Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/04/2008-12:06:00 PM
Cắt giảm chi tiêu công sẽ linh hoạt theo từng địa phương

Bên hành lang cuộc họp của Thủ tướng với lãnh đạo các tỉnh phía bắc để bàn về các giải pháp kiềm chế lạm phát, tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Võ Hồng Phúc đã trả lời báo chí về các biện pháp này.

- Thưa Bộ trưởng, trong các biện pháp kiểm soát lạm phát mà Chính phủ đề ra có một biện pháp là tiết giảm chi tiêu công, vậy thì phải tiết giảm như thế nào?

- Chi tiêu công bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư. Chính phủ chủ trương rằng, trong tình hình hiện nay, chúng ta phải giảm chi tiêu công, trong đó có chi dùng thường xuyên. Chi thường xuyên gồm: Chi cho hành chính sự nghiệp, chi tiếp khách.

Tuy nhiên, Chính phủ chưa đặt vấn đề giảm chi đầu tư, nhất là khu vực đầu tư từ ngân sách nhà nước. Bởi vì tổng mức đầu tư ngân sách nhà nước đã được QH thông qua thì phải giữ tổng mức đó; nhưng vì hiện nay, do giá cả leo thang trong khi khối lượng vốn không thay đổi thì không thể nào hoàn thành khối lượng công việc như ban đầu định ra; vì thế, danh mục dự án phải cắt giảm hoặc xem lại.

Vì lẽ đó, Chính phủ chủ trương yêu cầu các bộ, ngành và địa phương có sử dụng ngân sách cho đầu tư phải rà soát lại hạng mục công trình. Những công trình nào chưa cấp thiết thì dừng lại chưa triển khai, những công trình đang triển khai dở dang thì ưu tiên dồn vốn cho những dự án có yêu cầu cấp thiết hơn, để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Còn có một nội dung đầu tư công nữa, đó là đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước sử dụng tín dụng đầu tư. Trong thời gian qua, dư nợ tín dụng cho đầu tư tăng trưởng quá lớn. Thông thường, tiền lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng cho đầu tư chỉ đạt từ 26 - 30%, nhưng năm 2007 con số này đã tăng ở mức 53,88%. Một con số quá lớn.

Bên cạnh đó, trong quý I/2008, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp giảm dư nợ tín dụng xuống nhưng dư nợ tín dụng vẫn tăng 10,8%, trong khi bình thường như quý I/2007 chỉ tăng 5,04%. Vì thế, mục tiêu của Chính phủ trong đầu tư công, đầu tư có liên quan đến nguồn vốn nhà nước thì các DN phải rà soát và xem lại.

- Vậy tiêu chí cụ thể để rà soát và xem lại các hạng mục chi tiêu công gồm cả đầu tư công là như thế nào?

- Cái này tuỳ thuộc vào từng yêu cầu cụ thể của mỗi địa phương, không thể cứng nhắc cho tất cả các địa phương. Chẳng hạn, ở miền núi thì không thể cắt giảm đầu tư đường sá, trường trạm, bệnh viện, Chương trình 135... Hoặc đối với những tỉnh Đồng bằng sông Hồng thì vấn đề thuỷ lợi là quan trọng và không thể cắt giảm ở đây được.

Với tinh thần đó, Chính phủ muốn tạo ra sự chủ động từ các địa phương là chính. Chính phủ bảo đảm không giảm tổng số vốn đã duyệt nhưng vì giá cả tăng nên khối lượng công trình phải giảm. Còn giảm như thế nào thì địa phương phải chủ động để giảm.

Đối với các công trình do bộ ngành quản lý, nhất là những công trình lớn thì Chính phủ giao cho Bộ KHĐT phối hợp với các bộ ngành đó chủ động cắt giảm. Chẳng hạn, hiện tại chúng ta đang triển khai một số bảo tàng, nhưng thấy rằng chưa cần thiết thì cũng cần cắt giảm.

- Để kiềm chế lạm phát, Bộ Tài chính đã có quyết định tăng thuế nhập khẩu (NK) đối với một số mặt hàng, trong đó có ôtô nguyên chiếc, nhưng tại sao không tăng thuế NK linh kiện ôtô, đây có phải là điều bất hợp lý và là hình thức bảo trợ cho các DN lắp ráp trong nước?

- Đúng là không tăng thuế NK linh kiện ôtô là điều không hợp lý. Trước tình trạng này, Bộ KHĐT đã có đã kiến nghị với Chính phủ với nội dung: Nếu đã tăng thuế để hạn chế NK ôtô thì có 2 cách tăng: Thứ nhất, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, áp dụng đồng loạt đối với người sử dụng ôtô. Thuế này dùng để phát triển cơ sở hạ tầng. Thứ hai, tăng thuế NK với cả nguyên chiếc lẫn linh kiện như nhau để đảm bảo cạnh tranh giữa các DN và quyền lợi người tiêu dùng. Nếu không, sẽ tạo ra sự độc quyền của các DN. Đề nghị này của chúng tôi đã được Thủ tướng chấp thuận và chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh lại thuế đối với mặt hàng này.

- Trong các nhóm giải pháp để phát triển kinh tế, Chính phủ đã cảnh báo và sẽ "thổi còi" DN hoạt động đầu tư quá 30% ngoài lĩnh vực hoạt động chính, vì sao phải làm như vậy?

- Đầu tư quá nhiều ra ngoài nhiệm vụ chính rất nguy hiểm vì khi thấy lợi nhuận trước mắt cao, các tập đoàn và tổng Cty sẽ bỏ nhiệm vụ chính của họ để đầu tư ra ngoài. Khi Chính phủ cho phép thành lập các tập đoàn, tổng công ty là để kinh doanh các ngành hàng mà Chính phủ đã hoạch định từ trước.

Đầu tư ngoài nhiệm vụ chính sẽ xảy ra hai hiện tượng: Thứ nhất, họ bỏ rơi và không đảm đương được nhiệm vụ trọng tâm mà Nhà nước đã giao cho. Thứ hai, khi đầu tư ngoài sẽ xảy ra hiện tượng đầu tư chéo nhau và đầu tư chéo trong hệ thống ngân hàng.

Kinh nghiệm tại một số nước trong khu vực khi xảy ra khủng hoảng kinh tế 1997 - 1998 cho thấy, nếu nền kinh tế xảy ra khủng hoảng sẽ rất khó kiểm soát và đổ vỡ tài chính sẽ bắt đầu từ chính các tập đoàn này và kéo theo đổ vỡ dây chuyền.


Báo Lao động

    Tổng số lượt xem: 1109
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)