Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/05/2023-14:05:00 PM
Quốc hội thảo luận về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét; chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông kết nối Khánh Hòa với Lâm Đồng và Ninh Thuận
(MPI) - Sáng 30/5/2023, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể ở hội trường việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Ảnh: Chinhphu.vn

Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 với mục tiêu cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.

Nhằm sớm đưa Dự án vào triển khai, đáp ứng sự cần thiết đầu tư, thúc đẩy giải ngân, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 đến hết ngày 31/12/2023; Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận phê duyệt Dự án. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư Dự án được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết đầu tư Dự án

Tham gia thảo luận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) bày tỏ thống nhất với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét; ủng hộ thống nhất sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Việc xây dựng dự án sẽ cung cấp được nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của Nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão lũ, cải tạo môi trường. Dự án không chỉ có ý nghĩa đối với khu vực huyện Hàm Thuận Nam mà cả tỉnh Bình Thuận.

Đồng thời bày tỏ thống nhất với việc tăng nguồn vốn cho dự án và việc cho kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2025. Tuy nhiên, cần phải có những giải pháp, xác định tiến độ cụ thể, phù hợp để đáp ứng được yêu cầu tiến độ xây dựng dự án. Đại biểu cũng nhấn mạnh vấn đề liên quan đến việc áp dụng cơ chế đặc thù cho triển khai dự án; Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh), dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận là công trình đa mục tiêu, với nhiệm vụ cấp nước tưới cho đất sản xuất, cấp nước sinh hoạt, điều tiết nước, giảm lũ, cải tạo môi trường, phát triển du lịch; bày tỏ tán thành với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Đại biểu đề nghị cơ quan hữu quan tập trung nguồn lực để triển khai khẩn trương, kịp thời, đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông ̣(đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) nhấn mạnh, Bình Thuận được biết đến là một trong những địa phương khô hạn nhất cả nước. Tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất thường xuyên xảy ra với mức độ hạn hán ngày càng khốc liệt, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Dự án hồ chứa nước Ka Pét, nếu không xét về yếu tố rừng tự nhiên phải trình Quốc hội cho chủ trương đầu tư, quy mô dự án chỉ tương đương với công trình, dự án nhóm A. Vì vậy, để giảm bớt các thủ tục hành chính trong phê duyệt, thẩm định dự án rút ngắn thời gian đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, khắc phục sự chậm trễ như đã xảy ra, đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án này. Theo đó, giao cho tỉnh Bình Thuận phê duyệt dự án theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư dự án thực hiện tương tự như dự án nhóm A.

Hình thành tuyến đường giao thông kết nối tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng và Ninh Thuận

Về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, các đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ hướng tuyến để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tính toán kỹ phương án giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư để tránh vướng mắc khi thực hiện. Đồng thời tập trung thảo luận về chuyển đổi rừng, trồng rừng thay thế để đảm bảo tính thuyết phục, tính đa dạng sinh học; sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn bố trí cho dự án, cơ cấu vốn trung ương và địa phương phân kỳ đầu tư, cam kết bố trí phần vốn của địa phương, khả năng hấp thụ vốn, giải ngân vốn, tiến độ hoàn thành, cơ chế chính sách triển khai đầu tư dự án, các điều kiện đảm bảo để hoàn thành dự án đúng theo chất lượng và đảm bảo tiến độ.

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 và điểm b khoản 1 Điều 17 Luật Đầu tư công, Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận (Dự án) thuộc tiêu chí là dự án quan trọng quốc gia, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; đồng thời thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của Quốc hội theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Lâm nghiệp.

Để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện Dự án, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư Dự án tương tự như đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Quy mô đầu tư: Đầu tư 56,9 km đường cấp III miền núi tốc độ thiết kế Vtk=60km/h, đoạn qua địa hình khó khăn châm chước tốc độ thiết kế Vtk=40km/h; 2 làn xe không có dải phân cách giữa, tổng chiều rộng nền Bn=9m, mặt đường rộng 2x3m=6m, lề đường 2 bên x1,5m=3m (gia cố tối thiểu 1mx2 bên=2m). Nhu cầu sử dụng đất: khoảng 128,96 ha và chuyển mục đích sử dụng rừng 75,58 ha (gồm: 32,88 ha đất rừng đặc dụng; 27,07 ha đất rừng phòng hộ). Hình thức đầu tư: đầu tư công.

