(MPI Portal) – Sáng 18/6, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công (gồm 6 chương, 108 điều) với 440/447 đại biểu có mặt đồng ý, chiếm 88,35% tổng số đại biểu Quốc hội.
Dự án Luật Đầu tư công được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng từ năm 2007 và trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII (tháng 10/2013) và tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII (ngày 24/5/2014).
Luật Đầu tư công quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quản lý nhà nước về đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.
Lĩnh vực đầu tư công gồm: Đầu tư các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Đầu tư phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Đầu tư và hỗ trợ hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích; Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không trùng lặp với các chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư; phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và khả năng huy động các nguồn vốn khác đối với các chương trình, dự án sử dụng nhiều nguồn vốn; phù hợp với khả năng vay, trả nợ công, nợ của Chính phủ và nợ của chính quyền địa phương; bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững; ưu tiên thực hiện đầu tư theo hình thức PPP đối với các dự án có khả năng thu hồi vốn.
Luật Đầu tư công chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015./.
Đức Trung
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư