Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/03/2014-14:50:00 PM
Đánh giá tác động văn bản quy phạm pháp luật - Một yêu cầu thiết thực để đảm bảo chất lượng của văn bản
(MPI Portal) – Ngày 17/3, đoàn công tác Campuchia do ông Yim Nolson, Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế, Xã hội, Văn hóa dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việcĐánh giá tác động văn bản quy phạm pháp luật (RIA).

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Năm 2008, Quốc hội thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), theo Luật yêu cầu hồ sơ đề nghị xây dựng luật phải có báo cáo đánh giá tác động sơ bộ của văn bản và cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo.

Tiếp sau đó, Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ đã quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản QPPL yêu cầu RIA phải được thực hiện trong ba giai đoạn, đánh giá sơ sơ bộ khi lập đề nghị xây dựng văn bản, đánh giá trước và trong quá trình xây dựng văn bản và đánh giá sau khi ban hành văn bản.

Trong đó, Báo cáo đánh giá sơ bộ phải xác định được các vấn đề xã hội cần được điều chỉnh bằng văn bản QPPL, các mục tiêu văn bản hướng tới, các giải pháp cơ bản cần áp dụng để đạt được mục tiêu, chi phí, lợi ích của các giải pháp và khả năng thực thi hiệu quả của văn bản. Kết quả đánh giá tác động văn bản ở giai đoạn này có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó là cơ sở để cơ quan soạn thảo văn bản xác định những nội dung chính của văn bản. Trước và trong quá trình soạn thảo văn bản, RIA được thực hiện nhằm làm rõ các chính sách được lựa chọn là phương án tối ưu, vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo tác động tích cực lên các mối quan hệ kinh tế, xã hội, môi trường, hệ thống pháp luật và các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Về việc đánh giá tác động văn bản sau khi ban hành, sau ba năm kể từ ngày văn bản có hiệu lực thi hành, lúc này cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm thực hiện việc phân tích các chi phí, lợi ích thực tế, tác động của văn bản lên các mối quan hệ xã hội và sự tuân thủ của những đối tượng được điều chỉnh, đối chiếu với kết quả đánh giá tác động trong giai đoạn soạn thảo để xác định tính hợp lý, tính khả thi của các quy định. Trên cơ sở đó, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các giải pháp nâng cao hiệu quả hoặc hoàn thiện văn bản bằng các giải pháp thực thi, hoặc sửa đổi, bãi bỏ văn bản.

Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế cho biết, đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành đánh giá tác động của 2 văn bản Luật và 30 văn bản khác. Với quy trình chặt chẽ và những yêu cầu thiết thực như trên, RIA mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội bởi nó giúp cho các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn toàn diện về các vấn đề xã hội cần được luật hóa, việc so sánh các chi phí, lợi ích, giải pháp sẽ làm rõ những giá trị và hạn chế của từng chính sách, từ đó giúp cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định đúng đắn, thiết thực trong quá trình đề xuất, ban hành và theo dõi thực thi pháp luật. Phó Chủ tịch Yim Nolson chia sẻ cuộc trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giúp Campuchia học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ để từ đó thêm nhiều ý tưởng cải thiện RIA tại Campuchia./.

Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2650
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)