(MPI Portal) – Ngày 17/6/2014, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã có buổi làm việc với Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) cùng các chuyên gia lĩnh vực giao thông và phát triển bền vững, nhằm trao đổi về nghiên cứu đánh giá chi phí xây dựng giao thông đường bộ tại Việt Nam.
|
Bà Victoria Kwakwa. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Thực tế cho thấy tổng chi phí xây dựng đường bộ khi quyết toán công trình khá cao. Báo cáo sơ bộ từ WB đã chỉ ra một số nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này.
Thay đổi thiết kế và công tác quản lý hợp đồng chưa tốt gây ra chậm tiến độ
Chậm tiến độ là một vấn đề lớn, nhất là với các hợp đồng do Chính phủ tài trợ. Những hợp đồng này gặp phải vấn đề về gia tăng chi phí thường xuyên và mức độ gia tăng lớn hơn so với các hợp đồng do các tổ chức tài chính quốc tế (IFI) tài trợ. Nghiên cứu của WB cho thấy việc xem xét và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, phân bổ vốn và giải phóng mặt bằng thường tốn nhiều thời gian, cùng với đó là việc thường xuyên thay đổi thiết kế trong quá trình thực hiện khiến cho tiến độ bị chậm. Do đó, WB đề xuất về việc nghiên cứu đánh giá sâu hơn để xác định các bước thực hiện cụ thể tiếp theo trong việc cải thiện thiết kế và công tác quản lý hợp đồng. Việc so sánh các giai đoạn thực hiện và các chỉ số đánh giá về hiệu quả trước và sau khi áp dụng các biện pháp cải cách sẽ chỉ rõ những cải thiện về hiệu quả đạt được, cũng như những tồn tại.
Tăng cạnh tranh giúp giảm chi phí xây lắp
Nghiên cứu về suất đầu tư xây dựng đường bộ chỉ ra rằng số lượng nhà thầu tham dự thầu giảm, có thể do quy mô hợp đồng quá nhỏ, giá trị hợp đồng tại Việt Nam thông thường chỉ bằng nửa giá trị của các hợp đồng tại Đông Âu và Trung Á. Nghiên cứu của WB chỉ ra rằng, các yếu tố phi hiệu quả về mặt thể chế cần được giải quyết để Việt Nam nâng cao cạnh tranh và thu hút được nhiều lợi ích hơn từ sự tham gia của khu vực tư nhân. Do đó, WB khuyến nghị Chính phủ cần tăng quy mô các gói thầu.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Thông tin rõ ràng về chỉ tiêu và hiệu quả thực thi hợp đồng
Nghiên cứu của WB đã xác định các lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam cần ưu tiên trong các nỗ lực cải thiện hiệu quả xây dựng đường bộ. Để những nỗ lực cải cách có hiệu quả cao và giám sát tiến độ, Chính phủ nên thiết lập các mục tiêu rõ ràng về tiến độ thực hiện hợp đồng và xây dựng các chỉ số đánh giá, bao gồm các chỉ số liên quan đến chất lượng nhằm đạt được hiệu quả đầu tư cao hơn trong lĩnh vực đường bộ. Chính phủ nên công khai chi tiết về việc trao thầu và biện pháp đo lường chất lượng, nhằm tăng cường sự minh bạch và cải thiện việc thực hiện hợp đồng cũng như cải thiện chất lượng thực thi hợp đồng trong dài hạn.
Trao đổi về những vấn đề trên, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một số nguyên nhân như: điều kiện địa hình, địa lý, khoảng cách vận chuyển làm tăng chi phí xây dựng; giá vật liệu tăng theo thời gian; khó khăn trong công tác tái định cư và giải phóng mặt bằng; các Bộ ngành, địa phương thiếu cân nhắc kỹ lưỡng về hiệu quả và khả năng đáp ứng vốn đối ứng khi ký kết các dự án… Qua đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và WB đã thẳng thắn chia sẻ, phân tích thực trạng đầu tư xây dựng đường bộ tại Việt Nam, cụ thể, về chi phí, ngân sách, cũng như tiến độ thực thi.
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá cao những nghiên cứu của WB. Bộ trưởng cho biết, hàng năm hơn 60% tổng lượng đầu tư của Chính phủ Việt Nam thuộc lĩnh vực giao thông và tương lai vẫn dành tỷ trọng lớn cho lĩnh vực này. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả đầu tư, cần có những nghiên cứu đánh giá như của WB nhằm tạo tiền đề cho những khâu đột phá của Việt Nam. Bộ trưởng mong muốn WB sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nỗ lực hoàn thiện báo cáo đánh giá chi phí xây dựng giao thông đường bộ tại Việt Nam. Đây sẽ là căn cứ để Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra kiến nghị với Chính phủ Việt Nam, đồng thời sẽ công bố những kết luận về vấn đề này trong thời gian tới./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư