Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/04/2023-15:21:00 PM
Cần khẩn trương, quyết liệt hơn trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách, tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc, tranh thủ cơ hội để phát triển
(MPI) – Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023 diễn ra ngày 03/4/2023 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023, ước thanh toán đến ngày 31/3/2023 là 73.192,092 tỷ đồng, đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 11,88%) nhưng số tuyệt đối cao hơn khoảng 11,7 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đó, kinh tế vĩ mô tháng 3 và quý I cơ bản được giữ ổn định, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm được các cân đối lớn. Chính phủ, bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người dân vui xuân, đón Tết; khẩn trương, quyết liệt triển khai công việc được giao, vừa tập trung xử lý vấn đề tồn đọng, kéo dài, vấn đề mới phát sinh, nắm chắc tình hình thế giới để chủ động ứng phó kịp thời, vừa cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế bền vững trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng tác động từ bên ngoài, tăng trưởng kinh tế quý I thấp hơn kịch bản đề ra và đang phải đối mặt với nhiều nhó khăn, thách thức; lạm phát tiềm ẩn rủi ro; xuất khẩu giảm, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khó khăn; sức ép điều hành kinh tế vĩ mô tăng cao. Việc phối hợp của một số bộ, cơ quan, trong một số trường hợp còn chưa hiệu quả, kéo dài, lãng phí thời gian, nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, sản xuất, kinh doanh. Yêu cầu các giải pháp điều hành quyết liệt, chủ động, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng hơn, tranh thủ các cơ hội, dư địa chính sách đã được Quốc hội quyết nghị để tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh khó khăn gia tăng, nhất là tình hình kinh tế thế giới không thuận, lạm phát thế giới vẫn ở mức cao, tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là ở các nền kinh tế lớn giảm mạnh, kết quả đạt được quý I/2023 cơ bản là tích cực, tăng trưởng GDP là mức khá so với bình quân chung của thế giới và khu vực. Đạt được kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân. Đồng thời cũng đặt ra trọng tâm trong thời gian tới cần khẩn trương, quyết liệt hơn trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách, tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc, tranh thủ cơ hội để phát triển các nhân tố nền tảng, bền vững như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...

Về tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển KTXH, theo báo cáo, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 84 nghìn tỷ đồng, trong đó cho vay tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 16.232 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 1.470 tỷ đồng; Hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 3.777 tỷ đồng; Hỗ trợ 2% lãi suất đạt 134 tỷ đồng; Giảm thuế, phí, lệ phí là 55.088 tỷ đồng (đã hết thời gian thực hiện), hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng.

Về chi đầu tư phát triển, trong tổng số vốn 176.000 tỷ đồng: Số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch 161.848,315 tỷ đồng; Số vốn 14.151,685 tỷ đồng còn lại: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ phương án phân bổ 13.369,468 tỷ đồng. Đối với 782,217 tỷ đồng còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phân bổ tiếp.

Về tình hình phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023, Kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711.684,386 tỷ đồng; trong đó, số vốn NSTW chưa phân bổ chi tiết là 4.640,188 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã giao 707.044,198 tỷ đồng cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương, bằng 100% số vốn Quốc hội phân bổ.

Đến ngày 31/3/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 617.244,266 tỷ đồng, đạt 87,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Số vốn chưa phân bổ chi tiết là 89.799,932 tỷ đồng (12,7% kế hoạch), bao gồm: vốn NTSW 43.045,55 tỷ đồng, vốn cân đối NSĐP 46.754,382 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do việc chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị giao kế hoạch hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn thiếu chủ động và chậm trễ.

Tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023, ước thanh toán đến ngày 31/3/2023 là 73.192,092 tỷ đồng, đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2022 đạt 11,88%) nhưng số tuyệt đối cao hơn khoảng 11,7 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Có 02 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương giải ngân trên 15% kế hoạch; 48 bộ, cơ quan trung ương, 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình cả nước (10,35%), trong đó 30 bộ, cơ quan trung ương giải ngân 0%.

Về tình hình triển khai 03 CTMTQG, về xây dựng cơ chế, chính sách, đã ban hành 71 văn bản, còn 02 văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, dự án thành phần thuộc CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa hoàn thành.

Các bộ, cơ quan trung ương đã chủ động hướng dẫn, đang tiến hành sửa đổi, bổ sung một số văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình theo chỉ đạo tại Công điện số 71/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG.

Về phân bổ, giao kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 còn lại của 03 CTMTQG, Thủ tướng Chính phủ đã giao bổ sung 9.547,732 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công nguồn NSTW giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, địa phương. Đối với 444,407 tỷ đồng còn lại, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội .

Tình hình phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao 48.355,812 tỷ đồng vốn NSTW năm 2023 cho các bộ, địa phương thực hiện 03 CTMTQG năm 2023, đạt 97,6% kế hoạch vốn. Đối với 1.208,188 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển còn lại, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội .

Đến ngày 27/3/2023, có 44/48 địa phương đã giao chi tiết dự toán NSNN, kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 của 03 CTMTQG; giải ngân vốn năm 2023 ước đến hết 31/3/2023 là 2.052,168 tỷ đồng, đạt khoảng 8,5% kế hoạch.

Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan, kết quả đánh giá bổ sung đã tiếp tục khẳng định nhận định nêu trên, cơ bản thống nhất với nội dung Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật nội dung báo cáo các thay đổi về số liệu, kết quả đánh giá lại một số mục tiêu, chỉ tiêu.

Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 31/01/2023 là 541.857,52 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn số đã báo cáo Chính phủ tháng 01, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (95,11%) nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23% (khoảng 103 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021. Trong đó, 08 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch; có 40/51 bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Về phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ, Chỉ thị số 08/CT-TTg, Công điện số 123/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; đẩy mạnh hoạt động 05 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Tập trung rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, trong đó tập trung xử lý ngay những điểm nghẽn, nút thắt chính trong hoạt động đầu tư công như công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng.

Về triển khai 03 CTMTQG, chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương khẩn trương hoàn thành xây dựng văn bản hướng dẫn còn thiếu ngay trong tháng 4 năm 2023; chủ động hoàn thành và báo cáo kết quả tháo gỡ vướng mắc của địa phương theo đúng chỉ đạo tại Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/02/2023.

Chỉ đạo các địa phương khẩn trương cụ thể hóa các quy định, cơ chế chính sách theo thẩm quyền; chủ động thực hiện các thủ tục chuyển nguồn, giải ngân vốn kế hoạch năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023; hoàn thành phân bổ, giao kế hoạch năm 2023; thực hiện và sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tập trung, tránh dàn trải.

Về công tác quy hoạch, chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương có liên quan và các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; các địa phương khẩn trương trình hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh đối với những quy hoạch tỉnh chưa được thẩm định; các bộ, ngành trung ương ngoài việc đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch được phân công, khẩn trương cho ý kiến thẩm định đối với hồ sơ các quy hoạch đang xin ý kiến thẩm định; đối với các quy hoạch đã được thẩm định, các địa phương khẩn trương tiếp thu, giải trình, hoàn thiện quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm chất lượng, tránh phải xin lại ý kiến thẩm định nhiều lần./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 213
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)