Nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang thực hiện nhiều biện pháp xây dựng mối quan hệ chiến lược giữa ĐBSCL với TPHCM, miền Đông Nam bộ và Nam Trung bộ để mở rộng giao thương với các nước; kết hợp phát triển kinh tế trên đất liền, trên biển để buôn bán quốc tế.
Trong đó bao gồm: đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa; tiếp tục hòan thiện cơ sở hạ tầng, trước hết là giao thông, điện, nước, viễn thông; cải cách hành chính; tăng cường hoạt động hỗ trợ đầu tư, dịch vụ xúc tiến đầu tư, thương mại; phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường hợp tác giữa các tỉnh trong vùng …
Hiện nay, một loạt công trình lớn như Cảng biển Cái Cui, Khu công nghiệp Khí - điện - đạm Cà Mau, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, nhiều tuyến quốc lộ huyết mạch trong khu vực đang được xây dựng, nâng cấp. Một số tuyến đường thủy từ TPHCM đến Cà Mau đã được khôi phục. Sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) vừa được đưa vào khai thác phục vụ mục đích dân dụng nội địa. Các tỉnh đang đào tạo thêm 150.000 lao động có tay nghề cao. Theo Phòng công nghiệp và thương mại VN - Chi nhánh Cần Thơ, ĐBSCL có nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển, đặc biệt là lúa gạo, thủy sản . Tuy nhiên đến nay, vốn đầu tư vào đây vẫn còn rất thấp, chíếm chưa tới 10% so cả nước. Nguyên nhân chính là cơ sở hạ tầng, trình độ dân trí, trình độ của lực lượng lao động chưa đáp ứng kịp yêu cầu. ĐBSCL chưa có sân bay quốc tế, chưa có cảng biển. Các tuyến đường thủy cũng trong giai đoạn sơ khai. ĐBSCL còn yếu về công nghiệp, dịch vụ. Thủy sản có triển vọng nhưng phát triển chưa ổn định, bền vững... Chính vì vậy, dù 13 tỉnh thành đều trải thảm đỏ mời gọi đầu tư từ nhiều năm qua nhưng kết quả đạt được chưa cao./.