Theo quy định hiện hành trong Luật Đấu thầu, nhà thầu, trước khi được xem xét về giá, phải đạt yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, có kỹ thuật đáp ứng thì mới được xem xét về tài chính, nghĩa là cho đến giai đoạn so sánh về giá và các yếu tố trên cùng một mặt bằng được lượng hóa thành tiền, thì nhà thầu trước hết phải vượt qua một loạt các bước trước đó. Sau đó, nhà thầu sẽ được so sánh về giá đánh giá để xác định xem trên cùng một mặt bằng, nhà thầu nào sẽ hiệu quả hơn.
|
Ảnh: Nhã Chi
|
Điều này thể hiện rằng, trong chừng mực nhất định, quy định hiện hành đã trao cho chủ đầu tư công cụ, phương tiện để chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải chủ đầu tư, cán bộ đấu thầu nào cũng biết cách tận dụng các công cụ, phương tiện này. Vì vậy, đâu đó vẫn còn tình trạng “giá rẻ trúng thầu”, đi đôi với giá rẻ là năng lực của nhà thầu kém, chất lượng hàng hoá, công trình yếu kém, gây lãng phí tiền của của Nhà nước.
Ngoài các quy định về yêu cầu đối với năng lực, kinh nghiệm, yêu cầu kỹ thuật, giá đánh giá như Luật Đấu thầu 2005, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2013 có thêm nội dung gì để khắc phục tình trạng “giá rẻ trúng thầu” nêu trên?
Đấu thầu hàng hóa, xây lắp hai túi hồ sơ
Từ xưa đến nay, đấu thầu hai túi hồ sơ chỉ áp dụng đối với gói thầu tư vấn, còn đối với gói thầu hàng hóa, xây lắp, chỉ áp dụng phương thức đấu thầu một túi hồ sơ. Phương thức đấu thầu một túi hồ sơ nôm na được hiểu là nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu bao gồm đề xuất kỹ thuật và tài chính, được mở thầu một lần và tại thời điểm mở thầu thì thông tin về giá dự thầu của nhà thầu sẽ được công bố. Phương thức đấu thầu hai túi hồ sơ thì khác ở chỗ nhà thầu nộp đề xuất kỹ thuật riêng biệt với đề xuất tài chính, việc mở thầu được thực hiện hai lần. Đề xuất kỹ thuật được mở trước để đánh giá (mở thầu lần 1), chỉ những nhà thầu nào đạt yêu cầu về kỹ thuật mới được mở đề xuất tài chính (mở thầu lần 2). Như vậy, tại thời điểm mở thầu lần 1, sẽ không ai biết được giá dự thầu của nhà thầu (thuộc đề xuất tài chính).
|
Ảnh : Lê Tiên
|
Việc áp dụng phương thức hai túi hồ sơ đối với gói thầu hàng hóa, xây lắp sẽ giảm được áp lực loại nhà thầu có kỹ thuật không tốt nhưng có giá rẻ vì chỉ có nhà thầu nào đạt yêu cầu về kỹ thuật mới được xem xét về giá. Trước đây, nhiều chủ đầu tư “non tay”, không dám loại nhà thầu có kỹ thuật kém hơn vì nhà thầu có giá rẻ, sợ rằng sẽ bị nhà thầu kiện hoặc dư luận xì xào. Với việc cho phép áp dụng phương thức hai túi hồ sơ đối với gói thầu hàng hóa, xây lắp, vô hình chung đã loại bỏ được áp lực cho chủ đầu tư; chủ đầu tư trước tiên chỉ cần quan tâm đến đề xuất kỹ thuật của nhà thầu mà chưa cần để tâm đến giá dự thầu.
