Kết quả của cuộc khảo sát về triển vọng kinh doanh tại ASEAN cho thấy các doanh nghiệp Mỹ vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh và đầu tư tại khu vực này.
Cuộc khảo sát được Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore tiến hành từ ngày 10/5 đến ngày 10/6 với lãnh đạo của 475 doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại 10 nước thành viên ASEAN cho thấy 79% số doanh nghiệp cho biết hoạt động thương mại và đầu tư của họ tại ASEAN trong hai năm vừa qua tăng và 91% nhận định rằng hoạt động này sẽ tiếp tục tăng trong 5 năm tới.
Có tới 73% doanh nghiệp nói rằng trong hai năm tới, các thị trường ASEAN sẽ đóng vai trò quan trọng hơn đối với doanh thu trên toàn thế giới của họ.
Đại đa số các doanh nghiệp, 84%, hy vọng là lợi nhuận của họ tại các nước ASEAN sẽ tăng trong năm nay và năm sau và 61% số doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch phát triển lực lượng lao động tại các nước ASEAN trong thời gian tới.
Được hỏi về ảnh hưởng của hội nhập kinh tế trong khu vực, đa số các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ (54%) cho biết công ty của họ đã lên kế hoạch liên quan tới mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Có tới 68% doanh nghiệp cho rằng Hiệp định Khung về Dịch vụ đóng vai trò quan trọng đối với kế hoạch đầu tư của họ vào khu vực ASEAN và 56% cho rằng Hiệp định Thương mại Hàng hóa quan trọng.
Về hai hiệp định tự do thương mại lớn mà các nước ASEAN đang đàm phán - Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - các doanh nghiệp Mỹ tham gia cuộc khảo sát cho rằng TPP sẽ có ảnh hưởng lớn hơn tới hoạt động đầu tư của họ trong tương lai.
Kết quả của cuộc khảo sát cũng cho thấy trong số 10 nước thành viên ASEAN, Singapore vẫn là địa chỉ làm ăn hấp dẫn nhất vì rất ít doanh nghiệp phàn nàn về tình trạng tham nhũng ở nước này và nhiều doanh nghiệp đánh giá hạ tầng cơ sở và hệ thống pháp luật của “Đảo quốc Sư tử” là tuyệt vời.
Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức trong hoạt động kinh doanh tại Singapore, đó là chi phí lao động, giá thuê nhà ở và văn phòng cao hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực.
So với cuộc khảo sát tương tự tiến hành 5 năm trước, Philippines đạt được nhiều tiến bộ nhất vì nước này giành được sự đánh giá cao của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đối với hầu hết các chỉ số đưa ra tại cuộc khảo sát.
Có tới 87% số doanh nghiệp hài lòng với nguồn nhân lực được đào tạo của Philippines, 74% với chi phí lao động thấp, 62% với hệ thống chính trị ổn định, và 56% với giá thuê nhà ở và thuê văn phòng. Các doanh nghiệp cho rằng tham nhũng, cơ sở hạ tầng thiếu và hệ thống thuế chưa hoàn chỉnh vẫn là những điểm yếu của nước này./.