Cho ý kiến về Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, đại biểu Trần Văn Tiến (đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội và cho rằng, Hồ sơ dự án đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp này.

Về sự cần thiết phải đầu tư dự án, đại biểu cho rằng, việc đầu tư dự án này là cần thiết, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng về phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, mang tính liên kết vùng, đặc biệt giúp xóa đói giảm nghèo cho các huyện và các xã thuộc vùng núi cao của tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh đó, góp phần tăng cường củng cố quốc phòng, khu vực, đảm bảo việc kết nối giữa các tuyến giao thông hiện có phục vụ cho quốc phòng, an ninh, cho mọi tình huống. Đáp ứng nhu cầu phát triển được phương tiện vận tải, phục vụ phát triển kinh tế xã hội cho vùng lân cận dọc theo tuyến dự án. “Việc đầu tư dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng là cần thiết”, đại biểu nhấn mạnh.

Bày tỏ đồng tình quan điểm với ý kiến trên, theo đại biểu Nguyễn Tạo (đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng), dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, nếu dự án hoàn thành, sẽ tạo nên tuyến huyết mạch có dư địa phát triển rất tốt cho tương lai, bảo đảm sự phát triển cho vùng đất cách mạng khi xưa, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Đại biểu đề nghị Quốc hội thông qua xây dựng điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án phù hợp với tiến độ giải ngân, cố gắng hoàn thành trong năm 2025.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận) tán thành về sự cần thiết đầu tư dự án. Đồng thời bày tỏ tin tưởng vào sự thành công của dự án, hình thành tuyến đường giao thông kết nối đa tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận là điều kiện thuận lợi cho các tỉnh trong khu vực, kết nối trong các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương, khu vực và vùng. Đại biểu thống nhất với đề xuất về cơ chế đặc thù cho dự án; tán thành cao với việc Quốc hội ban hành nghị quyết, quyết định chủ trương đầu tư dự án này.

Ảnh chụp từ clip

Nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo một cách chất lượng nhất

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảm ơn các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp tổ cũng như phiên thảo luận tại hội trường, đồng thời cảm ơn sự phối hợp công tác chặt chẽ, tích cực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong quá trình hoàn thiện, tiếp thu, chỉnh lý các Nghị quyết để trình Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhìn chung, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhất trí, ủng hộ với nội dung Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Các ý kiến rất xác đáng, trách nhiệm, bao quát toàn diện các vấn đề; khẳng định nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo một cách chất lượng nhất.

Làm rõ thêm một số nội dung được đại biểu quan tâm liên quan đến Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, Bộ trưởng nhấn mạnh, Nam Trung Bộ, bao gồm: Nam Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận là khu vực khô hạn nhất cả nước. Do vậy, vấn đề về nguồn nước có vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt, sản xuất, phát triển của các địa phương. Lý do điều chỉnh đã được Chính phủ nêu rõ trong Tờ trình cũng như trong báo cáo thẩm tra, trong đó có nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng nguyên nhân khách quan là chủ yếu. Bộ trưởng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội và chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện sau khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh này đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng dự án.

Đối với dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các ý kiến của đại biểu thống nhất về sự cần thiết, cấp bách đối với việc đầu tư Dự án. Bởi đây là dự án đã có trong quy hoạch, kế hoạch của tỉnh nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là liên quan đến nguồn lực nên chưa triển khai được; là dự án có tính chất kết nối vùng, là vùng khó khăn, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo lớn; mang nhiều ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội cũng như ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao đời sống vùng dân cư tuyến đường đi qua.

Về hướng tuyến của dự án để giảm thiểu tối đa đến rừng tự nhiên, ngay từ đầu hướng tuyến đã được nghiên cứu, rà soát rất kỹ lưỡng để phù hợp cảnh quan môi trường, đảm bảo ảnh hưởng, tác động ít nhất đến môi trường sinh thái, đảm bảo chức năng phòng hộ đầu nguồn của rừng trong khu vực, có phương án trồng rừng thay thế hợp lý đúng quy định.

Đối với việc giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vấn đề này đã được rà soát, tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo công khai, minh bạch, ổn định được cuộc sống người dân, phương án tạo sinh kế, việc làm, chuyển đổi nghề cũng như bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến vấn đề nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng; Về cơ chế đặc thù áp dụng cho dự án. Đồng thời khẳng định, trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra để nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện các dự thảo trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 928
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)