Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/12/2013-17:21:00 PM
Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế: Từ Chương trình tới Hành động
(MPI Portal) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam, ngày 03/12/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên (VBF). Diễn đàn có sự tham gia chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, cùng sự góp mặt của đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, quốc tế và cơ quan thông tấn báo chí.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định VBF là diễn đàn hàng đầu trong việc đối thoại giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam. Với chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế - Từ Chương trình tới Hành động”, Diễn đàn lần này tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Tổng quan về môi trường đầu tư tại Việt Nam
Năm 2013, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với những thách thức do mức tăng trưởng chậm trong những năm gần đây song nền kinh tế cũng đã có những tín hiệu đáng mừng như sự ổn định của tỷ giá hối đoái, lạm phát được giữ ở mức vừa phải, dự trữ ngoại hối tại Ngân hàng Nhà nước đã tăng hơn gấp đôi trong hai năm qua, rủi ro quốc gia đang ở mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong hai năm tới, dự đoán sẽ vẫn duy trì thặng dư tài khoản vãng lai ở mức khá cao và tiếp tục thu hút mạnh dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Liên minh Châu Âu (EU) là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với 1.810 dự án FDI với tổng số vốn khoảng 723 ngàn tỷ đồng (tính đến tháng 01 năm 2013).
Song các vấn đề liên quan đến cải cách và cơ cấu DNNN vẫn là mối quan tâm lớn với các nhà đầu tư. DNNN nhìn chung nhận được sự ưu đãi lớn thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai, chỉ tiêu lợi nhuận thấp và thường hoạt động không hiệu quả, nhưng hiện đang chiếm tới 40% trong nền kinh tế nên có ảnh hưởng mạnh đến việc đầu tư khu vực tư nhân. Chính vì vậy cổ phần hóa là một hoạt động cấp thiết được các nhà đầu tư quan tâm nhằm tạo môi trường mang tính cạnh tranh hơn và hoạt động theo cơ chế thị trường.
Để đi đến những giải pháp mang tính toàn diện nhất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam cần đi vào báo cáo chi tiết trên 5 nhóm lĩnh vực chính được các nhà đầu tư quan tâm trong thời gian qua:
Nhóm Ngân hàng và Thị trường Vốn
Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thực hiện cải cách lĩnh vực ngân hàng 9 tháng đầu năm 2013 như sự sát nhập của các ngân hàng yếu kém, lạm phát được kiềm chế ở mức bình quân 6,8%, tỷ giá ổn định, tổng mức dự trữ tăng đáng kể so với cuối năm 2012. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có chính sách tiền tệ, dự trữ ngoại hối, quản lý vàng hiệu quả. Vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã có một số cải thiện như giảm xuống còn 4,46 vào tháng 6. Đặc biệt, đã hoàn thiện khung pháp lý hướng dẫn hoạt động của Công ty quản lý tài sản (VAMC), dự kiến sẽ hỗ trợ trong việc khơi thông nguồn vốn, tăng thanh khoản cho thị trường.
Báo cáo của nhóm công tác Thị trường Vốn cho thấy ngân sách nhà nước đang khá hạn hẹp trong khi nhu cầu chi tiêu, đầu tư công vẫn còn rất lớn, nguồn thu từ thuế giảm do kinh tế khó khăn và các lộ trình giảm thuế nhập khẩu khi Việt Nam tham gia WTO. Nhiều ngành nghề của các công ty mà hiện tại nhà nước nắm giữ tỷ lệ lớn không phải các ngành nhạy cảm, thậm chí đối với các tiêu chí của Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực năng lượng điện nói chung và tình hình vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói riêng là vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm nhất.
Nhóm Cơ sở hạ tầng
Trong những năm qua, Việt Nam đã đầu tưđáng kể vào cơ sở hạ tầng. Tuy có mức đầu tư cao nhưng cơ sở hạ tầng Việt Nam vẫn thường xuyên bị doanh nghiệp và các Phòng Thương mại có mặt tại Việt Nam đánh giá là một trở ngại đối với tăng trưởng của quốc gia. Do vậy, VBF đưa ra một số giải pháp nhằm khuyến khích hơn nữa đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này như: chuyển nhượng tài sản trong các DNNN, cổ phần hóa các DNNN, tăng tính cạnh tranh trên thị trường bằng cách thực thi phương thức mua bán điện giữa tư nhân với nhau.

Toàn cảnh diễn đàn VBF 2013. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Nhóm Đầu tư và Thương mại
Với việc DNNN chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân, VBF đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới tiến trình đổi mới các DNNN hiện đang tồn tại rất nhiều bất cập như tốc độ cổ phần hóa chậm, thiếu quy chế quản trị doanh nghiệp, cần một cơ chế giám sát và minh bạch thông tin hoạt động của DNNN…
Nhóm ngành sản xuất ôtô, xe máy dù tăng trưởng vẫn không đạt mức mong muốn của cả nhà đầu tư và Chính phủ Việt Nam. Tổng sản lượng toàn ngành sản xuất ôtô năm 2013 đạt khoảng 100.000 đơn vị, trong đó 80% là xe lắp ráp nội địa (CKD). Năng lực sản xuất toàn ngành sử dụng thực tế chỉ đạt xấp xỉ 20% trên tổng công suất gần 500.000 đơn vị. Thực tế này khiến nhà đầu tư quan ngại về khả năng đầu tư mới trong tương lai. Trong khi đó ngành công nghiệp xe máy Việt Nam đang đối mặt với quy định hạn chế số lượng xe máy ở mức 36 triệu chiếc vào năm 2020, gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp xe máy, ảnh hưởng đến đầu tư kinh doanh trong hiện tại và cả tương lai. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam rất cần sự ổn định và nhất quán trong chính sách để thu hút đầu tư và tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Liên quan đến các vấn đề về thủ tục hành chính, đại diện hiệp hội các doanh nghiệp cho rằng hệ thống hải quan điện tử chưa đáp ứng một cách thỏa đáng sự hiệu quả và tính minh bạch, hệ thống trực tuyến còn gặp nhiều lỗi kết nối như gián đoạn hoặc tắc nghẽn. Vấn đề về sự phối hợp còn chồng chéo, thiếu nhất quán giữa các cơ quan hải quan với các Bộ, ban ngành liên quan hay sự phối hợp của các cơ quan hải quan tại Việt Nam cũng gây ra nhiều vấn đề chậm trễ, nhầm lẫn. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng ghi nhận những nỗ lực liên tục và bày tỏ sự quan tâm đối với việc loại bỏ nạn hối lộ và tham nhũng của Việt Nam trong lĩnh vực này và đưa ra giải pháp góp ý trực tuyến trên trang web của hải quan về những hành vi không đúng đắn.
Nhóm giáo dục đào tạo
Việt Nam có rất nhiều tài năng, tuy nhiên hệ thống giáo dục đang được nhìn nhận là hoạt động chưa hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy nguồn nhân lực Việt Nam sẽ được đào tạo tốt hơn thông qua một hệ thống giáo dục tốt hơn, chủ động và thiết thực hơn, qua đó sẽ đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước. Vì vậy, thông điệp chính trong báo cáo của nhóm công tác Giáo dục và Đào tạo là “quyền tự chủ” với mục tiêu đưa hệ thống giáo dục Việt Nam lên tầm cao mới.
Nhóm quản trị và minh bạch
Nhóm đã đề xuất 5 nguyên tắc chung làm nền tảng trong công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam gồm có: cải cách pháp luật cần minh bạch, hiệu quả và thuận lợi hơn trong đàm phán; cải cách lương thu hẹp khoảng cách giữa mức lương của khu vực công và khu vực tư nhân khiến cho công chức, viên chức phải tìm cách bất chính để tăng thu nhập; thành lập ủy ban phòng chống tham nhũng độc lập; tạo cơ chế bảo vệ người tố giác tham nhũng; xây dựng những chiến dịch truyền thông giáo dục về những ảnh hưởng tiêu cực của tham nhũng đối với người dân và những biện pháp chống lại nạn tham nhũng. Bên cạnh đó chính phủ cũng cần đẩy mạnh các biện pháp tối ưu hóa thủ tục hành chính, quy định rõ những khoản phí, thời hạn áp dụng, biên lai biên nhận… kèm theo nỗ lực phát hiện và hình thức xử lý mạnh mẽ, đầy đủ những trường hợp tham nhũng.

(Từ trái sang) Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam bà Victoria Kwakwa. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Phát biểu bế mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao vai trò của Diễn đàn VBF nói chung trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các nhóm làm việc và hiệp hội doanh nghiệp. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng cam kết sẽ tiếp tục tập trung điều hành các chính sách tài chính tài khóa, quan tâm đến các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên thị trường Quốc tế./.

Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1266
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)