Cân bằng-Toàn diện-Bền vững-An toàn-Sáng tạo là năm thành tố mà các nhà lãnh đạo APEC tập trung vào chiến lược mới tăng cường tăng trưởng.
Hội thảo “APEC về chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực thi mô hình tăng trưởng mới” diễn ra ngày 27/11, tại Hà Nội do Bộ Công Thương chủ trì đã thu hút gần 100 đại biểu đến từ các Bộ ngành, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế để cùng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực thi mô hình tăng trưởng mới, trong đó vấn đề được đặt ra thảo luận là những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, giống như các nước thành viên APEC, từ năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thực hiện chiến lược thay đổi mô hình tăng trưởng, trong đó chú trọng đến việc điều chỉnh lại cơ cấu lao động, cơ cấu ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế thị trường, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.
Tất nhiên, không có mô hình tăng trưởng chung nào có thể áp dụng cho mọi nền kinh tế, do đó, mỗi nền kinh tế APEC chỉ có thể chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn và thách thức của mình khi thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Tiến sỹ Nigel Finch, Đại học Sydney cho biết, Chiến lược tăng trưởng mới của các nhà lãnh đạo APEC tập trung vào năm thành tố để tăng cường mô hình mới đó là Cân bằng-Toàn diện-Bền vững-An toàn-Sáng tạo.
Hàm ý của các thành tố này là các chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu giúp giảm sự mất cân bằng và nâng cao hiệu quả tiềm năng.
Bên cạnh đó các chính sách này sẽ giúp tiếp cận công bằng, cho toàn bộ công dân, tham gia, góp phần và hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu; giúp bảo vệ môi trường và hướng tới nền kinh tế xanh hơn…
Ông Akio Hosono, Viện Nghiên cứu JICA (Nhật Bản), chia sẻ trong vòng 20 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản thực sự rất thấp, tính trung bình tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản chỉ khoảng 0,8%/năm. Vì vậy, sau 20 năm giảm phát, Chính phủ Nhật Bản nhận thấy cần thiết phải thay đổi cơ bản về mô hình tăng trưởng, trong đó đặc biệt chú trọng đến các chính sách kinh tế và ngân khố.
Cụ thể, ngày 14/6/2013, Nhật Bản đã khởi động Chiến lược tái khởi động nhắm theo 3 mũi tên. Với mũi tên thứ nhất, các chính sách tài chính tiền tệ sẽ được cải tiến mạnh mẽ, thoát khỏi tư tưởng giảm phát của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, đạt được mục tiêu lạm phát ở mức 2% trong khoảng thời gian hai năm.
Mũi tên thứ hai của Nhật Bản sẽ tiếp tục điều chỉnh các chính sách tài khóa linh hoạt nhằm thoát khỏi giảm phát, tập trung vào những lĩnh vực có đóng góp cho tăng trưởng bền vững, tạo nền tảng hợp lực với mũi tên thứ ba - mũi tên Chiến lược tăng trưởng.
Với mũi tên thứ ba này, Nhật Bản sẽ tập trung thúc đẩy đầu tư tư nhân nhằm đưa nền kinh tế trở lại với tăng trưởng, gia tăng năng suất thông qua đầu tư và chia sẻ lợi ích một cách rộng rãi trong nền kinh tế thông qua việc làm và thu nhập.
Tuy nhiên, ông Akio Hosono nhấn mạnh rằng Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức khi triển khai lộ trình tăng trưởng bền vững. Những thách thức này bao gồm cải cách pháp luật và thể chế, mở cửa doanh nghiệp nhà nước; thiết lập môi trường làm việc thân thiện, đào tạo thế hệ trẻ Nhật Bản trở thành nguôn nhân lực có tính cạnh tranh toàn cầu; phục hồi Nhật Bản trở thành quốc gia hướng tới công nghệ, dựa trên tài sản trí tuệ; hòa nhập với thế giới.
Theo ông Kensuke Tanaka, Trưởng Ban châu Á, Trung tâm Phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), động cơ tăng trưởng của các nước châu Á-Thái Bình Dương đã thay đổi, trong đó, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều chọn xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu, tăng trưởng xanh, tạo công ăn việc làm, tăng trưởng vì người nghèo.
Nhưng những thách thức chung mà khu vực phải đối mặt là nguồn nhân lực, trong đó vấn đề nổi lên là chất lượng giáo dục.
Tiếp đến là sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó khu vực tư nhân được xem là động năng tăng trưởng mới.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng, không phải chỉ trong nội bộ một quốc gia mà có tầm ảnh hưởng từ quốc gia này sang quốc gia khác khi thực hiện các chương trình liên kết vùng, khu vực.
Ông Kensuke Tanaka cho biết thêm, những vấn đề đặc trưng của châu Á là Chiến lược tăng trưởng Xanh – mỗi quốc gia đã có chiến lược tăng trưởng Xanh riêng, nhưng một số quốc gia vẫn chậm, cần lưu ý đến vấn đề quản lý rủi ro thiên tai.
Đánh giá về thực trạng của Việt Nam, ông Kensuke Tanaka, nhấn mạnh ba vấn đề. Thứ nhất là quản lý kinh tế vĩ mô. Thứ hai là giáo dục và chất lượng giáo dục. Thứ ba là bãy thu nhập trung bình.
Về vấn đề thứ hai, số liệu điều tra cho thấy trong 5 năm qua, lực lượng lao động có tay nghề tại Việt Nam tăng trưởng không cao, vì vậy sẽ có nhiều dư địa để cải thiện.
Có thể nói mô hình tăng trưởng mới là xu thế chuyển sang mô hình dựa trên sản xuất sang dựa trên năng suất. Ông Kensuke Tanaka cho biết các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản , Singapore là nước có thu nhập cao. Tuy nhiên, những bài học từ các quốc gia này không thể áp dụng với tất cả các nước châu Á khác.
Năng lực thể chế là yếu tố chủ chốt, vô cùng quan trọng - khả năng của Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách đã đề ra như thế nào. Thể chế liên quan đến nguồn nhân lực, đào tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tiến sỹ Lê Xuân Sang, Trưởng ban Chính sách Kinh tế Vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, thế giới nhìn chung vẫn còn tiếp tục phải đối mặt với thách thức kèm theo những bất định và rủi ro lớn.
Các dự báo thế giới đưa ra vào thời điểm cuối năm 2012 và trong năm 2013 đều được điều chỉnh hạ xuống đối với tăng trưởng kinh tế và các chỉ số khác.
Tuy nhiên, các dự báo đều cho thấy tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ tăng dần từ năm 2013 và năm 2014, tăng từ 2,2% năm 2012 lên 2,4% năm 2013 và 3,2% năm 2014.
Theo dự báo năm 2013 Việt Nam đạt mức tăng trưởng khoảng 5,3% và phấn đấu đạt 5,8% năm 2014.
Một số giải pháp trọng điểm đã được Chính phủ Việt Nam đề ra đó là thông qua Đề án Tái cơ cấu kinh tế, Đề án Tái cấu trú doanh nghiệp nhà nước, khu vực Ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán, tái cơ cấu một số ngành và các bộ ngành cũng ban hành chiến lược (kể cả giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ) với các giải pháp chính sách khá đầy đủ, toàn diện).
Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhận định, châu Á là khu vực có động năng tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng để hiện thực hóa, cần quan tâm đến vấn đề hội nhập của khu vực, kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, đẩy mạnh dịch vụ./.