng, tăng 1,73% so với tháng trước và tăng 23,85% so với cùng kỳ năm trước). Quý I/2023 ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 21.692,2 tỷ đồng, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 14.108 tỷ đồng, tăng 19,22%; doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 7.584,1 tỷ đồng, tăng 65,49%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,15% so với tháng trước, tăng 3,91% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,09% so với tháng 12 năm trước, CPI bình quân ba tháng đầu năm 2023 so với bình quân cùng kỳ năm trước tăng 4,39%. So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 04 nhóm hàng tăng giá: Giáo dục tăng 1,06%; bưu chính viễn thông tăng 0,88%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,73%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%. Có 07 nhóm hàng giảm giá: Đồ uống và thuốc lá giảm 1,58%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,59%; may mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,47%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,32%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,22%; giao thông giảm 0,19%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,15%.

* Công tác quản lý thị trường: Lực lượng quản lý thị trường tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; quản lý địa bàn; giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng… nhất là trong dịp diễn ra các sự kiện tại địa phương. Trong tháng 02/2023, đã kiểm tra 33 vụ, phát hiện và xử lý 14 vụ vi phạm, 07 vụ vi phạm hàng cấm, 04 vụ hàng nhập lậu, 02 vụ vi phạm về đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá, 01 vụ vi phạm trong kinh doanh và thu nộp ngân sách Nhà nước 379,8 triệu đồng. Luỹ kế 02 tháng năm 2023 đã kiểm tra 66 vụ, phát hiện và xử lý 36 vụ vi phạm; trong đó 08 vụ vi phạm hàng cấm, 12 vụ hàng nhập lậu, 07 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và sở hữu trí tuệ, 02 vụ vi phạm về đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá, 01 vụ vi phạm trong kinh doanh phẩm và 06 vụ vi phạm khác; xử phạt và thu nộp ngân sách Nhà nước 796,74 triệu đồng.

2. Hoạt động du lịch

Trong tháng hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra khá ổn định. Doanh thu và lượng khách tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, tại địa phương diễn ra một số sự kiện chào đón Năm Du lịch quốc gia 2023 như Lễ hội môtô Việt Nam-Bình Thuận 2023; giải Billiards & Snooker vô địch quốc gia năm 2023 cùng với Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh… đã thu hút hàng ngàn vận động viên và du khách đến tham dự. Hoạt động lữ hành, các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ khác hoạt động ổn định và tiếp tục tăng cường phục vụ cho người dân và du khách; các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống luôn mở cửa phục vụ cho người dân địa phương và du khách, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá bán, tuân thủ theo quy định của cơ quan quản lý nhất là trong dịp diễn ra các sự kiện sắp đến.

Lượng khách du lịch tháng ước đạt 701,1 ngàn lượt khách, tăng 2,58% so tháng trước và tăng gần 2 lần so với tháng cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ ước đạt 1.311,4 ngàn ngày khách, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 2,16 lần so với cùng kỳ năm trước. Quý I/năm 2023 ước đạt 2.082,6 ngàn lượt khách, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ ước đạt 3.886,4 ngàn ngày khách tăng, 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế trong tháng dự ước đạt 24,2 ngàn lượt khách, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 14,2 lần so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ dự ước đạt 98,4 ngàn ngày khách, tăng 2,65% so với tháng trước và tăng 14,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế chủ yếu Hàn Quốc, Đức và Nga. Quý I/2023 ước đạt 67,8 ngàn lượt khách, tăng 7,3 lần so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ ước đạt 276 ngàn ngày khách, tăng 7,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú trong tháng 3/2023 ước đạt 400,1 tỷ đồng, tăng 2,41% với tháng trước và tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống ước đạt 1.237,2 tỷ đồng, tăng 2,07% so với tháng trước và tăng 64,32% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động lữ hành hổ trợ du lịch ước đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 2,29% so với tháng trước và tăng 71,29% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 3 tháng năm 2023 ước doanh thu lưu trú đạt 1.189,3 tỷ đồng, tăng 79,64% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 3.677,6 tỷ đồng, tăng 61,59% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động lữ hành ước đạt 37,1 tỷ đồng, tăng 75,17% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ hoạt động du lịch trong tháng ước đạt 1.805,9 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2023 ước đạt 5.367,3 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

3. Xuất nhập khẩu

Xuất khẩu hàng hóa trong quý I/2023 giảm 10,91% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy lĩnh vực này đang chịu áp lực từ hai phía: Phía đầu vào chi phí sản xuất tăng, trong khi phía đầu ra tiêu thụ gặp không ít khó khăn do mức tiêu thụ các nước giảm.

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng ước đạt 63,13 triệu USD, tăng 7,25% so với tháng trước và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nhóm hàng thủy sản ước đạt 18,28 triệu USD, tăng 6,37% so với tháng trước và giảm 12,46% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nông sản ước đạt 1,05 triệu USD, tăng 11,87% so với tháng trước và tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng hóa khác ước đạt 43,8 triệu USD, tăng 7,51% so với tháng trước và giảm 7,26% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2023 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 164 triệu USD, giảm 10,91% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: nhóm hàng thủy sản ước đạt 48,9 triệu USD, giảm 13,59%; nhóm hàng nông sản ước đạt 2,9 triệu USD, giảm 3,26%; nhóm hàng hóa khác ước đạt 112,2 triệu USD, giảm 9,87%.

+ Xuất khẩu trực tiếp quý I/2023 ước đạt 163,06 triệu USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thị trường Châu Á ước đạt 115,1 triệu USD, giảm 4,64%; thị trường Châu Âu ước đạt 10,12 triệu USD, giảm 45,53%; thị trường Châu Mỹ ước đạt 36,22 triệu USD, giảm 14,46%. Một số nước xuất khẩu chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch của tỉnh như: Nhật Bản (mặt hàng chủ yếu như tôm, cá, thủy sản, dệt may...), Đài Loan (mặt hàng chủ yếu như bộ quần áo, thủy sản…), Mỹ (mặt hàng chủ yếu như giày dép, tôm thẻ…), Belizơ (chủ yếu là mặt hàng đế giày các loại), Trung Quốc (mặt hàng chủ yếu như tôm, giày dép, các loại quặng…), Campuchia (chủ yếu là mặt hàng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi).

+ Ủy thác xuất khẩu quý I/2023 ước đạt 0,94 triệu USD, tăng 42,56% so với cùng kỳ năm trước.

- Kim ngạch nhập khẩu trong tháng ước đạt 81,45 triệu USD, tăng 1,13% so với tháng trước và giảm 21,63% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2023 kim ngạch nhập khẩu ước đạt 234,9 triệu USD, giảm 23,56% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu là nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, nguyên liệu dệt may, da giày, hàng thủy sản.

4. Hoạt động vận tải

Hoạt động vận tải quý I/2023 diễn ra khá nhộn nhịp. Trong quý có nhiều ngày lễ (tết dương lịch, tết âm lịch, ngày Quốc tế phụ nữ 08/3,…) thu hút nhiều người dân, khách du lịch trong và ngoài tỉnh đi lại, nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân cũng tăng theo.

- Vận tải hành khách:

+ Ước tháng 3/2023 vận chuyển 950,0 nghìn hành khách, tăng 3,67% so với tháng trước và tăng 44,37% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 73.968,9 nghìn hk.km, tăng 5,15% so với tháng trước và tăng 34,11% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2023 vận chuyển 2.870 nghìn hành khách, tăng 24,56% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 226.400 nghìn hk.km, tăng 19,95% so với cùng kỳ năm trước.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng 3/2023 vận chuyển hành khách đường bộ đạt 936,9 nghìn hành khách, tăng 3,65% so với tháng trước và tăng 45,09% so với cùng kỳ năm trước; quý I/2023 đạt 2.834,0 nghìn hk.km, tăng 24,48% so với cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hành khách đường thủy đạt 13,1 nghìn hành khách, tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước; quý I/2023 đạt 36 nghìn hành khách, tăng 30,91% so với cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hành khách đường bộ đạt 72.706,8 nghìn hk.km, tăng 5,16% so với tháng trước và tăng 34,54% so với cùng kỳ năm trước; quý I/2023 đạt 223.095 nghìn hk.km, tăng 19,76% so với cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hành khách đường thủy đạt 1.262,1 nghìn hk.km, tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 13,21% so với cùng kỳ năm trước; quý I/2023 đạt 3.305 nghìn hk.km, tăng 34,27%.

- Vận tải hàng hoá:

+ Ước tháng 3/2023 vận chuyển hàng hoá đạt 604,9 nghìn tấn, tăng 5,7% so với tháng trước và tăng 11,23% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển hàng hoá đạt 42.789,6 nghìn tấn.km, tăng 4,19% so với tháng trước và tăng 10,34% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2023 vận chuyển hàng hoá đạt 1.641 nghìn tấn, tăng 8,96% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển hàng hoá đạt 119.000 nghìn tấn.km, tăng 9,82% so với cùng kỳ năm trước.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng 3/2023 vận chuyển hàng hóa đường bộ đạt 604,1 nghìn tấn, tăng 5,72% so với tháng trước và tăng 11,11% so với cùng kỳ năm trước; quý I/2023 đạt 1.638,5 nghìn tấn, tăng 8,89% so với cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hàng hoá đường thủy đạt 0,8 nghìn tấn, giảm 11,15% so với tháng trước, tăng 7,66% so với cùng kỳ năm trước; quý I/2023 đạt 2,5 nghìn tấn, tăng 78,57%. Luân chuyển hàng hoá đường bộ đạt 42.709,9 nghìn tấn.km, tăng 4,22% so với tháng trước và tăng 10,18% so với cùng kỳ năm trước; quý I/2023 đạt 118.730 nghìn tấn.km, tăng 9,73%. Luân chuyển hàng hoá đường thủy đạt 79,7 nghìn tấn.km, giảm 9,41% so với tháng trước và tăng 5,20% so cùng kỳ năm trước; quý I/2023 đạt 270 nghìn tấn.km, tăng 80,97%.

- Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi ước tháng 3/2023 ước đạt 214,4 tỷ đồng, tăng 5,73% so với tháng trước và tăng 21,14% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2023 ước đạt 612,3 tỷ đồng, tăng 18,52% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 261,1 tỷ đồng, tăng 23,60% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 311,1 tỷ đồng, tăng 10,13%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 38,5 tỷ đồng, tăng 78,82%; doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 1,6 tỷ đồng, tăng 15,02%.

- Khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Cảng quốc tế Vĩnh Tân tháng 3/2023 ước đạt 125 ngàn tấn, trong đó: Xuất cảng 75 ngàn tấn (muối xá, tro bay, quặng…); nhập cảng 50 ngàn tấn (xi măng, cao lanh, muối xá). Quý I/2023 đạt 279,8 ngàn tấn (tăng 24,84%), trong đó: Xuất cảng 189,37 ngàn tấn (giảm 9,03%) và nhập cảng 90,43 ngàn tấn (tăng 4,7 lần).

Doanh thu hoạt động vận tải quý I

ĐVT: triệu đồng

https://cucthongke.vn/fckeditor/editor/filemanager/connectors/aspx/FCKeditor/img/image/2023/KTXH/VTKB_Q1.png

IV. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng

1. Thu, chi ngân sách

Ước thu ngân sách tháng 03/2023 đạt 650 tỷ đồng, giảm 38,92% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2023 ước 2.353,36 tỷ đồng, đạt 23,52% dự toán năm và giảm 23,01% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa 2.177,25 tỷ đồng, đạt 25,3% dự toán năm, giảm 24,73%. Trong tổng thu ngân sách gồm: Thu thuế, phí và thu khác 2.039,89 tỷ đồng, đạt 27,55% dự toán năm, giảm 23,87%; thu tiền nhà, đất 137,36 tỷ đồng, đạt 11,44% dự toán năm, giảm 64,51% (trong đó thu tiền sử dụng đất 117,66 tỷ đồng, đạt 11,77% dự toán năm, giảm 32,22% so với cùng kỳ năm trước); thu thuế xuất nhập khẩu 176,11 tỷ đồng, đạt 12,58% dự toán toán năm và tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng khối huyện, thị xã, thành phố kết quả thu quý I/2023 ước đạt 864,52 tỷ đồng, đạt 25,81% dự toán năm, giảm 38,54% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Phan Thiết thu 342,57 tỷ đồng (đạt 22,99% dự toán, giảm 50,64%); La Gi 53,34 tỷ đồng (đạt 23,71% dự toán, giảm 53,01%); Tuy Phong 73,39 tỷ đồng (đạt 27,18% dự toán, giảm 9,18%); Bắc Bình 100,26 tỷ đồng (đạt 33,98% dự toán, tăng 3,72%); Hàm Thuận Bắc 84,44 tỷ đồng (đạt 27,69% dự toán, giảm 2,16%); Hàm Thuận Nam 64,39 tỷ đồng (đạt 25,76% dự toán, giảm 32,08%); Tánh Linh 22,22 tỷ đồng (đạt 22,91% dự toán, giảm 3,25%); Đức Linh 61,76 tỷ đồng (đạt 53,71% dự toán, tăng 14,92%); Hàm Tân 56,47 tỷ đồng (đạt 20,17% dự toán, giảm 56,86%) và Phú Quý thu 5,68 tỷ đồng (đạt 24,70% dự toán, giảm 75,86%).

