(MPI Portal) – Trong khuôn khổ hỗ trợ kỹ thuật thuộc Dự án cấp nước và nước thải đô thị do Ngân hàng Thế Giới (WB) tài trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với WB và Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo tham gia của khu vực tư nhân vào ngành nước đô thị tại Việt Nam.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)
|
Về nhu cầu đầu tư giai đoạn 2011 – 2020 và môi trường pháp lý nhằm thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào ngành nước đô thị ở Việt Nam, ông Trần Tường Lân, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và Đô thị cho biết, dự báo tổng nhu cầu đầu tư phát triển cấp nước giai đoạn 2011 – 2020 là khoảng 98.500 tỷ đồng, trong đó tổng nhu cầu cho cấp nước đô thị đến năm 2015 khoảng 63.500 tỷ trong đó nhu cầu đầu tư cho xây dựng và mở rộng công suất các nhà máy đến năm 2015 khoảng 27.000 tỷ đồng, phát triển mạng lưới đường ống cấp nước khoảng 32.000 tỷ đồng và cải tạo, thay thế mạng ống cũ chống thất thoát nước khoảng 4.500 tỷ đồng và giai đoạn 2015 – 2020 khoảng 35.000 tỷ đồng tập trung vào xây dựng và tăng công xuất nhà máy nước khoảng 10.000 tỷ đồng, đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống khoảng 20.000 tỷ đồng và thay thế mạng đường ống cũ chống thất thoát, thất thu nước khoảng 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng nhà nước để cho vay ưu đãi là rất hạn chế, thường không đáp ứng được nhu cầu nên các dự án cấp nước đô thị thường sử dụng nguồn vốn cho vay lại từ các dự án ODA và đồng thời kêu gọi từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Về thu gom và xử lý nước thải đô thị, tổng nhu cầu đầu tư cho xử lý nước thải và xây dựng hệ thống thoát nước đến năm 2015 vào khoảng 85.000 tỷ đồng, trong đó tập trung vào giải quyết một số nhiệm vụ chính là lập quy hoạch thoát nước cho các đô thị từ loại III trở lên chưa có quy hoạch tổng thể và tiếp tục triển khai các dự án thoát nước đô thị đã được phê duyệt và có cam kết nguồn vốn từ các nhà tài trợ. Trong giai đoạn 2015 – 2020, tổng nhu cầu đầu tư phát triển thoát nước khoảng 70.000 tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh các trạm xử lý nước thải và các tuyến ống thu gom tại các đô thị lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng ước tính nhu cầu khoảng 30.000 tỷ đồng và tiếp tục đầu tư hệ thống thoát nước cho các đô thị từ loại IV trở lên, dự kiến khoảng 40.000 tỷ đồng.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật do WB tài trợ với tổng giá trị 200 triệu USD cho Cấp nước và Nước thải đô thị được thực hiện trong 5 năm 2011 – 2016 với mục tiêu tăng khả năng tiếp cận tới các dịch vụ cấp nước và vệ sinh môi trường bền vững tại các khu vực đô thị.
|
|
Bàn về những thách thức trong việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào các công trình cấp, thoát nước, PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng, Cục Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng cho rằng, do tính hấp dẫn đầu tư của các dự án cấp, thoát nước đô thị chưa cao vì đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi khả năng thu hồi vốn, hiệu quả đầu tư phụ thuộc nhiều vào chính sách giá nước, phí thoát nước, phí xử lý nước thải hay giá dịch vụ xử lý nước thải. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư còn tồn tại nhiều rủi ro do cơ chế quản lý đầu tư thiếu hướng cụ thể, thiếu các cam kết, hỗ trợ từ Nhà nước và của các địa phương. Các doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý công trình cấp thoát nước còn chậm đổi mới, thụ động theo cơ chế cấp vốn Nhà nước.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến cũng đưa ra một số nội dung cần nghiên cứu và hoàn thiện, trong đó 5 yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng mô hình PPP đó là hệ thống pháp luật đầy đủ và minh bạch, năng lực của nhà đầu tư, quản lý rủi ro, tài chính dự án và lợi ích của các bên tham gia dự án.
Đối với lĩnh vực cấp thoát nước và môi trường đô thị, để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cam kết hỗ trợ từ Chính phủ. Tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp tài chính đa dạng để huy động vốn cho các dự án và tiếp tục nghiên cứu, cải cách mô hình tổ chức, hoạt động của các công ty cấp thoát nước và môi trường đô thị.
Tại Hội thảo, Giám đốc Điều hành, Castalia Strategic Advisors, ông Alfonso Guzman đã chia sẻ các kinh nghiệm của quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam các hình thức tham gia của khu vực tư nhân trong ngành nước đô thị, theo đó ông cho rằng, ngành cấp nước và xử lý nước thải đô thị Việt Nam đang trong vòng luẩn quẩn của những khó khăn về chất lượng dịch vụ kém nên không có được mức giá bù đắp chi phí, làm hạn chế nguồn vốn đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ. Sự tham gia của khu vực tư nhân (PSP) có thể giúp xử lý hiệu quả các vấn đề này bằng cách tạo ra các động lực khuyến khích, tăng vốn đầu tư và quản lý hoạt động dựa trên cơ sở hợp đồng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy mỗi loại mô hình PSP có thể xử lý được một số vấn đề nhất định của ngành. Việt Nam đã áp dụng một số mô hình PSP như: BOT, BOO, DBL và hợp đồng giảm thuế thu thất thoát dựa trên cơ sở hiệu quả. Ông Alfonso Guzman cũng đưa ra khuyến nghị ba mô hình cho Việt Nam là hợp đồng giảm NRW dựa trên cơ sở hiệu quả công việc, BOT/BOO và liên minh + một hợp đồng PSP.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về các chủ đề xây dựng các tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm thực hiện theo PSP, khả năng tiếp cận tài chính đối với các dự án PPP trong ngành đô thị - quan điểm của các tổ chức tài chính, biểu phí nước thải – điều kiện tiên quyết để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và kinh nghiệm của đầu tư tư nhân trong các dự án xử lý nước thải./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư