(MPI Portal) – Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng năm 2013, tình hình xây dựng, phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) và hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất trong KCN, KKT vẫn đạt được một số kết quả khá tích cực, đặc biệt trong thu hút đầu tư và đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tình hình phát triển KCN, KKT năm 2013
Đối với các KCN, trong năm 2013, có 5 KCN mới được cấp Giấy Chứng nhận đầu tư (CNĐT) với tổng diện tích tăng thêm là 1.578 ha, 03 KCN được điều chỉnh tăng diện tích (1.015 ha) và 05 KCN do hoạt động không đúng tiến độ đã bị thu hồi Giấy CNĐT với tổng diện tích 2.243 ha, trong đó, tổng diện tích đất KCN tăng thêm cả năm là 350 ha.
Lũy kế đến nay, trên cả nước có 289 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên 81.000 ha, trong đó, 191 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 54.060 ha và 98 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 27.008 ha.Trong năm 2013 đã đưa thêm 06 KCN đi vào hoạt động. Đối với KKT, trong năm 2013, số lượng và diện tích các KKT ven biển được giữ ổn định ở mức 15 KKT với tổng diện tích (mặt đất và mặt nước) là hơn 697.800 ha.
Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KCN
Đến cuối năm 2013, trong số cả nước có 289 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN , trong đó có 26 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 153 dự án đầu tư trong nước đã hoàn thành xây dựng cơ bản và đi vào hoạt động. Các dự án còn lại đang trong giai đoạn triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản và chủ yếu là các KCN được thành lập từ năm 2009 trở lại đây.
Tổng vốn đăng ký của các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN tăng thêm trong năm 2013 là 938 triệu USD (tương đương 33%) và 27.680 tỷ đồng (tương đương 18%) so với năm 2012. Tổng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm trong năm 2013 là 846 triệu USD và 4.950 tỷ đồng. Lũy kế đến cuối năm 2013, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3.738 triệu USD và 178.920 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư đã thực hiện của các dự án đạt 2.046 triệu USD và 74.953 tỷ đồng, tương ứng 55% và 42% tổng vốn đầu tư đã đăng ký.
Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KKT
Đến hết năm 2013, tổng số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các KKT ven biển trên cả nước là 165.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trong nước khoảng 148.000 tỷ đồng (chiếm 88% tổng vốn đầu tư), vốn đầu tư nước ngoài đạt xấp xỉ 17.000 tỷ đồng (chiếm 12% tổng vốn đầu tư). Mặc dù, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước năm 2013 còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên tình hình thu hút đầu tư vào các KCN, KKT vẫn có những chuyển biến tích cực, đạt mức tăng trưởng khá, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong năm 2013, các KCN, KKT của cả nước đã thu hút được 19.942 triệu USD, chiếm 50% tổng số lượt dự án và hơn 90% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm, tăng 2,47 lần so với cùng kỳ năm 2012. Điều này chứng tỏ ưu thế của các KCN, KKT trong việc kêu gọi, thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Kế hoạch phát triển KCN, KKT năm 2014
Dự kiến trong năm 2014, tổng diện tích tăng thêm của các KCN khoảng 2.000 - 2.500 ha, nâng tổng diện tích KCN đến cuối năm 2014 khoảng 83.500 - 84.000 ha; KCN sẽ thu hút được thêm khoảng 8.000 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, tiếp tục duy trì tỷ trọng 55 - 60% tổng vốn FDI của cả nước và 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, nâng tổng vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước vào KCN đến cuối năm 2014 lên khoảng 79.000 triệu USD và 505.000 tỷ đồng.
Dự báo trong năm 2014, các KKT thu hút được khoảng 2.000 triệu USD vốn FDI và 25.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, nâng tổng vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước vào các KKT đến cuối năm 2014 lên khoảng 38.500 triệu USD và 245.000 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của KCN, KKT dự kiến sẽ tăng nhẹ so với năm 2014. Dự kiến doanh thu của các doanh nghiệp KCN (kể cả trong và ngoài nước) trong năm 2014 ước đạt 72.000 triệu USD (tăng khoảng 2.000 triệu USD so với năm 2013); giá trị xuất khẩu đạt khoảng 42.000 triệu USD, giá trị nhập khẩu đạt 41.000 triệu USD; nộp ngân sách khoảng 40.000 tỷ đồng. Đóng góp của KCN vào kim ngạch xuất khẩu toàn quốc năm 2014 ước đạt khoảng 37%.
Các KKT đạt doanh thu 10.000 triệu USD, giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 1.500 triệu USD; đóng góp ngân sách 23.000 tỷ đồng.
Dự kiến đến cuối năm 2014, các KCN, KKT thu hút lũy kế khoảng 2,1 - 2,2 triệu lao động trực tiếp và 80% các KCN đang hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
Để phát triển các KCN, KKT, cần nâng cao nhận thức của các cơ quan Nhà nước các cấp về vai trò, vị trí của các KCN, KKT trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thống nhất chủ trương tăng cường phân cấp, giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý Nhà nước KCN, KKT trên các lĩnh vực nhằm xây dựng Ban quản lý KCN, KKT trở thành một cơ quan đầu mối quản lý nhà nước KCN, KKT ở địa phương theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Đồng thời, phát triển KCN với số lượng và quy mô phù hợp với điều kiện phát triển thực tế của địa phương, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất KCN, kiên quyết không phát triển KCN trên đất lúa có năng suất ổn định. Thường xuyên rà soát điều chỉnh Quy hoạch KCN cho phù hợp với tình hình thực tế; đảm bảo diện tích KCN phù hợp với Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ; không bỏ trống đất đai, gây lãng phí; không phát triển KCN khi chưa đảm bảo tỷ lệ lấp đầy KCN theo quy định.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 không phát triển thêm KKT và hạn chế thành lập mới KCN để tập trung nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư các KCN, KKT đã thành lập.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát luật KCN, KKT: tổ chức triển khai Nghị định 164/2013/NĐ-CP, tiến tới nghiên cứu xây dựng Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; nghiên cứu xây dựng các Đề án kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KKT, KCN. Đồng thời, các Bộ ngành tiếp tục phối hợp, tổ chức xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các văn bản pháp luật chuyên ngành phải trên cơ sở thống nhất với pháp luật về KCN, KKT tránh tình trạng chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong quản lý Nhà nước KCN, KKT trên các lĩnh vực; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật về môi trường, lao động trong KCN. Tập trung đầu tư các KKT có tiềm năng, thuận lợi nhất; huy động tổng hợp các nguồn vốn và nhiều hình thức đầu tư như để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong các KKT để tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các KKT.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực đã thu hút được và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong các KKT để tạo tiền đề cho việc hình thành khu vực phát triển công nghiệp nòng cốt trong các KKT và thu hút các nhà đầu tư khác. Xây dựng chiến lược, kế hoạch vận động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; trong đó xác định cơ cấu đầu tư, dự án động lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Tình hình triển khai kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc NSNN năm 2014
Việc bố trí vốn kế hoạch 2014 đã dựa trên kết quả rà soát các công trình, dự án trong KKT, KCN, cụm công nghiệp (CCN) tuân thủ nghiêm túc Chỉ thị 1792/CT-TTg; Chỉ thị 27/CT-TTg; Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 25/6/2013; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013; căn cứ vào các mục tiêu và định hướng phát triển chung của giai đoạn 2011-2015, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc NSNN và nguồn vốn trung hạn đã thông báo cho các địa phương giai đoạn 2014-2015; và các hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với thứ tự tập trung ưu tiên cho các dự án hoàn thành nhưng chưa được bố trí vốn thanh toán, các dự án hoàn thành trong năm kế hoạch, sau đó đến các dự án chuyển tiếp.
Việc giao kế hoạch đã đảm bảo tập trung, tránh được tình trạng dàn trải, không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Đối với các dự án khởi công mới, loại bỏ các dự án không đáp ứng điều kiện, chưa cần thiết. Theo đó, trong kế hoạch năm 2014 chỉ bố trí 15 dự án mới thật sự quan trọng, cấp bách theo ý kiến chỉ đạo của Đảng và Nhà nước (giảm 02 dự án so với kế hoạch năm 2013); và bố trí tại các địa phương không có dự án bố trí chuyển tiếp.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vốn NSTW được bố trí tập trung cho 5 nhóm KKT Chu Lai (Quảng Nam) - Dung Quất (Quảng Ngãi), Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh) và Phú Quốc (Kiên Giang) được lựa chọn ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2013-2015 với tổng số vốn được bố trí 1.555 tỷ đồng, bằng 68% tổng vốn NSTW hỗ trợ cho hạ tầng KKT ven biển trong Kế hoạch 2014 (cao hơn Kế hoạch năm 2012 là 120 tỷ đồng). Đối với các KCN, CCN cũng được bố trí ưu tiên hoàn thành mức vốn tối đa, theo đó có 18 KCN, CCN được bố trí hoàn thành mức tối đa theo quy định.
Nhìn chung, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN, KCN, KKT tại các địa phương là lớn, trong khi đó việc huy động các nguồn vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu còn rất hạn chế. Các địa phương chưa có giải pháp quyết liệt và hiệu quả để huy động nguồn vốn khác, ngoài vốn hỗ trợ từ NSTW để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, KKT./.
Đức Trung
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư