Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/12/2008-09:30:00 AM
Đề xuất thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo đề xuất việc thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhằm tài trợ các chương trình trợ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV.

Những quy định mới này sẽ là tín hiệu vui đối với các DNNVV

Một trong những khó khăn lớn nhất của các DNNVV hiện nay chính là vốn. Theo số liệu điều tra của Viện Phát triển DN, có tới 74,47% các DNNVV dựa vào kênh huy động vốn là các ngân hàng thương mại.

Dự thảo Nghị định đề xuất thành lập Quỹ phát triển DNNVV với chức năng huy động, tiếp nhận các nguồn tài chính trong nước; tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài trợ, viện trợ để thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển DNNVV. Ngoài ra, tài trợ kinh phí cho các chương trình, dự án trợ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh; ủy thác cho các tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi các DNNVV có dự án đầu tư khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước.

Nguồn vốn của Quỹ một phần từ ngân sách Nhà nước, ngoài ra từ đóng góp của các tổ chức tài chính trong nước, các khoản viện trợ, tài trợ của các tổ chức nước ngoài, các tổ chức quốc tế; từ các hoạt động của Quỹ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Hiện cả nước có khoảng 349.300 DN, (trong đó DNNVV chiếm 90%). Khu vực DNNVV có vai trò đặc biệt quan trọng đối với người nông dân, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn. Ngoài ra, còn tạo việc làm cho hơn 50% số lao động, mỗi năm tăng thêm nửa triệu lao động, trong khi đó chi phí đầu tư cho một chỗ làm việc ở các DNNVV chỉ bằng 3-10% so với DN lớn.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Trung tâm xúc tiến phát triển DNNVV, thuộc Cục Phát triển DNNVV để làm đầu mối tư vấn và thực hiện thí điểm mô hình trợ giúp các DN này.

Đồng thời, thông qua các chương trình trợ giúp, Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ các DNNVV trong việc đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; xúc tiến mở rộng thị trường; cung cấp thông tin, tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực.

Dự thảo Nghị định cũng đề cập việc phân loại DNNVV thành 3 cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa trong 3 khu vực chính (Nông, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp và xây dựng; Thương mại và dịch vụ). Căn cứ phân loại dựa vào 1 trong 2 tiêu chí vốn sản xuất kinh doanh hoặc số lao động bình quân năm, bởi lẽ tiêu chí phân loại DNNVV có vốn dưới 10 tỷ đồng và 300 lao động theo quy định cũ cho đến nay đã không còn phù hợp.


Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 987
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)