Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/10/2013-13:26:00 PM
Bế mạc Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 ở Indonesia
Sau hai ngày làm việc khẩn trương và liên tục, chiều ngày 8/10, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 tại Indonesia đã chính thức bế mạc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh chung với các trưởng đoàn dự Hội nghị cấp cao APEC 21. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Hội nghị đã nhất trí đề ra những định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế APEC, khẳng định quyết tâm xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương tự cường, là động lực của tăng trưởng toàn cầu.
Các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố “Châu Á-Thái Bình Dương tự cường, động lực cho tăng trưởng toàn cầu” và "Tuyên bố của Hội nghị lần thứ 21 các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 9 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Indonesia vào tháng 12 tới” cùng với các văn kiện kèm theo về “Khuôn khổ kết nối APEC” và “Kế hoạch dài hạn về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng.”
Trong ngày làm việc thứ nhất (7/10), ngay sau Lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo đã họp phiên chính thức đầu tiên về “Vai trò của APEC trong việc củng cố hệ thống thương mại đa phương trong tình hình kinh tế toàn cầu hiện nay.” Hội nghị nhấn mạnh thời điểm hiện nay có ý nghĩa cấp bách và then chốt đối với Vòng đàm phán Doha và hệ thống thương mại đa phương.
Theo đó, các nhà lãnh đạo nhất trí thông qua một Tuyên bố khẳng định quyết tâm chính trị và sự ủng hộ mạnh mẽ của APEC nhằm thúc đẩy Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 thông qua thỏa thuận mới (Gói Bali) về các vấn đề phát triển, một số vấn đề nông nghiệp và thuận lợi hóa thương mại. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí đẩy mạnh hoàn thành các Mục tiêu Bogor vào năm 2020 về tự do hóa thương mại đầu tư nhằm xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương tự cường, gắn kết, phát triển đồng đều, công bằng và bền vững.
Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị cũng nhất trí triển khai các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường sự tham gia rộng rãi của khu vực tư nhân trong thương mại dịch vụ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồi tài chính thương mại, tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động thuận lợi hóa đầu tư, thực hiện giảm thuế xuống dưới 5% vào năm 2015 đối với 54 mặt hàng thuộc Danh mục hàng hóa môi trường APEC (EGS), giải quyết các vấn đề thương mại - đầu tư “thế hệ mới.”
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí cần khuyến khích các thành phần xã hội tham gia hoạt động kinh tế, tăng cường đóng góp của phụ nữ cho phát triển kinh tế, thúc đẩy khoa học, công nghệ, sáng tạo, hợp tác chống tham nhũng, an sinh xã hội, y tế... Đây là những nội dung rất thiết thực bảo đảm tăng trưởng bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, hướng tới hình thành một châu Á-Thái Bình Dương tự cường, gắn kết, phát triển đồng đều, công bằng và bền vững.
Đồng thời, trong bối cảnh xu thế liên kết trong khu vực được đẩy mạnh, Hội nghị thống nhất quan điểm APEC cần phát huy vai trò điều phối trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ chế liên kết kinh tế ở khu vực hướng tới xây dựng Khu vực thương mại tự do toàn châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Trong ngày làm việc thứ hai (8/10), Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 đã tiếp tục hai phiên họp quan trọng về “Tầm nhìn APEC về kết nối trong cấu trúc quốc tế và khu vực đang định hình” và “Tăng trưởng bền vững gắn với công bằng-an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng.” Đây cũng chính là những nội dung then chốt của hợp tác APEC trong năm 2013 cũng như trong thời gian tới.
Các nhà lãnh đạo APEC đều cho rằng để thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, APEC cần xây dựng một tầm nhìn dài hạn về kết nối. Lần đầu tiên, các nhà lãnh đạo đã thông qua “Khuôn khổ kết nối APEC” về hạ tầng, thể chế và giữa người dân và “Kế hoạch dài hạn về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng.” Đây là những khuôn khổ hợp tác mới, tạo động lực thúc đẩy sự gắn kết và lưu thông giữa các nền kinh tế trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu cải thiện 10% chất lượng chuỗi cung ứng vào năm 2015, Chiến lược Cải cách cơ cấu APEC nhằm tăng cường minh bạch hóa và khả nâng cạnh tranh của các nền kinh tế, Sáng kiến tạo thuận lợi cho đi lại trong khu vực và tăng cường hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Lộ trình hợp tác an ninh lương thực APEC đến năm 2020, Sáng kiến hợp tác các vấn đề liên quan đến đại dương cũng là những thỏa thuận nổi bật được thông qua tại Hội nghị lần này./.
PV
TTXVN

    Tổng số lượt xem: 1541
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)