Đóng hộp dứa xuất khẩu tại Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Tân Bình
|
Nhận định này được IMF nêu rõ trong một bản thông cáo phát đi ngày 18/12, ngay sau khi một phái đoàn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế do ông Shogo Ishii, Trợ lý Vụ trưởng, Vụ Châu Á Thái Bình Dương, làm trưởng đoàn làm việc tại Hà Nội (từ ngày 3/12 đến 18/12) để tiến hành những cuộc thảo luận Tư vấn Điều khoản 4 năm 2008 cho Việt Nam.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chỉ còn 5% năm 2009
Theo đánh giá của IMF, sau một vài năm phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đối mặt với một số thử thách. "Sau khi phát triển nhanh năm 2007, đà tăng trưởng đã giảm xuống trong năm 2008 vì Chính phủ phải ổn định nền kinh tế đang quá nóng. Trong khi Chính phủ Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rất đáng ca ngợi trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, thì Việt Nam gần đây bắt đầu gặp phải ảnh hưởng xấu từ sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu," báo cáo nhấn mạnh.
Các chuyên gia IMF dẫn chứng: Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đang giảm, phản ánh sự đi xuống của các nền kinh tế của những đối tác thương mại chính. Kiều hối và đầu tư trực tiếp nước ngoài, hai nguồn chính của hoạt động kinh tế năm 2007 cũng đang giảm xuống từ mức cao do sự suy giảm của các điều kiện kinh tế toàn cầu. Những thách thức bên ngoài này kết hợp với những thách thức bên trong bắt nguồn từ thâm hụt lớn của cán cân vãng lai cũng như những điểm yếu trong lĩnh vực ngân hàng và doanh nghiệp làm tình hình khó khăn hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia đến từ IMF dự báo mức tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam sẽ giảm từ 8,5% trong năm 2007 xuống còn 6,25% trong năm 2008 và sẽ giảm hơn nữa trong năm 2009, xuống còn 5%.
Bên cạnh đó, lạm phát chung được dự báo là sẽ giảm xuống mức một con số vào cuối năm 2009, mặc dù lạm phát cơ bản (không bao gồm thực phẩm thô và năng lượng) có thể giảm chậm hơn.
Trong khi đó, thâm hụt cán cân vãng lai đối ngoại dự kiến sẽ giảm với việc nhập khẩu giảm nhiều hơn so với giảm xuất khẩu và kiều hối, nhưng vẫn giữ ở mức cao (9% của GDP) trong năm 2009 và vẫn còn là nguyên nhân của tính dễ bị tổn thương vì dự trữ quốc tế của Việt Nam tương đối thấp (3 tháng nhập khẩu).
Cảnh báo sự suy yếu vị thế đối ngoại bởi gói kích cầu
“Với triển vọng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ suy giảm hơn nữa trong những tuần tới, các rủi ro đối với triển vọng này đang chủ yếu nghiêng về phía xấu. Một sự suy giảm của kinh tế toàn cầu kéo dài và sâu sắc hơn có thể có ảnh hưởng hữu hình đến xuất khẩu và kiều hối và từ đó tác động đến hoạt động kinh tế và cán cân thanh toán. Những áp lực này có thể sẽ trầm trọng hơn nếu những điều kiện tài chính toàn cầu đang xấu đi làm giảm nữa đầu tư trực tiếp và các luồng vốn bên ngoài khác. Cuối cùng, những hoạt động kinh tế chậm lại làm tăng thêm tính dễ bị tổn thương của các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng," các chuyên gia IMF dự báo.
Trên cơ sở những phân tích các yếu tố khách quan và chủ quan từ nội tại nền kinh tế, các chuyên gia IMF cho rằng những cuộc thảo luận về chính sách cần tập trung vào việc làm thế nào để chèo lái tốt nhất nền kinh tế Việt Nam vượt qua một cách an toàn sự suy giảm kinh tế toàn cầu trầm trọng này. "Có một nhất trí chung là cán cân rủi ro hiện đã chuyển từ lạm phát sang tăng trưởng và rằng điều này đưa đến việc Chính phủ đã đối phó bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa."