Thu ngân sách nhà nước quý I qua các năm

https://cucthongke.vn/fckeditor/editor/filemanager/connectors/aspx/FCKeditor/img/image/2023/KTXH/TNS_Q1.png

Có 06/18 loại thu nội địa đạt trên mức bình quân chung (25,30%) so với dự toán năm và 03/18 loại thu tăng so với cùng kỳ năm trước; 09/18 loại thu nội địa ước đạt dưới mức bình quân chung (25,30%) so với dự toán năm và giảm so cùng kỳ năm trước. Khối huyện, có 05/10 huyện ước thu ngân sách vượt trên mức bình quân chung (25,30%) so với dự toán (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Đức Linh); 05/10 huyện, thị xã, thành phố ước thu ngân sách thấp hơn bình quân chung so với dự toán (Phan Thiết, La Gi, Hàm Tân, Tánh Linh và Phú Quý). Có 02/10 huyện, thị xã, thành phố thu ngân sách tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi trong tháng ước thực hiện 945,54 tỷ đồng. Quý I/2023 ước đạt 3.090,29 tỷ đồng; chi ngân sách nhà nước ước đạt 1.993,35 tỷ đồng, trong đó: Chi đầu tư phát triển 421,05 tỷ đồng; chi thường xuyên 1.572,3 tỷ đồng. Chi chuyển giao ngân sách 1.096,94 tỷ đồng.

2. Hoạt động tín dụng

Đến 28/02/2023, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 79.9336 tỷ đồng, tăng 0,08% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 0,53%), trong đó: Dư nợ cho vay bằng VND đạt 78.626,8 tỷ đồng, chiếm 98,37% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 48.165 tỷ đồng, chiếm 60,26% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phân theo các mức lãi suất: Lãi suất nhỏ hơn hoặc bằng 6%/năm chiếm khoảng 1,35% tổng dư nợ, lãi suất từ 6-7%/năm chiếm khoảng 1,58% tổng dư nợ, lãi suất trong khoảng 7-9%/năm chiếm 19,51% tổng dư nợ; lãi suất từ 9-12%/năm chiếm khoảng 46,05% tổng dư nợ, lãi suất trên 12%/năm chiếm khoảng 31,5% tổng dư nợ. Ước đến 31/3/2023, tổng dư nợ đạt là 48.820 tỷ đồng, tăng 1% so với cuối năm 2022.

Lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng đến dưới 6 tháng 4,6-6%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng 5,7-9,5%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng trở lên 6,2-9,5%/năm; lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 5,5%/năm (riêng Quỹ tín dụng nhân dân 6,5%/năm), các lĩnh vực khác từ 8,5-12,5%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 9,8-15%/năm.

Vốn huy động ước đến 28/02/2023 đạt 53.174 tỷ đồng, tăng 0,82% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 3,67%). Ước đến 31/3/2023, nguồn vốn huy động đạt 53.270 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Đến 28/02/2023, nợ xấu (nội bảng) trên địa bàn 1.765,8 tỷ đồng, chiếm 2,21% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu tăng 0,02% so với đầu năm.

Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 43.381,7 tỷ đồng, chiếm 54,27% tổng dư nợ; dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt 284,6 tỷ đồng, chiếm 0,36% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 617,4 tỷ đồng, chiếm 0,77% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 16.309,6 tỷ đồng, chiếm 20,4% tổng dư nợ.

Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Dư nợ (nội bảng) 90,36 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 30,77 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 58,39 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 1,2 tỷ đồng). Nợ xấu (nội bảng) là 15,09 tỷ đồng/5 tàu, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 21,51 tỷ đồng/25 tàu, nợ ngoại bảng là 822,9 tỷ đồng/81 tàu. Các đối tượng chính sách vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ cho vay đạt 4.022,8 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP đạt 144,1 tỷ đồng/377 hộ; dư nợ cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 5 tỷ đồng, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến là 15,7 tỷ đồng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Đến 28/02/2023, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 98 tỷ đồng/386 khách hàng; lũy kế giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ từ 23/01/2020 đến 28/02/2023 là 2.903 tỷ đồng/14.910 khách hàng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng với tổng số tiền 161,69 tỷ đồng, trong đó: Miễn, giảm lãi là 5,86 tỷ đồng; hạ lãi suất cho vay với số tiền lãi đã hạ 155,83 tỷ đồng; cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với lãi suất thấp hơn so với trước khi dịch bệnh xảy ra với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến 28/02/2023 là 76.079 tỷ đồng/102.934 khách hàng.

Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (thực hiện đến 31/3/2022): Đến thời điểm 28/02/2023 dư nợ còn lại là 0 đồng, do khách hàng đã trả hết nợ.

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/8/2022 về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN. Kết quả thực hiện đến ngày 28/02/2023, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất 208.460 triệu đồng, số khách hàng được hỗ trợ lãi suất 13 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng 382,5 triệu đồng.

Các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, các giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện thông suốt. Doanh số mua bán ngoại tệ trong tháng đạt 78 triệu USD, doanh số chi trả kiều hối đạt 26,1 triệu USD. Đến 28/02/2023, trên địa bàn có 198 máy ATM, tăng 2 máy so với đầu năm và 1.612 máy POS, giảm 47 máy so với đầu năm. Các máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn khoảng trên 85%. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ nhằm tạo điều kiện thúc đẩy, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư.

V. Lĩnh vực Văn h - Xã hội

1. Hoạt động văn hóa - Thể dục thể thao (từ ngày 15/02 -15/3/2023)

1.1 Hoạt động văn hóa:

Hoạt động tuyên truyền, cổ động: Tuyên truyền chào mừng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3/2023; 77 năm Ngày truyền thống Ngành Thể thao Việt Nam; 92 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; kỷ niệm 111 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương; kỷ niệm 111 năm Ngày sinh đồng chí Tô Hiệu; các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”…

Biểu diễn văn nghệ tuyên truyền và chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân, đồng bào vùng sâu, miền núi, thiếu nhi các huyện với 28 buổi, kịch bản “Cạm bẫy đồng tiền”. Tham gia Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh của Việt Nam lần thứ nhất vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023 tại tỉnh Phú Thọ; tổ chức Cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Ngôi sao biển lần thứ IV năm 2023.

Hoạt động Thư viện: Cấp 721 thẻ (thiếu nhi 681 thẻ), 215.472 lượt bạn đọc (truy cập website 201.345 lượt, tại thư viện 627 lượt (thiếu nhi 187 lượt), qua youtube 3.322 lượt, khai thác sách trực tuyến 354 lượt, truy cập Fanpage 2.630 lượt)); luân chuyển 32.182 lượt sách, tài liệu (lượt tài liệu tại thư viện 3 1.103 lượt (thiếu nhi 381 lượt), xe lưu động 30.800 lượt, tài liệu qua website 279 lượt),...

