Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/06/2023-16:27:00 PM
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung tiếp Đoàn đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế làm việc tại Việt Nam
(MPI) - Ngày 29/6/2023, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung tiếp ông Sanjaya Panth, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Tham dự buổi tiếp còn có ông Paulo Medas, Trưởng đoàn giám sát của IMF về kinh tế vĩ mô và tài chính, tiền tệ của các nước hội viên (Đoàn Điều IV) và ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung và ông Sanjaya Panth, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ảnh: MPI

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cảm ơn sự hỗ trợ quý báu mà IMF đã dành cho Việt Nam, nhất là gần đây đã tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân lực, đặc biệt là có các báo cáo nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội trong suốt thời gian qua, hỗ trợ hiệu quả công tác hoạch định chính sách của Chính phủ nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng.

Trao đổi về tình hình kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng cho biết, công tác điều hành và các chính sách nhằm ổn định thị thường tài khóa, tiền tệ luôn được Chính phủ Việt Nam tiến hành thận trọng, kịp thời, quyết liệt, bảo đảm phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển và yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, Việt Nam là một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi và còn nhiều khó khăn, khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế; gặp nhiều khó khăn, thách thức do lạm phát toàn cầu ở mức cao, cạnh tranh chiến lược gay gắt, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, đã tăng trưởng chậm lại.

Thứ trưởng đề nghị IMF ưu tiên tăng cường hợp tác, tư vấn chính sách cho Chính phủ và các cơ quan hữu quan về điều hành kinh tế, đối phó với bối cảnh rủi ro gia tăng hiện nay; tiếp tục có các chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật về lĩnh vực quản lý kinh tế, đặc biệt về kinh tế vĩ mô; cùng các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ khác và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thiết kế các chương trình hợp tác phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển của Việt Nam.

Theo ông Sanjaya Panth, IMF đánh giá đây là giai đoạn kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn khi IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 2,8% trong năm 2023. Tuy nhiên, khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, sẽ là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới năm nay. IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng cho Việt Nam theo hướng tốt hơn kỳ vọng trước đó, dự kiến đạt 5,8% vào năm 2023.

Để có thể duy trì mức tăng trưởng tích cực trong những tháng cuối năm, IMF đưa ra nhận định rằng Việt Nam cần tiếp tục kiểm soát tốt tình hình lạm phát, đưa ra chính sách điều hành hợp lý; ổn định thị trường tài chính, ngân hàng, tiếp tục các chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ; xây dựng khung khổ pháp lý, môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, minh bạch, để duy trì tính hấp dẫn với các nhà đầu tư, củng cố sự phát triển của khu vực doanh nghiệp.

Ông Paulo Medas, Trưởng Đoàn Điều IV IMF bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn trước mắt để thực hiện được các mục tiêu trong trung và dài hạn; khẳng định IMF sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình hoạch định, triển khai chính sách và điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc với Đoàn chuyên gia về đào tạo của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Ảnh: MPI

Cũng trong cùng ngày, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đã có buổi làm việc với ông Feridhanusetyawan Tubagus, Chuyên gia kinh tế cao cấp IMF để trao đổi về hoạt động hợp tác đào tạo giữa IMF và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo đó, Đoàn chuyên gia IMF sẽ hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đào tạo, tăng cường năng lực phân tích và dự báo tình hình kinh tế vĩ mô cho một số cán bộ chủ chốt. IMF sẽ tập trung giúp các cán bộ đưa ra các dự báo vĩ mô, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách dựa trên các bằng chứng và phân tích khoa học rõ ràng hơn.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đánh giá cao IMF đã hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực dành cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua đào tạo cán bộ chủ chốt và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế. Chương trình đào tạo và tăng cường năng lực cần được thiết kế phù hợp với đặc điểm, điều kiện đặc thù nhu cầu của Bộ như phân tích chính sách vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ,… nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ của IMF dành cho Bộ, Thứ trưởng nhấn mạnh./.

Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 257
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)