Tuy nhiên, phái đoàn cũng nhấn mạnh rằng vị thế đối ngoại của Việt Nam không được mạnh như các nước khác trong khu vực và điều đó làm hạn chế khả năng của Chính phủ trong việc theo đuổi các chính sách nới lỏng. "Dù cho một biện pháp kích cầu nào đó có thể có lý nếu triển vọng kinh tế vẫn tiếp tục suy giảm, thì kích cầu này sẽ cần được tính toán kỹ và đưa ra những ưu tiên để bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương," bản báo cáo dẫn lời các chuyên gia IMF nói.
Do vậy, phái đoàn của IMF đã đưa ra khuyến cáo rằng gói kích cầu được công bố mới đây (lên đến 6 tỉ USD) có thể dẫn đến làm suy yếu vị thế đối ngoại của Việt Nam ngoài mong muốn khi Việt Nam không có thêm nguồn tài trợ từ bên ngoài.
“Phái đoàn nhận thấy rằng những căng thẳng trong hệ thống ngân hàng đã tăng lên trong năm 2008 và có thể sẽ tăng hơn nữa trong năm 2009 do hoạt động kinh tế chậm lại. Trong khi vốn và trích lập dự phòng được tăng trong hai năm qua đã tạo ra một chỗ đệm đáng kể, đặc biệt là với những ngân hàng cổ phần lớn, thì vị thế tài chính của các ngân hàng rất có thể sẽ yếu đi trong năm 2009. Vì vậy, phái đoàn rất mong các nhà chức trách phải chuẩn bị đối phó với những điểm dễ bị tổn thương đang gia tăng. Về vấn đề này, phái đoàn thấy khích lệ về những bước đi mà Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện để tăng cường giám sát hệ thống ngân hàng," các chuyên gia IMF phân tích.
Chính phủ cần tiếp tục cải cách để tăng tính cạnh tranh
Báo cáo của Phái đoàn IMF kết luận rằng, xét về trung hạn thì Việt Nam triển vọng vẫn có thuận lợi, miễn là Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách lành mạnh và tiếp tục cải cách để tăng tính cạnh tranh của Việt Nam. "Giữ vững được đà cải cách qua giai đoạn khó khăn này là rất quan trọng để củng cố niềm tin của nhà đầu tư và đảm bảo Việt Nam được đặt vào một vị thế tốt khi thế giới thoát khỏi sự suy yếu kinh tế toàn cầu hiện nay đồng thời cần thiết phải nâng cao chất lượng số liệu và truyền thông."
Các chuyên gia IMF cho rằng "chất lượng số liệu và truyền thông" là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay, khi khả năng xây dựng một phản hồi chính sách thích hợp đối với sự suy yếu kinh tế trên toàn cầu phần lớn phụ thuộc vào chất lượng thông tin cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách. IMF dẫn chứng, trong khi Ngân hàng Nhà nước đã có tiến bộ để cải thiện chất lượng và tính kịp thời của những dữ liệu về tiền tệ và dự trữ thì vẫn có những khoảng cách đáng kể trong việc có được những số liệu về tài khóa, doanh nghiệp nhà nước và hoạt động ngân hàng.
Đại diện Thường trú Cao cấp của IMF tại Việt Nam, ông Benedict Bingham, cho biết với những đánh giá sơ bộ của Phái đoàn làm việc tại Việt Nam, Bản báo cáo cụ thể sẽ được trình lên Ban Giám Đốc của IMF thảo luận vào đầu tháng 3 tới. Từ đó, IMF sẽ đưa ra những tư vấn cho chính phủ Việt Nam trong việc hoạch định các chính sách vĩ mô.
|