(MPI) - Với kết quả 95,34% đại biểu tán thành, ngày 20/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - Kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận.
|
Toàn cảnh Kỳ họp. Nguồn: Quochoi.vn |
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, trong đó Dự án được xác định là một trong những dự án quan trọng cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Quốc hội nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có báo cáo đầy đủ số 495/BC-UBTVQH về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận.
Trong đó, về trồng rừng thay thế, có ý kiến đề nghị tỉnh Khánh Hòa phải đánh giá kỹ tác động môi trường, hệ sinh thái và việc trồng rừng thay thế phù hợp với điều kiện lâm sinh và đa dạng sinh học; bổ sung vào dự thảo Nghị quyết trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Khánh Hòa phải trồng rừng thay thế đầy đủ, đúng quy định, đảm bảo thời gian và không tăng kinh phí. UBTVQH xin tiếp thu ý kiến trên và đã bổ sung nội dung này vào khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết.
Về sơ bộ phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đã nêu rõ số hộ dân bị ảnh hưởng là 211 hộ, tuy nhiên chỉ có 11 hộ bị ảnh hưởng đến cấu trúc nhà phải di dời, các hộ còn lại chủ yếu là bị thu hẹp diện tích đất sản xuất, đất rừng với chi phí bồi thường không lớn. Đồng thời, qua xem xét hồ sơ Dự án cho thấy việc xây dựng dự toán theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, đã bao gồm cả chi phí dự phòng.
Hơn nữa, việc tái định cư phân tán, dự kiến sử dụng hạ tầng các khu tái định cư hiện có của địa phương hoặc các quỹ đất do nhà nước quản lý, không xây dựng khu tái định cư riêng cho Dự án. Mặt khác, Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Nghị quyết về thống nhất chủ trương thực hiện Dự án đã có cam kết bố trí phần tăng thêm khi có phát sinh. Do vậy, nguồn vốn bố trí đền bù, giải phóng mặt bằng của Dự án là khả thi và đảm bảo khả năng cân đối được.
Về công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải bảo đảm công khai, minh bạch, chuyển đổi nghề, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và đảm bảo ổn định cuộc sống người dân; cần phải có khảo sát, đánh giá, kiểm kê kỹ tài sản của người dân để đền bù thỏa đáng, nhất là việc chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế cho người dân bị thu hồi đất.Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã thể hiện nội dung trên vào khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết.
Về hướng tuyến của Dự án, UBTVQH thấy rằng Chính phủ đã tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá, nghiên cứu và cân nhắc rất kỹ việc lựa chọn hướng tuyến trên cơ sở quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và pháp luật về lâm nghiệp.
Theo đó, hướng tuyến được Chính phủ lựa chọn đã tuân thủ quy định về điểm khống chế, hạn chế tối đa việc chiếm dụng đất rừng. So với hướng tuyến có làm hầm xuyên núi, tuy có giảm được 10,3 km chiều dài đường, nhưng phương án làm hầm lại tăng kinh phí lên 3,73 lần và chỉ giảm được 8,58 ha rừng. Đồng thời, việc làm hầm xuyên núi theo tính toán cũng không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật do địa hình dốc, chênh lệch 02 cửa hầm là rất lớn, chi phí vận hành hầm hằng năm cao không đáp ứng được tiêu chí hiệu quả kinh tế của Dự án.
Báo cáo cũng nhấn mạnh đến các vấn đề về thời gian và tiến độ thực hiện Dự án; nguồn vốn thực hiện Dự án; phân chia dự án thành phần Theo UBTVQH, Dự án là tuyến đường có tính chất kết nối liên vùng, có vị trí quan trọng về quân sự, quốc phòng, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Vì vậy, Quốc hội đã ưu tiên dành 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 để triển khai Dự án. Phần còn lại được bố trí từ ngân sách địa phương (930 tỷ đồng). Việc bố trí như vậy vừa đảm bảo được khả năng huy động và bố trí ngân sách của địa phương cho Dự án, giảm áp lực đối với nguồn ngân sách trung ương vừa đảm bảo hài hòa và công bằng đối với các địa phương khác. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết đã bổ sung nội dung trách nhiệm của Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cam kết bố trí vốn của địa phương.
Về các cơ chế đặc thù cho Dự án, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc Quốc hội ủy quyền UBTVQH quyết định vấn đề phát sinh của Dự án trong thời gian Quốc hội không họp vì chưa được quy định trong Luật Đầu tư công. Nếu có ủy quyền thì chỉ nên ủy quyền cho UBTVQH quyết định điều chỉnh đối với tiêu chí để dự án trở thành dự án quan trọng quốc gia. UBTVQH thấy rằng, Dự án này có quy mô nhỏ, công trình cấp III, tổng mức đầu tư không lớn nhưng lại thi công qua khu vực địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, điều kiện thời tiết không thuận lợi. Vì vậy, nếu được áp dụng cơ chế đặc thù Quốc hội ủy quyền UBTVQH quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong thời gian Quốc hội không họp sẽ tạo thuận lợi cho việc giải quyết những phát sinh nếu có.
Hơn nữa, việc áp dụng cơ chế đặc thù cũng đã được Quốc hội cho phép triển khai đối với một số dự án quan trọng quốc gia. Đồng thời, do pháp luật về đầu tư công chưa quy định cụ thể về việc ủy quyền nên cần thiết phải được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội để đảm bảo chặt chẽ về tính pháp lý khi triển khai thực hiện. Nội dung quy định về cơ chế đặc thù được thể hiện tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết.
Nghị quyết gồm 5 Điều, nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết số 09-NQ/TW. Phát triển mạng lưới giao thông của vùng núi phía Tây tỉnh Khánh Hòa theo định hướng quy hoạch giao thông vận tải của Tỉnh (tuyến đường được đầu tư sẽ phá thế độc đạo của tuyến đường ĐT656 kết nối lên huyện miền núi Khánh Sơn và rút ngắn khoảng 15 km từ huyện Khánh Sơn về thành phố Nha Trang, mở ra kết nối mới giữa huyện Khánh Sơn với huyện Khánh Vĩnh và các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Tỉnh, giúp khơi thông liên kết vùng với các huyện miền núi của các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng); giúp thúc đẩy phát triển kinh tế huyện Khánh Sơn và các vùng phụ cận; tạo tiền đề kêu gọi đầu tư; phát triển du lịch; Tăng cường quốc phòng, an ninh trong khu vực, tạo thành mạng lưới giao thông cơ động thông suốt trong mọi tình huống để bảo đảm an ninh, quốc phòng; phục vụ hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ rừng.
Xóa bỏ tính độc đạo về kết nối giao thông đường bộ đến trung tâm huyện miền núi Khánh Sơn. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội 02 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng với tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Lâm Đồng. Phát triển du lịch, giao lưu văn hóa, phát triển các ngành kinh tế nông nghiệp thế mạnh của khu vực; phục vụ hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ, quản lý khai thác rừng.
Đồng thời, tăng cường quốc phòng, an ninh trong khu vực, tuyến đường dự án hoàn thành kết nối với hệ thống đường tỉnh lộ, đường huyện, đường Quốc lộ trong khu vực, tạo thành mạng lưới giao thông cơ động thông suốt trong mọi tình huống để bảo vệ an ninh, quốc phòng.
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối, phát triển các huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thành các tiểu đô thị sinh thái núi rừng của Tỉnh, cụ thể hóa mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hòa đã được xác định tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư