Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/06/2014-15:17:00 PM
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam năm 2014
(MPI Portal) – Ngày 19/6, tại thành phố Hồ Chí Minh, Diễn đàn Đầu tư Việt Nam năm 2014 với chủ đề “Sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi và Cơ hội nào cho Việt Nam” do Báo Đầu tư, Công ty Chứng khoán HVS Vietnam và Công ty quản lý quỹ AFC phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sự hỗ trợ tích cực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư -Trưởng ban Tổ chức cho biết, Diễn đàn là nơi để các chuyên gia, các nhà quản lý và các doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, thảo luận về những vấn đề kinh tế tài chính toàn cầu, về sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi, cũng như triển vọng phát triển kinh tế và cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Diễn đàn Đầu tư Việt Nam năm (VIF) 2014 được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vừa vượt qua giai đoạn khó khăn nhất do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ năm 2008 để bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Baodautu.vn

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2014 đã được Chính phủ đề ra là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng GDP lên mức 5,8%, so với mức tăng trưởng 5,03% năm 2012 và 5,42% năm 2013.

Để thúc đẩy nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững và hiệu quả hơn, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế với 3 trụ cột chính là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, không chỉ là thành viên có trách nhiệm của ASEAN, ASEM, APEC, WTO, Việt Nam đang tích cực đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và dự kiến đến năm 2015 sẽ ký kết được 16 Hiệp định thương mại tự do với 55 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong quá trình phát triển nền kinh tế theo hướng đổi mới, hội nhập quốc tế, Việt Nam đã mở cửa và không ngừng cải thiện môi trường đầu tư để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp.

Tính đến tháng 4/2014, tại Việt Nam đã có 16.300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư khoảng 238 tỷ USD. Trong đó, có hơn 100 tập đoàn đa quốc gia đã có mặt tại Việt Nam.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, hiện có trên 17.000 tài khoản được mở bởi các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài. Nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư lớn trên thế giới đã đầu tư vào TTCK Việt Nam và không ngừng gia tăng đầu tư vào doanh nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong quá trình phát triển, đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã và đang hành động mạnh mẽ nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư quốc tế và cam kết sẽ làm hết mình để các nhà đầu tư tiếp cận với những cơ hội đầu tư có hiệu quả tại Việt Nam, vì lợi ích chính đáng của Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp ..

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng rằng, thông qua Diễn đàn này, với sự có mặt của nhiều chuyên gia danh tiếng và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, VIF 2014 sẽ có những phân tích, đánh giá sâu về bối cảnh quốc tế, nhất là sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi, cơ hội đối với Việt Nam, cũng như kết nối các cơ hội đầu tư cụ thể giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế.

Đánh giá về cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, theo TS. Marc Faber, người đã có 44 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam sẽ là một trong những thị trường mới nổi phát triển nhất trong vòng 10 năm tới, là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư, với điều kiện Chính phủ Việt Nam phải giảm bớt sự can thiệp hành chính đối với nền kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cũng phải đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tạo hàng hóa đa dạng cho thị trường.

TS. Marc Faber nhận định, khi tăng trưởng kinh tế giảm xuống dẫn đến tăng trưởng tín dụng cũng sẽ giảm theo. Tuy nhiên, nếu khi tín dụng tăng nhanh sẽ tạo ra bong bóng cho thị trường, nhất là với bất động sản. Bởi các doanh nghiệp trước đây vay nợ nhiều sẽ khó có thể thanh toán được khi bong bóng xảy ra và nợ xấu tăng. Vì thế, một khi tín dụng tăng trưởng nhanh, cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ, nếu không sẽ để lại kết quả xấu trong tương lai. Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ luôn phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, cả với lãi suất.

Đưa ra định hướng phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2020, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, sự phát triển của TTCK Việt Nam thời gian qua đã mang lại những kết quả rất to lớn. Tuy nhiên, chủ yếu là phát triển theo chiều rộng, có kết hợp một số lĩnh vực phát triển theo chiều sâu. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của TTCK một cách bền vững, an toàn, hiệu quả cần chú trọng đến công tác tái cấu trúc và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, trong đó tập trung phát triển TTCK theo chiều sâu là chủ yếu.

Trên cơ sở đó, ông Vũ Bằng nêu ra bốn trụ cột cho phát triển TTCK Việt Nam gồm: tăng cường hàng hóa và cải thiện chất lượng nguồn cung; đa dạng hóa các loại hình đầu tư, nâng cao tỷ trọng đầu tư có tổ chức; hoàn thiện hệ thống các tổ chức trung gian; tái cấu trúc lại hệ thống thị trường theo hướng bền vững, hiệu quả và phù hợp thông lệ quốc tế.

Theo ông Vũ Bằng, một trong những giải pháp chính để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam là xây dựng cơ chế thu hút nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư dài hạn. Theo đó, cần khuyến khích các tổ chức đầu tư nước ngoài đầu tư dài hạn vào Việt Nam phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thông qua chính sách tài chính ưu đãi (thuế và phí) và đơn giản hóa thủ tục đăng ký đầu tư; tăng cường quản lý, giám sát, tăng cường tính công khai, minh bạch chế độ báo cáo, thống kê các hoạt động lưu chuyển vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Tại Diễn đàn, các đại biểu tham dự đã chia sẻ, thảo luận về môi trường đầu tư tại Việt Nam và cho rằng, không chỉ là thị trường mới nổi, Việt Nam còn trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các dòng vốn quốc tế nhờ yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới đang mở ra những cơ hội mới đối với các nhà đầu tư./.

Đức Trung
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1525
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)