Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/04/2008-09:06:00 AM
Đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trao đổi với Báo Đầu tư về các giải pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát, đồng thời giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý.

Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, đồng thời giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nói rõ hơn về các giải pháp này.

Thưa Bộ trưởng, kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều khó khăn khiến tốc độ tăng trưởng giảm sút và có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng. Điều này đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam ra sao?

Đúng là kinh tế thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nhiều quốc gia, nhưng theo đánh giá chung thì tình hình phát triển kinh tế của nước ta trong quý I vẫn giữ được ở mức cao. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng trong quý I năm 2008 vẫn giữ được ở mức 7,4%. So với cùng kỳ năm 2007 có thấp hơn 0,4%, nhưng nếu so với quý I của các năm 2005 và 2006 thì tốc độ tăng trưởng quý I năm nay vẫn ở mức cao.

Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu thì lạm phát lại tăng nhanh, thưa Bộ trưởng?

Đúng vậy, do ảnh hưởng của lạm phát thế giới nên vấn đề cân đối vĩ mô của nước ta thời gian qua cũng bị tác động xấu. Trước hết, đó là chỉ số về giá trong quý I này đã tăng 9,19%, trong tháng 3 tăng 2,99%. Mặc dù tốc độ tăng giá tháng 3 đã có dấu hiệu giảm hơn tháng 2 (3,56%), nhưng tựu chung lại thì cả quý I tốc độ tăng giá là ở mức cao.

Giá cả tăng cao đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là đối với người làm công ăn lương, công nhân các khu công nghiệp, rồi một bộ phận nông dân ở những vùng không có sản phẩm hàng hoá. Nếu ở vùng nông dân có sản phẩm hàng hoá bán ra thị trường thì khi giá lên, sản phẩm bán được giá cao sẽ bù lại việc tăng giá của các mặt hàng thiếu yếu, nhưng đối với những vùng không có sản phẩm hàng hoá thì đây là vấn đề lớn. Trong khi chi phí đầu vào của nông dân vẫn cứ tăng cao như xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, giống…, nhưng họ lại không có sản phẩm hàng hoá bán ra thị trường nên nguồn thu của họ giảm đi.

Với những khó khăn hiện tại của nền kinh tế, Chính phủ có dự định trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP không?

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đưa ra dự kiến về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2008 sẽ giảm hơn kế hoạch từ 1% đến 2%. Như vậy, chỉ tiêu cụ thể sẽ là từ 6,5% đến 7,5%. Nếu điều kiện thuận lợi, khi chúng ta ổn định được kinh tế vĩ mô rồi thì có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao, nếu tình hình kinh tế vĩ mô xấu đi thì chúng ta phải điều chỉnh mục tiêu thấp đi.

Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu giữ được tốc độ tăng trưởng từ 6,5% đến 7,5% cũng là một mức tăng trưởng tốt. Trong điều kiện hiện nay cũng phải nói rằng đây là một chỉ tiêu rất khó khăn. Đồng thời, nếu chúng ta đặt mục tiêu chống lạm phát không cao hơn năm 2007 (là 12,63%) thì đây cũng là một thách thức không nhỏ.

Một trong những giải pháp nhằm chống lạm phát là xem xét điều chỉnh lại các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Phải nói rằng, tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước thời gian qua tăng không nhiều, vì vậy chúng tôi không đặt vấn đề cắt giảm tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, các bộ, ngành và địa phương cần phải xem xét lại để sắp xếp các dự án cho hợp lý. Hiện nay, do giá cả vật liệu đầu vào của các công trình tăng lên nên khối lượng xây dựng sẽ nhỏ đi. Với khoản tiền đầu tư không thay đổi thì điều dễ hiểu là sẽ thiếu tiền để thực hiện các dự án.

Vì vậy, Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành và địa phương phải xem xét bố trí hợp lý các nguồn vốn để các dự án đạt hiệu quả cao nhất. Các dự án nào sắp hoàn thành và sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao thì tập trung làm dứt điểm, còn những công trình mới khởi công hoặc sắp khởi công thì sẽ phải xem xét để giãn tiến độ chờ kế hoạch vốn của năm sau mới thực hiện.

Về phía các doanh nghiệp phải làm gì để thích ứng với khó khăn của nền kinh tế?

Chính phủ đã chỉ đạo, trước hết là các doanh nghiệp nhà nước phải tiến hành điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình. Thứ hai là phải tập trung vào các ngành hàng quan trọng, thiết yếu như xi măng, sắt thép, phân bón… để làm sao đảm bảo cung cấp đầy đủ cho thị trường.

Trong lĩnh vực nông nghiệp thì phải đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các mặt hàng hiện nay đang có thị trường và nhu cầu lớn ở trong nước. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cũng phải tự rà soát lại, đảm bảo những chi phí cho giá thành một cách hợp lý, đồng thời tích cực tìm kiếm phát triển thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu có hiệu quả.

Đức Minh
Báo Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1145
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)