Ngày 16-12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Hội nghị có sự tham dự của đại điện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhằm thực hiện những nhóm giải pháp cấp bách đã đề ra trong Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP với yêu cầu khẩn trương triển khai thành chương trình hành động cụ thể để chủ động ứng phó trước tình hình sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu giảm sút do tác động trực tiếp của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Ứng phó với suy giảm kinh tế
Nền kinh tế Việt Nam đã xuất hiện những dấu hiệu bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể, tháng 11, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15% so với cùng kỳ năm 2007 (cùng kỳ năm 2007 tăng 17,4% so với năm 2006); 11 tháng năm 2008 tăng 15,6% (cùng kỳ năm 2007 tăng 17%). Trong đó, than sạch giảm gần 20%, dầu thô giảm 5%, thép tròn giảm 29%. Đặc biệt, ngành xây dựng hầu như không tăng trưởng, trong khi những năm trước tăng trên 10%. Ngành nông nghiệp bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng do lũ lụt.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 11 chỉ tăng 1,7% (tháng 10 tăng 2,1%); số lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 6% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu từ 6,5 tỷ USD tháng 7-2008 giảm xuống 4,8 tỷ USD vào tháng 11. Trong khi đó, nhập siêu vẫn còn ở mức cao, tương đương với gần 29% kim ngạch xuất khẩu.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài có dấu hiệu chậm lại. Số doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh trong tháng 11 giảm 2% về số lượng và 25% về vốn. Thu ngân sách nhà nước cũng giảm mạnh.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, dòng vốn FDI đăng ký và thực hiện ở Việt Nam trong năm 2009 có khả năng sẽ ít hơn so với năm 2008 do các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn về tài chính, thị trường và cả sự thận trọng hơn khi đưa ra quyết định đầu tư mới; thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ bị tác động mạnh về tâm lý, về nguồn vốn tham gia…
Phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2009 đạt khoảng 6,5%
Nghị quyết về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm là tập trung mọi nỗ lực để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009 khoảng 6,5%. Theo đó, tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
Trước hết, trong năm 2009, phải tập trung hoàn thành và triển khai thực hiện các chương trình, đề án đã được giao để thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng nội địa, ưu tiên hỗ trợ ngành hàng sản xuất có lợi thế thay thế hàng nhập khẩu, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, sử dụng nhiều lao động. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ tiền giống lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm, thủy sản cho nông dân để khôi phục sản xuất ở các vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Đối với kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, đặc biệt là đối với các sản phẩm công nghiệp đang tồn đọng như phôi thép, thép xây dựng, xi măng, phân bón, giấy, hóa chất; hỗ trợ ngành hàng sản xuất có lợi thế thay thế hàng nhập khẩu và sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, sử dụng nhiều lao động. Theo Nghị quyết 30/2008/NQ-CP, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành đúng tiến độ các công trình, dự án đang dở dang, đặc biệt là những dự án lớn, trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng, đường cao tốc, sân bay, cảng biển, đường giao thông nông thôn…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định nhiệm vụ đặt ra cho năm 2009 là rất nặng nề. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và DN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải có kế hoạch tổ chức thực hiện ngay chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết của Chính phủ đã ban hành, cần đặc biệt quan tâm và tổ chức tốt hơn công tác dự báo và phân tích kinh tế để kịp thời bổ sung, điều chỉnh các chính sách, giải pháp cho phù hợp với thực tế.
Thủ tướng nhấn mạnh, bằng mọi biện pháp, bằng mọi nỗ lực, các tập đoàn, các tổng công ty phải chung tay cùng Chính phủ ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.