Ngày 01/4/2008, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố bản báo cáo cập nhật về tình hình khu vực Đông Á- Thái Bình Dương đồng thời dự báo những thách thức cho Việt Nam trong năm 2008.
Việt Nam vẫn tăng trưởng 8% trong 2008
Tăng trưởng nóng về tín dụng là một trong những vấn đề WB khuyến cáo Việt Nam cần tập trung giải quyết
|
Bản dự báo đầy màu sắc với những nhấn mạnh về các vấn đề nóng mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.
Báo cáo đưa ra 2 kịch bản đối với kinh tế nước ta với dự báo vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao.
Theo kịch bản thứ nhất Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 8% năm 2008 và sẽ tăng lên 8,5% cho năm 2009. Mức tăng trưởng xuất khẩu vẫn tiếp tục ở mức cao, 22% trong khi tăng trưởng đầu tư cố định ở mức10,8%.
Kịch bản thứ hai, GDP của Việt Nam năm nay ở mức 7,5% và tăng lên 8,1% cho năm 2009. Tăng trưởng xuất khẩu ở mức 18% và tăng trưởng đầu tư cố định sẽ duy trì ở mức của năm 2007 với 10,1%.
Ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với một số vấn đề như: Có dấu hiệu của một nền kinh tế quá nóng; cán cân vãng lai đã thâm hụt ở mức đáng ngại; lạm phát gia tăng; giá tài sản tăng cao; vấn đề bong bóng trên thị trường bất động sản; tín dụng ngân hàng tăng ở mức rất cao… Những vấn đề này kết hợp lại đã dẫn đến việc tạo ra một vòng xoáy luẩn quẩn.
Theo đó những dấu hiệu của tăng trưởng nóng thể hiện ở một số điểm như: Tỷ lệ lạm phát tăng mạnh từ mức 6,6% (12/2006) lên 15,7% tính đến tháng 2/2008. Bên cạnh đó, lạm phát gia tăng thể hiện sự tăng giá quốc tế, đặc biệt giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu và vật liệu xây dựng. Với chính sách gắn tỷ giá đồng Việt Nam với đồng đô la Mỹ và một nền kinh tế đang ngày càng mở cửa, sự biến động về giá cả của thế giới đã được phản ánh qua mặt bằng giá trong nước.
Theo phân tích của ông Rama, năm 2007, Việt Nam ghi nhận cán cân vãng lai thâm hụt ở mức đáng ngại (ước tính khoảng 9,3% tới 9,7% GDP). Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng gần 40%, trong đó máy móc thiết bị tăng 56,5% do nhu cầu đầu tư của các dự án lớn trong nước.
Mức tăng nhập khẩu cao đối với nguyên vật liệu (40%) dùng trong sản xuất hàng may mặc và giày dép xuất khẩu, hóa chất, chất dẻo và sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Vấn đề tín dụng ngân hàng tăng ở mức rất cao, từ 25,4% năm 2006 lên hơn 50% tính đến tháng 11/2007 cũng là một vấn đề Việt Nam cần phải tập trung giải quyết. Tốc độ tăng quá lớn gây ra những mối quan ngại về chất lượng các hạng mục đầu tư của ngân hàng.
“Tăng trưởng tín dụng cao chủ yếu xuất phát từ việc tăng dự trữ ngoại hối ở mức kỷ lục trong năm qua. Dự trữ ngoại hối gia tăng do Nhà nước thực hiện chính sách mua ngoại tệ để ngăn ngừa tình trạng tăng giá của tiền đồng trong bối cảnh các luồng vốn ồ ạt đổ vào Việt Nam”- ông Rama cho biết.
Tăng trưởng nóng không phải do chi tiêu ngân sách quá cao
Một điểm đáng lưu ý được WB đưa ra đó là tăng trưởng quá nóng của Việt Nam không phải là kết quả của việc chi tiêu ngân sách quá cao của Chính phủ. Báo cáo lý giải, theo tiêu chuẩn quốc tế, mức thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong năm 2007 ước tính vào khoảng 1% GDP.
Thâm hụt ngân sách chung (bao gồm các hạng mục chi tiêu ngoài ngân sách như phát hành trái phiếu chính phủ cho phát triển giáo dục, hạ tầng cơ sở….) ước tính ở mức 5% GDP nên đây không được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng nóng của Việt Nam.
Tuy nhiên, WB cũng khuyến cáo cần siết chặt hoạt động vay vốn của khu vực công, khu vực có thể chịu nhiều sức ép hơn khi điều chỉnh kinh tế vĩ mô. Cùng với đó một số khoản vay đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước cần được xem xét lại. Đặc biệt các khoản vay để thực hiện các dự án công không mang tính cấp thiết và không hiệu quả cần phải dừng lại hoặc hủy bỏ.
“Tuy nhiên, thắt chặt chi tiêu của khu vực công không phải là giải pháp tốt nhất nếu tăng trưởng xuất khẩu bị chậm lại”- Đại diện WB cho biết.
Trao đổi với Tiền phong, một số chuyên gia kinh tế cho biết bản báo cáo được WB đưa ra ngày hôm nay đánh giá khá lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên cũng có điều cần lưu ý đó là các số liệu được đưa ra trong báo cáo không quá cập nhật so với diễn biến thực tế của Việt Nam trong thời điểm hiện nay.
Thị trường bất động sản ở Việt Nam có dấu hiệu bong bóng trong thời gian qua. Giá 1m2 nhà đã tăng rất mạnh trong những năm gần dây. Theo kết quả điều tra mức sống của Tổng cục Thống kê được công bố mới đây, giá 1m2 nhà tại TP.HCM trong các năm 2002, 2004 và 2006 đã có mức tăng rất mạnh lên tới 80 USD.m2 vào cuối năm 2007 mà không có chỗ để cho thuê.
Cùng với đó trong vài năm qua giá các loại nông sản, nguyên vật liệu tăng rất mạnh. Thống kê cho thấy giá của một số mặt hàng, tính từ tháng 1/2003 đến nay đã tăng lên tới 400%.
Phạm Tuyên
Báo Tiền phong Online