Bộ
Kế hoạch và Đầu tư xin báo cáo về một số kết quả chủ yếu đã đạt được trong việc
thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2008,
đồng thời kiến nghị một số vấn đề cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong quý
I/2009 như sau:
I.
TÌNH HÌNH THÁNG 12 VÀ CẢ NĂM 2008
1. Về tình hình
kinh tế
Trong những tháng cuối năm,
cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp
gây ra suy giảm kinh tế và ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội
của đất nước; sản xuất kinh doanh giảm sút do thiếu vốn sản xuất; tiêu thụ sản
phẩm chậm, ứ đọng bao gồm cả các vật tư quan trọng như: sắt, thép, xi măng,...,
lương thực và nhiều nông sản xuất khẩu có khối lượng lớn. Đồng thời suy giảm
kinh tế cũng tác động đến giảm việc làm, thu nhập và đời sống của người lao
động.
(1) Theo ước tính sơ bộ, tổng sản phẩm trong nước năm
2008 tăng khoảng 6,23%
thấp hơn so với báo cáo đã trình Quốc hội là 6,5-6,7% (năm 2007 là 8,48%),
trong đó ngành công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng trưởng giảm nhiều nhất so
với năm trước là 6,33% (năm 2007 tăng 10,6%), trong đó công nghiệp tăng 8,14%
(năm 2007 tăng 10,21%), ngành xây dựng chỉ tăng 0,02% (năm 2007 tăng 12%), dịch
vụ tăng 7,2% (năm 2007 tăng 8,68%). Riêng ngành nông nghiệp có tốc độ tăng giá
trị gia tăng là 3,79% cao hơn tốc độ tăng của năm 2007 là 3,4%.
(2). Về sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp năm
2008 tăng khoảng 14,6% so với năm trước (năm 2007 tăng 17,1%). Tốc độ tăng giá
trị sản xuất công nghiệp giảm liên tục trong 6 tháng cuối năm.
Nhiều ngành công nghiệp có tốc độ
tăng trưởng thấp do gặp khó khăn trong sản xuất và kinh doanh. Nhiều ngành sản
xuất chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng thấp như:
than, xi măng, thép, sắt, cát, sỏi, gạch,... do thiếu vốn để hoạt động, lãi
suất đã giảm nhưng vẫn còn khá cao. Tình hình khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm,
tình trạng tồn kho lớn về than, xi măng, sắt thép,... (đã báo cáo trong tháng
11) chuyển biến còn chậm.
(3) Về sản xuất nông nghiệp
Sau các
đợt lũ lụt gây thiệt hại lớn ở miền Bắc và miền Trung, các địa phương đã tập
trung khôi phục sản xuất. Nhìn chung
các cây vụ đông được trồng sau lũ lụt đều đang phát triển tốt.
Về
sản xuất lương thực, các tỉnh phía Bắc đã thu hoạch xong lúa mùa, năng suất
giảm 0,7 tạ/ha, và sản lượng giảm 60 nghìn tấn so với vụ trước. Tính chung cả
nước sản lượng lúa mùa giảm 130 nghìn tấn so với vụ mùa năm 2007.
Tổng sản lượng lúa cả nước năm 2008 ước đạt 38,58 triệu
tấn, tăng 2,64 triệu tấn so với năm 2007.
Ngành chăn nuôi có dấu hiệu hồi phục trở lại do dịch bệnh ở gia súc,
gia cầm đã được khống chế hoặc chỉ xảy ra ở diện hẹp. Đàn bò, đàn lợn tăng. Tuy nhiên, do thức ăn chăn
nuôi và con giống vẫn cao, hiệu quả chăn nuôi thấp, nên người chăn nuôi chưa
mạnh dạn để đầu tư.
Ngành lâm nghiệp đang có sự đổi mới mạnh mẽ, tiếp tục thực hiện chương
trình xã hội hóa lâm nghiệp, các địa
phương đã hoàn thành rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng, hướng mạnh sang trồng rừng kinh tế. Diện tích rừng
trồng tập trung ước đạt 201 nghìn ha, đạt kế hoạch đề ra, trong đó: diện tích
rừng phòng hộ, đặc dụng đạt 40 nghìn ha, rừng sản xuất trồng được 161 nghìn ha.
Về nuôi trồng và khai thác thủy sản: thời tiết cơ bản thuận lợi cho khai thác biển. Sản
lượng đánh bắt của ngư dân tăng khá nhưng do thị trường tiêu thụ và xuất khẩu
gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế, cho nên nhiều loại thủy sản hiện nay không
xuất khẩu được. Sản lượng khai thác thủy sản tháng 12 ước đạt 175 nghìn tấn,
trong đó khai thác biển đạt 160 nghìn tấn, khai thác nội địa 15 nghìn tấn. Tổng
sản lượng khai thác cả năm 2008 là 2,1 triệu tấn, tăng 20% so với năm 2007. Sản
lượng thủy sản nuôi trồng cả năm đạt 2,5 triệu tấn, tăng 29% so với năm 2007.
Giá trị sản xuất ngành nông,
lâm, ngư nghiệp và thủy sản năm 2008 tăng 5,6% so với năm 2007, trong đó: nông
nghiệp tăng 5,4%, lâm nghiệp tăng 2,2% và thủy sản tăng 6,7%.
Khó khăn lớn trong sản xuất
nông nghiệp hiện nay là sự giảm sút mạnh của giá nông sản, nhất là các sản phẩm
xuất khẩu và tình trạng ứ đọng, không tiêu thụ được sản phẩm. Để hỗ trợ cho sản
xuất khắc phục một phần khó khăn cho nông dân, Chính phủ đã thực hiện các chính
sách hỗ trợ về tín dụng, lãi suất để mua dự trữ khoảng một triệu tấn lúa; kéo
dài thời hạn vay tín dụng cho nông dân,... Hiện nay, giá lúa đang tăng trở lại,
nhất là lúa gạo có chất lượng cao. Nông dân có xu hướng giữ lúa lại chờ giá
lên.
(4) Trong khu vực dịch vụ cũng chịu ảnh hưởng của suy
thoái kinh tế thế giới nhưng mức độ ảnh hưởng không lớn như đối với công nghiệp
Các hoạt động thương mại nội
địa tháng 12 sôi động hơn tháng trước. Các doanh nghiệp đều áp dụng nhiều biện
pháp đẩy mạnh bán ra như: giảm giá, khuyến mại,... Tổng mức
lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12 ước đạt 91.120
tỷ đồng, tăng 2% so với tháng 11. Tính chung cả năm 2008, tổng mức lưu chuyển
hàng hoá bán lẻ ước đạt 963.685 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2007 (năm 2007 tăng 23,3%).
Ngành du lịch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, triển khai
mở rộng thị trường du lịch trong nước và quốc tế, tăng cường quảng bá du lịch,
thu hút khách trên cơ sở nâng cấp hoàn thiện, bổ sung các chương trình du lịch
như: năm du lịch Mê Kông - Cần Thơ, tổ chức các ngày lễ hội du lịch cổ truyền,
lễ hội phục vụ nhân dân vui tết truyền thống, lễ hội nhảy dù nghệ thuật quốc tế
tại Nha Trang,... tham gia và tổ chức nhiều hội trợ, triển lãm trong và ngoài
nước. Đặc biệt, việc tổ chức Festival Huế và đăng cai tổ chức giải hoa hậu hoàn
vũ thế giới đã góp phần làm sôi động thêm hoạt động du lịch của Việt Nam.
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 12/2008
ước đạt 260 nghìn lượt khách, cả năm đạt 4,17 triệu lượt khách. Trong đó khách
quốc tế đến Việt Nam vì mục đích công việc tăng 30% so với năm 2007, nhưng khác
đi du lịch, nghỉ ngơi chỉ tăng 1%.
Khách du lịch quốc tế đến Việt
Nam trong tháng 12 chủ yếu từ một số thị trường như: Trung Quốc tăng 14%,
Malayxia tăng 13%, Singapore tăng 14%, Thái Lan tăng 14%;... Tuy nhiên, khách
du lịch từ một số thị trường có mức chi tiêu cao nhưng lại giảm so với năm
2007: Hàn Quốc giảm 4%, Nhật Bản giảm 6%, Đài Loan giảm 3%, Pháp giảm 2%.
Công suất
sử dụng phòng khách sạn ở các trung tâm du lịch lớn như Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội,
Đà Nẵng, Nha Trang,... đạt mức thấp khoảng
50-60%; bình quân cả năm công suất sử dụng phòng khách sạn đạt khoảng 60-70%.
Vận tải
hàng hoá và hành khách tiếp tục phát triển. Năm 2008, vận tải hàng
hoá tăng 40,5% về tấn luân chuyển so với năm trước; vận tải hành khách tăng 7,6%
về lượt hành khách và về hành khách luân chuyển. Ngành giao thông vận tải đang
tích cực chuẩn bị các phương tiện, tăng thêm tần suất chuyến, kéo thêm toa
tầu... nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Mạng lưới
và dịch vụ bưu chính, viễn thông, internet trong nước và quốc tế,
mạng thông tin hàng hải, mạng truyền báo hoạt động ổn định và tiếp tục nâng cao
năng lực, tiếp tục mở rộng và phát triển đến nhiều vùng sâu vùng xa, đáp ứng
yêu cầu thông tin và giao lưu văn hoá của nhân dân. Trong tháng 12 năm 2008
phát triển mới 3,6 triệu thuê bao điện thoại (tăng 22,5% so với năm 2007), nâng
tổng số thuê bao điện thoại phát triển mới lên 79,1 triệu thuê bao, đạt mật độ
91,7 máy/100 dân. Phát triển mới 77.000 thuê bao Internet, nâng tổng số thuê
bao Internet hiện có trên toàn mạng đạt 6,4 triệu thuê bao Internet quy đổi,
đạt mật độ 7,4 thuê bao/100 dân; số người sử dụng Internet là 20,67 triệu người
sử dụng, đạt mật độ 23,95%.
(5) Hoạt động xuất nhập khẩu
Kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm trong các tháng gần đây; từ 6 tỷ USD
trong tháng 8, đến tháng 11 giảm xuống 4,8 tỷ USD; tháng 12 là tháng cuối năm,
các doanh nghiệp đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu,
nhưng cũng chỉ đạt 4,9 tỷ USD. Tính chung cả năm 2008, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 62,9 tỷ USD, tăng 29,5% so với năm
2007. Nếu không tính dầu thô, kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng khoảng 30%,
trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu
thô) ước đạt 24,45 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 38,9% và tăng 26,8%. Kim ngạch
xuất khẩu bình quân đầu người đạt khoảng 735 USD.
Năm 2008 có 11 mặt hàng xuất khẩu
đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, gồm: Dầu thô (10,45 tỷ USD); dệt may (9,1 tỷ USD);
giày dép (4,7 tỷ USD); thủy sản (4,56 tỷ USD); gạo (2,9 tỷ USD); sản phẩm gỗ
(2,78 tỷ USD); hàng điện tử, vi tính và linh kiện (2,7 tỷ USD); cà phê (2,02 tỷ
USD); cao su (1,6 tỷ USD); than đá (1,44 tỷ USD); dây cáp điện (1,01 tỷ USD).
Khó khăn lớn nhất trong hoạt động
xuất khẩu hiện nay là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do ảnh hưởng của suy
thoái kinh tế dẫn đến nhu cầu giảm; giá xuất khẩu giảm sút mạnh, nhiều mặt hàng
xuất khẩu lớn của ta như: dầu thô giá chỉ còn bằng ¼ mức giá cao nhất trong
tháng 7/2008; giá xuất khẩu lương thực và nhiều nông sản, hải sản đã giảm
30-50%,...
Kim ngạch nhập khẩu tháng 12 năm 2008 ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 9,7% so
với tháng 11; cả năm 2008, kim ngạch nhập khẩu đạt 79,92 tỷ USD, tăng 27,5% so
với năm 2007; trong đó, nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 28,46
tỷ USD, tăng 31%.
Các mặt hàng nhập khẩu tăng trong
năm 2008 chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất như: xăng dầu ước đạt 12,66 triệu tấn, tăng 0,5%; phôi thép
2,2 triệu tấn, tăng 4,6%; thép thành phẩm 5,63 triệu tấn; máy móc thiết bị, phụ
tùng 13,6 tỷ USD, tăng 28,4%; linh kiện điện tử 3,67 tỷ USD, tăng 23,1%; vải
4,45 tỷ USD, tăng 13,4%,...
Nhập siêu: Năm 2008 ở mức khoảng 17 tỷ USD,
bằng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn năm 2007 cả về giá trị và tỷ lệ so
với tổng kim ngạch xuất khẩu.
(6) Đầu
tư phát triển
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm
2008 ước đạt khoảng 580 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2007 (nếu loại trừ
yếu tố trượt giá khoảng 20% thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2008 giảm
khoảng trên 10% so với năm 2007), bằng 39% GDP, thấp hơn nhiều so với năm 2007
là 45% GDP, trong đó vốn đầu tư thuộc ngân
sách nhà nước ước đạt khoảng 118 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với thực hiện năm
2007. Nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước ước đạt khoảng
40 nghìn tỷ đồng (đạt kế hoạch). Nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp
nhà nước đạt 65 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với ước thực hiện năm 2007. Nguồn
vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt 180 nghìn tỷ đồng,
tăng 7% so với ước thực hiện 2007. vốn đầu
tư thực hiện của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 143 nghìn
tỷ đồng.
Thu hút vốn ODA có chuyển biến tích cực. Tại Hội nghị CG tổ chức vào đầu
tháng 12/2008 tại Hà Nội, các nhà tài trợ đã cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam 5,014
tỷ USD. Giải ngân ODA cả năm 2008 ước đạt 2.200 triệu USD, tăng 10% so với thực
hiện năm 2007, trong đó, vốn vay đạt 1.950 triệu USD, viện trợ 250 triệu USD.
Vốn đầu
tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng do các nhà đầu tư nước ngoài
tiếp tục tin tưởng ở sự ổn định và phát triển dài hạn của Việt Nam. Tuy nhiên,
đã có những dấu hiệu chậm tiến độ đầu tư ở một số dự án lớn. Tổng mức vốn giải
ngân năm 2008 đạt 10,5 tỷ USD, trong đó phần vốn nước ngoài khoảng 8,5 tỷ USD. Tổng
số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm trong tháng 12 đạt 1.473 triệu USD, đưa tổng
vốn năm 2008 của dự án cấp phép mới và vốn đăng ký tăng thêm của các dự án đang
hoạt động ước đạt 64.011 triệu USD, tăng 229,8% so với năm 2007; trong đó vốn
cấp phép mới là 60.271 triệu USD với 1.171 dự án, tăng 322% về vốn và tăng 75,8%
về số dự án so với năm trước; vốn tăng thêm là 3.740 triệu USD với 311 dự án.
(7). Thu chi ngân sách, giá cả
Hầu hết các khoản thu chủ yếu của NSNN đều giảm trong
những tháng cuối năm. Ước tính tổng thu ngân sách nhà nước năm 2008 đạt khoảng 399 nghìn tỷ đồng,
trong đó: thu nội địa đạt 210 nghìn tỷ đồng, tăng 5 nghìn tỷ đồng so với số đã
báo cáo Quốc hội; thu từ dầu thô đạt 94 nghìn tỷ đồng, giảm 4 nghìn tỷ đồng so
với số đã báo cáo Quốc hội trên, do giá giảm mạnh và sản lượng giảm khoảng 1,8
triệu tấn so với số báo cáo Quốc hội; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu
đạt khoảng 91 nghìn tỷ đồng, do kim ngạch nhập khẩu những tháng cuối năm giảm
cả về lượng và về giá.
Chi ngân sách nhà nước năm 2008 ước đạt khoảng 474 nghìn tỷ đồng, trong đó chi
đầu tư phát triển đạt 118 nghìn tỷ đồng.
Hoạt động tiền tệ, tín dụng đã được chủ động hơn, nhiều biện pháp, chính sách đã được
triển khai đồng bộ đã giúp cho việc điều hành tài chính tiền tệ linh hoạt hơn
và theo sát với tình hình thực tế. Tuy nhiên, trong hoạt động tiền
tệ, tín dụng còn nhiều khó khăn và rủi ro, nợ xấu đang có chiều hướng tăng lên.
Thị trường chứng khoán hoạt động không ổn định. Thời gian gần đây, có lúc chỉ
số chứng khoán đã giảm xuống dưới 300 điểm.
Về giá
cả: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 tiếp tục giảm so với tháng trước và
chỉ số giá tháng 12 so với cùng kỳ năm trước tăng 20%, thấp hơn 4% so với số đã
báo cáo Quốc hội. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm so với năm trước tăng
23%.
2. Về các hoạt động xã hội
(1) Giáo dục đào tạo: trong tháng 12, ngành giáo dục đào tạo tổ chức hội nghị giao ban lần thứ
nhất năm học 2008-2009 tại 7 vùng trong cả nước. Tiến hành rà soát quy trình
bảo đảm điều kiện và thủ tục thành lập trường đại học. Mở lớp tập huấn về đổi
mới kiểm tra, đánh giá một số môn học: văn, toán, hóa học,... cho cán bộ, giáo
viên cốt cán của các sở giáo dục và đào tạo.
Đồng thời,
trong tháng 12 ngành giáo dục đã tổ chức hội thảo quốc gia về đào tạo nhân lực
ngành chế biến nông, lâm, thủy sản tập trung đào tạo cho nông nghiệp, nông thôn
và đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông
thôn. Đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp ngành chế biến nông, lâm, thủy sản;
đào tạo đội ngũ cán bộ công chức xã có kiến thức quản lý nhà nước.
Về triển khai thực hiện nguồn trái phiếu Chính phủ cho
giáo dục, hiện nay Bộ giáo dục và Đào tạo đang triển khai thực hiện, lên danh
mục các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và báo cáo các
cơ quan liên quan triển khai thực hiện việc phân bổ nguồn vốn này.
(2) Giải quyết việc làm: trong tháng 12, tình hình sản xuất kinh
doanh tương đối ổn định hơn các tháng trước, do các bộ, ngành, địa phương đang
thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất, nhằm hoàn thành nhiệm vụ cuối năm.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều khó khăn như ảnh hưởng của giá cả, sức mua một số loại
hàng hóa của Việt Nam trên thị trường
quốc tế bị sụt giảm, tác động đến giải quyết việc làm, thu nhập của người lao
động. Tình trạng sản xuất cầm chừng, thiếu việc làm và thu nhập thấp, trái
ngược với các năm trước. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã
phản ứng với Chính phủ Việt Nam về việc điều chỉnh lương tối thiểu và thu kinh
phí công đoàn vì cho rằng đây là gánh nặng cho doanh nghiệp trong điều kiện
kinh tế đã suy giảm. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại
Việt Nam do suy giảm kinh tế cũng thu hẹp sản xuất, nên số lao động thất nghiệp
cũng tăng lên.
Ước trong tháng 12, giải quyết việc làm chỉ đạt
khoảng 10,5 vạn lượt lao động, bằng 70% so với tháng trước và đưa số lao động
được giải quyết 12 tháng lên 1,615 triệu lượt người, bằng 95% kế hoạch cả năm.
Xuất khẩu lao động cũng đang gặp nhiều khó khăn, do
tình hình suy thoái kinh tế của các nước tiếp nhận lao động xuất khẩu (như Nga,
Séc, Đài Loan, Trung Đông, v.v… Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa đánh
giá cụ thể về số lượng lao động đi xuất khẩu, nhưng đã thông báo có tình hình
cắt giảm số lượng lao động tiếp nhận đến các nước và một số lao động đang làm
việc ở nước ngoài buộc phải chấm dứt hợp đồng để về nước, do không có việc làm.
Trong tháng 12, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang
chỉ đạo công tác chuẩn bị nội dung Hội nghị về 61 huyện nghèo nhất nước, nhằm
đảm bảo việc thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo tại các huyện này.
(3) Y tế
- chăm sóc sức khỏe nhân dân: Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo làm
tốt công tác y tế dự phòng và phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là chuẩn bị cho
công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của năm 2009. Tăng cường công tác kiểm soát
tình hình phòng chống dịch bệnh tại các địa phương. Mới đây, bác sĩ tại Bệnh
viện Nhi Trung ương đã mổ thành công tách hai cháu bé song sinh bị dính một
phần nội tạng, góp phần vào thành tựu chung của nền y học thế giới, cứu sống và
tạo điều kiện để cho những đứa trẻ bất hạnh có thể sống và phát triển bình
thường như các trẻ em khác.
(4) Tình hình lây nhiễm
HIV/AIDS: số mới phát hiện nhiễm HIV
tích lũy từ đầu năm đến nay là 16.560 trường hợp, số bệnh nhân AIDS là 6.557
trường hợp; số tử vong là 3.448 ca. Bộ Y tế đã triển khai hoạt động nhân Tháng
hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS; gây quĩ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS;
phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch tổ chức thi sáng tác phòng chống
HIV/AIDS. Tiếp tục chỉ đạo triển khai điều trị thí điểm Methadone tại Hải Phòng
và tp. Hồ Chí Minh; tổ chức hội nghị Điều trị, chăm sóc HIV/AIDS cho trẻ nhi
tại Đà Nẵng.
(5) Về vệ sinh an toàn thực phẩm: trong tháng 12 Bộ Y tế đã tập trung xử lý sữa nhiễm
melamine; đã xây dựng và qui định về thẩm quyền được công bố kết quả kiểm
nghiệm sữa đối với 22 phòng thí nghiệm được Bộ Y tế chỉ định tham gia vào công
tác kiểm tra chất lượng sữa. Tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm;
hướng dẫn các Sở Y tế các tỉnh, thành phố kiểm soát tình hình ngộ độc rượu;
v.v…; xây dựng thông điệp về VSATTP sau mưa lũ tại Hà Nội và một số địa phương
trong mùa mưa lũ gửi 63 tỉnh, thành phố và phát trên truyền hình VTV1 từ 18g30
đến 19g hàng ngày.
(6) Văn hóa thông
tin: các báo, đài phát thanh, truyền hình tập
trung tuyên truyền về những giải pháp chính sách khắc phục suy giảm kinh tế, hỗ
trợ đẩy mạnh sản xuất phát triển, nhất là đối với nông dân, các doanh nghiệp
vừa và nhỏ và các biện pháp chính sách hỗ trợ và an sinh xã hội. Tập trung
chuẩn bị cơ sở vật chất và các công tác chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng
Long Hà Nội. Đưa các thông tin
về hoạt động xây dựng đời sống văn hóa thông tin cơ sở và phòng trào toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
(7) Thể thao tiếp
tục được đẩy mạnh và đạt được nhiều thành tích trong thi đấu trong nước và quốc
tế. Mới đây đoàn Việt Nam đã tham dự đại hội thể thao Sinh viên Đông Nam á tại
Malaysia; tham dự giải Wushu vô địch trẻ thế giới tại Inđônêsia; đấu kiếm vô
địch Đông Nam á, giành 15 huy chương (8 HCV, 2 HCB, 5 HCĐ); đấu kiếm trẻ Đông
Nam á giành 3 huy chương (2 HCB và 1HCĐ); giải Cử tạ châu á giành 2 HCĐ; giải
Cầu lông Yonex Sunrise Việt Nam mở rộng, giành 1 HCV; đã tham gia giải bóng đá
khu vực Đông Nam Á AFF và đã vào trung kết.
Tóm lại, tình hình kinh tế xã hội tháng 12 và 12 tháng:
lạm phát đã được kiềm chế. Chỉ số giá giảm dần từ tháng 6 và liên tục đạt trị
số âm trong 3 tháng 10, 11 và tháng 12. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái
kinh tế thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và
suy giảm kinh tế nước ta. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng của các
ngành, lĩnh vực còn giữ được ở mức khá cao so với các nước khác nhưng đã giảm
nhiều so với năm trước, nhất là trong sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và một số
dịch vụ khác. Thu ngân sách nhà nước giảm trong những tháng cuối năm. Thị
trường chứng khoán hoạt động không ổn định, chỉ số giá chứng khoán giảm mạnh và
đang biến động ở mức rất thấp. Các mặt hoạt động xã hội đạt được nhiều kết quả
tích cực, nhưng vẫn còn nhiều bức xúc trong việc giải quyết việc làm, tệ nạn xã
hội, vệ sinh an toàn thực phẩm,...
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
TRONG QUÝ I NĂM 2009
Trước những khó khăn nêu trên, ngay trong Quý I/2009, đi
đôi với việc tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu tiêu, chỉ tiêu và giải pháp của
kế hoạch năm 2009 đã được Quốc hội đề ra, cần phải tập trung mọi nỗ lực để chủ
động ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất
khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Nghị
quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ ngày 11/12/2008 đã đề ra.
Một là, triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc
hội, Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ
Các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện ngay từ
đầu năm các Nghị quyết số: 23/2008/QH12 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
năm 2009 21/2008/QH12 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, Nghị quyết số 22/2008/QH12
về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2009.
Căn cứ chương trình kế hoạch triển khai Nghị quyết số
30/2008/NQ-CP, ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm
kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, các bộ, ngành,
địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện và báo cáo khó khăn, vướng mắc để kịp
thời xử lý.
Các bộ, ngành, địa phương cần sớm triển khai phân
bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2009 cho các đơn vị cấp dưới trực thuộc bộ,
ngành và địa phương theo Quyết định 1676/2008/QĐ-TTg
ngày 19 tháng 11 năm 2008 về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 và Quyết
định số 1675/2008/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2008 về giao chỉ tiêu kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.
Đối với vốn đầu tư phát triển, các bộ, ngành, địa phương
cần bố trí theo cơ cấu được giao, đúng mục tiêu kế hoạch, không bố trí vốn dàn
trải, phân tán, tập trung vốn cho các công trình hoàn thành. Các dự án khởi
công mới phải có đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định hiện hành; trong quy hoạch
được duyệt, đã có quyết định đầu tư, thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán được
duyệt. Ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự
án ODA.
Các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công
ty 91 phải gửi phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển cho Bộ Kế hoạch và Đầu
tư và Bộ Tài chính chậm nhất vào ngày 15/01/2009.
Hai là, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển
Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó
khăn và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh phát triển.
Đối với sản xuất nông, lâm, thủy sản, trước hết là việc hỗ
trợ để tiêu thụ một số sản phẩm có lượng hàng hoá lớn và sản xuất tập trung như: lúa gạo, thủy sản và một số nông sản
khác nhằm duy trì phát triển
sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Khẩn trương khôi phục cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội,
hỗ trợ và tạo điều kiện để ổn định đời
sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng của lũ lụt.
Huy động các
nguồn vốn, đẩy mạnh giải ngân để sử dụng có hiệu quả vốn ngân sách nhà
nước tu bổ hệ thống đê điều, cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới tiêu, hạ tầng thuỷ sản, neo đậu tàu thuyền tránh
trú bão, hỗ trợ kiên cố hoá kênh mương, trồng rừng và khuyến nông,
khuyến lâm, khuyến ngư.
Thực hiện các biện pháp để hỗ trợ giải quyết khó khăn
trong việc tiêu thụ các vật tư quan trọng như: sắt, thép, xi măng và các vật
liệu xây dựng khác.
Tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành đúng
tiến độ các công trình, dự án đang dở dang, đặc biệt là các dự án lớn, dự án
trọng điểm đã quá thời hạn hoàn thành thi công, nhất là các dự án thuộc các
lĩnh vực: năng lượng, đường cao tốc, sân bay, cảng biển, đường giao thông nông thôn; các dự án xi măng, vật liệu xây dựng.
Ba là, thực hiện giải pháp kích cầu đầu tư
Đi đôi với việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn,
tạo điều kiện và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trực tiếp đầu tư
phát triển sản xuất, kinh doanh, trong thời gian tới các bộ, ngành và địa
phương cần tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách sau đây để
thực hiện việc kích cầu đầu tư và chống suy giảm kinh tế:
Tổ chức
triển khai thực hiện các giải pháp kích cầu đầu tư, trong đó có việc triển khai
giải pháp kích cầu đầu tư thông qua việc cho vay với lãi suất ưu đãi đối với
các công trình dự án lớn có khả năng hoàn trả trong giao thông, xây dựng nhà ở
xã hội, nhà ở cho khu công nghiệp tập trung, nhà ở học sinh và sinh viên; thực
hiện chính sách bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa,... đẩy mạnh
cho vay hộ nghèo để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần
xóa đói giảm nghèo.
Các Bộ, ngành và địa
phương chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư và chủ
động làm việc với các bộ, ngành liên quan để hướng xử lý nguồn vốn cho các công
trình dự án hiện đang bị đình hoãn do không có vốn để thực hiện.
Bốn là, tiếp
tục đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu
Triển
khai ngay các giải pháp chính sách hỗ trợ xuất khẩu đã được quy định trong Nghị
quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ như: chính sách thuế xuất khẩu, hoàn thuế
VAT đầu vào,...
Đẩy
mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và có thị trường
xuất khẩu như các mặt hàng dệt may, giày dép, túi xách, cao su, xe đạp, phụ
tùng, các mặt hàng đồ gỗ. Xác định cụ thể các chính sách đối với từng nhóm mặt
hàng xuất khẩu (nhóm hàng xuất khẩu đã đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD; nhóm hàng
xuất khẩu có kim ngạch gần đạt 1 tỷ USD; nhóm mặt hàng mới tham gia xuất
khẩu).
Xác
định giải pháp đồng bộ để khai thác các nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ
cho sản xuất hàng hóa, kể cả hàng xuất khẩu, góp phần giảm giá thành sản xuất
và giảm dần sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sang
các khu vực ít bị tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế theo
hướng xúc tiến theo từng ngành hàng, từng hợp đồng xuất khẩu lớn. Bộ Công Thương kịp thời cung cấp thông tin về giá cả, thị trường trong và
ngoài nước đến các doanh nghiệp; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng phương
án chủ động đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá.
Tiếp
tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt về thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập
khẩu.
Năm
là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính
sách an sinh xã hội kịp thời, đúng đối tượng, những người thuộc diện chính sách,
người có mức lương thấp,...
Sáu là, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón
tết Nguyên đán 2009 vui vẻ, lành mạnh
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc tổ chức
đón Tết Nguyên đán. Ngành thương mại chủ động chuẩn bị sẵn sàng lượng hàng hoá
đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư trong dịp tết Nguyên đán sắp tới,
tránh gây ra những biến động lớn về giá cả, đồng thời đẩy mạnh việc kiểm tra
bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tăng cường công tác kiểm tra thị trường, hạn chế tình
trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt trên địa bàn các vùng
sâu, vùng xa,
Tổng công ty Đường sắt, Hàng không và ngành vận tải
các địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện vận tải (tăng tần xuất vận chuyển,
nâng cao chất lượng phục vụ...) để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại tăng cao
trong dịp Tết Nguyên đán năm 2009.
Các Bộ, ngành, địa phương tổ chức
chu đáo việc thăm hỏi, tặng quà cho thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có
công với cách mạng, đồng thời vận động nhân dân giúp đỡ các gia đình nghèo khó
khăn để mọi người đón tết vui vẻ.
Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế thấp nhất
tai nạn giao thông trong dịp Tết./.