Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/12/2013-18:00:00 PM
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao vai trò của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam
(MPI Portal) – Ngày 03/12/2013, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Tổ chức Tài chính quốc tế tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2013. Tại Diễn đàn, Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm cải thiện các điều kiện kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Ông Steven Winkelman Chủ tịch Hiệp hộiThương Mại Mỹ tại Việt Nam. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Tại Diễn đàn, ông Steven Winkelman Chủ tịch Hiệp Hội Thương Mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, công cuộc “Đổi Mới” bắt đầu năm 1986 đã mang lại lợi ích rõ rệt cho người dân Việt Nam. Những cải cách và các quyết định chính sách bổ sung đã thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ từ 1 tỷ đô la Mỹ lên 26 tỷ đô la Mỹ chỉ trong 11 năm. Cùng thời gian đó, trao đổi thương mại của Việt Nam với thế giới đã tăng trưởng một cách ấn tượng lên đến 730%. Qua đó cho thấy hiệu quả tích cực của cải cách và việc đưa ra các quyết định sáng suốt của Chính phủ Việt Nam.

AmCham tin tưởng chắc chắn rằng, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang lại cơ hội mới giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới mô hình tăng trưởng của đất nước. Nỗ lực của AmCham trong việc nâng cao nhận thức và hỗ trợ Việt Nam thực hiện Hiệp định TPP hoàn toàn đồng nhất với những cố gắng của AmCham trong quá trình đàm phán và thực thi Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam - Hoa Kỳ cũng như quá trình Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). TPP sẽ không chỉ mang lại sự tăng trưởng kinh tế tốt nhất cho nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn mà còn tạo ra một nền tảng vững chắc hơn cho Việt Nam trong việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh Châu Âu (EU-FTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (“RCEP”), Hiệp định Thương mại Tự do giữa Hồng Kông và các nước ASEAN (Hong Kong – ASEAN FTA) cũng như các hiệp định quan trọng khác.

Các hội viên của AmCham hy vọng rằng Hiệp định TPP sẽ phá bỏ các rào cản thương mại trong các lĩnh vực như mua bán thiết bị hàng hóa công, các tiêu chuẩn nhất định về quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ. Mười hai quốc gia hiện đang tham gia đàm phán TPP có tổng dân số là 800 triệu người, chiếm khoảng một phần ba giá trị thương mại thế giới và gần 40% nền kinh tế toàn cầu. Quan trọng hơn, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong số các quốc gia đang đàm phán ký kết Hiệp định này, với tiềm năng tăng trưởng về xuất khẩu và GDP có thể sẽ cao hơn nhiều so với các quốc gia đối tác khác.

Nếu Việt Nam có thể tận dụng đầy đủ lợi thế của mình, TPP sẽ tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân xâm nhập mạnh hơn vào các thị trường trọng điểm, kích thích cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư nước ngoài và giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống chuỗi phân phối trọng yếu, qua đó tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như công ăn việc làm và thu nhập cao hơn cho người lao động. TPP cũng sẽ giúp đẩy mạnh chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa của Việt Nam; đồng thời, việc Việt Nam tham gia vào TPP cũng rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ bởi nó sẽ giúp thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư và duy trì vị thế của Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn và đầy sức cạnh tranh đối với đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, TPP còn giúp khắc phục những khó khăn trong việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã dần chuyển sang nền kinh tế thị trường từ năm 1986 và việc cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn thường xuyên được nhắc đến, vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Việt Nam.

AmCham luôn cam kết phối hợp cùng với các đối tác trong Chính phủ để cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam. Các thành viên của AmCham tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong khu vực ASEAN đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các thành viên của AmCham cũng luôn đặt niềm tin vào lợi thế dân số và nguồn tiêu thụ hàng hóa dồi dào của Việt Nam.

Ông Preben Hjortlund Chủ tịch Hiệp hộiDoanh Nghiệp Châu Âu tại Việt Nam.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Đưa ra những kiến nghị của Hiệp Hội Doanh Nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tới Diễn đàn, ông Preben Hjortlund Chủ tịch EuroCham cho rằng, trong năm 2013 nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với một số thách thức do mức tăng trưởng chậm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, EuroCham hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi các chính sách nhằm tái lập sự ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ có các chính sách này, lạm phát được giữ ở mức vừa phải, tỷ giá hối đoái ổn định, dự trữ ngoại hối tại Ngân hàng Nhà nước đã tăng hơn gấp đôi trong hai năm vừa qua và rủi ro quốc gia đang ở mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong hai năm tới, dự đoán sẽ vẫn duy trì thặng dư tài khoản vãng lai ở mức khá cao và tiếp tục thu hút mạnh dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo ông Preben Hjortlund, Chính phủ Việt Nam cần tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian sớm nhất có thể để tạo ra một môi trường mang tính cạnh tranh hơn và hoạt động theo cơ chế thị trường.

