Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/06/2014-15:51:00 PM
Hoàn thiện cơ chế, chính sách trong hoạt động đầu tư

(MPI Portal) – Ngày 13/6/2014, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đã thảo luận về một số điều sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và hoàn thiện cơ chế, chính sách trong hoạt động đầu tư

Dựa trên nguyên tắc mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư bằng việc xóa bỏ một số rào cản đầu tư không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) về cơ bản duy trì kết cấu của Luật Đầu tư hiện hành với 9 Chương và 84 Điều. Trong đó, giữ nguyên 4 điều, sửa đổi 31 điều, bổ sung 9 điều và loại bỏ 31 điều, thay đổi căn bản các nội dung về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài,

Trước đó, sáng ngày 04/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình Quốc hội Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) với nhiều sửa đổi quan trọng. Dự thảo Luật đã nhận được sự tán thành cao của cơ quan thẩm tra Quốc hội và đưa ra các giải pháp nhằm phân định rạch ròi về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư (so với các luật khác có liên quan đến đầu tư, kinh doanh như Luật Chứng khoán, Luật Tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản…) cũng như tạo sự phù hợp với một số điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên.

Trong đó, Dự thảo Luật đã chuẩn xác lại các khái niệm đầu tư, nhà đầu tư, dự án đầu tư, khu công nghiệp, khu kinh tế… trên cơ sở luật hóa quy định tương ứng trong các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Sửa đổi khái niệm nhà đầu tư nước ngoài nhằm tạo cơ sở pháp lý áp dụng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, được xác định trên cơ sở quốc tịch và tỷ lệ sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong tổ chức kinh tế đã thành lập tại Việt Nam.

Liên quan đến danh mục đầu tư, Dự thảo Luật đưa ra các lĩnh vực đầu tư có điều kiện được quy định trong các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Danh mục lĩnh vực cấm đầu tư được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp, đó là các lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.

Về các lĩnh vực ưu đãi đầu tư, Dự thảo Luật bổ sung vào Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư các dự án năng lượng mới, năng lượng sạch, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, sản phẩm cơ khí trọng điểm và cụ thể hóa tiêu chí xác định một số dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Ngoài ưu đãi đầu tư theo ngành nghề và địa bàn, Dự thảo bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với một số doanh nghiệp và hoạt động đầu tư như chính sách trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, tạo cơ chế hỗ trợ phát triển nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động... Tại phiên thảo luận của Quốc hội, các đại biểu cho rằng lĩnh vực ưu đãi đầu tư trong Dự thảo Luật quy định hoàn toàn hợp lý do Luật Đầu tư (sửa đổi) không thay thế được các luật chuyên ngành về quy định nội dung chi tiết đối với ưu đãi đầu tư.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng gây tiếng vang lớn với việc bỏ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ những dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện và các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, quy định này được áp dụng thống nhất cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục thông báo dự án đầu tư gồm những nội dung cơ bản về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tổng vốn đầu tư, thời hạn, tiến độ thực hiện.

Ngoài những nội dung nêu trên, tại phiên họp Quốc hội, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trong quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài và thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư. Trên cơ sở đó, hầu hết ý kiến đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi) và cho rằng như vậy mới tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư cũng như tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch và đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế./.

Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1541
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)