Theo Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm giữ vững vai trò là trung tâm lúa gạo của cả nước, từ nay đến năm 2020, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu đạt mức sản lượng lúa mỗi năm từ 23-24 triệu tấn.
Từ năm 2020-2030, phấn đấu ổn định sản lượng mỗi năm 24 triệu tấn.
Để hoàn thành nhiệm vụ trên, từ nay đến 2030, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ổn định diện tích đất lúa hằng năm từ 4,2 -4,3 triệu lượt ha.
Các cơ quan khoa học và các tỉnh đang phối hợp thực hiện đề án ứng dụng khoa học, công nghệ lai tạo các giống lúa mới và phục tráng các giống lúa địa phương thích nghi với biến đổi khí hậu, kháng sâu bệnh, năng suất cao, phẩm chất gạo tốt.
Trước mắt, ĐBSCL ưu tiên lai tạo các giống lúa thích nghi với điều kiện bất lợi sinh học (sâu bệnh) và phi sinh học (lũ lụt, hạn, mặn, phèn, thay đổi khí hậu).
Sau năm 2015, các tỉnh ĐBSCL mở rộng qui trình canh tác lúa theo vùng sinh thái và qui trình GAP nhằm tạo ra lượng lúa gạo sạch lớn chiếm từ 40% diện tích đất lúa trở lên; mở rộng công nghệ chế biến lúa gạo thành các sản phẩm có giá trị cao nhằm giảm phụ thuộc vào xuất khẩu để khi xuất khẩu gạo không thuận lợi, sản phẩm chính và phụ từ lúa gạo sẽ trở thành nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, sinh hóa, góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động đồng thời tăng giá trị lúa gạo, giúp nông dân tăng thu nhập.
Theo Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, thành công trong sản xuất lúa của vùng ĐBSCL là đã đưa sản lượng từ 4,2 triệu tấn (năm 1976) tăng lên 24,5 triệu tấn (năm 2012), góp phần bảo đảm an ninh lương thực của cả nước đồng thời gia tăng lượng gạo xuất khẩu.