EU và Việt Nam đang trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (Hiệp định FTA). Hiệp định này có thể mở rộng hơn nữa quan hệ thương mại và cơ hội đầu tư vì lợi ích của cả EU và Việt Nam. Theo Hiệp định FTA, GDP của Việt Nam ước tính sẽ tăng hơn 15%, tiền lương thực tế của lao động có tay nghề cao có thể tăng khoảng 12%, tiền lương thực tế của lao động phổ thông có thể tăng khoảng 13% và giá trị xuất khẩu có thể tăng gần 35%. Tuy nhiên, những lợi ích tiềm năng từ FTA có thể bị suy giảm nếu Việt Nam không cam kết hoàn toàn và bảo đảm thực thi hiệu quả các quy định thương mại quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải thu hút nguồn FDI nhiều hơn và với chất lượng tốt hơn nếu muốn hướng đến một mô hình phát triển kinh tế bền vững có sức cạnh tranh toàn cầu. Để được như vậy, Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục tập trung các nỗ lực trong năm 2014 vào việc bảo đảm hiệu quả cải cách doanh nghiệp nhà nước. Nếu không, điều này sẽ tạo ra tình trạng không chắc chắn đối với các nhà đầu tư và nguồn vốn FDI sẽ vẫn ở mức hạn chế so với tiềm năng thực sự.

Ông Preben Hjortlund khẳng định, EuroCham sẽ tiếp tục nỗ lực để quảng bá Việt Nam như một điểm đến thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp châu Âu lẫn Việt Nam và mong muốn được tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam, các thành viên và đối tác ở Việt Nam và châu Âu, nhằm tối đa hóa sự thành công của các bên tại Việt Nam – một quốc gia đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ.

Ông Sato Motonobu Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Cùng chia sẻ về môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Sato Motonobu Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam(JBAV)cho rằng,để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam cần cải cách doanh nghiệp nhà nước và tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững.

Trước tiên, Việt Nam cần xác định rõ và giải quyết từng yếu tố đang gây cản trở đến tăng trưởng kinh tế, cần phải thực hiện những chính sách tài chính - tiền tệ mang lại hiệu quả tăng trưởng kinh tế. Một trong những vấn đề điển hình là chậm trễ trong việc giải quyết nợ xấu.

Mặt khác, liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt yêu cầu cần phải tái cơ cấu triệt để các doanh nghiệp nhà nước. Trong khi các doanh nghiệp nhà nước có thể xin cấp vốn từ các tổ chức tài chính, thì có rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp tư nhân xin vay vốn vô cùng khó khăn. Nếu cứ tiếp diễn như vậy thì dòng vốn sẽ chỉ chảy đến các doanh nghiệp nhà nước có hiệu suất kinh doanh thấp, và năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng sẽ không còn.

Liên quan đến việc xúc tiến đầu tư tư nhân đối với phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, ông Preben Hjortlund cho rằng, để thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ quan chính quyền địa phương cần có trách nhiệm chịu chi phí di dời và thu hồi đất đai và cần sự hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến những việc như thu hồi đất đai, rủi ro do tỷ giá, kế hoạch hỗ trợ để đảm bảo khả năng chi trả của bên mua.

Liên quan đến ngành sản xuất ô tô, Nhật Bản mong muốn có sự hỗ trợ đối với ngành công nghiệp ô tô. Cụ thể, JBAV mong muốn Việt Nam thực thi các chính sách giúp ngành ô tô trong nước tồn tại được, và phát triển vững chắc ngành sản xuất phụ tùng ô tô.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore ông Seck Yee Chung. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Chia sẻ quan điểm về chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore ông Seck Yee Chung cho rằng, để thực hiện, khuyến khích tăng trưởng kinh tế lành mạnh, các DNNN thương mại phải tuân thủ các quy luật thị trường và phải chịu trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn của nhà nước. Tuy nhiên, nếu các DNNN thương mại được hưởng các ưu đãi, đối xử đặc biệt của nhà nước thì những doanh nghiệp này sẽ có khả năng kiểm soát, chi phối thị trường, từ đó ảnh hưởng đến cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân. Các DNNN phi thương mại cần phải hạn chế phạm vi các lĩnh vực kinh doanh chính, đồng thời rút vốn khỏi những ngành nghề ngoài lĩnh vực kinh doanh chính thông qua cổ phần hóa để bảo đảm hoàn thành hiệu quả các nhiệm vụ xã hội. Cần hạn chế số lượng các DNNN thương mại, yêu cầu những doanh nghiệp này tuân thủ các quy luật thị trường, cũng như không ưu đãi, ưu tiên đặc biệt cho những doanh nghiệp này để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân.

Chia sẻ về mô hình của Singapo, ông Seck Yee Chung cho biết, Singapo đã tìm cách hòa nhập các doanh nghiệp có liên quan đến nhà nước vào nền kinh tế. Để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng trên thị trường, Singapo đã áp dụng một số nguyên tắc, cơ chế như:Đối xử với doanh nghiệp có liên quan đến nhà nước ngang bằng như doanh nghiệp tư nhân;Chuyển giao vai trò chủ sở hữu của Chính phủ cho Temasek; Bảo đảm các tiêu chuẩn quản trị nghiêm ngặt; Giới chức lãnh đạo, hoạch định chính sách không can thiệp vào hoạt động thường nhật của doanh nghiệp;Có lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân độc lập không điều hành trong Hội đồng Quản trị;Kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo định kỳ về hoạt động, đầu tư, báo cáo tài chính, cơ cấu quản lý.

Ông cho rằng, những biện pháp này, nếu được áp dụng đúng, sẽ góp phần tách biệt vai trò hoạch định chính sách của nhà nước với hoạt động kinh doanh thường nhật của doanh nghiệp có liên quan đến nhà nước, cũng như tạo ra một mô hình doanh nghiệp đầu tư nhà nước có cơ chế trách nhiệm, minh bạch được nâng cao, và đây có thể là một trong những giải pháp cho những vấn đề của Việt Nam hiện nay.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Tại Diễn đàn, đa số các nhận định đều đánh giá cao vai trò của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi các chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế ./.

Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1507
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)