Hoạt động bảo tồn, bảo tàng: Trong tháng đã đón 20.365 lượt khách đến tham quan, trong đó có 197 lượt khách quốc tế; phục vụ 17 lễ dâng hương viếng Bác và 01 lễ báo công. Tổ chức trưng bày, triển lãm ảnh chuyên đề “Di tích - Lễ hội văn hóa tiêu biểu ở Bình Thuận và Phan Thiết xưa”

1.2. Hoạt động thể thao:

- Thể thao quần chúng: Đã tổ chức Giải xe đạp nữ quốc tế Bình Dương lần thứ XIII năm 2023 - Cúp BIWASE; Giải Bóng chuyền hơi nữ vô địch tỉnh năm 2023 - Cúp SHB; Giải bán Marthon Tuy Phong lần 1 - Năm 2023; Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Bình Thuận lần thứ XV năm 2023; phối hợp tổ chức Vòng 1 giải Billiards Snooker vô địch quốc gia. Cử 10 vận động viên các môn thể thao tập trung đội tuyển trẻ quốc gia năm 2023; tham gia điều hành vòng loại bảng D giải bóng đá Thanh niên sinh viên Việt Nam năm 2023 và tham gia khóa Đào tạo - Bồi dưỡng và kiểm tra phong cấp trọng tài môn Taekwondo quốc gia năm 2023. Xây dựng kế hoạch tổ chức lễ phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; hưởng ứng chương trình “Mỗi thanh niên 10.000 bước chân mỗi ngày”.

- Thể thao thành tích cao: Cử đội tuyển Kickboxing tham gia giải Vô địch Kickboxing toàn quốc năm 2023 tại Gia Lai; đội Bóng rổ nam, nữ tham dự giải Bóng rổ mở rộng năm 2023 tại huyện Bắc Bình; đội Bóng đá tuyến Trẻ tham dự giải Bóng đá U19 quốc gia năm 2023 tại Bình Phước và cử 02 vận động viên Taekwondo tham dự giải vô địch Đông Nam Á; đội tuyển Judo tham dự giải vô địch các Câu lạc bộ JuJitsu quốc gia năm 2023 tại Bạc Liêu và giải vô địch Jujitsu Châu Á năm 2023 tại Thái Lan; cử 11 vận động viên tập trung đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia (06 Judo, 02 Canoeing, 02 Taekwondo, 01 Điền kinh).

2. Giáo dục và đào tạo

Trong quý I/2023, đã tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh lần thứ XV năm học 2022 - 2023 với 1.751 vận động viên đến từ các trường học trong tỉnh; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong các cơ sở giáo dục trung học, trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp.

Quý I/2023, tập trung chuẩn bị công tác tổ chức các kỳ thi trong năm học 2022-2023 và kế hoạch tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường trung học phổ thông công lập, kỳ kiểm tra sát hạch xét tuyển sinh vào lớp 10 trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023; ngoài ra đã tổ chức thành công kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông vào các ngày 24-25/02/2023.

Đến nay, toàn tỉnh có tổng cộng 287 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó: Có 54 trường mầm non, 134 trường tiểu học, 85 trường trung học cơ sở, 14 trường trung học phổ thông; tính riêng trong năm 2023, có thêm 05 trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia.

3. Y tế

Trong quý, tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp, giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; nâng cao sự hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo kết nối liên thông về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định.

Trong tháng, toàn tỉnh có 533 cas mắc sốt xuất huyết; tăng 0,37% so tháng trước và tăng gấp 5 lần so cùng kỳ năm trước; không có cas tử vong. Quý I/2023 toàn tỉnh có 1.467 ca mắc; tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Bệnh tay chân miệng có 9 cas mắc, không có trường hợp tử vong; quý I/2023 có 14 cas mắc, không có trường hợp tử vong.

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm: Trong quý I/2023 xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm có 29 người mắc do nấm và bồ câu có chứa hóa chất bảo vệ thực vật carbofuran tại xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam.

Tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm; hoạt động giám sát, biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ca bệnh được quản lý chặt chẽ, cập nhật kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch. Tình hình dịch cúm A (H5N1), bạch hầu, Ebola, Zika, dịch tả... không ghi nhận trường hợp mắc.

* Công tác tiêm phòng dịch bệnh Covid-19

Tính đến ngày 08/3/2023, tiêm cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên hoàn thành 100% liều cơ bản, 535.243/762.532 tiêm mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1), đạt tỷ lệ 70,2%, 120.836/120.700 tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại lần 2), đạt tỷ lệ 98,5% (122.700 là số đối tượng đăng ký tiêm mũi nhắc lần 2 do các địa phương báo cáo về điều chỉnh).

