Ngày 01/10/2013-10:45:00 AM
(MPI Portal) – Ngày 30/9/2013, Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Kinh tế Samsung – Hàn Quốc tổ chức hội thảo Phát triển kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc: chia sẻ kinh nghiệm và các cơ hội mới. Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Dae Joo Jun và Viện trưởng kiêm Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung TS. Chung, Ki – Young.
Hội thảo có các đại biểu đại diện cho Đại sứ quán Hàn Quốc, các tổ chức của Hàn Quốc tại Việt Nam, các Bộ, ngành, TW và địa phương, các tập đoàn, các tổng công ty, các Viện Nghiên cứu, các học giả, các chuyên gia kinh tế cao cấp và đại diện các cơ quan truyền thông.
Viện Chiến lược phát triển trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan nghiên cứu hàng đầu cấp quốc gia về chiến lược và chính sách phát triển cùng Viện Nghiên cứu kinh tế Samsung là cơ quan nghiên cứu tư nhân hàng đầu của Hàn Quốc cùng có mong muốn tạo ra một cơ hội để chia sẻ những kinh nghiệm lịch sử đã từng làm nên Kỳ tích sông Hàn, cũng như góp phần thúc đẩy hợp tác thêm bền chặt giữa hai quốc gia, hướng tới một sự thịnh vượng chung.
|
Thứ trưởng Đào Quang Thu phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho rằng, với sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, Hàn Quốc là hình mẫu cho nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đang xây dựng mục tiêu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Mặc dù giữa hai quốc gia có quan hệ chính thức được hơn hai mươi nămnhưng những thành tựu phát triển và sự gắn bó giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đi được một chặng đường đáng kể và nâng mối quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược.
Về viện trợ phát triển, Việt Nam là một trong những nước được ưu tiên trong chính sách viện trợ phát triển của Hàn Quốc và cũng là nước nhận được nhiều nhất trong tổng vốn viện trợ phát triển (ODA) của Hàn Quốc. Giá trị của các khoản vay cũng tăng theo từng năm. Tổng vốn ODA của Hàn Quốc dành cho Việt Nam giai đoạn 1993 – 2008 mới đạt được 471,4 triệu USD, nhưng chỉ trong 3 năm 2009 – 2011, Hàn Quốc đã trở thành nhà tài trợ song phương lớn thứ 2 tại Việt Nam. Những lĩnh vực ưu tiên viện trợ của Hàn Quốc cho Việt Nam gồm: phát triển nguồn nhân lực và những nhu cầu cơ bản của con người như: giáo dục, đào tạo và y tế; hỗ trợ nhân đạo cho các vùng xã và vùng nghèo đói; xây dựng thể chế cho các khu vực đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và phát triển nông nghiệp và nông thôn.
|
Ông Dae Joo Jun, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Dae Joo Jun cho biết, năm 2011 Hàn Quốc đã tuyên bố coi Việt Nam là nước trọng tâm và hình mẫu cung cấp ODA, và chọn Việt Nam là 1 trong 26 nước thuộc Đối tác chiến lược hợp tác ODA với 3 trọng tâm là tăng trưởng xanh, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Về đầu tư nước ngoài, theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8/2013, Hàn Quốc đã có gần 3.400 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 26 tỷ USD. Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. FDI của Hàn Quốc phần lớn là các ngành công nghiệp chế tạo. Việt Nam mong muốn Hàn Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam vào các lĩnh vực Hàn Quốc có thế mạnh như công nghệ thông tin, đóng tàu, chế tạo ô tô.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc lựa chọn và phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, TS. Rhee, Tae-hwan, Ban Chính sách kinh tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung (SERI) cho biết, xuất phát điểm là một quốc gia nghèo về tài nguyên nhiên nhiên, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu tại Hàn Quốc, chỉ có một số ít nhà máy công nghiệp như dệt, kính phẳng, đóng chai, xi măng, đường tinh luyện, in ấn và cao su. Để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, chính phủ Hàn Quốc đã chuyển dần sang chiến lược công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu. Chiến lược này đã phát huy được lợi thế so sánh của Hàn Quốc về giá nhân công và nguồn nguyên liệu. Thời kỳ công nghiệp hóa những năm 60, Hàn Quốc xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều lao động, điển hình được lựa chọn là ngành dệt và tơ sợi…
Từ những kinh nghiệm phát triển công nghiệp của Hàn Quốc, TS. Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp Bộ Công thương cho rằng, Việt Nam có thể rút ra những bài học trong đó, cần xác định đúng lợi thế so sách của công nghiệp trong quá trình hội nhập, từ đó tập trung phát triển những ngành có lợi thế để tạo sức cạnh tranh, thu hút ngoại tệ cho công nghiệp hóa. Trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, lựa chọn các ngành công nghiệp sử dụng ít vốn, thu hút nhiều lao động, sau đó tiến dần phát triển những ngành đòi hỏi vốn lớn, hàm lượng công nghệ cao.
|
|
TS. Chung, Ki – Young Viện trưởng Kiêm Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung tại Hội thảo.
|
TS. Cao Viết Sinh chuyên gia cao cấp, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội thảo.
|
Đặt chiến lược phát triển công nghiệp ở trạng thái động để đổi mới phù hợp với diễn biến tình hình trong và ngoài nước, lựa chọn các mô hình quản lý công nghiệp phù hợp với từng giai đoạn. Khai thác, sử dụng và phát huy tối đa nội lực, sử dụng hợp lý ngoại lực thúc đẩy công nghiệp hóa trong phát triển kinh tế. Lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng làm cơ sở cho tái cơ cấu cho các ngành công nghiệp.
Trong phiên tọa đàm về công nghiệp hóa với các lĩnh vực ưu tiên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chia sẻ, với định hướng phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh mạnh, có truyền thống, huy động được mọi tiềm năng, nguồn lực, có thể phát triển với quy mô lớn trong bối cảnh hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới, trong giai đoạn 2011 – 2020, Nam Định cần ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành sản xuất chủ yếu vào các khu công nghiệp của tỉnh.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên cho phát triển của tỉnh Nam Định như cơ khí chế tạo, điện, điện tử, gia công kim loại với các sản phẩm chính là thiết bị, máy móc, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu dùng, sửa chữa, lắp ráp, đóng mới ô tô, xe máy, thiết bị điện tử, thiết bị nghe nhìn… Dệt may với các sản phẩm chủ yếu là sợi toàn bộ, vải, quần áo dệt kim. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, thủy hải sản và vật liệu xây dựng.
Tại phiên tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc trợ giúp Việt Nam xây dựng định hướng và chính sách trong việc phát triển các cụm công nghiệp, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bày tỏ mong muốn nhận được những chia sẻ về tư duy lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng các cụm công nghiệp của Hàn Quốc. Ông cho biết, hiện nay Quảng Ninh đang xúc tiến cơ hội hợp tác phát triển giữa Khu kinh tế tự do Incheon với Đặc khu kinh tế Vân Đồn, giữa Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long với Kỳ quan Jeju…
Tuy hai nước đã đạt được những kết quả rất đáng kể trong quan hệ hợp tác về thương mại và đầu tư nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai nước. Việt Nam luôn đánh giá cao và mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam nhiều hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực Hàn Quốc có thế mạnh mà Việt Nam cũng đang có nhu cầu phát triển như công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ sở hạ tầng, năng lượng và các ngành dịch vụ./.
Thúy Quyên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
|
|