Hơn 200 doanh nghiệp đã tham dự Diễn đàn đối thoại chính quyền-doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/3. Diễn đàn do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức.
|
Diễn đàn đối thoại giữa chính quyền Trung ương và doanh nghiệp FDI tại Thành phố Hồ Chí Minh.(Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)
|
Rất nhiều hồ sơ bị trễ hẹn
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp đưa ra các thắc mắc xung quanh vấn đề cấp phép đầu tư, lao động, thuế và hải quan, trong đó, vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm là giấy phép đầu tư. Cụ thể, đại diện Pizza Hut cho biết năm 2012, doanh nghiệp muốn mở rộng chi nhánh ở Hà Nội thì gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục, tốn công sức và phải 14 tháng sau mới được cấp giấy phép.
Đầu năm nay, Pizza Hut triển khai thêm 3 nhà hàng trong chuỗi thức ăn nhanh tại Hà Nội nhưng vẫn gặp đủ vướng mắc khi cơ quan chức năng yêu cầu nhiều giấy phép của công ty mẹ và các báo cáo về năng lực tài chính, kiểm toán, môi trường, an toàn thực phẩm ...
Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất khẩu đồ gỗ BC Furniture - doanh nghiệp FDI được Ban Quản lý các khu chế xuất-khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA) cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2006, hoạt động về dịch vụ thương mại quốc tế theo chương trình thí điểm mở rộng chức năng của Khu chế xuất Tân Thuận. Giấy phép có hiệu lực 34 năm và doanh nghiệp đã đầu tư nhiều triệu USD để xây dựng nhà kho, với khoảng 30 lao động.
Tháng 11/2013, Nghị định 164 của Chính phủ quy định doanh nghiệp chế xuất hoạt động thương mại phải lập chi nhánh riêng bên ngoài khu chế xuất. Dù chưa có thông tư hướng dẫn, các chi cục hải quan đã ngừng hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp này.
Ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Robert Bosch Việt Nam cho rằng đang có nhiều mâu thuẫn trong việc làm luật. Cùng một quy định nhưng mỗi luật hoặc văn bản dưới luật lại thể hiện một cách rất khác nhau, không đồng nhất nên tạo rất nhiều lúng túng cho nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào Việt Nam. Doanh nghiệp hoan nghênh việc đổi mới thủ tục cấp phép giúp môi trường kinh doanh thông thoáng hơn và rất tốt cho hình ảnh của Việt Nam trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, muốn bỏ cấp phép đầu tư, khâu hậu kiểm (trình độ quản lý của nhà nước) phải giỏi để kiểm soát, quản lý được doanh nghiệp nước ngoài.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà cho biết từ năm 1988 đến ngày 15/3/2014, Thành phố Hồ Chí Minh có 4.990 dự án với tổng số vốn là 34,118 tỷ USD. Năm 2013, Thành phố nhận 2.218 hồ sơ trong đó số hồ sơ cấp trễ hẹn rất lớn. Cụ thể, số ngày trễ hẹn nhiều nhất là 222 ngày (trung bình là 22 ngày) và thời gian giải quyết một hồ sơ là 257 ngày (trung bình là 58 ngày).
Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà cho biết thêm khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng gặp các khó khăn như khi lấy ý kiến các bộ, các sở thì phần lớn ý kiến trả lời là trên 1 tháng, trong khi theo quy định là 15 ngày làm việc (3 tuần).
Ngoài ra, các luật không thống nhất như mâu thuẫn, chồng chéo của các luật, nghị định; thêm thủ tục; thiếu các quy định cụ thể và không thống nhất giữa các bộ luật với nhau đang làm hạn chế việc cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay.
"Phần lớn bộ, ngành trả lời trễ một tháng, không ít trường hợp là trên hai tháng so với quy định,” ông Lê Mạnh Hà nói.
Kiến nghị Quốc hội bỏ giấy phép đầu tư
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà nêu ra các biện pháp khắc phục tình trạng trên như chỉ xin ý kiến Bộ khi cần thiết, công khai quá trình xử lý hồ sơ trên Internet, cấp giấy chứng nhận đầu tư tại nhà, kiến nghị giảm bớt thủ tục ...
Phó Chủ tịch cho biết thêm kể từ ngày 24/3/2014, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề nghị nhà đầu tư cung cấp địa chỉ email để nhận thông tin về tình trạng giải quyết hồ sơ.
Trước những bất cập mà các doanh nghiệp và lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra về cấp phép đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thẳng thắn thừa nhận, giấy phép đầu tư là một trong những rào cản đối với doanh nghiệp nước ngoài bởi kèm theo đó là những giấy phép con, các nghị định, thông tư ...
Thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị Quốc hội bỏ giấy phép đầu tư, tuy nhiên, cùng với đó sẽ là những chế tài quy định riêng để các địa phương vẫn có thể nắm được tình hình đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài.
“Việc gì thuộc thẩm quyền của địa phương thì địa phương tự quyết, không cần phải hỏi bộ, ngành,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết quan điểm của Bộ là sẽ đơn giản nhất thủ tục cấp phép đầu tư, làm sao chỉ cần những thủ tục tối thiểu nhất để quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng cho biết sắp xây dựng Luật đầu tư sửa đổi, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội bỏ giấy phép đầu tư của doanh nghiệp FDI, trong đó, nghiên cứu giữ lại 4 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, gồm: ngành phải xin cấp phép thành lập (như ngân hàng), liên quan đến đất đai (sử dụng lượng đất đai quá lớn), ô nhiễm môi trường (công nghệ hoạt động gây ô nhiễm môi trường) và doanh nghiệp cần chứng nhận đầu tư để được xem xét ưu đãi.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định Việt Nam đang cải thiện môi trường đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam./.