Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/05/2023-17:17:00 PM
Tọa đàm Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp
(MPI) - Chiều ngày 28/5/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự Tọa đàm Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đưa ra đánh giá về những thành tựu về kinh tế, nhất là kinh tế vĩ mô đã đạt được trong thời gian vừa qua; môi trường quốc tế ảnh hưởng tới nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, vượt khỏi dự báo. Nhiều thách thức đặt ra cho các nước như suy thoái kinh tế, gia tăng lạm phát, mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trong bối cảnh khó khăn, kết quả điều hành kinh tế vĩ mô và tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế nước ta vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ. Qua thực tế diễn ra, có thể gói gọn về bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới năm 2022, những tháng đầu năm 2023 như sau: Khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi; biến động nhanh; rất khó lường, khó dự báo, có những thực tiễn xảy ra còn vượt quá dự báo và độ phức tạp của tình hình thế giới tác động đến các nền kinh tế.

Mặc dù trong bối cảnh khó khăn, nhưng kết quả điều hành kinh tế vĩ mô và tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế nước ta vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ. Qua nhận xét của các chuyên gia và cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế vĩ mô, điều quan trọng nhất chúng ta đạt được chính là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu Quốc hội giao, cũng như đảm bảo các cân đối lớn, điều hành giải pháp tiền tệ, tài khóa ở mức hợp lý, vấn đề tỉ giá, lãi suất được điều chỉnh nhưng ở biên độ phù hợp, không tạo ra các cú sốc lớn với kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn phải tiếp tục đối diện với áp lực gia tăng từ bên ngoài và phải tìm cách vượt qua trong thời gian tới, như cầu thế giới giảm mạnh; lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo và một vài lĩnh vực động lực bị ảnh hưởng nặng nề; thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất…

Để so sánh với các nước trên thế giới và khu vực, qua các con số tổng hợp - thống kê, bối cảnh vĩ mô của chúng ta vẫn ở mức khá tích cực. Ví dụ như sau khi hết quý I, tốc độ tăng trưởng GDP nước ta đạt 3,32%, trong khi các đối tác chính, nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng thấp như Mỹ đạt 1,6%; EU đạt 1,3%; Nhật Bản đạt 1,3%; Hàn Quốc đạt 0,8%. Khi tăng trưởng thấp, cầu tiêu dùng của những nền kinh tế này cũng giảm theo, dẫn tới đơn hàng của doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra của chúng ta bị ảnh hưởng.

GDP quý I/2023 ước đạt 3,32% so với dự báo của World Bank và IMF trong năm 2023 là hơn 2% cho thấy chúng ta vẫn ở mức khá tích cực, tạo tiền đề để phấn đấu trong các tháng cuối năm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, sau 4 tháng, chỉ số lạm phát dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Trong khi đó, các nền kinh tế khác đều ở mức khá cao như Xinh-ga-po(5,5%); In-đô-nê-xi-a (khoảng 5%), EU (khoảng 7%); Hoa Kỳ (khoảng 5%). Theo đó, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào các chính sách, điều hành từ năm ngoái cũng như đầu năm nay để đạt mục tiêu đã đề ra.

Về tầm quan trọng của lạm phát, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, kết quả kiểm soát lạm phát của chúng ta trong thời gian qua rất đáng ghi nhận, đặc biệt là trong chính sách điều hành kiểm soát giá. Với vai trò là cơ quan tổng hợp và công bố số liệu về lạm phát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định số liệu tính toán và công bố về chỉ số lạm phát của Việt Nam là hoàn toàn đáng tin cậy và được quốc tế đánh giá./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 536
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)