Một quan chức Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 5/12 cho biết nước này và các quốc gia Đông Nam Á đang thảo luận về việc mở rộng các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ nhằm giúp các nền kinh tế của mình đối phó tốt hơn với tình trạng khẩn cấp về tài chính.
Theo quan chức trên, Tokyo đang thương thảo với 5 nước Đông Nam Á - gồm Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Singapore - để mở rộng hoặc tái khởi động các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương giữa Nhật Bản với từng nước.
Nhật Bản hiện có một thỏa thuận song phương trị giá hơn 12 tỷ USD với Indonesia và một thỏa thuận trị giá 6 tỷ USD với Philippines. Tuy nhiên, các nhà đàm phán đang hướng tới mục tiêu tăng giá trị các thỏa thuận này.
Bên cạnh đó, Tokyo cũng muốn nối lại các thỏa thuận song phương với ba nước khác.
Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ là một phương pháp hữu hiệu trong thời kỳ khó khăn kinh tế, khi các thị trường ngoại hối bình thường bị tắc nghẽn.
Kể từ khi chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á cuối những năm 1990, Nhật Bản đã đi đầu trong nỗ lực xây dựng một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương, được biết đến với cái tên Sáng kiến Chiang Mai (CMI).
Hội tụ 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, CMI là một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương với tổng giá trị 240 tỷ USD. Tuy nhiên, Toyko cho rằng các thỏa thuận song phương sẽ giúp đưa ra quyết định nhanh hơn khuôn khổ đa phương.
Các cuộc đàm phán trên diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản sẽ đăng cai tổ chức hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản tại Tokyo từ ngày 13-15/12 tới. Đây là một hội nghị đặc biệt để kỷ niệm 40 năm trao đổi giữa ASEAN và Nhật Bản.
Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy các nước ASEAN lại đang nổi lên như các điểm đến ưa thích của nhà đầu tư Nhật Bản, trong khi Trung Quốc lần đầu tiên tuột khỏi vị trí hàng đầu trong danh sách sau hơn hai thập kỷ giữ ngôi đầu bảng./.