(MPI Portal) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 17/6, Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi).
Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung: đối tượng áp dụng; ngành, nghề và điều kiện kinh doanh; doanh nghiệp xã hội; đăng ký thành lập doanh nghiệp; doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần…
Luật Doanh nghiệp 2005 đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; thúc đẩy huy động vốn, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp; góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng và giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp trong gần 10 năm qua cũng đã gặp phải không ít vướng mắc, hạn chế đối với hoàn thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh nói chung và phát triển doanh nghiệp nói riêng.
Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp là cần thiết nhằm thực thi các quy định của Hiến pháp; tạo cơ sở pháp lý cho việc tiến hành quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; tạo điều kiện và động lực mới cho sự phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Mục tiêu sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này nhằm làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, xây dựng Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thành lập doanh nghiệp; đối xử bình đẳng hơn giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí cho tổ chức quản trị doanh nghiệp và cơ cấu lại doanh nghiệp; Bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của nhà đầu tư; Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Về cơ cấu của Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bao gồm 10 chương và 220 điều. So với Luật Doanh nghiệp 2005 về cơ bản Dự thảo Luật này vẫn giữ nguyên các chương; tăng thêm 01 chương (Chương VII) về doanh nghiệp nhà nước.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan soạn thảo), một trong những thay đổi quan trọng trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là đổi mới phương thức quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp trên nguyên tắc doanh nghiệp được quyền chủ động kinh doanh tất cả những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động: góp vốn thành lập doanh nghiệp; tổ chức quản lý doanh nghiệp; chuyển nhượng vốn và rút khỏi thị trường của doanh nghiệp.
Cũng theo Cơ quan soạn thảo, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được sửa đổi theo hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm hồ sơ, giảm thủ tục, giảm thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh; kết hợp đồng thời thủ tục đăng ký doanh nghiệp với các thủ tục về thuế, đăng ký lao động và bảo hiểm xã hội.
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc Dự thảo lần này đã bổ sung khái niệm doanh nghiệp vì mục tiêu xã hội (gọi tắt là doanh nghiệp xã hội) để luật hóa, thừa nhận sự tồn tại về mặt pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp xã hội như một phương thức mới và góp phần cùng với Nhà nước trong giải quyết vấn đề xã hội và môi trường.
Tương tự như nhiều nước khác trong khu vực và thế giới, trong thời gian gần đây ở Việt Nam số doanh nghiệp xã hội đã ngày càng gia tăng và hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế. Đây là doanh nghiệp mà lợi nhuận thu được chủ yếu dùng để tái đầu tư giải quyết vấn đề xã hội hoặc môi trường.
Về nội dung một số vấn đề được bổ sung, sửa đổi trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cơ bản được các đại biểu Quốc hội đồng tình, đánh giá cao và cho rằng, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho hoạt động kinh doanh./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư