(MPI Portal) – Ngày 29 - 30/6/2014, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Viện nghiên cứu Kinh tế Phát triển Thế giới thuộc Đại học Liên hợp Quốc (UNU-WIDER) tổ chức Hội thảo quốc tế về cải cách thể chế kinh tế.
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông; Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung; GS. Finn Tarp, Giám đốc UNU-WIDER; GS. Tony Addison, Chuyên gia Kinh tế Trưởng, Phó Giám đốc UNU-WIDER; TS. David Malone, Hiệu trưởng UNU; cùng các học giả, giáo sư, nhà nghiên cứu quốc tế đến từ 20 nước trên thế giới.
|
Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, sự phát triển của thế giới được điều chế bởi những cuộc khủng hoảng lương thực và nhiên liệu, sự suy thoái kinh tế toàn cầu, sự tàn phá của thảm họa thiên nhiên, những điều này đã tạo nên sức ép đối với sự phát triển bền vững toàn cầu. Bên cạnh đó là thách thức to lớn về biến đổi khí hậu, mà hậu quả gây ra là sự nóng lên của trái đất.
Những thách thức phát triển đó tác động mạnh mẽ và nằm ngoài khả năng của mỗi quốc gia để có thể tự đương đầu. Các nước phát triển và đang phát triển cần chung tay trước những thách thức toàn cầu của thế kỷ XXI. Giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, các nước đang phát triển cùng lúc phải thực hiện chuyển đổi kinh tế, đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Quá trình chuyển đổi nền kinh tế này bao hàm sự thay đổi vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường, tăng cường sự phát triển của khu vực tư nhân, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời bảo đảm lợi ích của tăng trưởng cho các bên liên quan. Vấn đề đặt ra cho các nước đang phát triển trong bối cảnh hiện nay là làm thế nào để cân bằng cải cách thể chế, chuyển đổi kinh tế với nhu cầu tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng cho biết, Việt Nam bắt đầu chính sách đổi mới từ năm 1986 và trải qua quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung – bao cấp sang kinh tế thị trường. Công cuộc cải cách kinh tế trải qua gần 3 thập kỷ đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tăng trưởng GDP bình quân hàng năm gần 6,5%. Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, đặc biệt trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo. Thứ trưởng nhấn mạnh, cùng với chính sách cải cách kinh tế, Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể trong quá trình tạo lập thể chế hóa chính sách, thực thi chính sách, cũng như xây dựng khung pháp lý cho sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam còn gặp một số vấn đề khó khăn như chất lượng tăng trưởng thấp, năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia còn hạn chế, sự chênh lệch thu nhập và suy thoái môi trường đang tăng lên. Tất cả những vấn đề đó trở thành thách thức cho sự phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn. Do vậy, Thứ trưởng đánh giá cao mục đích buổi Hội thảo này đối với Việt Nam trong quá trình nhìn lại 30 năm cải cách kinh tế nhằm đưa ra những bài học, đồng thời, giúp Việt Nam chuẩn bị những chính sách phát triển cho giai đoạn 2016 – 2020 và hội nhập kinh tế toàn cầu.
|
GS. Tony Addison, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Phó GĐ UNU-WIDER.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung vào chủ đề cải cách thể chế và ba thách thức quan trọng của xã hội hiện nay mà thế giới đang phải đối mặt là chuyển đổi cấu trúc, tăng trưởng toàn diện và môi trường bền vững. Qua đó, nhằm xác định những biện pháp hiệu quả và có thể sẽ có hiệu quả, những biện pháp có thể nhân rộng và được chuyển giao trong cải cách thể chế thông qua việc thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia phát triển trên thế giới.
Nội dung và báo cáo tham luận từ các mô hình cải cách tại các nước đang phát triển được thảo luận tại Hội thảo bao gồm: cải cách khu vực tài chính; việc quản lý và lập kế hoạch cho khu vực tài chính công; cải cách doanh nghiệp, những thành tựu và thách thức trong cải cách doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam; những ý kiến, kinh nghiệm và viễn cảnh của sự phát triển quốc tế; hiệu suất nông nghiệp và việc làm phi nông nghiệp; thị trường lao động và cải cách lao động năng động ở nền kinh tế mới nổi; những cải cách trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng; quan điểm mới về cấu trúc kinh tế để tránh bẫy thu nhập trung bình; cải cách thể chế cho tài chính xanh; sự triển khai và thực thi cải cách pháp luật… Qua đó, mang lại nhiều bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
UN-WIDER là một đơn vị nghiên cứu của Đại học Liên hợp Quốc, được thành lập năm 1985, tập trung và sự phát triển kinh tế, nghiên cứu đa ngành và phân tích chính sách trong các vấn đề phát triển, cũng như hỗ trợ xây dựng năng lực của các nhà nghiên cứu của các nước đang phát triển. Với mục tiêu đạt được tầm nhìn toàn cầu trong nghiên cứu và phát triển, UNU-WIDER đã hợp tác chặt chẽ với mạng lưới các cá nhân và tổ chức trên toàn cầu nhằm đưa ra giải pháp cho các thách thức phát triển.
|
|
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư