Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/01/2008-14:28:00 PM
Ngoại giao kinh tế vẫn là nhiệm vụ trọng tâm

Vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trở nên quan trọng hơn, làm cầu nối giữa Việt Nam và thế giới. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đưa ra những đánh giá chính xác nhất về nhiệm vụ của cơ quan này trong bối cảnh mới.
Thưa Phó thủ tướng, vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sau khi gia nhập WTO sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn?

Đúng thế! Hội nhập kinh tế quốc tế khiến vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ngày càng quan trọng hơn. Nhận thức được điều này, nên ngay sau khi gia nhập WTO, Bộ Ngoại giao đã ban hành một chỉ thị rất quan trọng là giao cho đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài làm đầu mối, thống nhất các tổ chức đại diện của nước ta ở nước ngoài nhằm thúc đẩy các hoạt động ngoại giao, văn hóa, kinh tế. Đại sứ quán phải thực sự trở thành cầu nối để nền kinh tế nước ta hội nhập sâu hơn, rộng hơn với kinh tế thế giới.

Trước đây cũng đã có quy định này rồi, thưa Phó thủ tướng?

Đúng là trước đây cũng đã có quy định đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài làm đầu mối để thực hiện các công việc đối ngoại, nhưng các cơ quan ngoại giao thực hiện không đầy đủ, các đầu mối còn bị phân tán. Bây giờ, cơ quan đại sứ được quy định rõ trách nhiệm làm đầu mối, thống nhất, chủ trì thay mặt Nhà nước chỉ đạo toàn diện các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện 3 nhiệm vụ chính hay còn gọi là 3 trụ cột trong hoạt động đối ngoại là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa.

Với 3 trụ cột kể trên, trụ cột nào được coi là trọng tâm?

Đã gọi là trụ cột thì trụ cột nào cũng quan trọng, nhưng chúng tôi xác định, trong giai đoạn hiện nay, ngoại giao kinh tế được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Mục đích chính của ngoại giao kinh tế là tăng cường hoạt động nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN), hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường thế giới... Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Vậy làm thế nào để cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài thực sự trở thành cầu nối giữa DN với thị trường nước ngoài, thưa Phó thủ tướng?

Có rất nhiều việc phải làm khi thực hiện ngoại giao kinh tế. Việc phải làm đầu tiên là các đại sứ quán phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức trong nước; đồng hành với các bộ, ngành trong nước để giải quyết khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong hoạt động thương mại, đầu tư... Trên cơ sở này, các cơ quan, tổ chức sẽ tìm ra những thế mạnh mà trong nước đang có để tạo điều kiện cho DN trong nước tiếp cận với thị trường thế giới. Như vậy, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ trở thành cầu nối hết sức quan trọng để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình hội nhập kinh tế, là sợi dây liên kết giữa thị trường trong nước với thị trường thế giới. Một việc nữa cũng không kém phần quan trọng là cơ quan ngoại giao phải đôn đốc kiểm tra trong quá trình thực hiện và tìm cách tháo gỡ khi có vướng mắc nảy sinh.

Theo Phó thủ tướng, ai phải giữ vai trò chính yếu trong ngoại giao kinh tế?

Đại sứ là mắt xích quan trọng nhất. Đại sứ sẽ trở thành nhân tố đột phá thu hút đầu tư, mở đường cho hàng hóa sản xuất trong nước tiếp cận với thị trường thế giới. Nhiệm vụ này vô cùng quan trọng, nhưng tôi tin rằng, các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài sẽ thực hiện được. Còn ở trong nước, năm 2008, Nhà nước tiếp tục tăng cường các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế; phối hợp hành động giữa các cơ quan chức năng của Nhà nước với DN trong công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và vận động các nước công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường để đảm bảo cho DN của Việt Nam không bị phân biệt đối xử trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế.

Báo Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1216
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)