Uy tín của nhà thầu được đưa vào giá đánh giá
Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)2013 lần này là bổ sung các tiêu chí để xác định giá đánh giá. Theo đó, kết quả thực hiện hợp đồng trước đó của nhà thầu như tiến độ, chất lượng thực hiện hợp đồng sẽ được đưa vào xem xét. Nhà thầu có “tiền sử” chây ì, trì trệ, làm hồ sơ dự thầu đẹp để trúng thầu nhưng sau đó không thực hiện đúng hợp đồng, không đảm bảo chất lượng công trình sẽ bị xem xét khi chấm thầu. Điều này sẽ giúp chủ đầu tư loại các nhà thầu có quá trình thực hiện hợp đồng trước đó kém chất lượng, tiến độ không đảm bảo yêu cầu.
Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu kết hợp giữa kỹ thuật và giá
Ngoài phương pháp giá đánh giá thấp nhất như quy định tại Luật Đấu thầu 2005, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2013 bổ sung thêm phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá đối với gói thầu hệ thống công nghệ thông tin, viễn thông, mua sắm hàng hóa. Theo đó, trường hợp không đủ năng lực để xây dựng giá đánh giá, hoặc không thể xây dựng công thức xác định giá đánh giá, chủ đầu tư thay vì nhắm mắt chọn “giá rẻ trúng thầu” sẽ có một phương án lựa chọn khác, đó là kết hợp giữa điểm kỹ thuật và giá. Nhà thầu có điểm kỹ thuật cao sẽ có ưu thế hơn nhà thầu có điểm kỹ thuật thấp, sau khi kết hợp giữa điểm kỹ thuật và giá, nhà thầu có điểm tổng hợp cao nhất sẽ được xem xét đề nghị trúng thầu. Với việc bổ sung phương pháp đánh giá này, chủ đầu tư có thêm phương tiện để chọn được nhà thầu tốt với giá cả phải chăng. Để minh họa, giả sử có hai nhà thầu A và B lần lượt chào máy tính xách tay Sony xuất xứ từ Nhật Bản và Trung Quốc. Chủ đầu tư chấm điểm kỹ thuật cho máy tính Sony xuất xứ Nhật Bản là 95 điểm cao hơn so với máy tính Sony xuất xứ Trung Quốc là 80 điểm, với tỷ trọng điểm kỹ thuật chiếm 80%, giá chiếm 20% trong cơ cấu điểm tổng hợp, giá dự thầu của nhà thầu A (chào máy tính xuất xứ từ Nhật Bản) là 20 triệu đồng, nhà thầu B (chào máy tính xuất xứ từ Trung Quốc) là 10 triệu đồng, khi đó điểm tổng hợp của nhà thầu A là 95 x 80% + 50 x 20% = 86 điểm, trong khi đó của nhà thầu B chỉ là 80 x 80% + 100 x 20% = 84 điểm (nhà thầu A có giá chào gấp đôi nhà thầu B nên với thang điểm 100 thì điểm về giá của A là 50, của B là 100). Ví dụ này minh họa cho ta thấy với phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá có thể chọn được nhà thầu tốt hơn (là nhà thầu A).
Tuy nhiên, kể cả bổ sung các nội dung nêu trên để khắc phục tình trạng “giá rẻ trúng thầu”, tất cả mọi biện pháp nêu trong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2013 đều không khả thi nếu như gốc rễ của vấn đề, là cách xây dựng tổng mức đầu tư và dự toán, không thay đổi. Dự toán được duyệt thấp, có thể là do thiếu vốn, hoặc cố ý xây dựng dự án có tổng mức đầu tư thấp để dễ thông qua, gọt chân cho vừa giày... Dự toán thấp nên chủ đầu tư buộc phải lựa chọn nhà thầu có giá rẻ. Với ví dụ trên, nếu dự toán được duyệt chỉ là 10 triệu đồng thì không bao giờ có thể mua được máy tính xuất xứ Nhật có giá 20 triệu đồng. Nên chăng, bên cạnh việc sửa đổi Luật Đấu thầu, cần xem xét sửa đổi các đạo luật, quy định khác liên quan đến xây dựng tổng mức đầu tư và dự toán. Hy vọng giải pháp quan trọng này sẽ được quy định tại Luật Đầu tư công sắp được trình ra Quốc hội trong thời gian tới./.