Hiện nay công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành 100% liều cơ bản, 57.692/121.499 tiêm nhắc lần 1, đạt tỷ lệ: 47,5%. Tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi 109.875/126.860 mũi 1, đạt tỷ lệ 86,6%; 78.975/126.860 tiêm mũi 2, đạt tỷ lệ 62,3%.

4. Khoa học - Công nghệ; Bưu chính, viễn thông

Tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tiếp tục triển khai thực hiện Chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh và hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho của tổ chức, doanh nghiệp.

Hạ tầng mạng viễn thông 3G, 4G được phát triển mở rộng và triển khai cung cấp dịch vụ di động 5G; đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin; thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Hoạt động bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển, mạng lưới phục vụ bưu chính, viễn thông hoạt động thông suốt.

5. Lao động - xã hội

Trong tháng đã giải quyết việc làm cho 1.907 lao động, quý I/2023 giải quyết việc làm 4.953 lao động, đạt 24,77% so kế hoạch, tăng 42,04% so với cùng kỳ năm trước. Cho vay vốn giải quyết việc làm 836 lao động, đạt 59,71% so với kế hoạch. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề cho 767 người, quý I/2023 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp cho 1.308 người, đạt 13,08% so với kế hoạch và giảm 40,6% so với cùng kỳ năm trước. Đã vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em 798,92 triệu đồng, đạt 39,95% so kế hoạch năm và vượt 507% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác chính sách người có công: Trong tháng đã trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần cho 15 đối tượng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công; trợ cấp mai táng phí cho 52 trường hợp. Thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục đối với con của người có công với cách mạng đến niên hạn hoặc khóa học cho 07 trường hợp, ban hành Quyết định trợ cấp thờ cúng liệt sĩ cho 72 trường hợp.

Công tác bảo trợ xã hội: Đã tổ chức đi thăm, trao thiếp mừng cho người cao tuổi tròn 100 tuổi ở 4 huyện, thành phố: Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Phan Thiết; phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bình Thuận phân bố 120 suất quà Tết cho hộ nghèo tại 03 phường: Bình Hưng, Phú Thủy, Đức Nghĩa - thành phố Phan Thiết.

Công tác quản lý người nghiện: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2.242 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (trong đó quản lý, giáo dục, lao động trị liệu và chăm sóc sức khỏe tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh là 388/2 nữ; tự điều trị bằng thuốc thay thế Methadone tại cơ sở y tế 612 người; 1.054 đang được các ban, ngành, đoàn thể ở nơi cư trú quản lý giáo dục; quản lý trong tại tạm giam, nhà tạm giữ 188 người ). Có 111/124 xã, phường, thị trấn có người sử dụng trái phép chất ma tuý, chiếm 89,52% số xã, phường, thị trấn.

* Tình hình tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng, thanh niên xung phong, đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH), hộ nghèo, hộ cận nghèo trong diệp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023:

Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà và tiền mặt cho 9.547 hộ hộ nghèo (số tiền 5,057 tỷ), 11.068 hộ cận nghèo (số tiền 3,996 tỷ) và 94.728 lượt người có công với cách mạng, thanh niên xung phong, đối tượng bảo trợ xã hội với tổng giá trị là 131,958 tỷ đồng, trong đó: Quà của Chủ tịch nước cho 17.319 người với số tiền 5,247 tỷ đồng; quà từ ngân sách cấp tỉnh cho 50.981 người với số tiền 88,910 tỷ đồng; quà từ ngân sách cấp huyện cho 9.850 người với số tiền 4,925 tỷ đồng, còn lại là quà của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ.

Nhìn chung, công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ và các đối tượng bảo trợ xã hội luôn được quan tâm, thể hiện tình cảm và trách nhiệm; kịp thời thăm hỏi, động viên, giải quyết đúng, đầy đủ các chế độ chính sách, không để sót đối tượng, góp phần cho người có công, gia đình liệt sĩ và các đối tượng bảo trợ xã hội đón Tết đầm ấm, ý nghĩa.

6. Hoạt động bảo hiểm

Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, trả sổ BHXH cho người lao động cơ bản đúng kế hoạch.

Tính đến ngày 28/02/2023, toàn tỉnh có 96.496 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước; có 87.878 người tham gia BHTN, tăng 8,4%; số người tham gia BHXH tự nguyện 9.589 người, giảm 10,9%; số người tham gia BHYT 1.029.345 người (bao gồm thẻ BHYT của thân nhân do Bộ Quốc phòng cung cấp là 11.371 người), tăng 3,9%. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 88,5% dân số, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến 28/02/2023, đã xét duyệt, giải quyết cho 8.693 lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN, trong đó: Hưởng các chế độ BHXH dài hạn 122 lượt người; hưởng trợ cấp thất nghiệp 900 người; hưởng trợ cấp BHXH một lần 2.410 lượt người; hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe 5.261 lượt người. Ước thực hiện quý I/2023 xét duyệt, giải quyết cho 13.351 lượt người.

Tính đến ngày 28/02/2023, tổng số thu 371,56 tỷ đồng, tăng 21,77% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 200,024 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Ước thực hiện quý I/2023 tồng thu 614,146 tỷ đồng; tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 161,175 tỷ đồng.

7. Chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số

Trong quý I/2023 đã thực hiện cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư phục vụ nhu cầu sản xuất lúa nước tại địa bàn các xã; tổ chức thu mua lúa thương phẩm gắn với thu hồi nợ đầu tư ứng trước; hoàn thành việc đăng ký nhu cầu nhận đầu tư ứng trước năm 2023. Tổ chức tổng kết các hoạt động năm 2022 của các cửa hàng - đại lý và tập huấn nghiệp vụ năm 2023; đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bắp lai, lúa nước, kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đạt năng suất và hiệu quả cao.

8. Tai nạn giao thông (từ 15/02 - 14/3/2023)

Số vụ tai nạn giao thông 17 vụ (trong đó đường sắt 01 vụ), so với tháng trước giảm 12 vụ và so với cùng kỳ năm trước giảm 02 vụ. Quý I/2023 đã xảy ra 60 vụ (trong đó đường sắt 01 vụ), giảm 02 vụ so với cùng kỳ năm trước.

Số người bị thương 10 người, giảm 11 người so với tháng trước và giảm 02 người so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2023 có 40 người bị thương giảm 07 người so với cùng kỳ năm trước.

Số người chết 11 người, giảm 14 người so với tháng trước và giảm 04 người so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2023 có 46 người chết (trong đó đường sắt 01 người) giảm 03 người so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng không xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, 11 vụ nghiêm trọng, 01 vụ ít nghiêm trọng và 05 vụ va chạm. Quý I/2023 xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, 05 vụ rất nghiêm trọng, 33 vụ nghiêm trọng, 02 vụ ít nghiêm trọng và 19 vụ va chạm. Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra ở khu vực ngoài đô thị, nguyên nhân của các vụ tai nạn trên là do người tham gia giao thông phóng nhanh vượt ẩu, qua đường không quan sát.

9. Thiên tai, cháy nổ, vi phạm môi trường

- Thiên tai: Trong tháng không xảy ra. Quý I/2023 xảy ra 01 vụ lốc xoáy cục bộ tại thôn 1, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, làm 08 người bị thương (07 người bị thương nặng và 01 người nhẹ) và 20 người bị xây xát nhẹ; chưa ước tính tổng giá trị thiệt hại.

- Cháy nổ: Trong tháng xảy ra 02 vụ cháy, tăng 02 vụ so với tháng trước và bằng so với cùng kỳ năm trước, không xảy ra nổ; thiệt hại ước tính 50 triệu đồng. Quý I/2023 xảy ra 05 vụ cháy (giảm 03 vụ so với cùng kỳ năm trước), ước thiệt hại 63 triệu đồng.

- Vi phạm môi trường: Trong tháng phát hiện 01 vụ, giảm 03 vụ so với tháng trước và giảm 04 vụ so với cùng kỳ năm trước; đã xử phạt 331,55 triệu đồng. Quý I/2023 xảy ra 09 vụ (giảm 02 vụ so với cùng kỳ năm trước), thiệt hại 1.069,14 triệu đồng./.


Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận

  • Tổng số lượt xem: 298
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)